"Một nửa là người" của Nguyễn Thị Bích Yến ám ảnh mãi tôi
Tập truyện ngắn “Một nửa là người” của Nguyễn Thị Bích Yến gồm chín truyện, 198 trang là những mảnh ghép đa màu về con người, cuộc sống, cuộc đời… Lối viết của Bích Yến vừa mang tính hiện thực vừa mang màu sắc huyền ảo. Những câu chuyện của chị đưa đến những cái nhìn thao thiết, đầy tư duy, trăn trở đối với nhân vật của mình. Một số nhân vật của Bích Yến hiện hữu nhiều góc khuất một nửa là Con, một nửa là Người. Từng gương mặt với phận đời nổi trôi cùng nhiều biến cố, thăng trầm hiện ra chân thực, sắc nét, sinh động. Mỗi nhân vật của chị vừa ý thức được sự tồn tại của mình, vừa bị dày vò, giằng xé với những ký ức, hoài niệm từ miền thẳm xa. Nhân vật của chị hình như cảm nhận được kiếp nhân sinh lắm gian truân, lầm lạc, đứng trước lằn ranh giữa thằng Con và thằng Người, tạo nên miền sáng, tối, nội tâm và thế giới tâm linh đầy bí ẩn đặt trong các tình huống đa đoan, nghiệt ngã, trớ trêu. Mỗi truyện ngắn của chị tôi đọc đến vài lần và nó luôn vang lên thông điệp rất đa chiều: tình yêu thương, vị tha, lòng trắc ẩn, sự kiên gan, sự phản bội, sự lừa lọc, hèn nhát, sự giằng xé dữ dội, quyết liệt giữa Con và Người… hài hòa giữa lý trí và tình cảm, ý thức và vô thức, bản ngã và tâm linh.
“Nữ Thánh độc mộc” kể về bến đò, khúc sông oằn mình dưới bom đạn, đã in dấu vào tâm trí người đọc những ngày chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Nơi đây, có một nữ thanh nên xung phong xin địa phương làm một việc tưởng như bình thường nhưng vô cùng nguy hiểm: chở đò đưa quân qua sông đi vào chiến trường dưới làn bom đạn giặc Mỹ. Nữ thanh niên xung phong ấy đã vượt lên tất cả sự nghiệt ngã của chiến tranh - trở thành biểu tượng của sự can trường, dũng cảm và đầy lòng nhân ái. Truyện hấp dẫn người đọc bởi cách nhìn mới, tình cảm mới về những điều, những việc tưởng như ai cũng biết cả rồi. Viết về nữ thanh niên xung phong trong chiến tranh đâu chỉ có mình Bích Yến, nhưng cái sắc sảo ở chị là không đem những thứ đã biết để “mông má, đánh bóng” cường điệu hoặc thổi phồng. Chị đã dùng đôi mắt tinh tế, tâm hồn nhạy cảm, lăng kính đa chiều của mình để soi chiếu vào những vấn đề quen thuộc ấy, ở một bình diện khác, nhằm phát hiện và tìm tòi ra những ngóc ngách lẩn khuất. Cái tạo nên sự khác biệt ở ngòi bút Bích Yến là ranh giới giữa Con và bản chất rất Người của nữ thanh niên xung phong này. Chính sự mới mẻ trong những điều quen thuộc ấy làm cho người đọc cảm thấy thú vị, khám phá ra thêm những điều mình chưa biết về những việc tưởng như đã biết!
Truyện bắt đầu ở một bãi dâu ven sông, khi tác giả “tìm kiếm cảm hứng” “vượt sông bằng đò để du sông, hóng gió” (tr.6). Nhưng rồi gió đông và bóng tối ập đến, tác giả chạy thục mạng, như ma đuổi về phía có tiếng lợn kêu, đã gặp được người phụ nữ đang cho lợn ăn phía sau nhà. “Căn nhà tềnh toàng những gió là gió, mọi thứ cũ ải như muốn sụp đổ…” “ánh lửa hồng hắt lên khuôn mặt người phụ nữ đã luống tuổi. Gò má chị nhô cao, các cụ thường bảo ấy là tướng sát chồng. Làn da đã xạm nắng, màu nâu đồng, cặp mắt u sầu như cơn mây báo bão” (tr.7). Chị tên là Vũ, người con gái ấy, đêm tân hôn mà vẫn chưa biết “mùi đời” vì bị hành kinh “ôm vợ trong lòng anh thở dài: “thôi để dành… rồi anh sẽ về” (tr.10). Người chồng ấy ra đi và không bao giờ trở về, để lại trong chị nỗi đau tan nát: “Vũ chạy ra bờ sông ngửa mặt lên trời gào thét… Chị chạy như điên loạn giữa bãi sông” (tr.10). Từ mảng hiện thực đó, truyện bắt đầu điểm xuyến bằng sự hồi tưởng từ quá khứ xa xăm đầy sóng gió, bão táp cuộc đời; ăm ắp huyền thoại, ấm áp và nồng nàn, bi thương và cay đắng, dũng cảm và bình tĩnh, xem thường mạng sống, tràn đầy tính nhân văn… ở người nữ thanh niên xung phong này!
Hôm ấy đại đội 5 hành quân đến bờ Bắc thì trời tảng sáng, đành nghỉ lại làng, đợi trời tối thì vượt sông. Trước khi đưa đoàn qua sông, chị đi một vòng quanh các ụ đất thì gặp chú tân binh tên là Loan đang “sụt sùi”. “Chị đến bên ngồi xuống lấy cánh tay áo chấm nước mắt cho cu cậu. Bỗng cậu nức nở đổ ập vào chị” (tr.12-13). Thế là việc gì đến đã đến “cậu nhắm mắt run rẩy áp mặt lên chị. Những nhịp thở gấp gáp nồng nàn vị phù sa như bện vào nhau, như lặn vào nhau chìm dần vào vũng xoáy” (tr.14). Chẳng hiểu, cảnh tượng này thằng Con hay thằng Người ở họ đang diễn ra? Có lẽ cả hai! Rất Con, rất bản năng, nhưng cũng rất Người. Chàng trai chỉ kịp dứt vội chiếc cúc áo đặt vào tay chị như làm tin và hứa sẽ trở về khi đại đội trưởng hô các tiểu đội tập hợp. Bích Yến đã nhìn tận đáy tâm hồn của người phụ nữ này, để thấy hiện sinh tính dục, khỏa lấp nỗi cô đơn. Đó là nét riêng rất nữ tính, là cảm thức dục tính, góp phần đa dạng hóa cách nhìn con người bản năng! Nó thống thiết, ma mị như vọng lên từ lòng đất, là tiếng nói cất lên từ sâu thẳm tâm hồn khi con người đối diện với giới hạn kiếp sống. Nó thể hiện đầy đủ nhất tính chất bi thương của con người trong hoàn cảnh chiến tranh! Hình như người phụ nữ này đã nhận về phía mình mọi bất hạnh cuộc đời, chiến tranh đã đẩy chị đến tận cùng nỗi đau. Thế mà khi đưa đoàn quân qua sông, gặp phải máy bay ầm ầm lao tới trút bom “sông gầm lên, quằn quại như kẻ động kinh” (tr.15), chị đã kiên gan, ngang tàng, dũng cảm vượt lên cứu người giữa vũng xoáy của sông nước, bom đạn.
Chuyện chị đã gặp “người đàn ông cao ráo, hai vai bành bạnh trong bộ quân phục màu xanh” (tr.20); cuộc truy hoan nồng nàn, biến ảo giữa chị và người đàn ông ấy, đã làm “chị tê mê, chìm đắm vào thân thể vạm vỡ, ấm nồng đàn ông… Mùi đàn ông ngai ngái, mùi đàn bà ngây ngất lướt lát, chờn vờn trên chiếc giường ọp ẹp. Êm ái và thánh thót, chú chim mê mải hót, cuốn trôi người đàn bà ra đến cựa sông” (tr.21). Xong việc, người đàn ông ấy dứt áo ra đi, mặc cho chị níu kéo “Anh không thể bỏ đi như thế - chị nói như van vỉ nhưng cũng như ra lệnh khi đã bám tay vào mạn đò” (tr.22). Kẻ vô tình, hèn nhát, phản bội ấy đã “giơ mái chèo đập chan chát xuống bàn tay chị” (tr.22), dùng sào đẩy chị ra xa. “Người đàn ông vạm vỡ, hai tay giơ cao cán chèo nhằm đầu người đàn bà bổ tới” (tr.23). Vật lộn với rốn nước xoáy và bom Mỹ, “chiếc đò úp, cuồng nước xoáy miết cuốn trôi anh ta” (tr.23), kẻ vô tình, bội bạc đã chết chìm, mặc cho chị cố tìm cách cứu vớt. “Chị quần lên ngụp xuống cả khúc sông nhưng chẳng thấy xác của người đàn ông tối hôm qua đã ôm ấp chị” (tr.24)!
Nếu không đi sâu vào cuộc đời và có tầm nhìn biến ảo, liệu Bích Yến có đủ dũng khí để đào xới lại hiện thực, đào xới lại hậu quả của khốc liệt của chiến tranh? Hóa ra chiến tranh không chỉ là sự hào nhoáng của lý tưởng. Chiến tranh còn là chốn không nhà, không cửa, không đàn ông, không đàn bà, là chốn bi thương, là nơi chết chóc chờ chực. Bích Yến đã bước ra ngoài hiện thực ấy để quan sát cảnh ngộ, những kỷ vật thời chiến tranh “chiếc cúc áo, chiếc dây lưng bám bụi, chiếc lược tự tạo từ mảnh bom, vài ba tấm ảnh đã tróc màu, ố vàng, chiếc bi đông đựng nước có kích cỡ to nhất được đặt ở góc trong cùng”… (tr.8) của người ra đi chiến trận nay trở lại, người thì không trở về, mặc dù ai cũng hứa sẽ trở lại. Nếu không ngụp lặn vào cuộc sống, ngoi lên từ hiện thực cuộc đời, liệu Bích Yến có cái nhìn như vậy không? “Sống rồi hãy viết” (Nam Cao) - cách nói ấy thật xác đáng đối với Bích Yến khi viết truyện này. Chị đã mở hồn ra đón lấy những rung động của đời, từ đó mà quan sát và nâng lên tầm tư tưởng cho tác phẩm của mình!
Dù có lúc đã bị đẩy về phía bên kia phần Con, nhưng hình ảnh, tâm hồn Nữ Thánh dưới ngòi bút của Bích Yến vẫn rất Người, vẫn thấp thoáng một tâm hồn trung trinh nhân hậu. Giọng văn trôi dần về cuối truyện thấm đẫm tình thương mến, lòng nhân ái bao la. Dù cuộc đời trớ trêu và oái oăm khi cái Vượt, đứa con duy nhất của chị có được lại là giót máu của kẻ vô tình, hèn nhát, phản bội, thế nhưng ở chị có lòng vị tha, bao dung mênh mông “mười năm dưới mộ chắc anh ta cũng ân hận lắm rồi, đã đến lúc đưa bố nó lên bàn thờ, chuyển mộ sang khu đất cao chứ ngoài bãi lụt lạnh lắm cậu ạ” (tr.25). Người đọc theo mạch cảm hứng thấm đẫm tình người, bâng khuâng, xao động…!
Cuộc sống hiện nay, con người phải đối mặt với những mối quan hệ hết sức phức tạp, đa chiều; những vấn đề về nhân cách, đạo đức luôn là thời sự nóng hổi đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ khiến con người không thể không nghĩ đến. Đọc “Đất hiếm” của Bích Yến độc giả như được nếm một món quà chát đắng khi thực tế cuộc sống còn đầy rẫy những kẻ lừa lọc, hám tiền… nhưng cũng thật ấm lòng khi vẫn còn những con người thánh thiện, giàu lòng vị tha!
Chuyện kể về Tăng, một quân nhân, đại đội trưởng, đeo hàm trung úy, là thủ trưởng của nhiều người, nhưng đã bị “cái gã bụng phệ kia” (tr.104)”, “là sếp, là cấp trên của Tăng” (tr.87) tẩy não, lợi dụng nên đã trượt dài trên con đường “ăn thịt đồng loại” (tr.88), để rồi phải đứng trước vành móng ngựa và đích đến của hắn là trại giam. Cái “bụng phệ” như bóng ma lúc nào cũng ẩn, hiện trong phiên tòa để khống chế Tăng. Tăng muốn tố cáo nó, nhưng lại sợ “Cái loại tép riu như Tăng thì làm gì đủ tang chứng, vật chứng mà phang gã, lớ sớ lại còn mắc thêm trọng tội, bôi nhọ danh dự cấp trên thì ở tù mút mùa” (tr.87). Thế là “khuất sau hàng cột kia, lúc nào cũng hỏi Tăng: “Chú mày cần mấy suất ra quân sớm? Chú mày chuẩn bị được bao nhiêu tiền rồi? Mỗi suất không dưới vài chục triệu đấy nhé. Phần hoa hồng của chú mày cũng khá khẩm đấy. Anh không để chú mày phải thiệt, còn lấy đường làm ăn lâu dài…” (tr.100). Vì tiền mà Tăng đã sa ngã. Nói một cách công bằng, bản thân tiền bạc không có tội ác, lòng tham của Tăng đối với tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội ác. Tiền bạc một nửa là thiên thần, một nửa là ác quỷ; khi tiền bạc cứu vãn sinh mệnh con người, nó là thiên thần. Tiền bạc khi tước đoạt tính mạng hay làm hại con người, nó là ác quỷ. Để có tiền buôn đất hiếm, Tăng đã bất chấp tất cả, tiền đã biến nó thành ác quỷ. Gia đình, tình nghĩa mẹ con, tình nghĩa vợ chồng, bạn bè, ân nhân, đồng loại… tất cả những thứ thiêng liêng ấy đã bị Tăng vất bỏ để đổi lấy những giấc mơ đắm đuối giàu sang bằng lừa lọc, hại người “phải rồi, cả tám con người bị hại ngồi kia cũng không thể tin rằng cái miệng được tẩm ướp những lời thơm tho của một sĩ quan như Tăng lại có hàm nanh vuốt ăn thịt đồng loại như thế” (tr.88). Có nỗi buồn, nỗi dằn vặt, day dứt nào hơn khi mà họ bị kẻ lừa dối như Tăng qua mặt (!) Đó là nỗi ám ảnh, nỗi đau, nỗi giằng xé kinh hoàng mà những con người ngồi kia phải chụi đựng, vấp phải!
Với lối kể giản dị, mộc mạc nhưng hành văn biến ảo, đa dạng và cá tính Bích Yến cho ta thấy hình ảnh Tăng, bị cấp trên của hắn tha hóa, gây cho hắn bao bất hạnh và đến lượt hắn đi lừa lọc gây bao nỗi đau cho bao người. Những tưởng những người bị Tăng lừa lọc sẽ tìm cách trả thù vì Tăng đã mang đến cho họ những nỗi đau khủng khiếp. Có người rơi vào hoàn cảnh khánh kiệt gia sản, có người rơi vào hố thẳm cuộc đời… thế mà những con người đó vẫn đầy lòng vị tha, Giang, bà Hoa, vợ chồng thằng Cừ, anh Túng… đều lên tiếng xin tòa giảm án cho Tăng, thậm chí họ giục nhau mau lên “Đứng dậy nói đi kẻo không kịp cứu người ta nữa đâu” - một chị thúc dục (Tr.101). Con người ta sinh ra đều mang trong mình mầm thiện và muốn sống lương thiện. Sâu thẳm bên trong những con người đã từng bị Tăng dùng sự dối trá, lừa lọc khi đối diện với nỗi đau vẫn có những ngọn lửa lương thiện bùng cháy. Đằng sau lối kể về những mưu toan, mánh khóe được miêu tả bằng ngòi bút bi thương, Bích Yến vẫn tin vào lòng tốt của con người, tin vào cái thiện. Mầm mống của sự lương thiện dù nhỏ nhoi đến đâu, một khi được gieo lên trong tâm hồn, nó sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để chống lại những thứ xấu xa! Chẳng thế, khi tòa tuyên án, còng số tám tra vào cổ tay, “Tăng vừa kịp dúi vào tay mẹ tờ đơn giải thoát cho nàng: “Đơn li dị”. Nghĩa là trong Tăng con người lương thiện được đánh thức, hắn sống trong nỗi đau bị giằng xé… Bích Yến đã tiếp cận con người ở hai chiều tốt - xấu (Con và Người), đã ánh lên cái nhìn đầy bao dung độ lượng, dù ở đâu, vẫn le lói niềm tin bất diệt vào bản chất tốt đẹp của con người, khẳng định sức sống bền lâu của cái thiện - là đích đến của tác phẩm!
“Điểm chết” là truyện ngắn rất thành công của Bích Yến. Truyện bắt đầu bằng hình ảnh “cô uốn cong người bay vút lên không trung” (tr.27) và kết thúc bằng trận “cuồng phong từ chân trời gầm rú kéo đến, những đám mây vụn vỡ màu máu. Những cột mưa đỏ thẫm xối xả nhàu nát mặt đất” (tr.86). Bố cục của truyện tự do phóng khoáng nhưng rất chặt chẽ trong một kết cấu vòng tròn xâu chuỗi nhiều mẩu chuyện giàu chất tưởng tượng, tâm linh, truyền thống và văn hóa, cỗi nguồn mà hiện đại; nhiều bức tranh thiên nhiên lộng lẫy và huyền ảo, thơ mộng mà bí ẩn… vừa gần gũi, vừa xa vờ, luôn đan cài tạo nên một hiện thực kỳ ảo.
Nhân vật Lâm và Lâm Vân, kể cả cây nhãn tổ được Bích Yên xây dựng theo phương thức huyền thoại hóa. Nhân vật của chị đan xen yếu tố thực và ảo, gắn với những bí ẩn tâm linh. Nhưng đằng sau lớp áo nhiệm màu mà nhân vật được khoác lên lại là những điều rất thực trong cuộc đời. Cuộc đời nhân vật của Bích Yến không đơn giản như truyền thuyết hay cổ tích, không phải lúc nào ở hiền cũng gặp lành; ở Lâm và Lâm Vân khổ đau luôn nặng trĩu, những ảo tưởng, mơ mộng tiêu tan, hạnh phúc cũng khá mong manh… Bích Yến bộc lộ quan niệm về đời sống của con người trong sự đa chiều với sự tồn tại song hành của những điều đã biết và chưa biết, những điều giải thích được và những điều không giải thích được. Nhân vật của chị không được an nhiên, gặp may được Tiên, Bụt, Chim Thần… cứu giúp như trong truyền thuyết, cổ tích mà đầy bất trắc, giằng xé, khổ đau khiến người đọc không khỏi khắc khoải lo âu. Đi sâu khám phá những bí ẩn của con người, Bích Yến góp phần đem lại những con người thật sự và sự thật về con người. Ở “điểm chết” Lâm Vân đã làm cho “khản giả rú lên thất thanh” khi “trên cao độ, cô buông tay đổ ào xuống miền thăm thẳm rồi bất ngờ dừng lại cách mặt đất chừng một sải tay” (tr.28). Đó là công việc mạo hiểm với cái chết, thần kinh luôn căng thẳng, đòi hỏi sự dũng cảm, điêu luyện và hết sức bình tĩnh. Nhưng đối với Lâm Vân thì công việc khủng khiếp đó trở thành bình thường như cơm bữa. Cách viết theo kiểu va đập, táo bạo đó của Bích Yến nhiều lúc làm người đọc rợn người, dựng tóc…
Bằng mỹ cảm và độ nhạy bén, Bích Yến viết về cây nhãn tổ không thiếu vắng yếu tố kỳ ảo, đượm chút hoang đường cho nên nó mang bóng dáng của truyền thuyết nhưng không giống truyền thuyết cổ xưa của cộng đồng mà là truyền thuyết hiện đại của sự chủ quan cá nhân Bích Yến. “Cả vùng Lũng Lạng ai cũng biết truyền thuyết về cây nhãn tổ nằm trên trang trại nhà Lâm Vân” (tr.31). Nhưng điều kỳ lạ, bí ẩn là “muốn hái nhãn tổ, phải chay tịnh thân thể trước đó một tuần, tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới và lễ cầu, rồi mới được trèo lên cây” (tr.32). Làm trái điều này là mất mạng như chơi. Sự linh nghiệm đó đã ứng vào mẹ Lâm Vân, khi bà chưa tắm mà trèo lên nhãn tổ “định hái mấy chùm” (tr.33) và rồi “Mẹ chao nghiêng như cánh diều đứt dây” (tr.33) rơi xuống và chết. Nó cũng ứng nghiệm vào anh Lâm, khi anh cẩu thả trong “chay tịnh thân thể”, “chỉ kịp nhúng ướt chiếc khăn tắm lau qua người và thay quần áo” (tr.37) đã trèo lên cây nhãn tổ, nên bị rơi, nát mất một “quả cà”, suýt mất mạng. Bích Yến viết về yếu tố huyền ảo này không phải là cái gì hư vô bên ngoài hiện thực, bên ngoài con người mà nó được bắt nguồn từ chính thế giới tưởng tượng, thế giới tâm linh, thế giới nội tâm bí ẩn của con người. Yếu tố kỳ ảo đó gắn chặt với tâm lý của con người về những gì không lý giải được, về thế giới tự nhiên vẫn còn ẩn chứa nhiều bí mật mà giới hạn con người chưa thể đạt đến để giải thích nó. Việc sử dụng yếu tố huyền ảo đã giúp Bích Yến đi sâu khám phá thế giới tinh thần hết sức trìu tượng, khó nắm bắt của con người, ở phần nhân tính, mơ hồ và huyền diệu ấy. Nó bộc lộ quan niệm của Bích Yến về thế giới đa chiều mà ở đó tồn tại song song những yếu tố khó giải thích, luôn chuyển hóa những mặt đối lập: Duy lý- phi lý; tất nhiên- ngẫu nhiên; phúc – họa, may – rủi… Thế giới ấy không nhìn nhận một cách an nhiên mà đầy nỗi khắc khoải lo âu, những điều con người chưa thể biết trước được, đầy bất trắc. Mảng đời sống tâm linh vốn bí ẩn, phức tạp, kỳ ảo đã khơi dậy một vỉa tầng vô tận ở bề sâu, bề xa trong cõi lòng vi diệu. Cách viết này đã chạm đến vô thức văn hóa dân tộc, gợi bao suy ngẫm về cách hành xử với cõi vô hình – phần tất yếu của con người trần thế!
Xuyên suốt truyện là cuộc đấu giằng co, dữ dội giữa phần Con và phần Người, nó mong manh giữa một ranh giới. Xem ra phần Người cao cả “bất tử, vô hạn, thánh thiện” và phần Con “là thứ hữu hạn, tham lam” (tr.48); “nhưng chúng ta không thể tách rời thành hai phần riêng biệt, nó vẫn phải sống với một thằng Con, để thằng Người có nơi trú ngụ và tồn tại” (tr.48). Lâm và Lâm Vân là hai anh em khác giới, đã đến tuổi trưởng thành; việc khát khao tình dục cũng là lẽ thường tình. Chất “Con” có lúc tưởng như lấn át chất “Người” trong họ, rất may họ đã chế ngự được bản năng (chất Con), nếu không rơi vào thảm kịch loạn luân. Khi Lâm Vân thấy anh tồng ngồng không khỏi không thèm khát (?) “Cái lõa thể cường tráng nhấn hút vào cô, từng ngày, từng giờ, đầy ứ, căng cứng như muốn phát nổ. Đôi bồng đảo dựng lên như chiếc rađa gọi dòng sâu kín đang ứa ra. Chỉ cần một giọt lửa thôi, một giọt lửa kề ngòi đủ làm tiêu tan cả thế giới” (tr.44). Cũng như Lâm khi vào phòng em gái mình định làm gì… đâu phải một lần (?) “Đâu là loài nhãn rừng hoang dại tỏa hương tinh khiết giữa đêm. Lâm rón rén vào phòng em gái. Loài nhãn rừng mê hoặc, nở nang, trở mình, đánh rơi tiếng thở dài se sẽ. Vừa định đặt tay lên khuôn ngực ấy, anh vội rụt lại bấu chặt lấy chiếc gậy. Anh bồng bềnh, mất thăng bằng nhưng cố chống gậy về phòng” (tr.46). Hoặc “màu hồng quang phơn phớt, huyền ảo nhỏ giọt vào tấm thân trắng nõn nà, đôi quả đồi nhu nhú, căng bứng chiếc khuy cài. Tiếng trở mình mỏng tanh như đám lá nhãn trút sau thềm. Anh rên xiết nhắm nghiền mắt, ôm chặt lấy chân giường. Gài lại hàng cúc áo ngay ngắn cho em gái. Lâm bưng mặt bỏ ra khỏi phòng” (tr. 46). Giới hạn giữa Con và Người thật mong manh. Nếu lúc ấy Lâm chỉ tặc lưỡi, bụng bảo dạ “chỉ một lần thôi, “thằng Con trổi dây” việc gì sẽ xảy ra? Nếu không chế ngự được bản năng, điều chỉnh suy nghĩ, ý chí, thái độ… thì Lâm bước qua giới hạn “Người” trở thành “Con” một cách vô ý thức (?!) Rất may, Lâm kịp chế ngự cảm xúc, thèm muốn bản năng giúp anh hoàn thiện tình Người. Để làm Người viết hoa không đơn giản – hãy chế ngự bản năng từ những việc nhỏ nhất! Truyện của Bích Yến cho ta thấy con người vừa là thiên thần, vừa là ma quỷ. Cuộc sống của con người không thiếu ánh sáng và chất thơ nhưng bên cạnh ánh sáng, chất thơ còn có bóng tối, địa ngục.
Đọc các truyện ngắn của Bích Yến, tôi thấy nó vượt khỏi khuôn khổ, những ràng buộc “Khuôn vàng thức ngọc” trước đây. Truyện của chị vận động theo hướng phóng khoáng, tự do, dân chủ, hiện đại. Thế giới nghệ thuật của chị là thế giới đa dạng, đa chiều, phong phú và đầy biến ảo, bởi vậy khi đọc tác phẩm của chị không thể dùng sự suy nghĩ, suy xét và con mắt của xã hội học dung tục, đơn giản xuôi chiều, mà phải tìm cách tiếp cận hết sức biện chứng. Truyện của chị luôn nhấp nháy ngọn lửa của tình người như một điều không thể thiếu với cuộc sống. Nó đánh thức khát vọng, thắp sáng niềm tin và ở hoàn cảnh nào cũng thể hiện tính nhân văn, nỗ lực hướng thiện, niềm tin mãnh liệt vào Thiên Lương! Như chị đã từng nghĩ “Thiên mệnh của người viết là hàn gắn lòng người. Cao hơn nữa nếu anh viết sao cho ác quỷ cũng có thể sống được với người, đó là đi đến cái đẹp, đó là thiên năng của người viết”.
Chín truyện ngắn trong tập truyện “Một nửa là người” của Bích Yến là chín mảnh ghép khác nhau của cuộc sống sẽ cho độc giả những chiêm nghiệm riêng, để từ đó mỗi người trong chúng ta hiểu hơn về cuộc sống, cuộc đời và chính mình!
[1] Nhà xuất bản Văn học, năm 2008, tái bản năm 2011.