Người dân thờ ơ với túi tự hủy sinh học
Dù đã xuất hiện khá lâu cùng đặc tính ưu việt là thân thiện với môi trường, nhưng túi tự hủy sinh học vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Trong khi đó, túi nilon thông thường lại được sử dụng phổ biến cho dù nó là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường.
Để giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường, các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra lối thoát: Đó chính là túi tự hủy sinh học. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khiến cho túi tự hủy không được sử dụng rộng rãi để phát huy hết thế mạnh của mình.
Túi tự hủy sinh học là gì?
Túi tự hủy sinh học được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ như bột mì, bột bắp, bã mía, xơ dừa,… Khi được xả ra môi trường tự nhiên, dưới tác động của vi sinh vật, loại túi này sẽ chuyển hóa thành các chất hữu cơ dễ hòa tan hoặc thành carbonic, nước, các khoáng chất vô cơ,… Chính vì vậy, nó không gây ô nhiễm như loại túi nilon thông thường.
Túi tự hủy sinh học không có nhiều màu như túi nilon thường
Chất túi tự hủy trơn, mượt, dày dặn
Tính ưu việt của loại túi này chính là việc có thể tự hủy trong môi trường tự nhiên sau khoảng 2 – 4 tháng. Trong khi túi nilon thông thường phải mất đến 500 – 1000 năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Đồng thời, nó còn an toàn đối với sức khỏe người sử dụng.
Sự khác nhau cơ bản giữa túi tự hủy sinh học và túi nilon thường
Tốt… nhưng vẫn bị thờ ơ
Tốt như vậy nhưng lại chẳng mấy ai sử dụng loại túi này. Với mức giá từ 40.000 – 90.000đ/cuộn, túi tự hủy sinh học đắt hơn hẳn các loại túi nilon thông thường. Nài ra còn có loại túi tự hủy sinh học nhập khẩu dạng túi xách giá cao hơn so với sản phẩm trong nước.
Một tiểu thương tại chợ Sinh Viên cho biết: “Tôi có nghe nói đến loại túi này rồi nhưng không có ý định sử dụng vì giá cao hơn túi thường. Hại hay không chưa biết nhưng buôn bán nhỏ như tôi có lời lãi được bao nhiêu đâu. Nhỡ có khách nào xin mấy cái túi đựng cho chắc thì tôi cũng hết lãi”.
Những bãi rác, xe chở rác ngập tràn túi nilon là minh chứng rõ ràng nhất
cho sự phổ biến của loại túi này
Một nguyên nhân khác khiến túi tự hủy xa lạ với người dân là vì nó chưa được bày bán rộng rãi. Người tiêu dùng chỉ có thể mua tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa lớn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng lại không có thói quen mang túi theo khi đi mua sắm nên không mặn mà với việc mua túi tự hủy về và tái sử dụng nhiều lần.
Chị Hoàng Ly (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Dân mình thì cái gì tiện, rẻ là dùng thôi. Còn loại túi sinh học thì lại chỉ bán ở siêu thị lớn. Thành ra đi mua hàng người ta sẽ dùng luôn túi nilon của cửa hàng.”
Chị Hiền, kinh doanh đồ ăn sáng tại Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ rằng chưa từng biết đến hay nhìn thấy loại túi tự hủy vì chưa được giới thiệu và chào hàng bởi các đầu mối phân phối
Vậy giải pháp nào cho túi tự hủy sinh học đến gần với cuộc sống của mọi người, mọi nhà? Làm thế nào để hạ giá thành sản phẩm, bày bán sản phẩm rộng rãi, “bình dân hóa” túi tự hủy sinh học? Có lẽ cần phải có thêm những chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các cơ sở kinh doanh sử dụng túi tự hủy; có chiến dịch quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân.
Điều cần thiết nhất là những chương trình, hành động đánh vào tâm lí người tiêu dùng, làm thay đổi tư duy của người tiêu dùng về việc sử dụng túi nilon độc hại, khiến người dân không vì cái lợi, cái tiện trước mắt mà đánh đổi tương lai lâu dài của mình.
Trần Thị Ngọc Mai
Đa phương tiện k34A2
Cùng chuyên mục
Bình luận