Người giữ lửa ca trù

(Sóng Trẻ) - Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, ca trù vẫn lặng lẽ chảy như mạch nước ngầm bởi sự giữ gìn âm thầm không ngơi nghỉ của những người đã “trót mang lấy nghiệp vào thân”.Bảy đời giữ lửa ca trù


Từ ngôi nhà nhỏ trong ngõ phố Thụy Khuê, ngày ngày, tiếng hát du dương quyện cùng tiếng đàn đáy điêu luyện và tiếng trống chầu vẫn nhịp nhàng vang lên. Đó chính là nhà của nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Mùi, tay trống chầu cự phách đất Hà Thành, người đã có công rất lớn trong việc giữ gìn một loại hình nghệ thuật bác học bậc nhất trong các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Tôi đến nhà ông Mùi vào một buổi chiều mưa phùn, trời bắt đầu trở rét. Trong căn phòng nhỏ ấm cúng, chú Nguyễn Văn Khuê – người con trai cả của ông Mùi đang ân cần giảng dạy về nghệ thuật ca trù, về cách đàn, cách hát cho một người Mỹ. Những chỉ dạy chu đáo, tỉ mỉ về từng nhịp phách, từng đoạn nhạc, từng câu hát… cùng với ánh mắt chăm chú của người thượng tá bộ đội ấy đều toát lên một tình yêu ca trù vô bờ bến.

2311e6527_1.jpg

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi


Cũng giống như chú Khuê, dù đã bước sang cái tuổi 80, ông Mùi vẫn rất minh mẫn và vui vẻ khi có người đến tìm hiểu về nghệ thuật ca trù. Ông kể lại cho tôi nghe về truyền thống của dòng họ mình, về gia tộc có thể coi là “độc nhất vô nhị” ở đất Hà Thành này với 7 đời giữ lửa ca trù.

Hệ thống ca trù của gia đình ông Mùi được khởi nguồn từ đời cụ Nguyễn Đức Ý làm quan tri huyện ở Hải Dương, chuyên làm âm nhạc đã truyền dạy cho con cháu trong dòng họ. Bà cô tổ Nguyễn Thị Tuyết là người từng được giao trọng trách quản lý hệ thống ca vũ trong cung đình thời vua Thành Thái và đã được tạc tượng bằng vàng. Nửa thế kỷ trước, ông thân sinh ra ông Mùi là cụ Nguyễn Văn Xuân từng là "nghệ nhân vô địch đàn đáy đất Bắc Hà".

Trong gia đình hiện nay, ông Mùi cầm trống, chú Khuê chơi đàn đáy, còn hai cháu nội của ông là Oanh và Thảo cầm phách gõ nhịp, luyến láy những bài hát ca trù. Dường như với con người ấy, tuổi tác không phải là rào cản, tiếng trống điêu luyện, tinh tế và luôn giữ nhịp chắc chắn của ông là điều không phải ai cũng làm được.

Bên chén nước chè còn nghi ngút khói, ông trầm giọng nhớ lại những kỷ niệm xưa của dòng tộc: “Tôi gìn giữ ca trù không vì một mục đích gì cả, chỉ đơn giản là bảo tồn giá trị của gia đình. Đời bố tôi nuôi tôi lớn lên bằng tiếng đàn tiếng hát thế nên tôi phải giữ được nghề của dòng họ. Trước đây, tôi cũng không muốn người khác hiểu được ca trù lắm đâu, giữ gìn chỉ nhằm những ngày lễ tết, giỗ chạp, gia đình lại quây quần cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa mà thôi.”

Đáp lại câu hỏi về bí quyết đã giúp gia đình ông gìn giữ ca trù qua nhiều thế hệ như thế, ông chỉ mỉm cười tâm sự: “Ca trù không thể truyền một cách trực tiếp mà cần có thời gian, phải được nghe mới có thể học, làm được điều đó. Thế nên ca trù thường được truyền lại cho con cháu trong dòng tộc – mẹ hát con nghe, bà ca cháu thuộc. Đó chính là chất keo kết nối các thế hệ với nghề Tổ.”

23125d43e_2.jpg

Chú Văn Khuê

Trong cuộc đời người nghệ nhân ấy, cũng có lúc ông từ bỏ ca trù. Năm 21 tuổi, ông đi làm công nhân. Chỉ đến khi các con ra đời, ông mới bắt đầu hướng họ vào con đường ca trù.

Có thời gian ca trù phải chịu cảnh im hơi lặng tiếng, gia đình ông Mùi vẫn lặng lẽ và kiên trì giữ nghiệp cha ông. Mặc dù phải kiếm sống bằng nhiều nghề nhưng đến ngày giỗ, Tết, ông Mùi vẫn mời họ hàng và những người yêu ca trù đến nhà nghe hát.

Năm 1989, gia đình ông Mùi thành lập Câu lạc bộ Ca trù trẻ và miệt mài tập luyện với sự tài trợ của giáo sư Tôn Thất Tiết, Việt kiều Pháp. Năm 1993, Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà ra đời, như một sự tri ân với tổ tiên và cũng là quyết tâm lấy lại danh tiếng của dòng họ.

Và cứ thế, nhẹ nhàng mà bền bỉ, ca trù Thái Hà vẫn tiếp tục được duy trì, tiếp tục dòng chảy âm thầm của mình bằng tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết của người nghệ nhân ấy.

Hiện nay, ngày ngày, ông Mùi vẫn thường dạy những kỹ thuật cơ bản của nghề hát cũng như kể lại những câu chuyện về truyền thống của gia đình để con cháu có thêm "lửa" ca trù.

Niềm trăn trở của người nghệ nhân

Vẫn với chất giọng ấm áp, trầm đều, ông Mùi tiếp tục tâm sự: “Giới trẻ ngày nay không phải người ta không thích mà phải là người có học về Hán Nôm, về thơ nhạc mới có thể hiểu và yêu thích ca trù.”

Khi kể về những kỷ niệm về lần biểu diễn ở Anh, Pháp, Mỹ…, về những giọt nước mắt của những người Việt xa xứ khi có thể ngẩng cao đầu hãnh diễn vì loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình, trong giọng nói của ông tràn đầy niềm tự hào nhưng cũng không tránh khỏi chút gì đó chua xót. Bởi lẽ người nước nài họ rất chăm chú nghe và tôn trọng ca trù mặc dù có thể họ không hiểu. Trong khi đó, nhiều người Việt lại chưa để tâm một cách đúng mức đến loại hình âm nhạc truyền thống cao sang và huyền bí này.

Thêm nữa, ở nước ta hiện nay, vẫn chưa có một trường đào tạo nào chính thức dành cho ca trù. Người nghệ nhân ca trù cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức về đời sống vật chất và tinh thần. Gia đình ông Mùi vẫn làm nghề khác để sống và để có tiền nuôi được ca trù. Đây là niềm trăn trở lớn nhất của ông Mùi, chú Khuê hay bất cứ người nghệ nhân ca trù nào. Phải chăng, đây cũng chính là thiếu sót lớn của chúng ta?

Gìn giữ và phát triển được một bộ môn nghệ thuật truyền thống đã là điều không dễ. Và đối với ca trù, điều đó dường như càng trở nên khó khăn hơn. Phải làm thế nào để động viên người nghệ nhân, để họ có tâm truyền lại cho đời sau? Một câu hỏi tưởng chừng dễ trả lời mà không hề đơn giản.

Nài trời, mưa đã bắt đầu nặng hạt. Khép lại sau lưng cánh cửa nhỏ vẫn còn nghe vang vọng những âm thanh lách cách của tiếng phách, những câu hát ngân nga hòa cùng tiếng đàn đáy du dương, tưởng như cũng là khép lại một thế giới âm nhạc tinh khôi khác hẳn nhịp sống hối hả bên nài. Hy vọng rằng, những nỗi niềm trăn trở ông Mùi sẽ sớm được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết, để cho những trái tim tràn đầy nhiệt huyết ấy sẽ thắp sáng mãi ngọn lửa ca trù cho muôn đời sau.

Thanh Nga
Báo mạng điện tử K.27


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN