Người “nhà quê”
(Sóng trẻ) - Hễ cứ hỏi về chỗ làm vé xe bus, trung tâm thương mại, đi xem phim không biết chỗ mua vé…bằng cái giọng “bản địa” nặng trịch, tôi lại bị người ta nguýt cho một cái rồi phán “đồ nhà quê”. Một nỗi tủi hờn, giận dỗi như xuyên vào tận tim. Có lẽ nào, đây chính là lí do mà khiến bao người muốn trút bỏ cái gốc nhà quê đến thế.
Người ta luôn có nhiều nơi để đi, song rốt cuộc chỉ có một nơi duy nhất để về. Đó là quê hương. Mỗi chúng ta hãy giữ tình quê, hồn quê chứ đừng lạnh lùng, vô cảm bỏ rơi nó. Đau lắm thành phố ơi.
Những người con ở quê, thấu hiểu nỗi cực nhọc lam lũ của cha của mẹ để nuôi mình ăn học nên họ cố gắng học tập mong thoát cái “kiếp nghèo” mà cha mẹ thường răn dạy, tìm về thành phố tráng lệ để học làm người.
Rời lũy tre làng, chân ướt chân ráo bước vào cuộc sống thành phố xô bồ, hào nhoáng còn nhiều điều chưa biết, còn nhiều thứ khiến họ phải khám phá. Thế nhưng, nhiều người thành phố đã sống và cư xử ra sao? Nghĩ đến mà buồn khôn thấu. Oái oăm khi cứ cái gì không tân tiến, cổ hủ là đổ lỗi do “nhà quê”. Thậm chí lắm khi những thứ xấu xấu bẩn bẩn cũng bị gán mác là quê mùa.
Người quê mình mộc mạc, chân thành (ảnh Internet)
Thành phố có biết toàn bộ lương thực, thực phẩm người phố đang ăn cũng mọc từ mảnh vườn quê và do người quê mà có đấy.
Thành phố có biết người quê thiếu thốn về vật chất nhưng tình cảm không bao giờ thiếu thậm chí với cả người xa lạ. Giữa cái thành phố hoa lệ này, chẳng may có bị hỏng xe giữa đường giữa trời nắng cháy da cháy thịt, cách xa điểm sửa xe thì trên cả đoạn đường dài ấy dường như ta không hề thấy có một sự quan tâm nào.Không một lời hỏi han từ người già đến người trẻ.
Còn dân “nhà quê” thì chỉ ắt hẳn có người giúp đỡ, quan tâm và nhanh chóng được đưa đến tiệm sửa xe gần nhất. Bởi một lẽ thường tình là, người quê họ quen cái nghèo, cái khổ nên họ thấu hiểu. Họ sợ tình cảm nhạt nhòa, lạnh tanh.
Một lần, hai đứa bạn cùng nhau đi đo kính mắt trên con phố huyên náo gần như nhất cái Hà thành này. Khi tới nơi có phần xộc xệch vì phải đạp xe một quãng đường xa, phần cũng do là sinh viên năm nhất chưa xóa được cái mà thành phố gọi là “quê mùa”. Đến nơi, hai cô bạn nói chuyện cùng nhau mà cũng phải hứng chịu cái bĩu môi của một người thành phố điệu đà trong váy vóc, mùi nước hoa sực nức… Có lẽ, chính cái giọng địa phương làm thành phố dè bỉu nhà quê.
Thành phố có biết người quê chất phác, luôn mang trong mình đầy niềm tin. Bước chân lên đô thị hào nhoáng mới thấm những giả dối bon chen lọc lừa người ta đem ra để đối xử với nhau làm người với người dốc cạn lòng tin.
Dù xuất thân từ nông thôn hay thành thị, xuất thân từ tầng lớp quan chức hay nông dân. Dù có trở thành ông lớn, bà bé thì xin hãy biết trân trọng những giá trị quê hương, hồn quê. Bởi lẽ cội nguồn của mỗi chúng ta đều xuất phát từ nền nông nghiệp. Đừng học xong thành tài rồi về quê lại chê bai người quê mình này nọ. Đáng buồn lắm.
Thùy Linh
Báo mạng điện tử K31
Bình luận