Nhà báo Cao Thùy Giang: Chưa từng tiếc nuối vì đã theo đuổi nghề báo
(Sóng trẻ) - Hơn 10 năm gắn bó với nghề, nhà báo Cao Thùy Giang đã có trong tay gần 20 giải thưởng báo chí. Ấn tượng đầu tiên khi gặp chị, đó là một người phụ nữ “nhỏ mà có võ”. Bởi lẽ, ít ai biết đằng sau những giải thưởng là vô vàn cuộc hành trình vất vả, gian lao, đối mặt với bao nguy hiểm để tạo nên những tác phẩm báo chí đầy tâm huyết.
10 năm “ẵm” gần hai chục giải thưởng báo chí
PV: Chào chị, rất vui khi được gặp mặt chị ngày hôm nay. Được biết sắp tới chị chuẩn bị nhận được một giải báo chí quốc gia nữa, chị có thể chia sẻ về giải thưởng này, cũng như những giải thưởng giá trị khác mà chị đã có được trong 10 năm gắn bó với nghề?
Cảm ơn em rất nhiều. Đúng là trong năm nay chị sẽ nhận được thêm giải B giải báo chí quốc gia năm 2017 với chùm tác phẩm: “Ma trận giá cả dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền”.
Đây là chùm tác phẩm (gồm 5 bài) mình đầu tư công phu và kỹ lưỡng nhất trong năm qua. Trong loạt bài này, chúng tôi đã xây dựng và thể hiện bài báo dưới dạng bài [ Mega Story]: sử dụng hình thức đa phương tiện để truyền tải thông tin đến cho bạn đọc đa dạng và thuyết phục. Những phân tích, dữ liệu điều tra có được phản ánh qua ngôn ngữ, hình ảnh, dữ liệu báo chí, phóng sự video kèm theo.
Nài ra còn một số giải của các bộ ngành khác nữa, chẳng hạn như bên Bộ Công an, chị thường làm về mảng y tế nên các tác phẩm chủ yếu sẽ viết về vấn đề chăm sóc sức khỏe. Các giải thưởng bên Bộ Y tế về những giải như Phòng chống tác hại của thuốc lá, giải Báo chí về công tác dân số, nài ra còn có giải Báo chí về phòng chống tham nhũng,… Chính nhờ những đề tài, những vấn đề xảy ra trong xã hội mà chị đã phát hiện được và cho độc giả thấy rằng, sự thật đằng sau những vấn nạn ấy vô cùng nguy hiểm và cần phải được mọi người cảnh giác và né tránh kịp thời.
Nhà báo Cao Thùy Giang, hiện đang công tác tại Báo điện tử Vietnamplus.vn (TTXVN). Ảnh: Thảo My
PV: Chị có thể chia sẻ về một kỉ niệm mà chị cảm thấy đáng nhớ nhất, để lại nhiều ấn tượng nhất trong quá trình thực hiện một trong những tác phẩm đã đạt giải của mình?
Về kỉ niệm đáng nhớ nhất thì có lẽ là chùm tác phẩm về giá thuốc biệt dược. Đây chính là loạt bài giúp chị vinh dự nhận giải A giải Báo chí Quốc gia. Chị đã thực hiện loạt bài này trong khoảng ba tháng, từ tháng 7 đến tháng 10 mới hoàn thành. Ban đầu mới bắt tay vào thực hiện thì còn nhiều khó khăn để tiếp cận được đối tượng của mình, vì đây là bài điều tra nói về cái bất cập trong giá thuốc, không chỉ trong các hiệu thuốc mà còn ở cả các bệnh viện lớn.
Phải nói thật khi làm bài điều tra này chị cũng run lắm. Lúc đó chị đóng vai một bệnh nhân để có thể vào tiếp cận, hỏi han. Tuy nhiên an ninh của các bệnh viện giờ cũng khá chặt, bảo vệ của họ cũng để ý hơn nên khi làm chị cũng phải cẩn thận. Thế nhưng rất may, khi tiến hành làm bài chị cũng gặp được nhiều thuận lợi. Lúc đó, ban biên tập còn yêu cầu phải có thêm video nữa nên chị cũng tranh thủ quay bằng điện thoại để lấy được tư liệu kịp thời. Cũng chính nhờ làm bài theo hướng đa phương tiện như thế nên tác phẩm của chị cũng được ban giám khảo đánh giá cao hơn và may mắn nhận được giải cao nhất.
Đến với y tế như một cơ duyên
Chị Giang đang tác nghiệp tại cơ cở y tế (Ảnh: nhân vật cung cấp)
PV: Có thể thấy rằng, chị rất gắn bó với mảng y tế và nó cũng chính là mảng đề tài giúp chị có được rất nhiều giải thưởng danh giá. Vậy cơ duyên nào đã đưa chị đến với lĩnh vực đặc thù này?
Khi mới vào cơ quan của VietnamPlus, chị lựa chọn vị trí của một biên tập viên. Nhưng từ khi lập gia đình thì chị được điều chỉnh sang làm phóng viên. Khi chuyển sang, lĩnh vực y tế của báo lúc ấy còn trống khá nhiều, chưa có ai theo dõi, giám sát nên chị cũng bắt tay vào làm luôn. Ngành y tế là một ngành đặc thù, có nhiều cái riêng yêu cầu mình phải có những hiểu biết nhất định, nên lúc đầu chị cũng phải học hỏi, tìm hiểu sâu hơn để có thể bám sát, dần dần nắm được những thuật ngữ chuyên ngành cho đến những vấn đề nổi bật đang diễn ra.
Có thể nói đây cũng là cơ duyên khi mà chị gắn bó với mảng đề tài này và nhận được những thành công nhất định. Dần dần cũng quen, chị cảm thấy làm về y tế cũng khá thú vị và quen thuộc. Hiện nay nếu chưa có gì thay đổi thì chị nghĩ chị sẽ vẫn gắn bó với lĩnh vực này vì chị rất yêu thích nó.
PV: Phóng viên y tế luôn có nguy cơ bị lây nhiễm, nhất là trong quá trình tác nghiệp, trước những khó khăn, nguy hiểm của nghề nghiệp, chị có khi nào chùn bước ?
Là một phóng viên theo dõi về y tế, chị luôn phải ra vào các bệnh viện khá nhiều và thường xuyên, nên nguy cơ lây nhiễm bệnh cũng có thể đến và xảy ra bất cứ khi nào. Đặc biệt, khi có những vụ dịch bệnh hay những dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát như sởi, cúm, tay chân miệng, thủy đậu, cúm, viêm não, …
Do tính chất công việc phải đưa tin, phỏng vấn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, các bác sỹ… Đó là những khó khăn mà lĩnh vực chị theo dõi. Dù biết khó khăn, nhưng vì công việc mình vẫn phải cố gắng, vẫn phải đưa tin và hoàn thành công việc. Nhiều năm theo dõi trong lĩnh vực y tế, nài công tác làm chuyên môn mình cũng học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác phòng chống bệnh tật, qua mỗi cuộc phỏng vấn, mỗi ý kiến của các chuyên gia sẽ cho mình thêm kinh nghiệm để phòng tránh bệnh.
PV: Những chuyến công tác cùng bác sĩ trẻ lên vùng cao có để lại trong chị nhiều kỉ niệm ? Chị có thể chia sẻ về những kỉ niệm đó không ?
Những chuyến công tác cùng bác sỹ trẻ lên vùng cao cho mình rất nhiều trải nghiệm thực tế. Đến những vùng đất ở vùng cao, những nơi khó khăn cho mình thêm nhiều hiểu biết về đất và người nơi đó, được mục sở thị công tác khám chữa bệnh ở đó và được chứng kiến những công việc mà các bác sỹ trẻ sẽ làm, sẽ phải đối mặt trong thời gian mà họ tình nguyện, xung phong lên công tác trên vùng cao.
Qua những chuyến đi đó, sản phẩm mình thu về được là những tin bài về các bác sỹ trẻ - họ là những gương mặt đại diện của thế hệ trẻ Việt Nam sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân, có ước mơ, hoài bão, kiến thức, dám nghĩ, dám làm để phục vụ cộng đồng.
Đó là những chuyến đi để phần nào ghi lại, phản ánh hình ảnh đẹp về lớp thanh niên Việt Nam thời kỳ mới, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên với tinh thần “đâu cần thanh niên có”, với các việc làm thiết thực.
Dù khó khăn nhưng vẫn quyết theo nghề đến cùng
PV: Là một người phụ nữ theo nghề báo, lại rất nhiệt huyết với nghề, với đặc thù của công việc như vậy có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình của chị?
Chị nghĩ, bất cứ ai và bất cứ một nghề nghiệp nào cũng có nỗi “khổ” riêng. Đúng là nghề báo nhiều khi có rất nhiều tình huống khó xử và éo le vì làm việc bất kể thời gian nào khi có sự kiện xảy ra. Có những thông tin thời sự mà nhiều khi đêm khuya vẫn phải làm tin bài cho kịp tính thời sự. Hay như cách đây vài năm, khi dịch sởi bùng phát ở Hà Nội, dù con nhỏ, dù nắng mưa chị vẫn phải vào tâm điểm của dịch sởi để lấy thông tin, chụp ảnh.
Để có thể cân đối thời gian cho công việc và gia đình thì chị cũng phải khéo léo để lựa chọn và sắp xếp công việc sao cho phù hợp. Chị cũng may mắn rất nhiều khi mà bố chồng và chồng của chị đều làm nghề báo, vì thế nên mọi người cũng hiểu và cảm thông cho chị để mình có thể hoàn thành không những tốt công việc ở cơ quan, mà còn tạo điều kiện để mình dành thời gian các chăm sóc cho gia đình một cách chu toàn nhất.
PV: Hơn 10 năm gắn bó với nghề, chị có điều gì hài lòng hay còn tiếc nuối không ?
Nói hài lòng thì chưa, tiếc nuối cũng chưa. Chị chỉ cảm thấy mình thật sự yêu nghề báo và muốn gắn bó với nó dù có khó khăn, vất vả như thế nào. Chị luôn cảm thấy đây là một sự lựa chọn đúng đắn, mình muốn cống hiến hết mình cho nghề bởi đây là niềm đam mê, sở thích. Các em là sinh viên báo chí hãy đam mê, nhiệt huyết, cống hiến hết mình, vượt qua mọi thử thách thì chắc chắn các em sẽ vững vàng với nghề nghiệp sau này hơn.
Thành tích nhà báo Cao Thùy Giang đạt được: Giải B - Giải Báo chí quốc gia 2017. Giải A - Giải Báo chí quốc gia 2016. Giải C – Giải báo chí quốc gia 2014. Giải B - Giải báo chí quốc gia năm 2012. Giải C - Giải báo chí toàn quốc về công tác Dân số kế hoạch hóa gia đình năm 2011. Giải Khuyến khích - Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2012. |
Dương Thảo My
Báo in K35A2
Cùng chuyên mục
Bình luận