Một ngày gặp gỡ cụ Tấm - người vợ liệt sĩ cô đơn chịu nhiều khổ cực
(Sóng Trẻ) - Là sinh viên năm 3 báo chí, tôi may mắn được cộng tác với một tờ báo có tên tuổi và bắt đầu bước chân vào môi trường làm báo chuyên nghiệp. Tôi được theo chân các anh chị phóng viên đi tác nghiệp. Và rồi từ đó, tôi được chứng kiến sự đa dạng của cuộc sống này, gặp gỡ những con người, những số phận cùng "muôn hình vạn trạng" sự đời...
Hôm nay, theo chân anh phóng viên trong tòa soạn về Nam Định xác minh thông tin, tôi được tiếp xúc với người vợ liệt sĩ cô đơn, người phụ nữ chịu nhiều khổ cực cụ Trần Thị Tấm (79tuổi) ở thôn Đình Trạch, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Như nhiều báo, đặc biệt là báo “Người cao tuổi” đưa tin trước đây, cụ Tấm là vãi của chùa Tĩnh Lâu tự hay còn gọi là chùa Sải (thuộc đường ven Hồ Tây). Cụ bị sư Thích Đàm Chung đánh đập, thậm chí hành hung dùng dao rựa đánh vào cánh tay gây đau đớn về thể xác và tinh thần .
Cụ Trần Thị Tấm đã ở tuổi "xế chiều" của đời người
Gặp gỡ cụ, tôi cảm nhận được sự yêu quý, hiếu khách của người phụ nữ cô đơn này. Ngồi gần bên và trò chuyện với cụ, nghe kể về cuộc đời khổ cực, gian nan, vất vả . Cuộc đời cụ có lẽ là một chuỗi ngày dài khổ cực, đau khổ. Cụ Tấm không được hưởng cuộc sống gia đình hạnh phúc như bao người khác. Chồng cụ hi sinh tại chiến trường miền Nam. Đau đớn hơn, người con gái duy nhất, chỗ dựa cuối cùng của cụ sau khi lấy chồng được một năm đã mất khi sinh nở. Người chồng, người con của cụ đã bỏ cụ ra đi, để lại cụ một mình với cuộc sống xô bồ ở thành thị.
Cụ Tấm đã chọn Cửa Phật làm nơi nương tựa cuối cùng cho cuộc đời mình. Nương tựa của chùa 13 năm những tưởng, cuộc sống ở chùa sẽ đem lại sự bình yên cho người phụ nữ cô đơn này đến cuối đời. Nhưng oái ăm, cụ Tấm lại phải chịu cảnh khổ cục, bị sư Chung đánh đập. Tuy vậy, cụ vẫn nhẫn nhịn chịu đựng, không một lời oán hận, trách móc sư thầy vì cụ biết “bên cạnh cụ vẫn luôn có Đức Phật dõi theo và cứu giúp cụ”.
Cụ Tấm cầm tờ báo trên tay bức xúc
Mặc dù tuổi đã cao, tai đã bị nặng nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, có thể đọc được những câu hỏi mà chúng tôi viết ra và trả lời rõ ràng, rành mạch từng câu một. Cụ kể về cuộc đời cụ, vì sao cụ lại ở quê hương mà không ở lại chùa hay về nỗi oan của cụ khi trên báo viết “cụ ăn vụng, ăn cướp”.
Cầm tờ báo viết về chính mình trên tay, cụ Tấm không khỏi bức xúc việc bị vu là “ăn vụng, ăn cắp” và mong chúng tôi tìm hiểu, minh oan cho cụ. 79 tuổi, cái tuổi đã gần đất xa trời, đã không còn gì để hối tiếc nữa, người vợ liệt sĩ chỉ mong một điều được về với ngôi chùa mà cụ đã gắn bó 13 năm và trước khi về với đất mẹ, về với cõi Phật, cụ muốn mình được trong sạch, được nhận lời xin lỗi của người vu cụ ăn vụng, ăn cắp. Đây cũng là điều mong muốn cuối cùng cụ gửi gắm trước khi chúng tôi ra về.
Nhìn vào đôi mắt đượm buồn, sâu thảm của cụ, nước da nhăn nheo, những nếp nhăn hằn trên trán và đôi bàn tay gầy gò, tôi buồn cho số phận của cụ, buồn những người vẫn chưa sống đúng chuẩn mực mà xã hội đã đặt cho. Và tôi biết mình cần phải chăm chỉ lắng nghe cuộc sống, lắng nghe tiếng nói của mọi người.
HT
Truyền hình 31A.1
Cùng chuyên mục
Bình luận