Những “giọt ngọc” tô điểm cuộc sống
(Sóng trẻ) - Trái ngược với khung cảnh dòng người hối hả về quê nghỉ lễ, có những người lao động vẫn thầm lặng cống hiến trong dịp 30/4 - 1/5. Với họ, hai chữ “hạnh phúc” được gói gọn trong những giọt mồ hôi và thành quả đạt được.
Vất vả… nhưng mãn nguyện
Công tác được gần 20 năm trong quân đội, Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Thị Mai (nhân viên quân y tại Trung tâm Trinh sát Kỹ thuật, thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân) không ít lần phải xa nhà mỗi kỳ nghỉ lễ đến.
Với những người quân y, làm việc trong những ngày lễ từ lâu đã trở thành chuyện bình thường. Do đặc thù công việc, họ luôn phải túc trực không kể ngày đêm để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, điều đó chưa bao giờ trở thành nỗi bận tâm khiến nữ quân nhân cảm thấy chạnh lòng.
Đồng chí Nguyễn Thị Mai mỉm cười, tâm sự: “Tôi không thấy buồn hay tủi thân mà ngược lại, tôi còn rất tự hào khi mình được đơn vị phân công làm việc và kề cạnh đồng đội trong những ngày này. Nỗi nhớ gia đình cũng là một động lực để tôi tự nhủ bản thân phải cố gắng công tác tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Không dừng ở việc thực hiện tốt công tác đảm bảo sức khỏe, y tế cho các quân nhân tại đơn vị, đồng chí luôn giữ vững tinh thần, tập trung trực chiến cao độ, sẵn sàng cùng đơn vị ứng phó với những tình huống bất ngờ xảy ra.
Tại phòng sinh của Trung tâm y tế huyện Hiệp Hòa, những tiếng khóc đầu đời bắt đầu xuất hiện, đánh dấu mốc sự sống mới “nảy mầm”. Trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, những nữ hộ sinh trở thành bạn đồng hành đáng tin cậy của người mẹ.
Cũng giống như những người quân y, cụm từ “Trực xuyên lễ” không còn xa lạ với các nữ hộ sinh. Trong kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 năm nay, chị Nguyễn Thị Phương (nữ hộ sinh tại Khoa phụ sản - chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm y tế huyện Hiệp Hòa) không nghỉ lễ cùng gia đình. Chị vẫn ở đơn vị, trực tiếp chứng kiến từng giây phút chào đời của “những công dân mới”.
“Riêng trong 2 ngày nghỉ lễ, mỗi ngày chúng tôi đón trung bình khoảng 20 em bé. Công việc tuy vất vả nhưng chúng tôi đi làm trong những ngày này cũng thấy hạnh phúc, tự hào khi được chào đón những em bé ngoan và sản phụ khỏe mạnh vào ngày lễ lớn của đất nước”, chị Phương mừng rỡ, nói.
Tạm gác lại cuộc sống riêng mỗi khi có lịch trực, nhiều khi những suy nghĩ mong ngóng nhà và nhớ con hiện hữu trong đầu chị. Nhưng rồi những nỗi lo đó cũng dần vơi bớt, tất cả nhờ vào sự động viên tới từ gia đình bệnh nhân và đồng nghiệp. Tình cảm ấy đã tiếp thêm động lực làm việc cho chị trong thời gian qua.
“Vượt nắng, thắng mưa” xây đường vì dân
Còn tại miền rẻo cao phía Bắc xa xôi, những người công nhân làm việc tại dự án “Kết nối giao thông các tỉnh miền núi” tại tỉnh Lai Châu cũng đang cần mẫn, cố gắng nhanh chóng hoàn thiện công trình xây dựng.
Anh Nguyễn Đình Cao - Giám đốc điều hành dự án (chỉ huy trưởng) gói thầu XL 08, dự án “Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc” cho hay: “Anh em công nhân hiện đang làm việc hết sức tập trung để kịp tiến độ dự án. Xa gia đình, người thân nhưng mọi người vẫn có thái độ làm việc tích cực, hiệu quả. Những ngày này, người dân nghỉ lễ và di chuyển nhiều nên việc đảm bảo an toàn trên các tuyến đường cũng khó khăn hơn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng khắc phục tình hình”.
Do dự án được thi công trên tuyến đường quan trọng nên cả đội đều cố gắng làm xuyên lễ để kịp tiến độ bàn giao công trình. Tuy thời gian gấp rút, tính chất công việc lại nặng nhọc và thường xuyên phải xa gia đình nhưng anh Cao và những người công nhân vẫn tình nguyện “bám trụ” lại công trình.
“Chúng tôi không chỉ làm việc vào ban ngày mà còn tận dụng cả thời gian ban đêm để thi công. Dù phải đi làm xa nhà, và công việc vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng ở bên các anh em, động viên mọi người cố làm đường để bà con đi lại thuận tiện hơn. Đó cũng chính là động lực để chúng tôi cùng nhau làm việc không kể ngày đêm”, anh Nguyễn Đình Cao bộc bạch.
Kể cả khi công việc vất vả tới mấy, những người lao động như chị Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Phương và những người công nhân dự án “Kết nối giao thông các tỉnh miền núi” vẫn lựa chọn cống hiến cho đời. Vì đơn giản, họ hạnh phúc khi được làm việc, khi được nhìn thấy nụ cười trên môi bệnh nhân của mình, thấy người dân hào hứng đi lại trên con đường mới xây và thấy được đất nước mình hòa bình, ấm no, hạnh phúc.