Hà Nội: Làng trông xe “trắng đêm” canh ô tô sau dịch COVID-19
(Sóng trẻ) - Sau 2 năm lao đao vì dịch, khách gửi xe ở các bãi xe làng Tân Trại (Sóc Sơn, Hà Nội) - nằm gần sân bay Nội Bài đông kín, chỉ còn lác đác vài chỗ trống. Thậm chí, nhiều nơi từ chối không thể nhận thêm xe.
Làng Tân Trại, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, nằm gần sân bay Nội Bài. Trước đây, người dân tại đây sinh sống bằng nghề nông. Sau khi đất ruộng bị thu hồi để xây dựng nhà ga sân bay, đồng thời nắm bắt được nhu cầu gửi và trông giữ xe khi đi công tác, du lịch của hành khách đi máy bay, người dân thôn Tân Trại đã xây dựng thêm nhiều bãi đỗ xe qua đêm gần khu vực sân bay.
Từ một làng thuần nông, người dân đổi sang các loại hình kinh doanh khác để mưu sinh, như cho thuê nhà trọ, trông xe ngày đêm, trở thành “kế sinh nhai” cho người dân nơi đây.
Những ngày gần đây, đường bay được nối lại vì vậy, hàng loạt các bãi trông xe tại làng Tân Trại với diện tích rộng cả nghìn mét vuông trong tình nhộn nhịp.
Các bãi xe từng hoạt động rầm rộ, quy mô rất lớn như: Việt Hà, Kim Dung, Trần Anh, Trung Kiên, Nguyễn Thuấn, Thiên Kỳ, HTX DV Nội Bài... hiện đã lấp đầy được 90% bãi gửi.
Theo khảo sát của phóng viên, cứ cách hai ba nhà tại làng Tân Trại lại có một biển "Trông giữ xe ôtô". Ước tính, cả làng có khoảng hơn trăm bãi. Hầu hết các bãi đều có giấy phép kinh doanh, có tường bao, lắp hệ thống mái che, phòng cháy chữa cháy, camera giám sát. Giá trông giữ là 60.000 đồng một ngày.
"So với giá khoảng 240.000 đồng một ngày tại sân bay, mức này khá hợp lý. Đặc biệt, các bãi xe ở đây đều có mái che, sân rộng, xe không bị va quệt, xây xước mà an ninh đảm bảo. Khi gửi còn được đưa đón miễn phí hai chiều", anh Nguyễn Hùng, khách gửi ôtô tại làng Tân Trại cho biết.
Là khách quen, anh Hùng không phải vào tận làng mà giao xe cho chủ bãi ngay tại sân bay. Anh chia sẻ, khi mới biết dịch vụ này cũng khá e ngại khi giao xe nhưng gửi nhiều thành quen và đặc biệt là các bãi đều có camera, trước khi gửi đều chụp lại công tơ mét nên rất an tâm.
"Đầu và giữa tuần, khách gửi xe chưa đông lắm nhưng từ thứ 5, thứ 6, lượng khách đi du lịch nội địa dịp cuối tuần tăng cao nên bãi đỗ thường chật kín ô tô", anh Nguyễn Văn Thành - chủ bãi trông xe Thành Hùng nói.
Anh Hùng cho biết thêm, trung bình mỗi ngày hơn 30 chiếc xe gửi. Lúc cao điểm, cả nhà anh bốn người, gồm hai vợ chồng, em trai và anh rể làm không xuể, bận bịu bất kể sáng sớm hay đêm khuya. Có lúc anh còn sợ nghe điện thoại vì khách liên hệ gửi xe quá nhiều.
"Số lượng xe đông, để phân biệt và dễ ghi nhớ, tôi lưu số điện thoại khách theo biển số xe. Tôi cũng làm sẵn một cuốn sổ ghi chép ngày giờ giao, nhận xe từ khách", anh Hùng nói.
Tương tự, Anh Thành (42 tuổi, xã Phú Cường, Sóc Sơn, Hà Nội), chủ bãi trông xe cho biết: “Tháng 6, tháng 7 là tháng cao điểm của du lịch nên lượng khách đông, mỗi ngày bãi trông xe của tôi sẽ tiếp nhận từ 20-40 đợt xe ra vào”.
Chia sẻ về nguyên do lượng khách đông hơn, các chủ bãi tại đây cho hay, do dịch bệnh đã ổn định cũng như vào mùa nắng nóng, hầu hết các gia đình sẽ chọn đi du lịch xa nên đợt này là dịp bội thu, giúp nhiều gia đình vực dậy kinh tế sau dịch.
Anh Thành cũng thừa nhận, công việc trông giữ xe có thể mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông nhưng bó buộc thời gian. Trung bình, hai vợ chồng anh kiếm được 20 triệu đồng/tháng, đủ dư dả nuôi hai con ăn học và tích cóp một phần để phòng thân.
"Có tháng cao điểm, trừ chi phí duy trì hoạt động, chúng tôi thu lời được 30, 40 triệu đồng. Tuy nhiên, công việc này thời gian không cố định. Những lúc nửa đêm hay 3,4 giờ sáng có khách gọi, vợ chồng tôi lại bật dậy đi nhận hoặc trả xe", anh Thành chia sẻ.