Những “thiên thần” trong đêm

(Sóng trẻ) - Với tôn chỉ “không bỏ rơi ai cả”, đều đặn hơn 3 năm qua, từ 21 giờ đêm tới 1 giờ sáng, anh Phạm Quốc Việt và những thành viên trong Đội hỗ trợ cứu nạn FAS Angle (First Aid Support) luôn xuất hiện ở những điểm “nóng” của Hà Nội, kịp thời hỗ trợ và cứu giúp những người không may gặp nạn.

Tôi ghé thăm trụ sở FAS Angle tại 225 Vũ Tông Phan vào một ngày đầu tháng 8. Gọi là trụ sở nhưng thực chất nơi đây là căn nhà 3 tầng cũ anh Phạm Quốc Việt thuê lại cho đội hoạt động. Tầng dưới anh làm quán sửa xe máy, tầng trên anh mở quán trà chanh và làm nơi tiếp khách. Phòng khách nhỏ có mấy chiếc ghế cũ được anh tận dụng từ chiếc xe cứu thương mà đội có, bên cạnh là cây đàn guitar của anh và rất nhiều ảnh, kỷ niệm chương mà đội nhận được. 

Gặp tôi, khuôn mặt anh Việt hiện rõ sự mệt mỏi do chuyến hỗ trợ sơ cứu tối qua khiến gần sáng anh mới được về nhà nghỉ ngơi. Thế nhưng khi được hỏi về anh, về đội “thiên thần” FAS Angle, sự mệt mỏi trong anh như tan biến, thay vào đó là một sự hứng khởi và đầy nhiệt huyết. 

Sợ hãi tạo sức mạnh đứng lên 

Năm 2016, anh Phạm Quốc Việt không may gặp tai nạn giao thông ở Tuyên Quang. Trong giây phút thập tử nhất sinh ấy, anh Việt vẫn cảm nhận được mọi việc đang diễn ra xung quanh mình. Những âm thanh hỗn độn, người qua người lại bàn tán nhưng rồi không một ai dừng lại giúp đỡ. Cảm giác bất lực và cô độc ấy theo anh đến hiện tại.

Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống trong ngành y tế ở huyện Xuân Trường, Nam Định, anh Việt thấu hiểu tầm quan trọng của việc sơ cứu ban đầu đối với người gặp nạn. Sơ cứu an toàn và đúng cách là bước đầu tiên để người gặp nạn có khả năng phục hồi và sống sót. Từ những trải nghiệm không may mắn của bản thân và học hỏi từ gia đình, vào tháng 9 năm 2019, anh quyết định thành lập Đội hỗ trợ cứu nạn FAS Angle - đội tình nguyện chuyên hỗ trợ những người không may gặp tai nạn giao thông ở Hà Nội.   

anh-1-4.jpg
Chiếc xe cứu thương của đội FAS Angle qua mọi nẻo đường (Ảnh: NVCC)

Tôn chỉ với 5 không: không bỏ rơi ai cả, không thu phí ai cả, không tranh cãi ai cả, không phân biệt ai cả và không kết án ai cả đã trở thành bộ xương sống duy trì trạng thái của đội. Áp dụng 5 tôn chỉ giúp mỗi thành viên của đội hoàn thiện về cách ứng xử và vững vàng về tâm lý trước những tình huống bất ngờ có thể đối mặt.  

“Chỉ cần nhận thông tin vụ tai nạn còn nạn nhân, nhất định FAS Angle sẽ không bỏ rơi họ”

Hơn 3 năm qua, những “thiên thần” chưa một ngày nghỉ ngơi. Xuất phát điểm là một nhóm tài xế xe ôm công nghệ, tới nay, FAS Angle đã có hơn 130 tình nguyện viên, tạo ra 10 điểm chốt trực thường xuyên và 3 chiếc xe cứu thương cho nạn nhân ngay lập tức, trong trường hợp bệnh nhân nặng không thể chờ xe cấp cứu. Với anh Việt và những đồng đội, “chỉ cần nhận thông tin vụ tai nạn còn nạn nhân, nhất định, FAS Angle sẽ không bỏ rơi họ.” 

Cái tên FAS Angle được anh Việt đặt với nhiều ý nghĩa liên tưởng. Tại sao không phải là SOS mà là FAS? Anh nói: “Đúng, cứu người là khẩn cấp nhưng Việt muốn mọi người đặt vấn đề hàng đầu đó là sơ cứu ban đầu. Nó còn có ý nghĩa, bạn chỉ là người hỗ trợ, bạn không phải người điều trị.” Angle là thiên thần. “Những người không may họ bị nạn và được ai đó cứu giúp, họ có thể cho rằng đó thiên thần hộ mạng đã giúp đỡ và bảo vệ họ tai qua nạn khỏi. Còn với những người không may không qua khỏi, họ sẽ có tư tưởng buồn chán và cảm thấy cô đơn lạnh lẽo khi ra đi không có người thân bên cạnh. Lúc đó, họ cũng chỉ hi vọng có một người thiên sứ nào đó đến để đưa họ đi thì FAS Angle ở bên cạnh họ” - Anh Việt chia sẻ. 

Khi “cái tôi” hòa vào “cái ta” 

Những “thiên thần” làm việc không phân biệt tuổi tác, ngành nghề riêng. Họ đều đặn mỗi tối, gạt đi việc cá nhân để cùng đội lên đường cứu giúp người không may gặp nạn. Từ 9 giờ tối đến 1 giờ sáng, thậm chí đến 5 giờ sáng, họ vẫn miệt mài ở đó hỗ trợ những người bị thương trên đường. Ngoài thời gian, thứ họ phải đánh đổi còn là tiền bạc bỏ ra để mua trang thiết bị, là công việc, trách nhiệm với gia đình, người thân. Nhiều người không vượt qua nỗi lo cơm áo gạo tiền, họ đã dừng lại.

Vượt lên trên hết những khó khăn đó, nhiều người như anh Phạm Quốc Việt vẫn ở lại cùng FAS Angle. Cá nhân anh Việt cũng từ bỏ công việc riêng có thu nhập ổn định để dành 100% thời gian và sức lực cho FAS Angle, cho người bị nạn. Ban ngày đi làm, buổi tối về hoạt động đội, bạn Nguyễn Mai, 22 tuổi, đã có gần 1 năm gắn bó với đội bộc bạch: “Tất cả các thành viên đội đều có những khó khăn riêng, đặc biệt là cân bằng giữa việc học, đi làm và tình nguyện. Với mình là con gái nên việc đi đường về nhà vào đêm khuya và rèn luyện bản thân vượt qua sợ hãi là sự khó khăn của mình. Tuy nhiên mình thấy rất hạnh phúc khi có thể dùng tuổi trẻ và một chút sức nhỏ để giúp đỡ người không may bị nạn. Hơn nữa mình cũng rất sợ cảm giác mất đi người thân và điều đó thật tệ. Nên mình luôn cố gắng để duy trì một cách tốt nhất cho nạn nhân”.

Hãy coi nạn nhân như người thân của mình…

Qua sơ cứu gần 4000 ca tai nạn, anh Việt và những “thiên thần” trải qua đủ cung bậc cảm xúc. Từ bực bội khi bị nạn nhân xúc phạm đến cảm giác bội tín khi nhờ những người xung quanh hỗ trợ không thành. Từ cảm giác thất vọng, đau buồn khi không kịp cứu nạn nhân đến niềm vui khi nạn nhân sử dụng rượu bia tỉnh lại và nhận ra hậu quả về hành động của mình. Tất cả đã giúp anh và đội tôi rèn, trưởng thành và bản lĩnh trước mọi tình huống. 

anh-3-6.jpg
Nhiều ca sơ cứu tai nạn khiến anh và các đồng đội không thể quên (Ảnh: NVCC)

Nhớ lại kỷ niệm tại FAS Angle, anh Nguyễn Văn Luân - Quyền Đội trưởng của Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angle chia sẻ: “Ca mình nhớ nhất là ở Công viên Thống Nhất, nạn nhân bị gãy lìa chân, máu chảy rất nhiều vì trong người nạn nhân đã sử dụng rượu bia. Ca đó mọi người đi qua tưởng nạn nhân không còn sống, mình thấy tiền lẻ rải rác. Mình kiểm tra và nhận thấy bạn ấy vẫn còn sống, mình cầm máu và đưa vào bệnh viện gần nhất. Sau đó bác sĩ nói với mình rằng nếu mình đến muộn khoảng 3 phút là nạn nhân có thể tử vong. Mình rất xúc động vì ca đó mình đến kịp thời, giúp nạn nhân bình phục trở lại".

Điều gì làm cho đội tình nguyện FAS Angle được duy trì và phát triển đến ngày hôm nay? Đó chính là sự đồng lòng của toàn đội. Trước mỗi tình huống nguy cấp, tất cả đều ghi nhớ tôn chỉ: “Coi nạn nhân như người thân của mình để giúp họ, bạn sẽ vượt qua khó khăn, mọi rào cản để giúp họ và trước mặt bạn chỉ còn những người cần giúp".

Sau tất cả những việc đã và đang làm, anh Phạm Quốc Việt và FAS Angle muốn cho mọi người thấy “một đời sống thật, không phải câu chuyện anh hùng được thêu dệt trên mạng. Tất cả là giá trị thật của con người có thể mang lại cho con người".

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN