Những chuyến xe 0 đồng
Không có ngày nghỉ lễ, 30 năm nay, những chuyến đi 0 đồng của Đội cứu hộ cứu nạn xã Tiêu Sơn huyện Đoan Hùng đã kịp thời sơ cứu hàng trăm vụ tai nạn.
Từ hàng xóm đến đồng đội cùng chung chí hướng
Sống dọc tuyến Quốc lộ 2 thường xuyên xảy ra tai nạn, ông Phan Tất Thọ - từng là bộ đội đóng quân tại đơn vị vận tải thuộc Quân khu 2 đã thường xuyên hỗ trợ sơ cứu nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện. Cảm phục tấm lòng của ông Thọ, các thành viên là cựu quân nhân, bác sỹ về hưu, nông dân,.. lân cận đã tham gia trở thành cộng sự của ông. Dưới sự dẫn dắt của ông Phan Tất Thọ, năm 2006, đội cứu hộ Tiêu Sơn ra đời với 3 thành viên, đến nay đội đã có 11 thành viên thường trực. Nhiệm vụ chính của đội là bảo vệ hiện trường, sơ cứu và cấp cứu, đưa nạn nhân đến bệnh viện kịp thời.
Chỉ cần khi tiếng chuông điện thoại vang lên, họ sẵn sàng có mặt, cùng nhau xuất hiện tại các điểm nóng để thực hiện sứ mệnh cứu người. Những người hàng xóm khác nhau về tuổi tác, địa vị xã hội nhưng họ cùng chung một tâm nguyện: “Các chú làm không đòi hỏi gì cả, không lương, không sướng, làm theo tinh thần tự nguyện, theo bản chất của người bộ đội trở về đời thường, mình làm được điều gì cho người kém may mắn thì mình cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, không so kè, ca thán” – Đội trưởng Phan Tất Thọ chia sẻ.
Khi vào đội, các thành viên cùng tuân thủ theo nguyên tắc: nói không với rượu bia, tự đảm bảo sức khỏe của bản thân bởi họ đều mong mỏi “Cứu người thì được, chứ đừng để người ta cứu mình”. Không chỉ gác lại công việc cá nhân, thời gian đầu, các thành viên còn bỏ tiền riêng mua băng gạc , tự làm nẹp theo quy chuẩn y tế để hỗ trợ cứu nạn.
Cứu hộ cứu nạn - những chiến trường thu nhỏ trong thời bình
Nhiều năm thực hiện cứu nạn trên tuyến Quốc lộ 2, đội đã đối mặt với hàng trăm vụ việc từ đơn giản đến nghiêm trọng. Ông Lưu Tôn Quyết - thành viên đội chia sẻ: “Khi cứu người say xỉn, chúng tôi bị chửi mắng là chuyện bình thường, vì họ đang ở rong trạng thái mất kiểm soát, việc chở nạn nhân đến bệnh viện hay về nhà trong tình huống này cũng rất khó khăn.” Hiện trường mỗi vụ tai nạn thường rất thảm khốc, đòi hỏi các thành viên phải giữ tinh thần thép để đối mặt với mọi tình huống xảy ra. Xuất thân là bộ đội, vốn đã quen với xô xát “đổ máu”, ông Phan Tất Thọ cảm thấy mỗi lần ứng cứu cũng giống như bước vào chiến trường thu nhỏ, đối mặt với ranh giới sinh - tử của nạn nhân.
Nhớ lại những lần cứu hộ, ông Phan Tất Thọ chia sẻ thêm “Công việc này cũng tiềm tàng nhiều nguy hiểm. Đội đã từng cứu 2 ca nghiện chết sốc lâm sàng. Theo kinh nghiệm, chúng tôi chọc kim vào 5 đầu ngón tay và 5 đầu ngón chân để nặn máu. Trường hợp cấp cứu những ca sốc thuốc phải thao tác thật mạnh, nếu thực hiện khẽ sẽ không cứu sống được nạn nhân. Nếu chúng tôi sợ bị lây thì nạn nhân biết phải làm sao, hơn hết cũng đã có găng tay bảo vệ. Nghiện là việc của người ta, cứu người là việc của mình.”
Là đội trưởng, ông Thọ luôn lường trước và nắm bắt những nguy hiểm, căn dặn thành viên sơ cứu bình tĩnh, đúng quy trình. Theo ông, sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng, có thể mang lại hạnh phúc và sự sống, không khiến nạn nhân bị dị tật nên phải làm đúng mực. Sau mỗi chuyến đi, ông đều khử trùng xe đảm bảo an toàn.
Những người việc nhà chưa xong đã lo việc thiên hạ
Công việc giờ giấc thất thường, dịp lễ tết thường xuyên phải đi cứu hộ, gia đình của các thành viên trong đội không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng. Việc họ bỏ dở bữa cơm hay nửa đêm vùng dậy chạy ra đường là chuyện thường gặp trong nhiều năm qua. Bà Hoàng Thị Sơn, vợ ông Phan Tất Thọ tâm sự “Thời gian đầu gia đình cũng bức xúc lắm, vì đang ăn có người gọi ông ấy cũng lập tức đi ngay, nhưng sau này cũng hiểu đây là việc làm ý nghĩa, giúp người giúp đời, để lại phúc phần cho con cháu”.
Chứng kiến việc làm của Đội cứu hộ cứu nạn Tiêu Sơn, nhiều người cho rằng họ là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” hay việc nhà “chưa xong” đã lo việc thiên hạ. Mỗi lần bảo vệ hiện trường, đội cũng gặp phải hiểu lầm đi “hôi” của. Đối diện với những ý kiến tiêu cực, ông Phan Tất Thọ chỉ mỉm cười: “Các chú cũng không để tâm, miễn là bản thân mình cảm thấy thoải mái. Mình cứ làm đến khi nào yếu, không làm được nữa thì thôi. Chỉ mong sao mạnh khỏe, trời đừng bắt ốm để giúp được cho đời. Có những người thấy vất vả, họ hỗ trợ tiền dầu, tuy nhiên các chú không bao giờ cầm tiền. Mình còn đóng góp được đến đâu mình cứ làm.”
Khi việc tốt được lan tỏa
Đến 21/11/2019, Đội cứu hộ cứu nạn Tiêu Sơn được sở y tế cấp giấy phép hoạt động, chuyên sơ cấp cứu giao thông đường bộ. Hoạt động cứu nạn của Đội cứu hộ cứu nạn Tiêu Sơn như được chắp thêm cánh khi bệnh viện Đa khoa tư nhân Hùng Vương được thành lập. Để tạo điều kiện cho đội cứu nạn hoạt động hiệu quả, ông Phạm Văn Học – Chủ tịch bệnh viện đã tặng cho Đội một chiếc xe cứu thương, trang bị trực tiếp cho đội cứu nạn và đầu tư phần lớn kinh phí xây trụ sở chốt cứu nạn làm nơi tiếp nhận thông tin, giao ban hội họp. Đến nay điểm chốt cứu hộ đã hoàn thành gồm một căn nhà 2 tầng rộng trên 140m2 ngay trên đất nhà ông Phan Tất Thọ.
Bên cạnh đó, Hội chữ thập đỏ Đoan Hùng đã tổ chức cho Đội đi huấn luyện về sơ cấp cứu, bổ sung kỹ năng khi cứu nạn. Ông Nguyễn Anh Chiến – Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ Đoan Hùng chia sẻ: “Năm 2019, huyện đoan hùng cũng kết nối với các nhà tài trợ để vận động gạch, cơ sở vật chất xây dựng chốt cứu hộ cứu nạn. Các thành viên hoàn toàn không có trợ cấp nhưng đã góp phần hỗ trợ những vụ tai nạn, truyền cảm hứng đến giới trẻ.”
Không phải những “ông bụt”, bà tiên bước ra từ truyện cổ tích, họ chỉ là những con người bình thường đang làm những điều phi thường. Không có phép thuật kỳ diệu nhưng họ đang tạo phép màu với những nạn nhân không may mắn. Trong cuộc sống ngày nay, chỉ cần mỗi người bớt vô cảm, tuân thủ pháp luật thì chắc chắn cuộc sống sẽ tự khắc có những ngày mai tươi sáng hơn.
Nguồn: Người tốt việc tốt Cứu hộ cứu nạn Chuyến xe 0 đồng