Những đóng góp của Thủ đô Hà Nội trong Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975

(Sóng trẻ) - Vào mùa Xuân 1975, với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Thủ đô Hà Nội đã cùng hậu phương lớn miền Bắc tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam trong trận thắng cuối cùng. 

Những đóng góp của Thủ đô Hà Nội trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà có ý nghĩa lịch sử, “xứng đáng là Thủ đô anh hùng của cả nước”, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của chiến tranh Nhân dân Việt Nam. Nhân kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc PV Truyền hình Hà Nội có bài phỏng vấn Đại tá, PGS. TS KHQS Trần Nam Chuân, nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng.

11fce064a_400x530_600_7.jpg

Đại tá, PGS. TS KHQS Trần Nam Chuân

PV: Thưa Đại tá, trong thời kỳ chiến tranh, hậu phương và tiền tuyến có mối quan hệ vô cùng mật thiết, hậu phương mạnh thì tiền tuyến mạnh. Cụ thể, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, hậu phương miền Bắc và Thủ đô Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ chi viện sức người, sức của… mà còn “chia lửa” với miền Nam ruột thịt, là nhân tố quan trọng góp phần quyết định thắng lợi. Theo PGS-TS nhận định này có đúng không ạ?

Đại tá, PGS, TS KHQS Trần Nam Chuân: Thưa các đồng chí, nhận định đó là hoàn toàn đúng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vĩ đại của dân tộc, Hà Nội nói riêng và hậu phương lớn miền Bắc nói chung, không chỉ chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, mà còn “chia lửa” với miền Nam ruột thịt, đây là nhân tố quan trọng quyết định đối với sự phát triển của cách mạng cả nước và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

PV: Vậy xin ông có thể chia sẻ cho biết cụ thể những đóng góp, chi viện của Hà Nội cho giải phóng miền Nam như thế nào ạ?

Đại tá, PGS, TS KHQS Trần Nam Chuân: Như chúng ta đã biết, từ tháng 4-1966, quân và dân Hà Nội ở trong tình thế trực tiếp chiến đấu chống máy bay Mỹ leo thang ra đánh phá miền Bắc nước ta.

Ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do! Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Thủ đô Hà Nội đã cùng hậu phương lớn miền Bắc tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.

Phát huy truyền thống “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” hàng vạn thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam. Cụ thể, trong 10 năm từ 1965 - 1975, với 29 đợt động viên tuyển quân, Hà Nội đã có hơn 89.000 thanh niên lên đường chiến đấu; đã tổ chức huấn luyện đưa 42 tiểu đoàn quân tăng cường cho chiến trường miền Nam. Nhiều nhà máy, xí nghiệp cử cán bộ, gửi máy móc, phương tiện kỹ thuật, trang bị đưa vào chiến trường.

Để cứu vãn thất bại ở miền Nam, tháng 4-1972, Nhà Trắng đã huy động một lực lượng không quân, hải quân lớn tập trung đánh phá hậu phương miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Tính bình quân, mỗi ki-lô-mét vuông ở Hà Nội đã có tới 68,5 tấn bom Mỹ đánh vào 830 điểm, hơn 1.000 lần chúng đánh vào các điểm dân cư, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội ở khắp 4 quận nội thành và 4 huyện nại thành, trong đó có 39 khối phố nội thành, 3 thị trấn và 78 trong số 102 xã nại thành. Nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô bị địch đánh đi đánh lại nhiều lần đến mức san phẳng. Mỹ hy vọng chiến dịch này sẽ: “Làm tê liệt đời sống hằng ngày của Hà Nội”.

Theo các nhà sử học quân sự Mỹ, trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, Mỹ đã tiến hành một cuộc ném bom rải thảm mà sự tàn phá lớn hơn sự tàn phá của các cuộc ném bom trong suốt cả cuộc chiến tranh từ trước cho đến lúc bấy giờ; khối lượng bom đạn ném xuống trong cuộc tập kích này tương đương với 5 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Bởi vì, Ních-xơn và các nhà chiến lược quân sự Mỹ tin chắc rằng, với sức mạnh tàn phá ấy, Hà Nội nhất định phải khuất phục. Nhưng ngược lại, Hà Nội vẫn hiên ngang và bình tĩnh đánh trả từng đợt bom B-52 của kẻ thù và đã giành thắng lợi trong Chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” 12-1972.

Đây là nhân tố quyết định góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

11fce064a_ien_dich_tay_nguyen_43_2431975_225219903_stand.jpg

Hình ảnh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975 (ảnh: TTXVN)

PV: Một mặt dốc hết sức chi viện cho tiền tuyến, mặt khác hậu phương, cụ thể là Hà Nội cũng vẫn phải tiếp tục oằn mình chống đỡ cuộc leo thang đánh phá của đế quốc Mỹ từ năm 1967. Và một trong những mốc son chói lọi là thắng lợi Điện Biên Phủ trên không. Xin ông cho biết chiến thắng này có ý nghĩa và tác động như thế nào tới giải phóng miền Nam?

Đại tá, PGS, TS KHQS Trần Nam Chuân: Đây thực sự là một chiến công mang tầm vóc thời đại, một trận “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” có ý nghĩa dân tộc và thời đại vô cùng sâu sắc. “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Bác Hồ. Đây là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc Việt Nam, là ý chí, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cũng là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của “thế trận phòng không nhân dân” sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới; của trí thông minh và lòng dũng cảm của dân tộc ta chống lại cuộc tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ với vũ khí trang bị hiện đại. Đồng thời, chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng không nhân dân, phòng tránh, đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ. 

Không chỉ vậy, “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” góp phần quyết định “đánh cho Mỹ cút” - buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tạo ra bước nặt lịch sử làm tiền đề để đi đến thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước năm 1975. 

PV: Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bài học về sự phát huy sức mạnh hậu phương mang giá trị và ý nghĩa như thế nào trong những chiến thắng vẻ vang của dân tộc thưa ông? 

Đại tá, PGS, TS KHQS Trần Nam Chuân: Hậu phương và tiền tuyến có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Hậu phương mạnh thì tiền tuyến mạnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, hậu phương miền Bắc và Thủ đô Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ chi viện sức người, sức của… mà còn “chia lửa” với miền Nam ruột thịt. Hà Nội nói riêng và hậu phương lớn miền Bắc nói chung có vai trò quyết định đối với sự phát triển của cách mạng cả nước và sự nghiệp thống nhất đất nước.

45 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhưng bài học về phát huy sức mạnh hậu phương vẫn còn nguyên giá trị. Cùng với hậu phương lớn miền Bắc sôi nổi thi đua, đẩy mạnh sản xuất, không tiếc sức người sức của chi viện cho chiến trường miền Nam. Thủ đô Hà Nội tự hào đã nỗ lực, tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt; tự hào đã góp phần quan trọng trong chiến thắng vĩ đại Mùa xuân năm 1975. Và hôm nay, Thủ đô anh hùng vẫn vẹn nguyên tinh thần ấy với phương châm: Hà Nội sẵn sàng vì cả nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của PGS, TS. Đại tá Trần Nam Chuân.

Thực hiện: Nguyễn Thị Mai Anh

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN