Những “nghệ sĩ nông dân” trên đất Ninh Bình

(Sóng trẻ) - Tiếng hát xẩm rộn rã, vui tươi như xé tan bầu không khí nóng bức của một ngày nắng hạ. Trong gian phòng nhỏ của chùa Đông Cống, những người phụ nữ luống tuổi đang quây quần quanh chiếc bàn gỗ. Chẳng có vật dụng gì cao sang, chỉ một cặp sênh, một chiếc đàn nhị, họ có thể ngồi bên nhau cả chiều tập luyện những câu hát cổ xưa.



Giữ truyền thống nơi đất xẩm


Ai về thăm huyện Yên Mô


Ngắm nhìn phong cảnh, bốn mùa đẹp tươi


Đồng quê bát ngát chân trời


Quanh năm gieo cấy, bốn mùa bội thu


Yên Mô vốn là quê hương của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (biệt danh là Chánh Trương Mậu). Ông là người dạy hát cho cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Sau, bà Cầu trở thành vợ lẽ của ông trùm xẩm nổi danh đất Ninh Bình này.


Lịch sử đó như một lẽ tự nhiên đã tạo cho người dân thứ tình yêu nguyên thủy với văn hóa cổ truyền. Cách đây gần 20 năm, vào khoảng những năm 2000 – 2001, những người yêu chèo, xẩm trong xã Yên Phong (huyện Yên Mô) đã tập hợp lại, thành lập CLB để tạo nơi tập luyện hàng tuần. Tiêu chí tuyển chọn thành viên từ ngày đó đến bây giờ cũng không có gì thay đổi: chỉ cần chút năng khiếu và tình yêu nghệ thuật thì dù ở lứa tuổi nào, vẫn có thể tham gia.


“Các bà ở đây phần lớn chân lấm tay bùn, sau thời gian cấy gặt hay lúc rảnh là lại rủ nhau đi tập chèo, hát xẩm” – Bà Hòa, người lớn tuổi nhất trong CLB chia sẻ.



20a09ca53_anh1.jpg


“Chào các bà, các bà đến sớm thế ạ?” – Nài cửa có tiếng chào của một người phụ nữ luống tuổi. Bà dắt theo đứa cháu mới lên 3: “Tôi dẫn cháu đến đây cho nó quen dần với chèo, với xẩm đấy”. Không ai ngạc nhiên trước sự có mặt của “thành viên mới" này: “Ở đây, chúng nó được tiếp xúc với hát múa sớm lắm. 2, 3 tuổi là đã được ông bà, bố mẹ bế đến chiếu chèo, chiếu xẩm nghe hết rồi”.


Hôm nay thành viên đến đông, lại có nhiều cháu nhỏ, mọi người trải chiếu ra tập ngay trước thềm. Như có một hiệu lệnh ngầm, ngồi xuống là họ lập tức quay sang nhìn nhau: “Hát bài gì nhỉ” – “Trống cơm đi” – “Hay Mục hạ vô nhân” – “Ừ bài đó được, hát nhé!”. Tiếng hát chầm chậm nổi lên, hòa xen tiếng đàn nhị trầm đục và thô mộc. Người đàn ông ngồi trên ghế kéo nhị nhẽ nhịp nhịp bàn chân theo từng nốt nhạc. Da ông nâu bóng – thứ màu da của một nông dân thứ thiệt hơn là một người nghệ sĩ quen với ánh đèn.


20a09ca53_anh2.jpg


“Máu nghề”


Xưa kia, xẩm vốn được hát lên bởi những con người nghèo khổ, cơ hàn. Có lẽ vì thế mà những nhạc cụ sử dụng trong xẩm đều đơn giản, dễ kiếm: chỉ gồm đàn nhị và cặp sênh. Cặp sênh được làm từ thân tre già, cho tiếng vang và chắc. Hai đầu thanh sênh vót nhọn như lá lúa và giữ kích thước để cầm vừa tay. Phía vỏ tre nài của những thanh sênh ở đây đều đã đổ màu bóng mượt – dấu tích của việc sử dụng thường xuyên.


20a09ca53_anh3.jpg



Hết “Mục hạ vô nhân” lại đến “Trống cơm”, rồi “Xẩm huê tình”, những người “nghệ sĩ nông dân” dường như hát không biết mệt. Ngừng hát, họ quay ra bàn về cách ngân, cách ngắt nghỉ, cách gõ sênh… Hết nói, họ lại tiếp tục ngân nga những câu hát. Cứ thế suốt mấy tiếng đồng hồ mà chẳng cần đến giờ nghỉ giải lao. Ông Vũ Xuân Năng – người từng gần 30 năm đệm trống cho những bài xẩm bất hủ của nghệ nhân Hà Thị Cầu say sưa nói về cái “máu nghề”:


“Năm 2016, tôi bị chảy máu não, đến tháng 7/2017 mới khỏe lại. Nhưng tôi không bỏ, vẫn tham gia hoạt động đều. Xẩm nó là máu me rồi, không bỏ được”.


Hướng đi của CLB hiện nay là cố gắng hết sức để phục dựng những điệu xẩm cổ. Về điều này, có lẽ chẳng ai đau đáu hơn bà Nguyễn Thị Mận – con gái cụ Cầu. Bà kể: “Ngày xưa tôi đi học xẩm đổi mới. Cụ nghe thấy liền hỏi sao con lại hát thế. Tôi bảo là con đi học người ta dạy thế, giờ mọi thứ phải thay đổi đi thôi. Cụ bảo: “Vậy thì mẹ mày mày để đi đâu, sao mày dám bỏ đi học xẩm mới?” Hát lời cổ bao giờ cũng là bảo tồn. Cụ bảo phải giữ bảo tồn cho cụ. Vậy nên bây giờ tôi cố gắng giữ lối hát của cụ đến bây giờ”


Từ chiếu xẩm của những người “nghệ sĩ” này, hàng loạt tác phẩm đã ra đời và góp mặt trong các chương trình lớn của xã, huyện, tỉnh. Bà Hòa tự hào cho biết năm vừa rồi, CLB có tiết mục đạt giải Nhất Liên hoan hát xẩm toàn quốc. “100% là do chúng tôi tự biên tự diễn với nhau, không thuê đạo diễn nài đâu nhé” – Bà nhấn mạnh.


20a09ca53_anh4.jpg


20a09ca53_anh5.jpg


Quanh chiếu xẩm hôm nay, bên những mái đầu bạc quá nửa, có những gương mặt trẻ thơ háo hức và hăng say nghe các bà, các cô chỉ dạy từng câu, từng chữ. Và đó – không gì hơn - chính là hình ảnh minh họa sinh động nhất cho tình yêu nghệ thuật dân gian của những con người sinh ra trên đất xẩm Ninh Bình.


Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN