Phố cổ Hà Nội: Nỗi lo từ sự đổi thay
(Sóng trẻ)-Trải qua hàng chục năm “thay da đổi thịt”, phố cổ Hà Nội hiện là sự giao thoa giữa cái cũ với cái mới. Dẫu vậy, ở nơi chứa đựng niềm tự hào của người dân thủ đô, vẫn còn đó những khó khăn và thách thức.
Thực trạng không của riêng ai
Mang tên phố cổ, nhưng cái “cổ” của 36 phố phường đang dần bị mai một, nhường chỗ cho những đổi mới như lẽ tất yếu trong tiến trình phát triển xã hội. Những ngôi nhà cổ kính hoặc biến mất, hoặc xuống cấp trầm trọng, hoặc nép mình khiêm nhường bên những nhà hàng, khách sạn… trải dọc các con phố. Nhiều công trình phá vỡ cảnh quan, tạo cho nơi đây gam màu gượng gạo giữa “cổ” và “tân”, không mới cũng chẳng cũ.
Khách sạn May de Ville (số 43 Gia Ngư) gây sự mất cân đối kiến trúc khu phố
Bên cạnh đó, giao thông cũng là “nốt trầm” nơi phố cổ. Sinh hoạt, trưng bày sản phẩm, để xe,… tất cả được người dân “phó mặc” hết cho vỉa hè. Giữa cái chật hẹp, chen chúc đặc trưng, việc người đi bộ phải đi dưới lòng đường góp phần tạo ra sự hỗn loạn nơi phố cổ mỗi lúc tan tầm.
Một ngôi nhà xuống cấp trên phố Hàng Mành
Thay đổi chẳng kém cảnh quan và giao thông, đó là chức năng của phố cổ. Nếu trước đây, 36 phố phường là nơi sinh sống và sản xuất của các thợ thủ công, thì hiện nay, mọi hoạt động đều có thể diễn ra trên phố cổ, từ buôn bán, ẩm thực, giải trí đến du lịch. Nét truyền thống, cũng vì thế mà ít nhiều mất đi.
Lối đi nào cho người đi bộ?
Vì đâu nên nỗi?
Bởi những nét độc đáo mang tính văn hoá, lịch sử, phố cổ Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và nài nước. Các doanh nghiệp lữ hành cho biết, 60% khách du lịch đến miền Bắc đều tham quan phố cổ.
Phố cổ luôn tấp nập (Ảnh: Hà Nội mới)
Con số ấy mở ra cơ hội phát triển cho 36 phố phường. Cộng với sự “hụt hơi” thấy rõ của mô hình sản xuất nhỏ lẻ truyền thống, một bộ phận người dân nơi đây đã chuyển hướng sang kinh doanh những sản phẩm mang tính đại chúng cao. Các mặt hàng lưu niệm, tạp hoá, thời trang được nhiều người ưa chuộng ra đời, thay cho các phố nghề truyền thống.
Những công trình thiếu đồng bộ, những vỉa hè bị lấn chiếm cũng từ đó mà thành. Tất cả chỉ vì hai chữ “lợi nhuận” mà nhiều người dân khai thác triệt để từ lượng khách du lịch không ngừng tăng lên.
Nhiều nhà ở phố Hàng Hòm trở thành nơi kinh doanh đồ lưu niệm
Hướng đi nào cho phố cổ?
Đâu đó trên phố cổ, vẫn còn những nghề truyền thống tồn tại với sức sống mãnh liệt, như tại ngôi nhà số 33 Hàng Thiếc của cụ Chức – nghệ nhân làm thiếc lâu đời. Câu chuyện của cụ có thể mở ra những hướng đi khả quan cho việc bảo tồn và phát huy truyền thống ở khu phố này.
Phố Tạ Hiện (Ảnh: LandToday)
Người xưa có câu: “Thành Rome không chỉ xây trong một ngày”, cũng như những thực trạng chẳng thể được giải quyết trong một sớm một chiều. Bởi lẽ, vấn đề phố cổ liên quan đến giao thông, xây dựng, quy hoạch và ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều người. Đó là chặng đường dài, cần có sự tham gia của Nhà nước, các cơ quan liên quan, và quan trọng nhất, là ở bản thân mỗi chúng ta.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời các bạn xem phóng sự dưới đây:
Nam, Thế Anh, Thành, Việt, Sơn, Tài Minh BMĐT35
Cùng chuyên mục
Bình luận