Quản lý phát ngôn của sinh viên trên mạng xã hội vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”?
(Sóng trẻ) - Những phát ngôn trên mạng xã hội (MXH) ngày càng khó kiểm soát. Ngay cả khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế mới yêu cầu các trường ĐH tập trung ngăn chặn và xử lý nghiêm những sinh viên bình luận dung tục trên mạng xã hội thì nhiều người vẫn cho rằng đó chưa phải là biện pháp mang tính hiệu quả lâu dài.
Giới trẻ còn mơ hồ về Quy chế
Trước tình trạng “loạn” phát ngôn trên các trang MXH, Bộ GD&ĐT vừa ra Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, có hiệu lực thi hành từ ngày 23/5/2016. Quy chế mới được ban hành nêu rõ một trong những hành vi sinh viên không được làm là đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã gần 6 tháng kể từ ngày Quy chế có hiệu lực, thực trạng đăng tải bình luận của sinh viên trên mạng internet nói chung và mạng xã hội Facebook nói riêng vẫn chưa có sự chuyển biến nào rõ rệt. Những bình luận, đăng tải, chia sẻ các thông tin, hình ảnh, video mang tính phản cảm, đồi trụy, phản động…vẫn diễn ra hằng ngày. Có chăng, nếu trước đây mọi thông tin được chia sẻ rộng rãi thì hiện nay, các thông tin được “truyền tay” trong một hoặc vài group kín. Rồi từng thành viên trong nhóm sẽ sẻ chia “kín đáo” qua các group nhỏ khác, qua tin nhắn…để tuyên truyền, kích động mọi người xung quanh.
Những bài post, bình luận thiếu văn hoá của các bạn trẻ trong một số group kín
Những lời xỉ vả, bôi nhọ, bịa đặt thông tin, thách thức nhau trên các trang MXH vẫn tiếp tục gia tăng. Đầu tháng 8/2016, phố đi bộ Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, quận 1, tp. HCM ) trở thành “sàn đấu” cho vụ đánh nhau của hai cô bạn Thanh Thúy Vi và Võ Huỳnh Thanh Vân ( cả hai đều mới 18 tuổi). Chỉ vì những mâu thuẫn trên facebook, cả hai đã hẹn nhau ra phố đi bộ để “giải quyết” . Đặc biệt, sự việc “ thu hút rất đông sự chú ý của các bạn trẻ, tất cả đều share, comment gọi đồng đội đến phố đi bộ để xem, cổ vũ, ủng hộ cho Thúy Vi và Thanh Vân, gây náo lạo cả dãy phố. Hay trong tháng 10 vừa qua, cộng đồng các bạn trẻ trên FB rộ lên trào lưu phát ngôn “Việt Nam đã nói là làm”. Từ việc cổ suý cho trào lưu này mà các bạn trẻ thi nhau like, share, comment những lời lẽ thách thức dẫn đến những sự việc thiếu kiểm soát, nông nổi, để lại hậu quả xấu. Điển hình là vụ một nữ sinh tẩm xăng đốt trường ở Khánh Hoà bắt nguồn từ trào lưu thách thức này.
Mặc dù Quy chế mới đã có hiệu lực từ 23/5/2016 nhưng đến hiện nay, phần đa các bạn sinh viên, học sinh “mơ hồ” khi được hỏi về những điều khoản trong Quy chế. Bạn Ngọc Linh – sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ: “Thật sự mình chưa được biết đến quy chế mới này của Bộ GD&ĐT…”
Một số sinh viên có biết tới thông tin này, nhưng vẫn chưa nhận thấy rõ tính hiệu quả của Quy định mới ban hành. Số sinh viên này cho biết, MXH vẫn liên tiếp xuất hiện nhiều bình luận thiếu văn hóa, nhiều lượt chia sẻ các hình ảnh đồi trụy, phản cảm…xuất phát từ tài khoản của những người trẻ, trong đó có cả sinh viên. Điều đó hoàn toàn có thể hiểu vì tính đến thời điểm hiện nay, duy nhất một sinh viên có tên N.T.L (ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội) bị xử phạt do “có tư tưởng cực đoan” sau vụ khủng bố ở Paris vào ngày 13/11 vừa qua. Tuy nhiên, lãnh đạo của trường cũng “chỉ dừng lại ở mức độ trao đổi, rút kinh nghiệm”.
Nhiều sinh viên khi bàn về Quy chế mới đã đưa ra những ý kiến trái ngược nhau. Bạn Nguyễn Thị Thảo – sinh viên năm 4 Đại học Văn hóa Hà Nội bày tỏ: “Sinh viên chúng ta đã đủ tuổi công dân, mình nghĩ các bạn cần có những suy nghĩ đúng đắn và chịu trách nhiệm trước mọi hành động, lời nói của mình trong cuộc sống hay trên thế giới ảo. Mình hoàn toàn đồng ý với Quy chế mới của Bộ GD&ĐT”.
Bạn Ngọc Thu – sinh viên năm nhất Học viện Ngân Hàng lại suy nghĩ khác: “Việc sử dụng các trang mạng xã hội là quyền tự do của mỗi cá nhân. Không ai có thể ép buộc người khác ngừng thể hiện cảm xúc, hay những quan niệm của bản thân trước các vấn đề xung quanh được. Quy chế này hoàn toàn không hợp lý…”
Đúng đắn nhưng khó thực hiện
Các nhà giáo dục đều cho rằng, với tình trạng đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia... lan tràn trên MXH như hiện nay, giới trẻ, đặc biệt sinh viên cần phải có ý thức rèn luyện và có trách nhiệm đối với phát ngôn của mình. Mục đích của quy chế là đúng đắn nhưng tính hiệu quả lâu bền của quy chế còn phải bản lại bởi nhiều bất cập tồn tại.
Đầu tiên, Quy chế ban hành nhưng chưa có một văn bản hướng dẫn chỉ rõ hình ảnh, bình luận như thế nào đó là dung tục, bạo lực. Khái niệm trong từ điển, sách vở khác xa với hiện thực. Ví dụ như từ sexy, trong từ điển mang nghĩa quyến rũ, hấp dẫn nhưng nài đời, sexy gắn liền với rất nhiều hình ảnh phản cảm. Bởi chưa làm rõ nên sinh viên không biết được đâu là dung tục, là xúc phạm. Có người biết và hiểu nhưng họ cố tình “làm lơ” vì nhà nước không có quy định rõ. Chưa kể, sinh viên thường sử dụng từ lóng, từ viết tắt, ký hiệu, biểu tưởng để trao đổi thông tin cho nhau. Điều đó cũng gây khó khăn cho những người trực tiếp làm công tác quản lý, rất khó để xác định xem sinh viên đó có vi phạm hay không, hay mức xử phạt cho hành động đó cũng mập mờ.
Vấn đề thứ hai chính là sự thiếu quản lý, thiếu kiểm soát của các trang web. Theo thống kế, năm 2015, những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng internet ở Việt Nam chủ yếu liên quan đến những nội dung đồi trụy, phản cảm. Câu hỏi đặt ra là vì sao các từ khóa đó có thể dễ dàng tìm kiếm đơn giản như vậy? Đơn giản là sự quản lý các trang web còn yếu kém, hàng ngày hàng giờ có hàng trăm trang web ra đời, không ai xem xét đó là trang web về cái gì, nội dung chính như thế nào, cách thức hoạt động ra sao.
Các sinh viên đều cho rằng, sử dụng MXH là quyền riêng tư, tự do của mỗi cá nhân. Việc theo dõi, điều khiển hoạt động trên trang cá nhân của sinh viên, học sinh là vi phạm quyền tự do của con người.
Trao đổi về vấn đề này, Thầy Thái Hồng Đức – Phó Bí thư Đoàn Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ quan điểm: “Thông tư này của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, việc thực thi nó cần phải có thời gian, bên cạnh đó còn cần sự vào cuộc, phối hợp thực hiện của các ban ngành liên quan. Muốn quản lý tốt vấn đề bình luận trên mạng xã hội, cần một hệ thống chế tài rõ ràng hơn và sự vào cuộc của các ban ngành. Đặc biệt, cần có sự tuyên truyền, giáo dục của trực tiếp đội ngũ giảng viên và không thể không nói tới vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên tại trường lớp – nơi gắn bó gần gũi nhất đối với học sinh, sinh viên”.
Từ ngày 14/11/2016 đến ngày 21/11/2016 Trang tin Sóng trẻ (songtre.tv) mở diễn đàn “Quản lý phát ngôn của sinh viên trên mạng xã hội vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”? Mọi ý kiến, phương án của bạn đọc đề xuất sẽ được đăng tải trên trang tin Sóng trẻ để trao đổi, tranh luận. Các ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về trang tin Sóng trẻ qua email: [email protected] hoặc tại đây.
Cùng chuyên mục
Bình luận