Sinh viên báo chí: vui, buồn kì kiến tập

(Sóng Trẻ) - Với sinh viên báo chí, một tháng kiến tập là một tháng vào cuộc như những phóng viên thực thụ, một tháng sống cùng sự kiện, nhân vật, hòa mình vào guồng quay hối hả của nghề báo.

Khởi đầu suôn sẻ  

Là cộng tác viên “ruột” của báo Sinh viên Việt Nam, Kiều Chinh – cô sinh viên năm ba, lớp Báo Mạng điện tử K27, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tỏ ra khá tự tin khi bước vào kì kiến tập. Chinh chia sẻ: “Vì là cộng tác viên quen thuộc của SVVN nên thời gian kiến tập, mình được các anh chị trong tòa soạn giúp đỡ rất nhiều. Bản thân mình thì đã có không ít kinh nghiệm làm báo nên hầu hết đề tài mình đề xuất, bài viết mình thực hiện đều được đồng ý sử dụng”.

Một điều không thể phủ nhận là hiện nay, sinh viên báo chí đang có nhiều lợi thế hơn so với trước kia. Phương tiện kỹ thuật hiện đại, năng động cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin là điều kiện thuận lợi để mỗi sinh viên hoàn thành tốt công việc của mình. Thêm vào đó, “sinh viên đi kiến tập lợi nhất là có kiến thức vẫn còn đang nóng hổi, có tư duy sáng tạo và nhiệt tình nghề nghiệp” – Nguyễn Quỳnh Nha – sinh viên lớp báo Ảnh K27 bộc bạch.

Khéo léo tận dụng những kĩ năng vốn có, không ít sinh viên đã chiếm được cảm tình của cơ quan mình đến kiến tập, tạo được mối quan hệ nghề nghiệp lâu dài.“Mình kiến tập tại báo Người Hà Nội, tờ báo luôn chào đón cộng tác viên trẻ. Với người trẻ có tài, họ càng trân trọng. Sau thời gian kiến tập, mình đã được kết nạp vào đội CTV chính thức của báo” - Trâm, SV Báo In K27cho biết.

2214a51ed_st5.jpg 

 Tòa soạn báo luôn bận rộn (nguồn ảnh: Internet)
 

Với khởi đầu suôn sẻ, kì kiến tập đã mở ra cánh cửa đầy hứa hẹn cho các bạn sinh viên báo chí trong tương lai.

Con đường còn chông gai

“Mình đã nếm trải một tháng kiến tập đầy gian nan” là kết luận của một vài bạn sinh viên khi bước vào nghề báo. Những khó khăn khi tác nghiệp, khi không được tạo điều kiện tại cơ quan kiến tập khiến nhiều sinh viên cảm thấy hụt hẫng và muốn buông xuôi.

Nỗi chật vật vì áp lực chỉ tiêu, vì chọn phải tòa soạn báo khó tính cũng làm cho nhiều sinh viên phải điêu đứng. Nguyễn Chi và Ngọc Quyên (BMĐT K27) kiến tập tại báo Tuổi trẻ Online là một trong những ví dụ điển hình. Quyên than thở: “Nhiều bài viết mình gửi lên không có hồi âm. Đề tài mình đề xuất khá nhiều nhưng đều bị từ chối, nhiều lúc hì hục đi thu thập thông tin để viết bài, viết xong rồi cũng không được đăng, thậm chí cả sửa lỗi cho bài cũng không có”.

 
Thêm vào đó, việc “bí” đề tài, thiếu phương tiện tác nghiệp cũng là điều khiến cho nhiều sinh viên phải nơm nớp lo sợ trong suốt 4 tuần tham gia hoạt động thực tế tại tòa soạn. Thế Toàn – sinh viên lớp Truyền Hình K27 A1 thì cho hay: “Mấy ngày đầu mình còn lạ lẫm, làm việc lơ ngơ. Có đề tài hay muốn làm nhưng không có máy quay, dụng cụ tốt để tác nghiệp nên xoay sở rất khó. Nhiều khi chán, chỉ muốn bỏ cuộc”.

Cuống cuồng với áp lực thời gian, nhiều sinh viên còn tự rơi vào “mạng nhện” những khó khăn do chính mình tạo ra. Đó là sự e ngại, rụt rè khi tiếp xúc với môi trường báo chí hay nói đúng hơn là do thói lười cố hữu của sinh viên, ngại khó, ngại khổ nên chưa dám dấn thân mạnh mẽ vào thực tế. Để rồi hệ lụy của nó là kết quả không mấy khả quan mà các bạn thu được sau kì kiến tập.

Thiếu kiến thức chuyên ngành cũng là một trong những khó khăn lớn đối với các sinh viên đi kiến tập tại các tòa soạn báo. Nguyễn Thị Bích (Báo in K27) chia sẻ: “Mình kiến tập ở Thời báo Tài chính nhưng do không hiểu biết chuyên sâu về tài chính nên không thể viết được những bài liên quan đến lĩnh vực này mà phải chọn các đề tài xã hội. Có những hôm cũng phải làm cả các công việc “bếp núc” để khỏi trở thành người thừa ở đó”.

Thiếu kĩ năng, thiếu những kiến thức cần thiết và chuyên môn về một lĩnh vực cụ thể đã làm cho sinh viên “đuối” hoàn toàn khi đi kiến tập, nhất là ở các báo ngành. Những “lỗ hổng” như vậy cùng với những khó khăn, áp lực đã trải nghiệm sẽ là những thách thức cần phải vượt qua đối với mỗi sinh viên báo chí khi đã xác định theo đuổi nghề báo.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Kỳ kiến tập là cơ hội để sinh viên quan sát thực tế, làm quen với công việc của một nhà báo thực thụ và xác định được khả năng của bản thân. Với những sinh viên có “lửa” với nghề, chắc chắn thời gian thử thách này sẽ đem lại nhiều kinh nghiệm quý báu.

Dù hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tin bài nhưng Nguyễn Quỳnh Anh (BMĐT K27) vẫn chưa thực sự hài lòng với những gì mình làm được. Điều lớn nhất mà bạn nhận được là những trải nghiệm sâu sắc về nghề: “Đã làm báo thì không thể ngồi một chỗ, phải chăm chỉ đi thực tế. Đi thực tế về là bắt tay vào viết ngay khi ý tưởng còn “nóng hổi”. Mỗi chuyến đi mình chụp ảnh rất nhiều. Dù mình chụp chưa đẹp nhưng nhiều khi khai thác những bức ảnh lại có thêm đề tài mới”.

Vân Anh, Báo Mạng điện tử K27 thì nhận ra rằng: “Nếu làm việc nghiêm túc thì chỉ tiêu tin bài không có gì đáng phải lo ngại. Nhưng nếu không đủ chỉ tiêu cũng không thể khẳng định đợt kiến tập thất bại. Điều quan trọng là học hỏi được kinh nghiệm và xác định khả năng làm báo của mình đến đâu”.
Mỗi cơ quan báo chí lại có một cách hướng dẫn riêng đối với sinh viên kiến tập. Nài việc chủ động liên hệ, bạn còn phải xác định rõ sở trường để lựa chọn cơ quan báo chí phù hợp với mình.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, kì kiến tập đã mang đến cho sinh viên một cái nhìn cận cảnh hơn về nghề báo. Nó khơi dậy trong mỗi người niềm đam mê, khát vọng cống hiến hết mình cho nghề báo. Còn bạn, bạn đã có một kì kiến tập như thế nào? Hãy gửi bài viết chia sẻ với chúng tôi để làm sinh động hơn nữa những câu chuyện xung quanh kì kiến tập nhé!

Comment đã nhận được:

1.     Trinh Anh ([email protected]): Những nỗi buồn kiến tập

Kiến tập là yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên báo chí năm thứ ba. Tuy nhiên, mỗi người lại trải qua kì kiến tập với những trải nghiệm riêng, có nụ cười, có hoang mang, thậm chí có cả giọt nước mắt.


Khi bạn bước chân vào một tòa soạn báo để bắt đầu kì kiến tập, điều đầu tiên bạn suy nghĩ là làm sao đủ chỉ tiêu 2 tin 1 bài. Bởi vậy, với nhiều sinh viên, thời điểm hoàn thành chỉ tiêu ấy cũng là lúc họ tự cho phép mình hoàn thành kì kiến tập. Thế nên mới có tình trạng một số sinh viên chỉ chăm tới tòa soạn mấy buổi đầu, được đăng đủ 2 tin 1 bài thì ung dung ngồi nhà tránh nắng, nóng.

 

Căn bệnh tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ” cũng không hiếm gặp trong kì kiến tập. Chưa cần biết môi trường làm việc tại tòa soạn mình kiến tập có ưu nhược điểm gì, chỉ cần nghe bạn bè nói tòa soạn của họ dễ tính, thân thiện, tạo điều kiện tốt là đã có cảm giác “trời đất sụp đổ”, bắt đầu than thân trách phận sao mình không chọn nơi khác, sao số mình lại xui xẻo thế này!
 Trong thực tế, ở bất cứ tòa soạn nào, khi sinh viên kiến tập có tinh thần cầu thị, thì họ sẽ thu được cho bản thân rất nhiều về kinh nghiệm và kĩ năng nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống, chứ không chỉ là số lượng tin bài được đăng.


Như vậy cũng không có nghĩa kì kiến tập diễn ra có suôn sẻ hay không đều do sinh viên quyết định. Như trong bài viết đã nêu, trường hợp của Quyên hay Chi, không biết nên đổ lỗi cho cơ quan kiến tập thiếu trách nhiệm, hay sinh viên phải tự trách mình vì đã đăng ký kiến tập tại tờ một tờ báo lớn như thế.
Một số trường hợp khác, sinh viên lại oan ức bởi sự chèn ép của phóng viên tòa soạn. H (sinh viên BMĐT) cho biết, cùng một sự kiện xảy ra, trong khi H đã đăng kí đề tài với trưởng ban, tới hiện trường lấy tin, viết bài, thì một phóng viên khác của tòa soạn ngồi nhà ung dung “đạo” tin của báo khác. Kết quả là bài viết do phóng viên của tòa soạn được đăng, thân phận sinh viên thực tập đành ngậm ngùi chấp nhận thiệt thòi.


T (sinh viên báo in) cũng ấm ức không kém, khi cất công đi lấy tin rồi gửi về tòa soạn, hôm sau đọc báo mới thấy bài viết của mình được một phóng viên sử dụng, thêm thắt và biến thành bài của họ. Chỉ là sinh viên thực tập, T đành “dĩ hòa vi quí”, để lần sau còn được báo tạo điều kiện cho đăng bài.
 Chuyện sinh viên đi kiến tập không phải là chuyện mới, nhưng mỗi năm lại góp thêm một vài câu chuyện không lường trước được, khiến nhiều sinh viên điêu đứng.


Mỗi sinh viên báo chí nên tự chuẩn bị cho mình một tâm thế thật tốt trước khi bước vào kỳ thực tập để tránh những bỡ ngỡ, những tai nạn đáng tiếc không nên xảy ra.

2. Nguyễn Đỗ Quang ([email protected]): Có thực sự cần chỉ tiêu trong kỳ kiến tập?

Kiến tập là cơ hội để đem lại cho sinh viên những bài học về nghề báo, song “chỉ tiêu” do nhà trường đặt ra lại vô tình làm mất đi ý nghĩa thực sự của nó.

Kiến tập để làm gì?

Kết quả kiến tập là tiêu chí để đánh giá về ý thức, đạo đức, phẩm chất, năng lực nghề nghiệp của mỗi sinh viên. Chắc chắn không ai có thể không lo lắng trước kì kiến tập, kể cả những người đã có nhiều kinh nghiệm viết báo. Lần đầu tiên sắm vai một nhà báo thực thụ nên các bạn không khỏi bỡ ngỡ. Thêm vào đó là sự thiếu tự tin khi phải bước chân ra nài xã hội, ngại khó, ngại khổ hay yếu kém trong việc vận dụng kiến thức đã học vào thực tế.
Chính vì vậy, kiến tập là cơ hội để tự kiểm tra năng lực của mình, rèn luyện nâng cao những phẩm chất của nghề báo. Thế nhưng, thật đáng tiếc, nhà trường lại đặt ra một thứ gọi là “chỉ tiêu” để đánh giá kết quả kiến tập của sinh viên.

“Chỉ tiêu” có thực sự cần thiết?

Đối với những sinh viên đã có kinh nghiệm viết bài, chỉ tiêu 2 tin 1 bài là điều không quá khó. Khả năng viết lách đã được rèn giũa, cộng thêm với sự quen biết từ trước biến chỉ tiêu thành vấn đề chẳng đáng lo ngại.
 Ngược lại, đối với những sinh viên chưa có kinh nghiệm viết bài, chỉ tiêu thực sự là một cơn ác mộng. Còn học hỏi được gì khi mà áp lực chỉ tiêu lúc nào cũng đè nặng. Thay vì để cho những sinh viên đó có thời gian làm quen dần với môi trường báo chí thì chỉ tiêu đã biến họ “chưa biết bò đã phải lo chạy”. Thậm chí, nó còn đi ngược lại với mục đích của kỳ kiến tập là nâng cao lòng yêu nghề của sinh viên.

Cuống cuồng với việc hoàn thành chỉ tiêu trong thời gian đã định, nhiều sinh viên đã không có thời gian để thực hiện một mục tiêu cũng quan trọng không kém việc hoàn thành chỉ tiêu, đó là học hỏi kinh nghiệm làm báo của những người đi trước.

Vậy chỉ tiêu để làm gì? Vượt chỉ tiêu đâu có nghĩa sẽ trở thành một nhà báo giỏi vì số lượng bài viết trong thời gian kiến tập tùy thuộc vào nhiều yếu tố phụ như may mắn, mức độ yêu cầu của tờ báo mình chọn, sự quen biết… Không đạt chỉ tiêu không có nghĩa là bạn không thể trở thành một nhà báo giỏi, bởi lẽ để trở thành nhà báo giỏi còn cần một quá trình phấn đấu lâu dài.

3. Đỗ Thị Chiêm  ([email protected]): Kiến tập – Người hướng dẫn cũng rất quan trọng

Đối với những người chưa từng hay còn ít viết bài cho báo, kì kiến tập tuy chỉ gói gọn trong một tháng nhưng thực sự là một thử thách. Không phải ai cũng “thuận buồm xuôi gió”. Vấn đề nảy sinh ở rất nhiều yếu tố, trong đó, một phần không nhỏ đó là ở phía người hướng dẫn.

Không phải cơ quan báo chí nào cũng có thái độ giống nhau đối với các sinh viên đến kiến tập. Nhưng nhìn chung, vì lí do xã giao, đa số cơ quan vẫn đồng ý cho sinh viên kiến tập và sẽ phân công cho sinh viên một người hướng dẫn. Vấn đề bắt đầu từ đây.

Kẻ khóc, người cười

Người hướng dẫn là người sẽ chịu trách nhiệm quản lí, giao nhiệm vụ và giúp đỡ các sinh viên trong cả quá trình kiến tập. Chính vì vậy, khi đã được giao cho người hướng dẫn thì việc họ hợp tác hay không sẽ là yếu tố quyết định độ thành công của một kì kiến tập. Nếu họ nhiệt tình thì sinh viên đó quả thực là “được nhờ”. Bạn có thể được họ dẫn đi thực tế, được dạy cách phát hiện đề tài từ những gì bạn trông thấy, nghe thấy,… Trong thời gian đó, cũng có thể chính họ sẽ chia sẻ những kinh nghiệm “bất thành văn” trong nghề báo mà đôi khi ngay cả chính đồng nghiệp của họ cũng chưa chắc đã từng được nghe.

Tuy vậy, nếu bị “sao quả tạ” chiếu thì số phận của sinh viên còn long đong, lận đận nhiều mới mong có thể hoàn thành chỉ tiêu chứ đừng nói đến chuyện được “tâm tình, thủ thỉ”. Nhẹ thì bạn có thể bị giao nhiệm vụ… đọc báo dài dài với lí do “Anh bận”, hoặc “Em phải đọc thật nhiều để học tập cách người ta viết”; đã không được giao đề tài nhưng khi bạn nêu ý kiến thì sẽ nhận được điệp khúc: “Đề tài này nhỏ quá (hoặc đề tài này không hay), em tìm đề tài khác đi”.

Lúc này, áp lực tin, bài sẽ khiến bạn càng bối rối. Ngay cả những sinh viên đã có kinh nghiệm cộng tác mà gặp phải những anh, chị hướng dẫn như thế này thì cũng chỉ biết trách mình “số đen” mà thôi.

Tai sao họ cứ “nhăn mặt” thế…

Không kể lí do thuộc về tính cách thì hãy thử điểm những nguyên nhân tại sao họ lại bất hợp tác như vậy.

Thứ nhất, có thể do áp lực thời gian và cạnh tranh. Không phải chỉ sinh viên mới chiu áp lực tin, bài, mà chính phóng viên cũng có những chỉ tiêu của họ. Có thể là họ sẽ sợ bạn ảnh hưởng đến công việc của họ, do vậy mới hay kêu bận hay hay từ chối giúp đỡ và khuyên bạn phải tự “bơi”. Những trường hợp này, nếu có thì sự giúp đỡ của họ cũng hời hợt.

Thứ hai, Rất có thể là do họ đang không có thiện cảm với bạn. Việc thiếu thiện cảm có thể do rất nhiều nguyên nhân như: do diện mạo, do thái độ thiếu nhiệt tình, do lời ăn, tiếng nói của bạn trong quá trình kiến tập. Hay cũng có thể trước đó, họ biết bạn là người quen của ông này bà kia nên họ có thể sẽ nghĩ bạn đến chỉ vì mối quan hệ chứ bạn chẳng có năng lực.

Hoặc họ cũng có thể “ngại” bạn vì một lí do khác. Một phóng viên Dân trí đã chia sẻ: “Bọn anh không mấy thiện cảm với sinh viên lắm vì nghe nhiều chuyện không hay: có những sinh viên trong cả quá trình kiến tập không hề tham gia viết bài nhưng lại cứ hay “xin” kí tên cùng cho đủ chỉ tiêu; hoặc có người “chai mặt” hơn cuối kì kiến tập còn mang bài đến đòi kí xác nhận và khăng khăng đó là tác phẩm của mình”.

Thiết nghĩ, các bạn sinh viên trước khi trách móc cơ quan báo chí, trách người hướng dẫn thì hãy nên xem xét chính bản thân mình.

Khi bạn may mắn gặp người hướng dẫn tốt thì tốt nhất nên tận dụng khoảng thời gian kiến tập đó, bạn sẽ biết được rất nhiều điều có lợi cho bạn. Và nếu khi bạn gặp người không mấy hợp tác, hãy thể hiện một cách chân thành nhất, nhiệt tình nhất, xông xáo dù cho là họ làm bạn không mấy hài lòng. Nếu lỗi không phải ở bạn thì bạn sẽ không phải lo lắng rằng họ sẽ “ghét” bạn cho đến khi kết thúc kiến tập. Và trong mọi trường hợp, hãy thể hiện sự khiêm tốn, tinh thần cầu tiến của bạn.

4. Thanh Thanh ([email protected]): Lựa chọn địa điểm tốt để kỳ kiến tập thành công

Khác với kỳ thực tập kéo dài 3 tháng, kỳ kiến tập trong một tháng có lẽ khiến sinh viên dễ thở hơn trong việc lựa chọn nơi để kiến tập. Lựa chọn nơi kiến tập phù hợp chính là yếu tố quyết định đến kết quả của kỳ kiến tập.

Lợi thế tốt nhất mà sinh viên có được khi lựa chọn nơi kiến tập chính là dựa vào mối quan hệ. Có thể của chính mình hoặc của gia đình, bạn bè nhưng khi có được mối quan hệ, sinh viên sẽ nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn.

Không phải cứ chọn những tờ báo lớn, có danh tiếng để kiến tập là đã có thể nói là thành công. Những tòa soạn lớn thường rất đông phóng viên, biên tập viên. Khối lượng công việc của họ là rất nhiều. Vậy nên, có trường hợp họ sẽ bỏ qua sinh viên đến kiến tập mà làm công việc của mình. Khi đó, sinh viên sẽ rất bị động. Đến cơ quan chẳng để làm gì rồi kết quả là trắng tay ra về. Dù cho nơi kiến tập có thể quyết định một phần nào đến điểm số nhưng đó không phải là tất cả. Quan trọng là sau kỳ kiến tập đó, sinh viên rút ra được cho mình những bài học gì.


Ngược lại, cũng không nên lựa chọn những tờ báo ít tên tuổi, hoặc chỉ có cơ quan thường trú. Những nơi này thường rất neo người, công việc ít, sẽ không thể giúp sinh viên có được môi trường làm việc đúng.

Để có thể có sự lựa chọn tốt, sinh viên nên tham khảo ý kiến của những anh chị đi trước về nơi mà họ đã kiến tập, hỏi ý kiến của thầy cô để xin giúp đỡ, tìm hiểu trước môi trường làm việc ở nơi mà mình định sẽ kiến tập để có thể ngay lập tức thích nghi.

Hầu hết mọi kinh nghiệm quý báu thu được trong thời gian này đều do các anh chị trong tòa soạn truyền lại. Bởi vậy, sau khi lựa chọn được nơi kiến tập thì chúng ta phải làm quen, mạnh dạn nhờ các anh chị giúp đỡ, tránh không rơi vào trường hợp bị quên lãng, chỉ có “kiến” mà không thể “tập”.

Hơn thế nữa, nếu tạo được mối quan hệ tốt, có thể sinh viên sẽ được nhận làm cộng tác viên cho chính tòa soạn mình đã kiến tập, để tạo tiền đề tốt cho kỳ thực tập 3 tháng sau này, rồi tính xa hơn nữa là ra trường, xin việc tại tờ báo đó.

Một sự bắt đầu tốt bao giờ cũng đảm bảo cho một kết quả tốt. Hy vọng rằng, sinh viên có thể chọn cho mình được một nơi kiến tập phù hợp với mình.

5. Thu Thủy
([email protected]): Thước đo kỳ kiến tập thành công

Nhìn vào báo cáo kiến tập, có thể thấy sự chênh lệch không nhỏ về số lượng bài vở cộng tác giữa các sinh viên báo chí. Tuy nhiên, liệu thước đo một kỳ kiến tập thành công có phải chỉ là những con số ấy?

Chọn đúng tòa soạn và mảng chuyên đề sở trường

Một tháng thật ngắn cho những đam mê viết lách có “đất” được thể hiện. Có những bạn lần đầu tiên cộng tác với báo cũng có thể viết rất tốt và nhận được nhiều lời ngợi khen của các cơ quan báo chí. Đó là thành công của những bạn đã chọn đúng tòa soạn, tìm được đúng mảng chuyên đề viết sở trường.

Có nhiều bạn sau ba năm học không tìm được sở trường viết của mình, nhưng chỉ sau một tháng kiến tập đã có thể tìm ra đáp án cho câu hỏi này. Đó là thành công đầu tiên trên con đường sự nghiệp của chính các bạn.

Có thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp


Rất nhiều sinh viên trở về sau kỳ kiến tập với một danh sách các số điện thoại của các anh chị phóng viên và các nhân vật đã được gặp. Môi trường thực tế giúp các bạn tự tin hơn trong giao tiếp, có thêm nhiều mối quan hệ, tìm thấy những người bạn mới có thể được coi là một thành công khác mà các bạn sinh viên có được trong kỳ kiến tập ngắn ngủi của mình.

Tìm thấy một hướng đi


Một tháng kiến tập với cơ hội cọ xát, đương đầu với áp lực thời gian, chỉ tiêu là một cơ hội thuận lợi để mỗi người nhìn nhận lại bản thân, tình yêu với nghề báo và khả năng đáp ứng công việc.
 
Nhiều sinh viên đã thấy được tình yêu và tương lai gắn bó của mình với báo chí. Không ít sinh viên khác sau kỳ kiến tập lại khẳng định về một hướng đi mới trong tương lai, không phải là báo chí. Dù thế nào, nếu như kỳ kiến tập giúp các bạn nhìn thấy được điều mình nên làm cũng như công việc của mình trong tương lai thì đó chẳng phải là một thành công sao?

Quả thật, một tháng kiến tập với sinh viên báo chí vừa qua đã mang đến cho mỗi người những trải nghiệm và cảm xúc rất riêng. Con số chỉ tiêu chưa hẳn đã nói lên sự thành công mà đôi khi thành công lại là sự thất bại trong những bước đi thực tế đầu tiên này. Điều quan trọng là mỗi người xác định được cho mình một hướng đi, một sở trường để quyết tâm theo đuổi, dấn thân và nhập cuộc.

6. Quý Thông ([email protected]): Bước đầu tiên của sự nghiệp

Chập chững vào nghề

Câu “Vạn sự khởi đầu nan” dường như đúng với mọi lĩnh vực. Với sinh viên báo chí, kì kiến tập làm quen với công việc mai sau của mình lại càng quan trọng hơn bao nghề khác.

Thứ nhất, nghề báo là một nghề đòi hỏi phải có sự nhanh nhạy, sức khỏe và sự dẻo dai để có thể đưa tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất đến với người đọc. Đối với báo điện tử, điều này càng cần thiết hơn.

Chuyện sinh viên đi kiến tập không có gì là mới mẻ nhưng với riêng bản thân mình, tôi tự rút ra nhiều điều quan trọng cho bản thân, ý nghĩa với việc học hành, ý nghĩa cho việc đi làm sau này.

Đây là một nghề vất vả. Có những hôm tôi phải một mình đi xe máy xuống công an xã Tây Tựu- Từ Liêm cách Hà Nội 25 km để lấy thông tin về nhóm cướp giật tài sản. Đi đường xa, nắng nóng, oi bức lên tới 40 độ, đến nơi ghi chép thông tin về ổ nhóm, chụp ảnh rồi lại phải đi ngay về tòa soạn để viết tin bài. Tuy mệt mỏi nhưng cảm thấy mình được hòa chung vào không khí làm việc khẩn trương của tất cả mọi người trong tòa soạn, đôi lúc tôi cũng cảm thấy hãnh diện.

Tốc độ là điều cần lưu ý thứ hai. Trở về tòa soạn sau một buổi thực tế hoặc một cuộc hội thảo, họp báo không có nghĩa là đã xong việc. Phải lập tức ngồi vào máy và viết bài, tin. Yêu cầu càng nhanh càng tốt bởi tin, bài sẽ đẩy lên ngay lập tức

Thứ ba, đó là có sự tổ chức, sắp xếp, chuẩn bị đầy đủ và kịp thời. Không thể chấp nhận việc một phóng viên đi lấy tin lại quên mang máy ảnh để chụp hiện trường. Cũng tương tự như vậy, không thể đồng ý việc một phóng viên đi phỏng vấn mà chỉ mang theo máy ghi âm chứ không mang theo chiếc bút và tờ giấy.

Nhìn các anh chị trong tòa soạn làm việc, tôi nhận thấy một bài học quý giá đó là dù có máy ảnh, máy ghi âm bên mình thì bút và giấy là những thứ không thể thiếu. Một vài phóng viên tại tòa soạn đã chia sẽ kinh nghiệm khi đi thu âm, phỏng vấn lấy tư liệu viết bài mà máy ghi âm lại hết pin. Bút không có, giấy không có, buộc phải dùng “cái đầu” để nhớ. Nhưng làm sao có thể nhớ đầy đủ, nhớ hết, và làm sao có thể đặt càng nhiều câu hỏi càng tốt nếu như điều kiện tác nghiệp không đầy đủ và bị cản trở như vậy? Do đó đòi hỏi người phóng viên trước khi tác nghiệp phải luôn có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về mặt dụng cụ, đồ nghề.

Thêm vào đó, mỗi khi đi viết tin về một sự kiện nào đó, người phóng viên phải có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực ấy. Tự tìm hiểu, chuẩn bị câu hỏi, lên kế hoạch bài viết là điều phụ thuộc vào chính phóng viên chứ không ai khác. Không thể đi đến một cuộc hội thảo mà không biết nó có nội dung gì, có những ai tham gia, lý do tổ chức là gì v.v... để viết tin, bài. Không thể phỏng vấn một người mà không có sự đầu tư kĩ lưỡng về chuyên môn, chuyên ngành của người đó, lĩnh vực mà người đó đang hoạt động v.v… để khai thác triệt để thông tin từ nhân vật cần được phỏng vấn. Chuẩn bị kĩ lưỡng cũng là một yêu cầu lớn đối với phóng viên trước khi tác nghiệp.

Vấn đề thứ tư, khả năng thuyết phục. Là nhà báo không phải cứ gọi điện và xin phỏng vấn, hoặc đến gặp phỏng vấn và đặt bất cứ câu hỏi nào cũng được cung cấp đầy đủ thông tin như mình muốn. Nơi phóng viên đến phỏng vấn có thể không muốn tiết lộ thông tin đấy, hoặc thậm chí chỉ gặp mặt lấy lệ cho có chứ không hề có thiện chí hợp tác để cung cấp thông tin… Trong những tình huống đó, khả năng ăn nói và thuyết phục của phóng viên rất được chú trọng.

Thứ năm, đảm bảo chắc chắn về nguồn thông tin được cung cấp. Không ít trường hợp mà một số trang báo như VnExpress đã gặp phải, đó là việc đưa thông tin không đúng sự thật hoặc chưa chính xác, gây hiểu nhầm cho độc giả. Thậm chí tờ báo còn bị các cơ quan có liên quan đến thông tin được nêu liên lạc đề nghị kiểm tra lại, hay yêu cầu một cuộc gặp mặt đôi bên để trao đổi v.v... Đây là điều tất cả các phóng viên phải lưu ý hàng đầu.
 
Thực tế trong làng báo Việt Nam đã chứng kiến không ít những trường hợp phóng viên đưa thông tin sai lệch, không chính xác dẫn đến nhiều hậu quá khó lường. Do đó, ngay từ ngày đầu tiên vào thực tập tại tòa soạn, các anh chị phóng viên đã lưu ý đến tôi điều này. Đưa thông tin nhanh, cập nhật kịp thời là một điều nên làm và rất cần thiết trong báo chí, nhưng đi cùng với đó phải là sự công minh, chính trực, thông tin được đưa phải chính xác, đúng với sự thật… có như vậy vị trí của tờ báo trong lòng người đọc và trong làng báo chí mới được giữ vững, không bao giờ lung lay.

7. Hoài Thương ([email protected]) Kiến tập không chỉ là đến và nhìn

Ba năm học trong trường với một khối lý thuyết khổng lồ, bạn vẫn trăn trở không có cơ hội để thực hành những kiến thức ấy? Vậy thì kì kiến tập là cơ hội tốt nhất để bạn thể hiện khả năng của mình.

Trước khi tham gia vào kì kiến tập, mình cũng như nhiều bạn trong lớp rất lo lắng về chỉ tiêu: 2 tin 1 bài mà khoa đặt ra. Chỉ bốn tuần ngắn ngủi, làm sao để hoàn thành đây? Tại sao không để cho chúng ta được thật sự “kiến” và “tập" mà lại đặt chỉ tiêu bài vở như vậy?

Dù trước đó mình có cộng tác với một vài tờ báo nhưng hầu như chỉ làm việc qua mail. Đây là lần đầu tiên mình được đặt chân đến một toàn soạn báo và làm việc như một phóng viên thật sự. Những ngày đầu kiến tập ở VOVNews, mình cũng như các bạn gặp không ít khó khăn. Số lượng sinh viên kiến tập lên tới 10 bạn với những chỉ tiêu tin bài buộc phải hoàn thành.

Tòa soạn không lớn và để tránh làm ảnh hưởng đến công việc của mọi người nên bọn mình phải chia thành nhiều nhóm nhỏ thay phiên nhau đến tòa soạn. Mình cùng nhóm với Hương. Để làm quen với cách làm việc của báo, 2 đứa mình được phân công làm tin cùng với phóng viên trực tin (chủ yếu là biên tập lại từ báo in). Đây cũng là công việc bọn mình được làm nhiều nhất!

Copy-paste cũng không đơn giản như mình nghĩ, làm nhà báo “salon” cũng chẳng hề dễ dàng. Giữa khối lượng tin tức khổng lồ tràn lan khắp các mặt báo, bạn phải cân nhắc chọn tin bài nào tiêu biểu, quan trọng, đặc biệt là phải phù hợp với yêu cầu của lãnh đạo và tôn chỉ của tờ báo. Bạn cũng cần biết biên tập như thế nào để đúng theo quy chuẩn về trình bày bài, từ ngữ, các con số, từ nước nài…Thật sự là không dễ!

Công việc tổng hợp tin cũng khá thú vị nhưng nó lại không giúp bọn mình hoàn thành chỉ tiêu tin bài đặt ra. Bọn mình đã chủ động chia sẻ nỗi lo này với các anh chị phóng viên và nhận lại được những sự giúp đỡ tận tình. Thế mới biết là cái gì cũng nên chủ động thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều! Từ đấy bọn mình luôn được ưu ái trong việc đưa tin về các sự kiện, các chương trình. Khi thì do các anh chị nhường cho đi, lúc thì là bọn mình chủ động liên hệ và đề xuất. Viết xong tin hay bài, bọn mình luôn nhờ các anh chị phóng viên đọc và góp ý trước khi trình lãnh đạo kí duyệt. Và mối quan hệ giữa bọn mình với các anh chị phóng viên cũng trở nên thân thiết hơn.

Đăng tin bài trên VOVNews khá khó khăn nên việc phải làm đi làm lại, viết mà không được đăng là chuyện rất bình thường. Mỗi lần đi làm tin, viết bài là một lần trải nghiệm để học hỏi và hoàn thiện mình. Dù tin bài có được dùng hay không bọn mình cũng thấy rất vui khi được làm việc thật sự trong môi trường báo chí chuyên nghiệp. Đó không chỉ là kiến tập, là làm việc mà còn là những kỉ niệm!

Kì kiến tập trôi qua thật là nhanh! Đến VOVNews kiến tập, bọn mình không chỉ được nhìn, học mà còn được tự làm các tác phẩm báo chí của mình. Tạm biệt VOVNews bọn mình mang theo nhiều niềm vui, niềm vui đủ chỉ tiêu tin bài, niềm vui với những người bạn nghề mới, và đặc biệt là niềm vui được làm nghề một cách chính thống nhất!

 8. Thu Nga ([email protected]) Sinh viên báo chí đi kiến tập: Đừng há miệng chờ sung

Nhìn nhận một cách khách quan, một tháng kiến tập có thể là cơ hội để nhiều bạn sinh viên học thêm những điều mới mẻ trong hoạt động báo chí, cọ xát với môi trường thực tế. Nhưng ngược lại, cũng có những bạn đã trở về với con số 0.

Có những trường hợp sinh viên xin đến một cơ quan kiến tập bởi có người quen ở đó. Vì tư tưởng có người quen, dễ nhờ vả nên không hiếm bạn không năng động tìm tòi, học hỏi. Có những bạn không những đến cơ quan tìm hiểu công việc ít mà còn viết bài một cách cẩu thả, không đào sâu suy nghĩ tìm tòi vấn đề. Nhiều khi các bạn quá tận dụng sự tiện lợi của Internet để tìm tài liệu và thực hiện thao tác “copy-paste”. Hành động này nếu được cơ quan báo chí phát hiện không những ảnh hướng đến uy tín của bản thân các bạn, người thân trong cơ quan mà còn ảnh hưởng cả đến nhà trường và thầy cô giáo.

PV Thanh Hương – Báo Đầu tư với kinh nghiệm 15 năm trong nghề tâm sự, chị đã từng chứng kiến những trường hợp đến xin kiến tập, thực tập nhưng lại không chịu khó tìm tòi, học hỏi. Các bạn chỉ đơn giản sáng 8h có mặt ngồi đọc báo, chiều xin phép đi về sớm. “Nếu mọi người không hỏi, họ cũng chẳng thắc mắc bất cứ điều gì, tôi không hiểu những người như vậy đi thực tập để làm gì nữa?”- Chị Hương cho biết.

Có nhiều sinh viên báo chí hiện lại nay quá chú trọng đến việc đăng kí kiến tập tại các tờ báo lớn. Kết quả là có nhiều bạn kêu trời, than vãn rằng cơ quan báo chí nhận vào kiến tập nhưng lại không nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn, khiến quá trình thực tập của các bạn gặp không ít khó khăn. Điều này cũng phải thông cảm cho họ. Không phải bất kì một phóng viên – biên tập viên nào của tờ báo cũng có nhiều thời gian rỗi để ngồi một chỗ, chỉ bảo cho các bạn từng li từng tí như thầy cô trên lớp.

Viết báo quan trọng là phải cọ xát thực tế để tìm kiếm kinh nghiệm riêng cho bản thân. Nếu chỉ đến thức tập với tư tưởng “há miệng chờ sung” thì không bao giờ có thể đạt yêu cầu. Thậm chí còn khiến những cán bộ, công nhân viên tại cơ quan báo chí đó có ấn tượng không mấy tốt đẹp. Quan trọng hơn cả, 3 tháng thực tập tiếp theo, những bạn sinh viên đó sẽ còn phải gặp rất nhiều khó khăn, thử thách trước mắt.

1 tháng, đối với nhiều bạn sinh viên là cơ hội để học tập, tích lũy kinh nghiệm. Nhưng cùng với đó sẽ là cảm giác dài đằng đẵng như một năm với bao lo toan, sợ hãi đối với những bạn sinh viên khác. Không phải chỉ đến kì kiến tập đi xin được chỗ làm, đủ chỉ tiêu tin bài là có thể hài lòng. Quan trọng hơn cả, bản thân sinh viên báo chí phải phấn đấu học hỏi, chuẩn bị sẵn những kĩ năng cần thiết từ trước. Thêm vào đó là sự năng động, sáng tạo. Sự ù lì, chậm chạp và quan trọng là không chuẩn bị sẵn từ trước sẽ là điểm yếu nhấn chìm các bạn trong thực tế hoạt động báo chí.

 9. Bá Mạnh
([email protected]) Không thành công bởi chưa chủ động

Kì kiến tập lần một là cơ hội tốt để sinh viên năm thứ ba chuyên ngành báo chí tìm hiểu và tham gia vào hoạt động báo chí chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sau gần một tháng thực tập, không phải ai cũng hài lòng về kết quả đã đạt được.

Vậy, nguyên nhân dẫn đến kết quả kiến tập không như mong muốn như vậy là gì? Phần là do sự khắt khe của cơ quan thực tập, việc thiếu kiến thức và kỹ năng của sinh viên,… nhưng chúng ta không thể bỏ qua nguyên nhân quan trọng nhất: sự bị động của bản thân người kiến tập.
 Nhiều ý kiến cho rằng, khi đi thực tập, bộ phận sinh viên chưa có kinh nghiệm thực tiễn sẽ “lép vế” hơn so với những sinh viên đã và đang hoạt động báo chí (đang cộng tác tại các báo). Có thể điều đó đúng, nhưng theo tôi, mục đích chính của kì thực tập không phải là so bì kết quả chỉ tiêu đạt được, mà là cơ hội để học hỏi và phát triển kĩ năng báo chí của mỗi sinh viên. Chính vì vậy, điều kiện quan trọng, chìa khóa thành công của kì thực tập chính là sự chủ động của bản thân sinh viên.

Khi bước vào tòa soạn và có cảm giác mình không được chào đón, một số bạn mang trong mình tâm trạng buồn chán, từ đó ngại đến tòa soạn thường xuyên và cũng ít liên hệ với các phóng viên hướng dẫn. Đây là một trong những biểu hiện thường thấy nhất của sự bị động. Cách phản ứng này chẳng đem lại lợi ích gì cho bạn nài việc khiến các phóng viên quên hẳn việc họ đang hướng dẫn kiến tập cho bạn. Và như thế, thật khó để bạn thu hoạch được điều gì đó tích cực từ kì kiến tập của mình.

Tòa soạn không phải là cơ sở đào tạo, vì thế, bạn đừng bao giờ có ý định trông chờ vào sự chỉ dẫn từng li từng tí của phóng viên hướng dẫn, bởi họ không dư thừa quá nhiều thời gian để dành sự quan tâm cho bạn. Thay vì ngồi yên một chỗ, bạn hãy chủ động quan sát, tìm hiểu, nghĩ ra thật nhiều đề tài có thể triển khai và đề xuất, trao đổi với người hướng dẫn. Ít nhất các phóng viên sẽ nhận ra sự cố gắng, thực sự quan tâm đến công việc của bạn và sẽ chú ý đến bạn hơn.

Tuy rằng việc nghĩ ra đề tài hay không phải là dễ, nhất là với những sinh viên có ít kinh nghiệm hoạt động báo chí, nhưng chỉ tiêu 2 tin và 1 bài được đăng trong gần một tháng kiến tập không phải là điều quá khó đến mức không thực hiện được. Có những bạn đổ lỗi cho tờ báo nơi mình kiến tập yêu cầu cao, nhưng bạn hoàn toàn có thể gửi đăng ở những tờ báo khác. Điều này một lần nữa cho thấy sự thiếu chủ động của một số bạn trong việc tìm hiểu thông tin về kì kiến tập của mình.

Với riêng bản thân tôi, tôi cũng bước vào kì kiến tập với không nhiều kinh nghiệm hoạt động báo chí trước đó. Nhưng tôi tự nhận thấy rằng, chính sự chủ động trong việc trao đổi công việc với các anh chị phóng viên, chủ động trong việc tìm đề tài,… kì kiến tập của tôi đã diễn ra trôi chảy và thu được nhiều điều bổ ích.

Bốn tuần kiến tập, không quá dài nhưng cũng không quá ngắn để đem lại nhận thức nghiêm túc về nghề nghiệp cho những phóng viên tương lai. Sẽ không tránh khỏi những va vấp trong lần đầu tiên thực sự “làm nghề”, nhưng thất bại là mẹ thành công. Nếu chúng ta dám nhìn thẳng vào thất bại đó và rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá, chắc chắn chúng ta sẽ vững bước hơn khi bước tiếp trên con đường làm báo phía trước.

 10. Vương Tâm ([email protected]) Kiến tập: môi trường mới, thử thách mới, thành công mới

Có thể coi kì kiến tập là cơ hội may mắn cho sinh viên báo chí làm quen với môi trường làm báo hiện đại, năng động và cũng nhiều áp lực. Trực tiếp dấn thân, tìm tòi, trải nghiệm cũng giúp cho sinh viên có thêm kinh nghiệm cho con đường nghề nghiệp sau này.

Hơn cả một cuộc kiến tập…


Đối với nhiều bạn sinh viên, 4 năm trên giảng đường đại học chỉ đơn thuần là sách, là vở, là đi học đầy đủ hay là ngồi chăm chú lắng nghe những giờ giảng trên lớp ... Vì thế, kì kiến tập đem lại cho họ những trải nghiệm mới, những con đường mở ra cơ hội và thành công.

Bốn tuần chỉ là thời gian để bạn làm quen với phong cách làm báo thực thụ và chuyên nghiệp, là "cưỡi ngựa xem hoa" chứ không thể coi đó là cuộc "vật lộn" thực sự. 2 tin, 1 bài - chỉ tiêu kiến tập này khiến nhiều bạn vui mừng ra mặt, cũng khiến vô số bạn rùng mình, toát mồ hôi hột. Tuy nhiên, một kì kiến tập thành công không chỉ được đánh giá bằng số lượng tin bài mà còn ở những gì bạn tự cảm nhận, tự rút ra được cho bản thân sau đó. Tôi tự hào nói: “Chúng ta đã thành công”.

Thứ nhất, chúng ta thành công vì chúng ta đã thực sự làm báo, thực sự sống và được hít thở trong môi trường báo chí. Một tháng qua, 38 người chúng ta đều tất bật, có thể nói là "thức khuya dậy sớm" để tìm đề tài, nhăn trán tìm hướng triển khai, sốt sắng khai thác, "moi móc" thông tin để nhào nặn lên đứa con tinh thần của mình. Một tháng qua, chúng ta ăn ngủ trong không khí báo chí, sống trong sự năng động, gấp gáp của cuộc sống hàng ngày, của hàng ngàn hàng vạn sự kiện diễn ra mà chúng ta mang sứ mệnh của "người đưa tin".

Thứ hai, chúng ta thành công vì chúng ta được “đóng vai” những phóng viên thực thụ. Chắc hẳn khi đi lấy tin, viết bài, ai trong chúng ta cũng tự hào xưng danh "mình là người của báo A, báo B". Đó là một điều tự hào, cảm giác mình đang làm việc thực sự, đang sống cuộc sống gấp gáp, hối hả mà cũng vinh quang của một phóng viên.

Thứ ba, chúng ta thành công vì chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm. Không chỉ là kinh nghiệm chọn lựa tờ báo để kiến tập, chọn lựa thông tin, chọn lựa cách viết ... mà còn có nhiều kinh nghiệm về sự kĩ lưỡng trong nghề nghiệp. Bài học quý giá tôi có được trong kì kiến tập này rất nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là bài học về "sự chuẩn bị". Đó là việc chuẩn bị từ cái nhỏ nhất như pin máy ảnh, pin máy ghi âm, số lượng bút mang theo... đến những bài học về việc tìm hiểu thông tin trước khi bắt tay vào công việc. Nghề báo là nghề yêu cầu phóng viên có kiến thức sâu, rộng, nhiều lĩnh vực, tuy nhiên không phải ai cũng "thông thái", cũng là "nhà bác học". Vì thế, việc chuẩn bị là vô cùng cần thiết.

Thứ tư, chúng ta thành công vì chúng ta có cơ hội mở rộng các mối quan hệ. Đó không chỉ là mối quan hệ trong tòa soạn mình kiến tập, đó còn là mối quan hệ nài xã hội, với nhân vật trong bài viết, với mạng lưới thông tin ... Đối với một phóng viên, quan hệ rộng là vô cùng cần thiết, những mối quan hệ đó sẽ đem lại cho chúng ta nguồn tin - điều sống còn đối với mỗi phóng viên.

Thứ năm, chúng ta thành công vì chúng ta xác định được "ta có đủ tình yêu đối với nghề báo hay không?". Nhiều bạn trước khi đi kiến tập không hề viết báo, đó là một sai lầm. Kì kiến tập thực sự đem lại cho chúng ta một cơ hội lớn để thử thách tình yêu và nhiệt tình đối với công việc gian khổ mà đầy vinh quang này. Khi đó, chúng ta có thể xác định vị trí của mình là đứng nài hay nhập cuộc. Từ đó, quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp đã được hun đúc, hình thành ở nhiều người.

Kì kiến tập này tuy ngắn ngủi nhưng đã đem lại cho chúng ta không ít cảm xúc. Vui có, buồn có, thấp thỏm, lo âu và cả cảm giác vỡ òa sung sướng. Điều thành công nhất của kì kiến tập không phải ở chỗ bạn được bao nhiêu bài, bao nhiêu tin mà chính là bạn đã có cho mình kinh nghiệm gì, bạn xác định cho mình mục tiêu gì và bạn sẽ cố gắng như thế nào sau đó - đó mới chính là điều quan trọng nhất.

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN