Sinh viên làm thêm: Có việc mà mất công
(Sóng trẻ)-Sinh viên lao động kiếm tiền, có thêm thu nhập để trang trải học tập, giúp đỡ gia đình là việc chính đáng. Nhưng các bạn nên lường trước tình cảnh bị rơi vào “bẫy” mà chủ giăng ra, hòng bóc lột sức lao động, bị quỵt tiền lương.
1 triệu đồng là số tiền trợ cấp mỗi tháng mà Nguyễn Quỳnh Anh (Bắc Ninh) – sinh viên trường đại học Hà Nội nhận từ gia đình để chi tiêu cho cuộc sống xa nhà. Thông qua một trang mạng xã hội giới thiệu việc làm cho sinh viên, Quỳnh Anh đã tìm được công việc tư vấn bán quần áo tại cửa hàng thời trang trên phố Mai Hắc Đế với hy vọng kiếm thêm để cuộc sống eo hẹp bây lâu “dễ thở’ hơn. Với số tiền lương cố định 2 triệu mỗi tháng cùng tiền thưởng mà chủ hứa sẽ phát thêm tuỳ theo doanh số bán hàng, Quỳnh Anh nhẩm tính tạm đủ để lo cho các khoản tiền nhà, tiền ăn, tiền học...
Sang tháng thứ ba, mọi việc dần khó khăn hơn. Quỳnh Anh chia sẻ: “Công việc thì nhiều mà người làm cứ dần nghỉ hết. Có hôm mình phải ở cửa hàng từ 12h đến 9h tối. Chị chủ khất lần lương và hứa hạn tăng lương tháng này dồn vào tháng sau.”
Khoảng thời gian sau đó còn đáng sợ hơn, Quỳnh Anh kể: “Kinh khủng nhất là giai đoạn cửa hàng gặp khó khăn, lương của mình không những chậm mà bản thân còn phải đối mặt với cảnh đòi nợ thuê. Một sang nọ, khi có mỗi mình ở shop, 2 người đàn ông từ đâu bước tới, mắng chửi và ném mắm tôm vào cửa hàng. Lúc ấy, mình gọi cho chị chủ về giải quyết nhưng điện thoại không thể liên lạc được”. Quá sợ hãi, Quỳnh Anh đã chấp nhận chủ động nghỉ việc, chịu mất lương mấy tháng vừa làm. Cho tới bây giờ, cô vẫn chưa thể liên lạc với chủ cửa hàng ấy để lấy tiền. Sau 3 tháng làm thêm, Quỳnh Anh bị chủ “quỵt” mất 2 tháng lương.
Những trang giới thiệu việc làm luôn được nhiều bạn sinh viên quan tâm trên Facebook
Qua bạn bè giới thiệu, Nguyễn Hoàng Thu Thảo (Thái Bình) - sinh viên năm ba đại học Luật xin làm thêm tại một quán trà sữa gần trường đại học. Không được mức lương như Quỳnh Anh, lương của Thảo tính ra khoảng 50 nghìn/ ngày cho một ca 5 tiếng từ 13h đến 18h chiều. Ban đầu do thấy công việc thu ngân cũng không quá vất vả, lại làm gần trường tiện việc đi lại nên Thảo đã quyết định đi làm tại đây.
Thời gian mới làm, do chưa thạo việc, Thảo hay tính tiền sai, ghi sai đồ cho khách. Ban đầu, chủ cũng nhắc nhở. Về sau, chủ trừ thẳng vào tiền lương. Bạn Thảo tâm sự: “Mặc dù là thu ngân nhưng khi đông khách quá mình cũng phải pha chế rồi chạy bàn. Công việc chồng chéo mà chỉ có một mình nên không khỏi bị nhầm lẫn. Tháng nào tính sai tiền, ghi nhầm đồ cho khách, mình đều bị trừ lương hoặc phải bỏ tiền túi ra đền”.
Làm lâu quen việc, Thảo không còn thu sai tiền nữa nhưng cô vẫn bị chủ giảm lương với lý do rất “trời ơi”: quán ít khách, xị mặt khi bị khách trêu… Số tiền bị trừ với những lý do “oái oăm” trên có lần lên tới 1.200.000 đồng. Nghĩ lại sự việc đó Thảo chỉ có thể than vãn: “Đã bị chủ quát mắng rồi lại còn bị trừ lương. Thân cô thế cô dù biết mình đang bị bóc lột mà chẳng biết làm sao”.
Công việc làm thêm của sinh viên hầu hết rất vất vả, với mức lương từ 15 đến 30 nghìn đồng/ tiếng
Tình trạng sinh viên đi làm thêm nhưng bị chủ lợi dụng bắt làm thêm giờ, không trả lương tương đối phổ biến. Nhiều sinh viên rơi vào tình cảnh này đều “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi hầu hết công việc partime chỉ là thoả thuận “miệng”. Nếu có hợp đồng, các sinh viên này đều bị chủ giở chiêu trò giữ chứng minh nhân dân hoặc thẻ sinh viên làm cam kết trả lương.
Luật sư Nguyễn Minh Phương – Công ty tư vấn Việt Luật cho biết, rất nhiều bạn sinh viên bị chèn ép khi làm thêm đến gặp chị xin tư vấn nhưng rất khó giải quyết. Luật sư Phương chia sẻ, việc sinh viên đi làm thêm, trong thực tế rất khó để đòi lại công bằng bởi công việc còn mang tính tự phát và thời vụ. Do đó, luật sư khuyến cáo các bạn sinh viên nên làm thêm ở các công ty hoặc tổ chức có uy tín. Đặc biệt, cần lưu ý phải có hợp đồng lao động đối với công ty hoặc bản cam kết lao động đối với cơ sở lao động để bảo vệ quyền lợi của mình nếu chẳng may xảy ra tranh chấp. Và cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi trong quá trình làm việc là sinh viên cần tìm hiểu kỹ càng về Luật lao động cũng như về nơi mà mình sẽ làm thêm.
Hà Thương – Đa phương tiện k33
Cùng chuyên mục
Bình luận