Sinh viên Việt Nam: Chủ động hay bị động?
(Sóng trẻ) - Việt Nam luôn tự hào khi hơn 90% dân số biết chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, mọi trẻ em đều được đến trường. Nhưng một điều nguy hiểm nhất hiện nay là tinh thần tự học, ham học hỏi, tìm tòi ở phần đông sinh viên dần trở nên… thụ động.
Ở các nước tiên tiến như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản…sinh viên có tính chủ động, năng động rất cao trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình. Họ có mục tiêu, kế hoạch và lòng quyết tâm học tập rõ ràng. Nài ra họ được cung cấp đầy đủ các tài liệu và các điều kiện cần thiết khác như trang thiết bị, thư viện, phòng thí nghiệm... đặc biệt là họ có cả một nền công nghệ, kinh tế thúc đẩy công việc học tập của họ. Ở nước họ, người thầy chỉ đóng vai trò định hướng nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và thẩm định, đánh giá kết quả nghiên cứu học tập của sinh viên.
Trong quá trình học tập, các nhóm sinh viên chủ động trao đổi các vấn đề với nhau và với thầy giáo hướng dẫn để đưa ra các kết quả đánh giá phù hợp. Như vậy, sinh viên của họ sẽ phát huy được hết các khả năng tư duy, sáng tạo của mình trong quá trình học tập, nghiên cứu. Điều này sẽ tạo thêm niềm hứng khởi, say mê trong quá trình học tập. Đây là các yếu tố cơ bản có ảnh hưởng lớn đến kết quả và chất lượng học tập, nghiên cứu của sinh viên.
Còn ở Việt Nam, theo một kết quả khảo sát mới đây nhất: Hơn 50% sinh viên không thật tự tin vào các năng lực, khả năng của mình. Hơn 40% cho rằng mình không có năng lực tự học. Gần 70% cho rằng mình không có năng lực tự nghiên cứu. Gần 55% sinh viên cho rằng mình không có hứng thú trong việc học.
Những con số biết nói kia cho thấy sự thụ động của sinh viên đã là một hiện tượng phổ biến tại các học viện, trường đại học, cao đẳng… Chuyện “đọc – chép”, ngại phản biện, ngại tư duy và phát biểu đang trở thành “bệnh” khó chữa đối với mỗi sinh viên. Có thể họ biết vấn đề này giải quyết như thế nào, cách làm ra sao… nhưng do tư duy “ai cũng biết” “không liên quan” nên mặc kệ. Sự “nan nãn” trong giảng đường đã làm mất đi ý nghĩa tích cực của việc học đại học vì sinh viên không tiếp thu, phản biện, chất vấn lại.
Không chịu khó lên thư viện, không tự mày mò nghiên cứu tài liệu, sách giáo khoa. Không khí giảng đường yên lặng đến đáng sợ. Dường như trả lời câu hỏi của thầy cô giáo không phải là trách nhiệm cá nhân mình, ngại trả lời sai xấu hổ, không đủ tự tin phát biểu trước đám đông… Nhiều sinh viên khi học tập còn mang tính bị thúc ép, tiếp thu các kiến thức của thầy giáo một cách rất khuôn mẫu, chưa biết cách mở rộng và phát triển các nội dung mà mình đã được học. Trong quá trình học tập, phần đông các sinh viên chưa mạnh dạn trao đổi, ỷ lại, không chịu động não, phản biện các vấn đề trong nội dung học tập với thầy giáo, mặc dù rất nhiều thầy cô đã khuyến khích điều này.
Sinh viên Việt Nam thụ động trong học tập, ảnh minh họa
Những tiết học buồn tẻ, chán ngắt với điệp khúc: nghe giảng, đọc, chép được lặp đi lặp lại hết ngày này sang ngày khác. Rõ ràng, đối với những lớp học như thế này sinh viên từ trong trường bước ra chỉ biết suy nghĩ theo một cái khuôn đúc sẵn, đào tạo ra lớp lớp sinh viên chỉ biết giỏi trên lý thuyết mà không có kỹ năng thực tế, không chủ động, không có óc tư duy và sáng tạo. Liệu một lớp thế hệ sinh viên như vậy có thể đáp ứng được nhu cầu khắt khe của thị trường lao động hiện nay?
Có thể thấy nguyên nhân chủ quan bắt nguồn từ chính các bạn sinh viên. Quán tính từ thời phổ thông : đọc chép, hết môn ôn theo đề cương, có trọng tâm, trọng điểm, thụ động từ trong trứng nước. Bước vào môi trường đại học, cách học và cách dạy hoàn toàn khác phổ thông, nhiều thay đổi cách biệt làm nhiều sinh viên không theo kịp, buông lỏng chuyện học, ù lì, đối phó dần dà làm cho sinh viên thụ động trong học tập.
Bên cạnh đó chương trình giáo dục còn nhiều bất cập, coi nhẹ thực hành, coi nhẹ vận dụng kiến thức; Thiếu gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Giáo dục nặng về lý thuyết, hàn lâm, không gắn với thực tiễn, không gắn với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Đặc biệt là phương pháp giáo dục, kiểm tra, thi và đánh giá lạc hậu, nhiều bất cập. Chúng ta chưa chú ý đến việc giúp sinh viên hình thành các kỹ năng mềm; dạy quá nặng về lý thuyết.
Trên thực tế, chỉ có khoảng 10-30% số sinh viên tốt nghiệp là có thể đáp ứng được những yêu cầu cơ bản cho lao động của doanh nghiệp, đối với đa số trường hợp khi tuyển dụng, doanh nghiệp phải chấp nhận việc đào tạo lại.
Con số 73.000 cử nhân thất nghiệp năm 2013 do Bộ Nội vụ báo cáo, đáng được dư luận quan tâm. Đó là hệ quả của một quá trình dài học tập thụ động, không tìm tòi, sáng tạo. Dù chính sinh viên tự biến mình trở thành những người thụ động hay do một môi trường giáo dục, đào tạo còn nhiều bất cập tác động khiến sinh viên trở nên bị động, dù là bất kỳ lý do nào thì cũng đã đến lúc sinh viên Việt Nam thẳng thắn nhìn lại chặng đường của mình. 65 năm qua kể từ ngày truyền thống học sinh sinh viên, sinh viên Việt Nam đã và đang có một sự biến đổi đáng kể về chất và lượng. Tuy nhiên, sự biến đổi đó chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu lao động khắt khe hiện nay.
Người ta vẫn thường hay nói “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” . Đã đến các bạn sinh viên cần chui ra khỏi “lớp vỏ” thụ động, tư duy, sáng tạo và hăng say ngay từ trên giảng đường Đại học. Hãy biến lớp học thành nơi phản biện, biến lớp học thành nơi rèn luyện cho mình những kỹ năng mềm cần thiết, chăm chú, hăng say phát biểu. Có như vậy chúng ta mới phát huy được hết khả năng của mình, đáp ứng được yêu cầu khắt khe trong môi trường lao động hiện tại, giảm bớt tỉ lệ thất nghiệp, giúp Việt Nam sánh bước với các cường quốc năm châu trên thế giới.
Nguyễn Thị Huyền
Phát thanh k31
Cùng chuyên mục
Bình luận