Xã hội vô tình đặt áp lực lên đàn ông trong mỗi dịp lễ
(Sóng trẻ) - Thế giới hiện đại với sức mạnh của truyền thông, quảng cáo và phim ảnh vô tình đặt những áp lực vô hình lên vai người đàn ông trong mỗi dịp lễ.
Hiện nay, sự ra đời của hàng loạt phim ảnh, tin tức, quảng cáo đã dần chi phối và hình thành nhận thức trong cộng đồng. Mỗi ngày lễ như Valentine, ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam,..., trên mạng xã hội lại tràn ngập quảng cáo quà tặng, video chàng trai lén tạo bất ngờ cho người yêu hay những hình ảnh khoe quà đầy hạnh phúc.
Điều đó vô tình dựng nên những mong chờ từ phái yếu và đặt áp lực lên cánh đàn ông. Nếu như họ không đưa người thương của mình đi chơi hay không tặng quà thì sẽ nhận về những cuộc “chiến tranh lạnh” và bị đánh giá là thiếu tinh tế. Tâm lý ấy là một trong những biểu hiện của định kiến giới trong xã hội.
Định kiến giới là những quan niệm rập khuôn, phiến diện về vai trò, đặc tính, năng lực của các nhóm người nam và nữ. Nếu như thời xưa phụ nữ bị gắn với những công việc nội trợ, quẩn quanh trong căn bếp thì những người đàn ông được mặc định là phải thành công, mạnh mẽ.
Theo báo cáo của Gender Stereotyping in Advertising - một tổ chức quốc tế chuyên nghiên cứu về giới tính trong quảng cáo, có tới 90% quảng cáo vẫn giới hạn giới tính và xây dựng các định kiến giới tính (cho đến năm 2021). Điều này khẳng định thực trạng đã và đang diễn ra rộng rãi trên toàn cầu.
Đặc biệt trong dịp lễ, các nhãn hàng đẩy mạnh quảng cáo mẫu quà tặng đến đối tượng là nam với các mẫu content như “Chàng tặng nàng vui”, “Chàng trai tinh tế”,... Từ đó hình thành nên chiếc “khuôn” rằng chàng trai luôn là người tặng quà cho con gái, chỉ có làm như vậy mới thể hiện tình yêu và lòng chân thành của họ.
Hay như trong các bộ phim ngôn tình Hàn Quốc, các chàng trai luôn chủ động tặng quà và trả tiền trong buổi hẹn đầu tiên, gạt chỗ để chân và đội mũ bảo hiểm cho bạn nữ. Nếu những chàng trai nào không học được những “bí quyết” đó thì sẽ mất điểm trong mắt phái yếu.
Tiến sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh - Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM cho rằng: “Nhìn vào hệ thống các ngày lễ của Việt Nam hiện nay thì hầu như đâu cũng là dịp để chị em phụ nữ nhận quà. Không chỉ có những chiến dịch truyền thông của các nhãn hàng, cách nhiều người trong xã hội lan tỏa nội dung liên quan vào mỗi dịp lễ cũng vô hình trung gây áp lực lên những người phụ nữ không nhận được sự ưu ái đặc biệt và cả những người nam không tham gia vào các hoạt động này”.
“Việc các nhãn hàng luôn muốn thúc đẩy doanh số bán hàng và đẩy mạnh truyền thông là lý do dễ hiểu cho thực trạng này. Suy cho cùng, quảng cáo chính là sự phản ánh của đời sống hiện thực xã hội, gắn liền với yếu tố xã hội và đồng thời đi theo những kỳ vọng và chuẩn mực chung của thời đại đó.” - tiến sĩ cho biết thêm.
Chia sẻ với Sóng trẻ, bạn Ngọc Hà - sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Vào mỗi dịp lễ đến, mình cũng như các bạn nữ đều mong nhận được quà từ người yêu, điều đó thể hiện sự trân trọng và tình cảm của họ. Tuy nhiên, nếu người yêu mình không tặng với lý do chính đáng thì mình cũng thông cảm”.
Có thể nói, quảng cáo, phim ảnh có thể tác động đến tâm lý chung của xã hội, tạo ra một tiêu chuẩn, xu hướng “cho và nhận” trong mỗi dịp lễ. Tâm lý này có mặt lợi nhưng cũng có những ảnh hưởng không mấy tích cực, gây nên nhiều áp lực lên cánh đàn ông.