Thầy giáo, thương binh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh
(Sóng Trẻ) - Mọi người vẫn gọi thầy Bùi Đăng Thanh bằng cái tên trìu mến: “vị nhiếp ảnh thương binh”, bởi lẽ ông là người duy nhất ở Việt Nam cầm máy ảnh bằng một tay. Đằng sau mái tóc xù bạc trắng cùng nụ cười rất duyên toát lên sự gần gũi, chân thành và chu đáo đến kì lạ.
Trở về từ chiến trường Tây Nguyên ác liệt sau khi đã bỏ lại đó một bên cánh tay phải, thầy Bùi Đăng Thanh bắt đầu cuộc sống đời thường khi chỉ còn 43 % sức khỏe. Ông tốt nghiệp đại học kinh tế nhưng lại quyết định đi theo nhiếp ảnh, rồi trở thành giáo viên dạy nghề ấy như một cái duyên. Đối với biết bao thế hệ học trò, thầy Thanh là người truyền cảm hứng bất tận qua từng bài giảng. Ở đó, họ có thể thẳng thắn đưa ra quan điểm cá nhân, trao đổi trực tiếp và nhận được những lời góp ý chân thành, thuyết phục.
Giỏi nghề thì dễ, truyền nghề mới khó
Từ ngày thầy Bùi Đăng Thanh bắt đầu đứng trên bục giảng đến nay tính ra đã được 38 năm. Thuở còn sinh viên, ngay khi biết chụp ảnh, ông đã muốn truyền đạt lại kiến thức cho mọi người và không ngần ngại hướng dẫn hai anh bạn chung lớp có cùng đam mê. Trong suốt quãng thời gian đó, ông nhận ra rằng, quá trình dạy học cũng chính là quá trình bản thân mình được học: “Tôi cũng phải tìm tòi, lên mạng tra cứu, đi thư viện đọc sách mới có thể đuổi kịp giới trẻ chứ. Đôi khi tôi học được rất nhiều thứ từ các bạn sinh viên, giúp bản thân mình củng cố kiến thức. Đó là lí do vì sao mà tôi lại muốn gắn bó lâu dài với công việc này”.
Người bình thường cầm máy chụp ảnh đã khó nói gì đến việc chỉ có một tay. Nhiều lúc, thầy Bùi Đăng Thanh chán nản, tưởng như không thể nào tiếp tục được nữa nhưng rồi ông vẫn cố gắng vượt qua và trở thành nguồn cảm hứng của biết bao thế hệ học trò. “Tôi luôn luôn nghĩ bản thân cần phải làm gì đó để trở nên có ích hơn. Rất nhiều người còn không thể tưởng tượng được người một tay lại có thể dạy người hai tay chụp ảnh vì có rất nhiều trở ngại trong việc hướng dẫn học trò cầm máy như thế nào, lựa chọn thông số làm sao. Đó là cả một giai đoạn tôi dành rất nhiều tâm sức, công phu để suy nghĩ cách dạy, và đơn giản hóa những điều phức tạp.”
Thầy bảo rằng để chụp được một bức ảnh đẹp không phải do máy, do tay mà quan trọng là phải chụp bằng cả con tim và trí óc. Vậy nên trong suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật và dạy học của mình, thầy luôn tâm niệm: “Những bức ảnh được chụp bằng cảm xúc mạnh mẽ lúc nào cũng để lại ấn tượng sâu sắc hơn những bức ảnh chụp hời hợt.” Vì thế trong các tiết dạy, thầy Bùi Đăng Thanh thường cho học trò trải nghiệm thực tế, rong ruổi trên các con phố nhằm bắt lấy khoảnh khắc của cuộc sống. Cứ hai buổi thực hành lại có một buổi đánh giá sản phẩm, tại đây, thầy sẽ hỏi học viên về điều họ thích nhất trong bức hình và nếu được quay ngược thời gian, liệu có muốn chụp lại với góc độ như thế hay không? Ở lớp học của thầy Thanh không có điểm số, mọi người cùng nhau chia sẻ và thẳng thắn góp ý để cùng tiến bộ.
Làm giáo viên đã khó, lại dạy về nhiếp ảnh khi chỉ có một tay càng không phải điều dễ dàng. Với thầy Bùi Đăng Thanh, thứ mà thầy theo đuổi trong suốt 38 năm đứng lớp vẫn là niềm hứng thú truyền đến cho học trò. Thầy thẳng thắn chia sẻ: “Không phải ai giỏi nghề cũng có thể làm thầy. Bản thân mình đầu tiên cần có kiến thức vượt trội, sau đó đến kỹ năng về sư phạm, biết cách truyền đạt làm sao để học trò hiểu cặn kẽ vấn đề và quan trọng nhất là tổ chức một bài nói, cái gì quan trọng cho lên trước, cái gì chưa cần thiết đẩy ra sau”.
Đam mê nhiếp ảnh và yêu thích công việc giáo viên, thầy Bùi Đăng Thanh chưa bao giờ cảm thấy hối hận về con đường mà mình đã lựa chọn. Với ông, giỏi nghề có thể cho ra những tác phẩm khiến người đời ngưỡng mộ nhưng cảm giác được làm thầy để chia sẻ, truyền cảm hứng cho người khác lại ý nghĩa hơn nhiều. Đây là nguyện vọng suốt đời của thầy bởi “Biết mà chết đi thì hết nhưng biết mà để lại cho các thế hệ sau, đó mới là cái còn muôn thuở”. Thầy Bùi Đăng Thanh vẫn xem học trò như người truyền cảm hứng ngược lại cho mình: “Có nhiều hôm tôi mệt chẳng muốn làm gì, nhưng chỉ cần các em rủ đi đây đi đó chụp ảnh, tôi luôn sẵn sàng đồng hành phía sau.”
Chia sẻ không giới hạn
Khi được hỏi với một người muốn theo đuổi nghề nhiếp ảnh thì cần có những yếu tố gì, thầy mỉm cười trả lời: “Trước hết phải có năng khiếu và sự yêu thích nhiếp ảnh. Năng khiếu ở đây là khi bạn nhìn một bức ảnh, bạn có cảm xúc, có nhận xét về nó, biết được thời điểm nào, cái gì trong cuộc sống đẹp để có thể bắt trọn khoảnh khắc ấy. Bên cạnh đó còn là năng khiếu về kĩ thuật với máy ảnh”. Song thầy cũng chia sẻ thêm rằng, có năng khiếu thôi chưa đủ, muốn giỏi bất kì thứ gì, đặc biệt là nghề nhiếp ảnh, thì cần phải học bài bản để có những kiến thức nền tảng, chuyên sâu.
Nói đến đây, thầy kể về một bạn học sinh khiến thầy luôn nhớ mãi, ấy là cậu học trò Nguyễn Hoàng Việt. Cậu bạn này bị bại não nên thường đứng không vững. Tuy nhiên, bạn ấy lại có một niềm yêu thích, đam mê với nhiếp ảnh. Thầy tâm sự: “Lúc đầu tôi không nghĩ rằng bạn học sinh của mình sẽ học được nhưng tôi vẫn đồng ý nhận vào học. Sau quá trình tự bản thân cố gắng với không ít những thất bại, cậu bạn đã làm được. Hiện giờ bạn ấy đang làm cộng tác viên về ảnh cho một tạp chí”.
Quả thực, dạy một người bình thường đã khó, nhưng để dạy cho những người bị khiếm khuyết về cơ thể lại càng là một bài toán mà không phải ai cũng đủ kiên trì, bản lĩnh cùng tình yêu thương như thầy Thanh để giải chúng. “Vì bạn ấy đến cầm máy ảnh còn run nên tôi đã dạy bạn ấy làm sao phải thao tác nhanh, bắt nét khoảnh khắc nhanh qua sự điều chỉnh kĩ thuật máy ảnh ở mức độ phù hợp với bạn ấy nhất”
Thầy kể về việc thầy từng dạy miễn phí 2 năm cho người khuyết tật - điều mà trong cuộc đời thầy chưa từng nghĩ tới trước đó. “Ban đầu tôi rất sợ vì không biết dạy cho người khuyết tật cái gì. Tôi đến với họ trước hết bằng sự đồng cảm khi cùng là người khuyết tật. Sau đó là cách chia sẻ của bản thân mình đối với người khuyết tật, tôi hiểu tâm lý của người khuyết tật, hiểu cần động viên họ ra sao, nói với họ thế nào để họ tự tin về mình, tìm ra giải pháp sao cho phù hợp để họ khắc phục sự thiệt thòi về thân thể, tâm lý”. Nhìn ánh mắt, nụ cười của thầy trong lúc trò chuyện, chắc chắn thầy đã rất tự hào về những học sinh của mình mà theo như thầy nói: “Người khuyết tật là những người bình thường, chỉ là họ không có một cơ thể lành lặn”
“Tôi rất “thèm” những lúc được đi đâu đó sáng tác, đi lang thang một mình hết nơi này đến nơi khác để chụp những bức ảnh đẹp”. Thầy đã chia sẻ như thế khi nhắc tới điều thầy mong muốn ở hiện tại. Tuy nhiên, ngay sau đó, như để khẳng định lại thêm một lần nữa về tình yêu thầy dành cho nghề giáo, cho học trò, thầy đã nói: “Làm thầy là niềm vui, niềm tự hào nên tôi nguyện là người chia sẻ với mọi người nhiều nhất, đến lúc chết thì thôi. Với tôi, “lời mời gọi làm thầy” đáng quý hơn bất kì điều gì khác”. Và rồi, thầy không quên nói thêm: “Còn việc “thèm” đi sáng tác thì nếu rảnh, có thời gian tôi sẽ đi” (cười)
Thầy Bùi Đăng Thanh đã khép lại cuộc trò chuyện bằng lời tâm sự đầy hài hước nhưng thấm đượm tình cảm thầy dành cho nghề dạy học trong cuộc đời mình: “Sau này, dù có không đi được, tôi sẽ tiếp tục ngồi làm ông đồ để người ta đến hỏi và tôi sẽ lại chia sẻ. Vì tôi luôn tâm niệm chia sẻ là không giới hạn”.
Hương Giang - Hà Linh (DPT35)
Cùng chuyên mục
Bình luận