Tô Lịch tương lai đi về đâu - Kỳ 3: Dân “hiến kế”, các giáo sư lên tiếng về bài toán “hồi sinh” Tô Lịch

(Sóng trẻ) - Người dân và các chuyên gia đã nêu ra rất nhiều ý tưởng cải tạo, xử lý ô nhiễm nghiêm trọng ở sông Tô Lịch (Hà Nội). Các dự án gắn mác “vốn tài trợ” đã làm lơ là sự cảnh giác, khiến nhà chức trách có nguy cơ quên bản chất “tài sản công” của sông Tô Lịch. 

Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch đang là một trong những vấn đề nóng của Hà Nội hiện nay. Không ít người đặt câu hỏi: “Một việc tồn tại gây bức xúc cho người dân bao lâu nay sao không thấy sự ra tay của các giáo sư, tiến sĩ Việt mà cứ phải trông đợi vào nước ngoài?

Rất nhiều ý kiến thực tế được đưa ra từ phía người dân nhằm đóng góp vào việc xử lý sông Tô Lịch như bơm nước từ sông Hồng, xây hệ thống gom nước thải ở hai bên bờ sông, xử lý bằng hoá học, xây hệ thống gom nước thải dưới đáy sông, tức là sẽ tạo ra một sông ngầm dưới sông Tô Lịch…

Ví dụ, ý kiến của bạn đọc Hoàng Nam: “Biến sông Tô lịch thành nơi du lịch vui chơi, ẩm thực... hoàn toàn khả thi. Một là kè thẳng để mở rộng lòng sông. Hai là làm cống ngầm dưới lòng sông (công nghệ khoan ngầm) đón nước thải hai bên đưa về nơi xử lý. Ba là làm sâu lòng sông xuống 5, 7 mét (tùy theo độ dốc đầu cuối sông sao cho luôn có 5, 7 mét nước và nước không chảy mạnh). 

Bốn là luôn bổ sung nước theo tính toán để đảm bảo thuyền bè đi lại thuận tiện. Năm là xây mới, sửa những cây cầu cũ qua sông cho đẹp và thuận tiện. Sáu là xây dựng các phương án kinh doanh trên sông nhằm tạo công ăn việc làm và thu hồi vốn. Cần xã hội hóa đầu tư dự án, có thể lên sàn chứng khoán thu hút nguồn vốn. Dù khó mấy Hà Nội cũng nên triển khai dự án, làm một lần đến nơi đến chốn”.

Có ý kiến cho rằng: người dân đang tìm cách hiến kế và đã có những giải pháp được cho là khả thi nhưng tại sao bao nhiêu năm không làm? “Tôi thấy nói về ô nhiễm sông Tô Lịch nhiều nhưng Hà Nội làm chưa được gì. Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã đưa ra các phương án nhưng nay sắp kỷ niệm 1.010 năm rồi cũng vẫn thế”, bạn đọc Minh Quang nhận định.

Nhiều bạn đọc đặt vấn đề, tại sao Hà Nội không đặt hàng các Giáo sư, Tiến sĩ để chọn ra một phương án tối ưu nhất để xử lý môi trường thay vì trông chờ vào các dự án của Nhật Bản.

Mới đấy, có một báo cáo của Hà Nội nêu “hiện có 80% trường đại học, viện nghiên cứu; 82% phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học sống ở Hà Nội, phần lớn tinh hoa cả nước đang tập trung tại đây". 

Thống kê cũng cho thấy, trong giai đoạn 2015-2019, tổng số công bố khoa học quốc tế của Hà Nội dẫn đầu cả nước với 15.646 công bố, cao hơn gần 2.000 công bố so TP Hồ Chí Minh. Gần 16.000 đề tài nghiên cứu, thử hỏi có bao nhiêu đề tài nghiên cứu để đưa ra giải pháp xử lý sông Tô Lịch?

Vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) đã công bố bản phối cảnh 3D mới nhất về đề xuất xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành "công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh".

Theo dự án, để có thể làm sống lại và làm hồi sinh sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần có giải pháp tổng thể như vấn đề thu gom nước thải, cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; xử lý triệt để nguồn gốc gây ra mùi hôi thối; xử lý bùn đáy, tầng nước đã bị ô nhiễm trong lòng sông; thoát nước chống ngập khi mưa bão... 

Bên cạnh đó, dự án cũng hướng đến việc bảo tồn giá trị lịch sử văn hoá tâm linh, vấn đề phát triển du lịch. Hiện tại, sông Tô Lịch đang có 3 vấn đề tồn tại là ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô xảy ra hàng ngày và úng ngập khi mưa bão.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE Group cho biết, vừa qua đề xuất "Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" đã nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. 

Việc này không chỉ là sự ghi nhận mà còn là động lực để biến ý tưởng thành thực tế, mang lại không gian văn hoá lịch sử cho người dân. Việc cải tạo, làm đẹp cho sông Tô Lịch là mong muốn của nhiều người dân Thủ đô, nâng tầm dòng sông di sản với lịch sử hơn 2.000 năm.

Nói về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, trong đề xuất của JVE có việc sẽ kè sông thẳng đứng. Việc này ban đầu sẽ rất tốt, nhưng sau này nước sẽ không ngấm được xuống dưới lòng đất. Sông sẽ trở thành một kênh nổi, không có các loài thủy sinh như cá, tôm hay các sinh vật khác. Các đơn vị chỉ có thể kè đoạn một chứ không nên kè hết.

"Thêm một vấn đề chúng ta cần bàn đến là nguồn kinh phí thực hiện, duy tu sau khi hoàn thành. Trước khi đi vào thực tế, chúng ta phải kiểm soát quy trình thật chặt chẽ, kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Nhà thầu đưa ra đề xuất nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thẩm định năng lực nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần giám sát nhà thầu trong quá trình xây dựng và chăm sóc cho công trình sau này, ông Trung nhận định

TS Nguyễn Văn Sỹ - Trưởng Khoa Hóa và Môi trường, Đại học Thủy Lợi - cho rằng, đã có nhiều phương án được đưa ra thử nghiệm và ứng dụng để làm sạch những dòng sông đang bị “bức tử” ở Hà Nội. Tuy nhiên, muốn giải quyết vấn đề này phải thực hiện đồng bộ từ những chính sách, hình thức quản lý và công nghệ kỹ thuật.

Ví dụ ta áp dụng nghiêm ngặt nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, đơn vị gây ô nhiễm phải đền bù chi phí cho việc xử lý hoặc sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh. Chúng ta chỉ xử được ở một mức độ nào đó để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và hạn chế ô nhiễm môi trường. 

Sau đó, sử dụng kỹ thuật, công nghệ để tiếp tục để làm sạch như xử lý, pha loãng chất gây độc hại trong môi trường nước hoặc tái sử dụng trong những công việc mà không ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân và môi trường. Bên cạnh đó, ông cũng rất kỳ vọng vào hệ thống cống ngầm gom chất thải ở sông Tô Lịch đang được tiến hành xây dựng có thể “giải cứu” được dòng sông này.

“Khi hệ thống cống ngầm được hoàn thành sẽ gom được toàn bộ nước thải xả về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, sau đó một phần nước thải đã qua xử lý sẽ được bổ cập lại cho dòng sông Tô Lịch. Kết hợp với nước sông Hồng đang được nghiên cứu để bổ cập vào sông Tô Lịch. Với biện pháp này tôi kỳ vọng việc sông Tô Lịch sẽ được làm sạch trong tương lai”, ông Sỹ phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia, hơn 10 năm nay, rất nhiều đề xuất, thử nghiệm đã được triển khai nhằm tìm phương án "hồi sinh sông Tô Lịch". Tuy nhiên, đa số các phương án chỉ xử lý được hiệu quả trong một khu vực hoặc một khoảng thời gian nhất định. 


Bởi lẽ dù đã được Chính phủ chỉ đạo nhưng nguồn vốn để thực hiện dự án này vẫn là UBND TP.Hà Nội tự chủ động, trong khi đó, để thực hiện đồng bộ từ thu gom nước thải, nạo vét làm sạch lòng sông, tạo dòng chảy tương đối... cần nguồn vốn rất lớn. Do đó, để dự án có tính khả thi được hay không, vấn đề cốt lõi nhất vẫn là nguồn vốn, về lâu dài không để đội vốn như các công trình thế kỷ mà chúng ta đã chứng kiến.


GS.TS khoa học Trần Hữu Uyển, nguyên Viện trưởng Viện Cấp thoát nước Việt Nam đánh giá, ý tưởng của JVE Group hay nhưng ông cảm thấy "mơ hồ" khi doanh nghiệp này muốn khôi phục sông Tô Lịch theo hướng du lịch tâm linh. 


Do đó, ông Uyển cho rằng, mục tiêu lớn nhất là xử lý ô nhiễm, cải tạo con sông Tô Lịch, rồi sau mới tính đến những việc khác. Cần có một hội đồng khoa học tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học bàn bạc kỹ, cho ý kiến về việc cải tạo này cũng như các giải pháp cụ thể để khôi phục dòng sông.

GS,TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, cho hay, giải pháp trọng tâm thứ nhất mà hiện nay cần triển khai là thu gom và xử lý nước thải bảo đảm các quy chuẩn môi trường, sau khi xả vào sông coi đây là nguồn bổ cập nước cho sông để giảm lượng nước sạch cần thiết để bổ cập. 

Việc thu gom nước thải có thể đưa về nhà máy xử lý tập trung, ngoài ra cần là thu gom được các điểm xả phân tán. Hiện nay có khoảng 456 điểm xả phân tán trên toàn tuyến sông Tô Lịch, với ước tính khoảng 8.000 đến 12.000m3 nước thải, chiếm khoảng 8-10%, đây là lượng nước thải khó thu gom vào hệ thống.


Theo GS,TS Trần Đức Hạ, sông Tô Lịch có thể bổ cập bằng nước sông Hồng kết hợp nước thải sau xử lý đảm bảo yêu cầu xả vào sông. Đường nước này có ý nghĩa, thứ nhất là tạo dòng chảy nước sạch cho sông Tô Lịch, ngoài ra có thể bổ cập cho Hồ Tây, phục vụ nước tưới. 


Tiếp đó, khi đã thu gom nước thải được nước thải thì cần xử lý lượng bùn tồn đọng. Sau khi kè bờ xong thì tiến hành nạo vét bùn, cần có giải pháp xử lý bùn nhưng giữ lại hệ sinh thái, các mầm vi sinh của dòng sông.


GS.TS. NGND. Trần Hiếu Nhuệ (Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho biết: “Tôi rất đồng tình với ý tưởng đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Ý tưởng này đã được đề cập từ trước năm 1985 (hợp tác nghiên cứu, đánh giá giữa Việt Nam và Liên Xô), tuy nhiên, chúng ta chưa có điều kiện thực hiện. Điều kiện hiện nay cho phép chúng ta thực hiện được các dự án lớn như dự án này, nên cố gắng thực hiện làm sao cho đồng bộ và đạt hiệu quả”.

Theo GS.TS. NGND. Trần Hiếu Nhuệ, để làm sạch sông Tô Lịch không thể làm riêng lẻ theo các bước, cần phải thực hiện đồng bộ theo phương án tổng thể.

“Phải làm đồng bộ các phương án, vừa thu gom nước thải về nhà máy xử lý, đồng thời xử lý phần ô nhiễm dưới lòng sông, kết hợp bơm, dẫn nước sạch từ sông Hồng vào thì mới đạt hiệu quả. Nếu không xử lý lòng sông đã bị ô nhiễm mấy chục năm nay mà chỉ làm 1-2 bước khác thì sẽ không đạt yêu cầu, rất khó để xử lý triệt để ô nhiễm tại sông Tô Lịch”, GS.TS. NGND. Trần Hiếu Nhuệ nhấn mạnh.

Ngày 17.8, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.

Đại biểu Trần Xuân Hùng (Đoàn Hà Nam) đặt vấn đề: “Mức độ ô nhiễm của các nhánh sông, lưu vực sông tại các sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ đáng lo ngại. Hiện dù đã có nhiều chính sách khắc phục nhưng thời gian qua, qua giám sát cho thấy chưa cải thiện được bao nhiêu. Vậy xử lý vấn đề này như thế nào? Nhất là vấn đề xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch, hiện đã được các tổ chức quốc tế vào xử lý, kết quả thế nào?”.

Trong thời gian ngắn hạn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra một số giải pháp để cải thiện tình trạng ô nhiễm ở các sông Nhuệ, Đáy, Cầu và Tô Lịch.

Thứ nhất, chấp nhận phương án điều tiết nước trong mùa khô, đặc biệt trên hệ thống cống Liên Mạc, cụ thể là lấy thêm lưu lượng để tăng dòng chảy, giảm ô nhiễm.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là vào mùa khô mực nước sông Hồng đang thấp hơn so với cống, nên nếu không đầu tư hệ thống bơm đủ mạnh để bổ sung nước thì sẽ không khả thi.

Thứ hai là ra đời cơ chế để các bên cùng làm việc với nhau, quản lý được khi nào thì cần bổ sung, điều tiết nước. Để làm được như vậy, cần xây dựng các hệ thống quan trắc, nắm được tình hình để đưa ra quyết định điều tiết phù hợp.

Về lâu dài, Bộ trưởng Hà nói cần tập trung vào vấn đề quy hoạch, trong đó có quy hoạch về tài nguyên nước tiếp cận theo lưu vực sông, địa phương để bố trí lại sơ đồ dân cư và điều chuyển các nhà máy, cụm công nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu vấn đề bảo vệ hành lang sông và đưa ra quy chuẩn về quản lý khu vực xả nước thải, thậm chí có thể cấm xả thải ở các khu vực đã quá tải. “Khi đã kiểm soát được các nguồn thải như sinh hoạt, công nghiệp, y tế… thì sẽ khôi phục lòng sông để sông có thể tự chảy để làm sạch và có thể áp dụng các biện pháp vi sinh đối với các khu vực không còn nguồn thải”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích thêm.

Đề cập đến việc xử lý nước thải sông Tô Lịch, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các biện pháp công nghệ vi sinh như Nhật Bản, nếu áp dụng đối với khu vực lòng sông không còn nguồn nước thải nữa thì sẽ xử lý căn bản, kể cả trầm tích đáy.

“Còn khi còn nguồn thải thì giải pháp công nghệ của Nhật Bản không hiệu quả. Những công nghệ Nhật Bản áp dụng ở sông Tô Lịch chỉ phù hợp với khu vực, các nguồn nước không có lượng chất thải bổ sung, phù hợp ở các sông hồ kín” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và cho hay, với sông Tô Lịch có lượng nước thải bổ sung hàng ngày lớn nên giải pháp hiệu quả là kiểm soát toàn bộ các loại nguồn thải ra.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN