Thầy tôi

(Sóng Trẻ) - Lẽ ra tôi phải viết về thầy từ rất lâu rồi - từ khi chúng tôi đang còn là những sinh viên của Khoa Ngữ - Văn, trường Đại học Tổng hợp thuở nào. Với tôi, thầy luôn là một đỉnh cao không thể vươn tới. Năng lực nghiên cứu của thầy thật phi thường và đa dạng. Tất cả những bài học của thầy đã để lại những dấu ấn sâu đậm, đã chuyển hóa vào trong cuộc đời tôi từ khi nào chẳng biết!...

1. Ngày ấy tôi còn trẻ lắm. Thế hệ chúng tôi đến năm 1976 mới học hết lớp 10 (cũ). Vào đại học năm 1976, khi mới 18 tuổi, chúng tôi vẫn thường nhìn mấy anh lính học cùng lớp chỉ hơn mình vài ba tuổi bằng ánh mắt kính nể và ghen tỵ. Và tất nhiên, với lũ sinh viên trẻ chúng tôi thì các thầy cô lừng lẫy tiếng tăm ngày ấy thực sự là những huyền thoại sống. Đó là những tên tuổi đã ghi dấu ấn sâu đậm vào đời sống văn học, văn hóa của đất nước như: Hoàng Xuân Nhị, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hoàng Như Mai, Đỗ Hồng Chung, Phan Cự Đệ… Và điều may mắn nhất là chúng tôi đã được nghe các thầy trực tiếp giảng dạy, chỉ bảo.

Ngày ấy, thầy Hà Minh Đức tuy chỉ mới hơn bốn mươi tuổi nhưng đã là một trong những tên tuổi đáng nể trong giới nghiên cứu lý luận văn học nước nhà. Nhiều công trình nghiên cứu của thầy từ đầu thập kỷ 60 như: Nam Cao - Nhà văn hiện thực xuất sắc (1961); Tác phẩm văn học (1962); Loại thể văn học (1962); Nhà văn và tác phẩm (1971)… và nhất là cuốn sách nổi tiếng Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại (sách do nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1974) đã trở thành sách gối đầu giường cho các thế hệ sinh viên Ngữ - Văn không chỉ ở Trường Đại học Tổng hợp. Trong những giảng đường chật hẹp của khu Mễ Trì, những giờ giảng của thầy luôn có sức cuốn hút thật kỳ lạ.

Mặc dù vậy, ngày đó chúng tôi vẫn chưa hiểu hết được những giá trị trong các bài giảng của các thầy, cô. Chỉ biết say mê và đón nhận… Mãi sau này, khi đã lớn hơn và phải tự mình bước đi trên con đường nhọc nhằn tìm kiếm tri thức, tôi mới chợt nhận ra rằng: những tài sản tinh thần mà thầy Hà Minh Đức và các thầy, cô ngày ấy đã thực sự để lại những dấu ấn sâu đậm không chỉ ở trong vốn văn hóa mà còn là trong cả nhân cách của chúng tôi…


Thầy Hà Minh Đức : "Tôi mơ ước những niềm vui gần gũi"

2. Một thoáng đã mười bốn năm trôi qua. Mười bốn năm ấy, tôi đã tốt nghiệp, ra trường, đã đi làm báo, đi học thêm đại học báo chí rồi lại trở thành một giảng viên báo chí… Bước vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX đầy những biến động khốc liệt, như một sự sắp đặt của số phận, tôi lại được gặp thầy. Thời điểm ấy là vào năm 1994, lúc Liên Xô tan vỡ, Đông Âu khủng hoảng, lòng người hoang mang vì niềm tin đổ vỡ...

Chính trong bối cảnh ấy, tôi đăng ký làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Lý luận văn học ở Khoa Ngữ - Văn, trường Đại học Tổng hợp. Tôi tìm đến thầy Hà Minh Đức để xin được giúp đỡ.

Ngày ấy thầy và gia đình ở trong căn hộ trên tầng của một khu nhà tập thể trên đường Lò Đúc… Tôi nhớ khi mới gặp,  thầy đã chăm chú nhìn tôi và bất ngờ đưa ra nhận xét: “Tôi thấy anh có nét trí thức đấy!”. Lời nhận xét thẳng thắn ấy không hẳn là một lời khen, nhưng với tôi thật quý giá. Tôi đã qua hai mươi năm lăn lộn với nghề báo, đã trải qua những môi trường sống đôi khi không hề dễ chịu chút nào, khi người ta thường đánh giá con người qua những biểu hiện vặt vãnh bề nài như cách ăn mặc, đầu tóc và nhất là về sự vâng lời… Do phải thường xuyên đi viết báo, tôi thường ăn mặc có phần "bụi bặm" với quần bò và áo ghi-lê nhiều túi. Thêm vào đó là thói quen để tóc dài từ thuở nhỏ. Chỉ vậy thôi mà cũng đã không ít lần phải mệt mỏi... Còn thầy chỉ nhìn thoáng qua là đã “đọc” ngay ra những điều bên trong….

Vậy là thầy trò tôi đã “bén duyên” từ đó. Cũng là bắt đầu một chặng đường mới gần chục năm với những nhọc nhằn, thất bại nhiều hơn là thành công. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi luôn được thầy trực tiếp chỉ bảo…

Quãng thời gian ấy thật lắm gian nan nhưng cuối cùng dường như tôi đã gần đến đích. Luận án tôi đã viết xong; các chứng chỉ tôi đã hoàn thành; các bài báo khoa học cũng đã đủ; Trường Đại học Tổng hợp đã hai lần có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị công nhận nghiên cứu sinh đối với trường hợp của tôi để có thể bảo vệ học vị Phó tiến sỹ...

Thế nhưng chính trong thời điểm đó, hàng loạt những biến cố bất ngờ dồn dập xảy ra và mọi chuyện bỗng tan tành như bong bóng xà phòng: Trường Đại học Tổng hợp chia tách thành hai; Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ hình thức làm Phó tiến sỹ đặc cách. Vậy là toàn bộ những cố gắng của tôi chẳng còn ai thừa nhận. Bản luận án 200 trang, những bài báo khoa học và những chứng chỉ còn đỏ rói con dấu của Trường đại học Tổng hợp bỗng chốc trở nên vô giá trị, đơn giản là vì cái trường ấy không còn tồn tại nữa !

Sau cơn sốc kéo dài gần một năm trời, tôi lại lặng lẽ gượng dậy để bắt đầu làm lại từ đầu. Trước hết phải ôn tập để thi vào nghiên cứu sinh khóa 1 của Trường Đại học KHXH&NV. Tiếp theo là mấy năm học để lấy chứng chỉ. Bấy nhiêu công việc cũng đã lấy đi của tôi thêm bảy năm nữa! Bảy năm với bao nhiêu khó khăn của một người vừa học vừa làm. Nhiều lúc đã tưởng như không thể gượng dậy được. Nhưng thầy đã giúp tôi vượt qua tất cả để đi đến hôm nay.

Tính từ khi gặp lại thầy, một thoáng mà đã mười bốn năm. Nhanh quá thầy ạ! Ngày em tìm đến, thầy còn chưa đến tuổi sáu mươi, còn em cũng chưa đến bốn mươi tuổi. Bây giờ thì thầy đã hơn bảy mươi và em cũng đã bước vào tuổi năm mươi rồi. Nhưng có một điều chắc chắn là với em, thầy vẫn luôn luôn là như thế - sôi nổi, hóm hỉnh và sâu sắc… Tất cả những bài học và nhân cách của thầy đã để lại những dấu ấn sâu đậm, đã chuyển hóa vào trong cuộc đời em và những học trò khác từ khi nào chẳng biết!...

3. Trong quãng thời gian hơn mười năm làm luận án dưới sự chỉ bảo của Giáo sư Hà Minh Đức, tôi đã có nhiều dịp gần gũi, trò chuyện với thầy. Những cuộc tiếp xúc ấy cho tôi thấy thầy gần gũi hơn, đời thường hơn và nhiều nỗi niềm nhân thế hơn… Cuộc đời thầy đâu chỉ toàn những thành công. Thầy cũng đã từng có những đam mê, những niềm vui và không ít nỗi đau… Dù thầy rất ít khi nói về những điều đó, nhưng tôi vẫn có thể phần nào cảm nhận được…

Càng hiểu thầy, tôi càng thấy thầy thật gần gũi, dản dị trong cách ăn, cách ở và trong ứng xử. Đời thường mà không tầm thường - thầy đã đạt được điều đó một cách thật tự nhiên. Với nhân cách và vốn văn hóa sâu sắc như thầy, mọi việc cứ diễn ra như nó vốn phải diễn ra đúng như vậy. Thầy chân tình và thực lòng - nhiều khi thực lòng đến thẳng thắn, tuy không phải ai cũng hiểu được như vậy.


Thầy Hà Minh Đức khi còn trẻ

4. Trong Lời tâm sự của cuốn sách tập hợp gần 60 bài viết của các nhà thơ, nhà nghiên cứu và các thế hệ học trò về thầy, nhận dịp thầy bước sang tuổi 70, thầy nói: “Tôi mơ ước những niềm vui gần gũi”.

Thầy vẫn viết rất nhiều. Bây giờ, khi đã thôi giữ chức Viện trưởng Viện văn học và Chủ nhiệm Khoa Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thầy mới có thời gian bắt tay vào hoàn thành những dự định bấy lâu của mình. Có những dự định đã ấp ủ từ vài chục năm trước.

Thầy có trong tay một kho tài sản vô giá - đó là những ghi chép, tư liệu riêng thầy đã lặng lẽ tích góp qua các cuộc chuyện trò với những nhà văn, nhà thơ lớp trước mà bây giờ hầu hết đã qua đời như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… Những điều ấy chưa có trong văn học sử. Và hình như thầy đã tự đặt cho mình cái sứ mạng là phải lần lượt công bố những tư liệu quý giá ấy. Điều đơn giản là vì thầy là người duy nhất có chúng. Thầy đã nhiều lần nói với tôi:

- Mọi người phải được biết về những điều ấy. Để họ có thể hiểu sâu hơn về đời sống văn học trong quá khứ. Cũng nhiều chuyện thú vị lắm, anh ạ!...

Trong lần gặp gần đây nhất, thầy nói đang chuẩn bị cho xuất bản một cuốn sách nói về nhà thơ Tố Hữu. Sách dày khoảng 400 trang. Thầy thông báo về chuyện ấy với một chút hài lòng bình dị như thể vừa làm xong một công việc thường ngày. Tôi hiểu thầy còn quá nhiều dự định và những cuốn sách vẫn đang vẫy gọi phía trước.

5. Từ sau khi gặp lại, thầy hay tặng sách cho tôi. Đó là những cuốn sách của thầy mới in ra hoặc mới được tái bản. Tôi nâng niu những cuốn sách có lời đề tặng của thầy. Với tôi, đó là những món quà vô giá. Cuốn nào tôi cũng đành thời gian để đọc. Càng đọc sách của thầy, càng thấy mình nhỏ bé. Với tôi, thầy luôn là một đỉnh cao không thể vươn tới. Năng lực nghiên cứu của thầy thật phi thường và đa dạng. Có thể nói với loại thể văn học nào - dù là thơ ca, kịch, tự sự, chính luận hay ký văn học…thầy cũng đều có những kiến giải thật sâu sắc…

Những năm gần đây, các thế hệ học trò cũ chúng tôi lại bất ngờ trước những sáng tác của thầy. Chỉ trong khoảng mười năm qua, bên cạnh những công trình nghiên cứu đồ sộ được xuất bản đều đặn, thầy còn cho ra đời bốn tập bút ký và bốn tập thơ. Bút ký của thầy gần gũi với cuộc sống hàng ngày, phong phú, xác thực trong chi tiết, tinh tế trong quan sát và cảm nhận. Chỉ qua các tiêu đề như: “Vị giáo sư và ẩn sỹ đường” (1999), “3 lần đến nước Mỹ” (2000), “Tản mạn đầu ô” (2002)... cũng có thể thấy bút ký của thầy gắn liền với những cảm nhận qua những chuyến đi và những chuyện đời thường.

Bút ký của thầy còn mang dáng dấp của nhật ký, ghi lại những năm tháng và những chặng đường của thầy qua hàng chục quốc gia. Trong các cuốn sách ấy còn in nhiều ảnh về những kỷ niệm của thầy với nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu trong và nài nước. Đọc sách ấy, mới thấy thầy cẩn trọng và chính xác về tư liệu và nâng niu, gìn giữ các kỷ vật như thế nào.  

Thơ của thầy phảng phất một nỗi buồn nhẹ nhàng mà thanh cao… Đôi khi thấy gợn lên  nỗi đau nhân thế, cho dù nó vẫn được diễn đạt một cách thật dản dị: “Khoảng trời nào cũng có gió cát bay / Cuộc đời nào cũng dính vào với cát” (Khoảng trời có gió cát bay).


Không hiểu sao khi nhắc tới hai câu thơ này, tôi lại cứ cảm thấy có cả số phận của chính mình ở trong đó…

Hà Nội, tháng 11 năm 2008

PGS.TS Đức Dũng
Khoa Phát thanh - Truyền hình

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật5 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN