Thuyên giảm tình trạng đốt vàng mã bừa bãi tại chùa mùa lễ Vu Lan
(Sóng trẻ) - Bên cạnh không khí trang nghiêm, thành kính, tình trạng lạm dụng đốt vàng mã dịp lễ Vũ Lan tại đền chùa từng gây nhức nhối hiện đã thuyên giảm rõ rệt.
Theo truyền thống, lễ Vu lan diễn ra ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây là ngày lễ mang ý nghĩa truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc, với nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân các anh hùng dân tộc, anh linh anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022); các hoạt động nhân kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo (2/8/1955 - 2/8/2022).
Với quan niệm “trần sao, âm vậy” nên trong dịp này, người dân trên khắp cả nước đều sửa soạn chuẩn bị mâm đồ cúng tươm tất, đặc biệt là vàng mã cũng được chuẩn bị một cách cẩn thận. Quan niệm chưa chính xác của người dân là cơ hội để nghề làm đồ mã, vàng mã ngày càng phát triển. Nếu trước kia chỉ có chỉ là quần áo mũ, hài, đồ trang sức, tiền giấy, thì hiện nay đồ vàng mã được sản xuất với đa dạng mẫu mã có cả đồ gia dụng, xe máy, ô tô và biệt thự,...
Một chủ một cửa hàng kinh doanh vãng mã ở Đông Anh cho biết: “Rằm tháng Bảy là thời điểm người dân mua vàng mã nhiều nhất, ngoài tiền vàng, quần áo, giày dép, mũ nón như mọi năm, các mặt hàng xa xỉ, hiện đại hơn như nhà lầu, xe hơi… cũng được người dân lựa chọn mua nhiều".
Nước ta cũng đã có những quy định cụ thể về đốt vàng mã, đồ mã. Cụ thể là, Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ “Ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng” đã quy định: “Cấm đốt đồ mã ở nơi công cộng”. Trong Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo” cũng nêu: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa”.
Hậu quả của việc lạm dụng tục đốt vàng mã chúng ta đã thấy ngay trước mắt, nó không chỉ gây tốn kém mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn do cháy nổ. Vì vậy, mỗi người dân nên cân nhắc kỹ lưỡng để tránh lãng phí, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn môi trường sống cho chính mình và cộng đồng.
Ngày 28/7, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Thông bạch số 317/TB-HĐTS hướng dẫn các ban, viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố và tăng ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử có những hoạt động cụ thể trong dịp lễ Vu lan.
Chủ động phối hợp với các ngành chức năng của thành phố hướng dẫn các hoạt động tổ chức lễ Vu lan báo hiếu PL.2566-DL.2022 tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt các hoạt động tổ chức ngoài cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, tiếp tục hướng dẫn chức sắc, tăng ni Phật giáo tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Văn minh, tiết kiệm trong hoạt động tại các cơ sở tự viện Phật giáo Thủ đô Hà Nội”, hướng dẫn tín đồ, Phật tử, du khách thập phương có hành vi văn minh, lịch sự trong văn hóa ứng xử, trang phục, sử dụng đồng tiền phù hợp văn hóa, đúng luật, không giắt tiền vào tượng Phật hay các linh vật thờ cúng; không sử dụng, lạm dụng vàng mã, đồ mã trong các nghi thức, nghi lễ Phật giáo, tín ngưỡng; hạn chế, tiến tới xóa bỏ hiện tượng bói toán, xin xăm, quẻ và các hình thức mê tín dị đoan khác trong cơ sở tự viện…
Thực tế cho thấy, tình trạng lạm dụng đốt vàng mã trong dịp lễ Vu Lan không còn mang ý nghĩa tâm linh mà đã biến tướng thành hoạt động mê tín dị đoan. Lý giải cho hiện tượng này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng bởi người dân chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa lễ Vu Lan nên có những hành vi thực hành nghi lễ sai lệch.
Thượng tọa Thích Giác Vũ, Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết: Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích tấm gương hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Câu chuyện báo hiếu của Bồ tát Mục Kiền Liên trong Phật giáo chỉ ra rằng muốn linh hồn cha mẹ, ông bà được siêu thoát thì mỗi người phải hành động bằng cái tâm trong sáng, hướng thiện, lối sống vị tha, biết chăm lo cho những người xung quanh.
Ngoài lễ Vu Lan, trong tháng 7 âm lịch còn có lễ Xá tội vong nhân. Dân gian quan niệm ngày rằm tháng 7 là ngày “mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng tế nên được gọi là ngày “xá tội vong nhân”. Lễ xá tội vong nhân và lễ Vu Lan báo hiếu mặc dù có sự khác nhau nhưng đều thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc với mục đích bày tỏ lòng nhớ ơn những người đã khuất, nhất là gia tiên tiền tổ và thể hiện sự thương cảm đối với những người bị mất không được thờ cúng. Đạo Phật chính thống không khuyên mọi người đốt vàng mã để cúng những người đã mất mà luôn khuyên con người coi trọng quy luật nhân - quả: Người làm điều thiện cho người khác, cho xã hội và cộng đồng thì sẽ gặp may mắn phúc đức và ngược lại.
Lễ rằm tháng Bảy hằng năm là dịp để mọi người thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, hiếu kính với cha mẹ. Cùng với nỗ lực tuyên truyền, vận động của chính quyền, sự tăng cường giáo dục, khuyên răn tăng ni, phật tử của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mùa Vu Lan năm nay đã có bước chuyển lớn về nhận thức của người dân trong việc thực hành văn hóa truyền thống, loại trừ hủ tục và nhiều hệ lụy xấu khác.