Tiềm năng phát triển từ "bộ môn nghệ thuật thứ 8"
(Sóng trẻ) - Trong suốt 65 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam, hoạt hình - “bộ môn nghệ thuật thứ 8” ngày càng mở rộng về nội dung, hình thức lẫn đối tượng công chúng. Hoạt hình đã trở thành ngành công nghiệp tiềm năng, góp phần định vị thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngành hoạt hình Việt và những thay đổi tích cực trong những năm gần đây
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự xuất hiện của các hãng sản xuất, studio mới, ngành hoạt hình Việt Nam đã có những bước tiến nhất định. 10 năm trở lại đây, hoạt hình Việt đã có gần 800 tác phẩm ra đời, đóng góp 10 - 15% doanh thu cho toàn ngành điện ảnh. Đặc biệt trong năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam ra mắt bộ phim hoạt hình chiếu rạp “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí” được sản xuất bởi 100% nhân lực Việt. Sau 1 tuần ra mắt,“Wolfoo và hòn đảo kỳ bí” đã lọt vào top 3 doanh thu phòng vé, thu về gần 2 tỷ đồng với hơn 800 suất chiếu và gần 15.000 vé được bán ra. Series về chú sói “tỷ view” Wolfoo cũng được yêu thích bởi nhiều khán giả tại Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha… Đây là một minh chứng cho thấy hoạt hình Việt đang dần khẳng định được năng lực và vị thế của riêng mình.
Tham dự diễn đàn “Xu hướng phát triển nội dung hoạt hình và cơ hội tại thị trường Việt Nam” vào tháng 6/2024, bà Trần Thị Lan Chi, Giám đốc phân phối nội dung tại Sconnect Việt Nam chia sẻ: "Người xem đang có xu hướng xem các nội dung hoạt hình trên nền tảng trực tuyến, tăng 45% lượng tiêu thụ nội dung trong những năm gần đây. Đồng thời, ngành sản xuất nội dung hoạt hình có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với những nội dung thông thường". Điều này càng góp phần nhấn mạnh tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp hoạt hình.
Sản xuất phim hoạt hình - cơ hội cho những bạn trẻ đam mê nghệ thuật và yêu thích sáng tạo
Tại hội nghị giao lưu ngành Kỹ xảo điện ảnh Việt - Pháp (Vietnam - France VFX Conference 2024), thống kê Việt Nam hiện có khoảng 200 studio tham gia ngành công nghiệp hậu kỳ, làm kỹ xảo, game, phim hoạt hình 2D/3D. Không chỉ rộng mở về thị trường lao động, ngành sản xuất phim hoạt hình còn đa dạng về vị trí chuyên môn như: đạo diễn hoạt hình, biên kịch hoạt hình, kỹ thuật hoạt hình, diễn hoạt hoạt hình 2D/3D,... Thêm vào đó, đặc thù của ngành hoạt hình cũng đòi hỏi khả năng liên tưởng, kể chuyện qua từng nét vẽ, là nơi mà các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật có thể thỏa sức sáng tạo, thổi hồn vào mỗi thước phim. Có thể nói, ngành công nghiệp hoạt hình là “mảnh đất màu mỡ” cho những bạn trẻ yêu thích và muốn theo đuổi “bộ môn nghệ thuật thứ 8” này.
Hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hoạt hình cũng đang được quan tâm và chú trọng phát triển. Điển hình như chuyên ngành sản xuất phim hoạt hình được đưa vào tuyển sinh từ năm học 2019 - 2020 của trường Cao đẳng Truyền hình. Bên cạnh đó có thể kể đến sự ra đời của nhiều cơ sở giáo dục đào tạo hoạt hình như: Học viện Công nghệ thông tin và Thiết kế VTC (VTC Academy), Học viện Đào tạo Hoạt hình Quốc tế Sconnect (SAMA),... Với tiềm năng sẵn có và sự đầu tư hiệu quả vào công nghệ, kỹ thuật, nguồn nhân lực, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin vào sự đột phá của ngành công nghiệp hoạt hình trong tương lai.
Bạn Hoàng Anh Thư, sinh viên lớp Truyền thông đại chúng A2K43, Học viện Báo chí và Tuyên truyền vốn có niềm đam mê đặc biệt với việc thiết kế hoạt hình, Anh Thư vô cùng thích thú khi được tự tay “hình ảnh hoá” những dòng văn bản quen thuộc tại buổi trải nghiệm của Học viện Đào tạo Hoạt hình Quốc tế Sconnect. Anh Thư chia sẻ: “Mình chưa từng nghĩ quá trình làm hoạt hình lại thú vị và kỳ công đến như vậy. Khi mà mình đến, thầy giáo đã giao cho mình một đoạn văn bản ngắn để vẽ lại. Đây là những đoạn văn bản mình đã đọc qua nhiều lần nhưng tới khi cần vẽ ra lại khiến mình khá “chật vật”. Mình nghĩ mình sẽ tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này để ứng dụng vào những sản phẩm truyền thông của mình trong tương lai”.