Tình nghĩa vợ chồng nơi “xóm chạy thận”
(Sóng trẻ) - Gần 7 năm trời, căn phòng trọ chưa đầy 7m2 ở nơi đất khách quê người là chốn đi về của hai vợ chồng.Ông là thương binh đã gần 60 tuổi, bà là một bệnh nhân chạy thận. Ở “xóm chạy thận”, người ta bảo họ giống như đôi vợ chồng trẻ.
Vào buổi chiều mười tám tháng ba
Em nằm gọn trong nhà rất yếu
Anh đứng nhìn đau đớn xót xa
Rồi anh thấy cay cay nơi khóe mắt
Giọt lệ buồn dè dặt chảy tuôn ra…
Ít ai nghĩ rằng, những dòng thơ cảm động và tình cảm trên được viết ra bởi một người đàn ông năm nay đã gần 60 tuổi. Ông là Lê Hữu Dũng. Gần 7 năm qua, ông luôn ở bên chăm sóc người vợ bị suy thận trong căn phòng trọ nhỏ ở “xóm chạy thận” 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tình cảm của ông dành cho vợ - bà Hoàng Thị Tư khiến nhiều người phải ngưỡng mộ.
Bài thơ “ Tặng vợ yêu thương” mà ông Dũng viết tặng bà Tư
Cùng nhau chống chọi lại bệnh tật
Kể về cuộc đời đầy gian truân, vất vả của mình, ông Dũng nói: “Tôi đi bộ đội, ở chiến trường về bị thương mất 61% sức khỏe, hoàn cảnh gia đình lại làm nông vất vả nên nhiều cô gái sợ khổ, không dám lấy”.
Gia đình làm nông vất vả, ông Dũng lại là thương binh nên gánh nặng gia đình hầu như đặt hết lên vai bà Tư. Sau mấy chục năm, con cái cũng lớn khôn, những tưởng ông bà sẽ được thảnh thơi, vui hưởng tuổi già thì đột nhiên bà ngã bệnh. Căn bệnh suy thận quái ác không khiến con người ta chết ngay, nhưng nó gắn cuộc đời của họ vào bệnh viện. Một tuần 3 lần, bà Tư phải đi lọc máu ở bệnh viện Bạch Mai để duy trì sự sống.
Ông Dũng chia sẻ: “Những ngày đầu mới phát hiện bệnh suy thận của vợ, nhiều người nói tôi bỏ đi, vì đây là căn bệnh không thể chữa khỏi lại rất tốn kém. Nhưng tôi nói lại làm thế được. Vợ tôi đã khổ cả đời vì tôi, giờ bà ấy bị bệnh tôi lại bỏ bà ấy đi sao. Con cái tôi thì bảo để chúng nó chăm sóc mẹ, bố cũng già rồi, nhưng tôi nói cứ để tôi”.
Thế là một tuần ba lần, không kể ngày nắng hay ngày mưa, ông Dũng lại chở bà Tư trên chiếc xe máy từ Hà Tây lên bệnh viện Bạch Mai để lọc máu, chạy thận. Kể về những kỉ niệm khó khăn mà không bao giờ ông bà quên, ông Dũng, bà Tư cười mà rơm rớm nước mắt: “Năm đó là năm 2009, đường Trường Chinh ngập nước đến nửa người. Tôi chở bà ấy đi trên xe máy mà phải bọc nilon khắp người bà ấy, vì người bị suy thận nếu dính nước mưa có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bà ấy ngồi sau cứ túm tóc tôi, run lẩy bẩy, còn tôi thì cố gắng làm sao đi thật nhanh”.
Những ngày đầu vất vả của hai vợ chồng là những ngày lên bệnh viện từ sáng sớm, có hôm xe bị thủng lốp, mới 4 giờ sáng, quán sửa xe chưa mở cửa. Đó là những ngày hai vợ chồng đi chạy thận về, đói mệt, trên đường về ông đưa bà vào quán phở nhưng chỉ gọi một bát cho bà. Lúc đó, người chủ quán tốt bụng của quán phở trên đường Nhổn mới làm riêng cho ông một bát phở “không người lái” – bát phở chỉ có nước dùng và ít phở, mà không lấy tiền.
Sau một thời gian, thấy đi xe máy quá vất vả nên hai vợ chồng đã quyết định thuê một phòng trọ nhỏ, chưa đầy 7m2 trong “xóm chạy thận” 121 Lê Thanh nghị để ông có thể chăm sóc cho bà tốt hơn. Xóm trọ cũng là nhà của 129 bệnh nhân chạy thận khác. Tuy nhiên hầu hết trong số họ đều sống độc thân, một mình chống chọi lại bệnh tật. Trong xóm cũng có một số cặp vợ chồng, nhưng trường hợp chồng không bị suy thận mà chịu vất vả lên chăm sóc vợ như ông Dũng, bà Tư là hiếm.
Không gian xóm trọ nhỏ, nơi hai ông bà sinh sống
Chỉ mong được sống bên nhau lâu hơn
Bảy năm chạy thận đã khiến sức khỏe của bà Tư yếu đi. Những công việc vặt trong nhà như nấu cơm, rửa bát,.. đều được ông Dũng đảm nhiệm hết. Tuy vất vả, khó khăn nhưng trong mỗi bữa cơm đạm bạc đều vang lên những tiếng cười hạnh phúc. Bà Dương Thị Hoài, một bệnh nhân chạy thận cũng là hàng xóm của hai ông bà chia sẻ: “Ông Dũng thì tuyệt vời lắm, hiếm có người nào được như thế, chiều vợ lắm. Vợ chồng họ cứ như vợ chồng son ấy".
Ở nơi huyết mạch của thủ đô, miếng cơm manh áo cũng trở thành nỗi lo của ông Dũng, bà Tư. Cuộc sống bệnh tật đầy vất vả của ông bà chỉ dựa vào đồng lương thương binh gần 2 triệu của ông Dũng. Những lần lọc máu được hỗ trợ chỉ phải trả 5%, nhưng chi phí sinh hoạt đắt đỏ khiến cho đồng lương ít ỏi mà ông nhận được không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, những lúc không đưa bà đến bệnh viện, ông lại tranh thủ đi làm xe ôm, kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống.
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng lúc nào họ cũng yêu thương nhau
Cảm thông và thấu hiểu những vất vả của chồng ,bà Tư ngậm ngùi: “Ông ấy đã vất vả vì tôi nhiều lắm rồi, ông ấy là một người rất tuyệt vời. Giờ đây, mong ước lớn nhất của tôi là sống lâu hơn, bởi vì tôi biết rằng nếu tôi chết đi thì ông ấy cũng suy sụp mà không còn trên cõi đời này nữa".
Mong ước của bà Tư cũng là ước mong duy nhất lúc này của ông Dũng. Mỗi ngày trôi qua đối với họ đều là một ngày hạnh phúc. Mỗi ngày trôi qua ông Dũng lại viết thêm vào những trang nhật ký. Quyển sổ nhật ký của ông mỗi ngày lại dày thêm bởi những dòng yêu thương và hạnh phúc.
Vũ Vân
Truyền hình K32A2
Cùng chuyên mục
Bình luận