Toạ đàm "Đi và viết khi ta còn trẻ": Càng thiếu tự tin, càng phải đi
(Sóng trẻ) - Chiều 5/12, Tọa đàm trực tuyến “Đi và viết khi ta còn trẻ” đã diễn ra thành công tại hội trường B3 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Hướng tới lan tỏa tinh thần “dám đi, dám viết” - khám phá thế giới và phát triển bản thân, buổi tọa đàm trực tuyến “Đi và viết khi ta còn trẻ” là dịp để các bạn trẻ đang theo đuổi nghề báo được trực tiếp đặt câu hỏi, lắng nghe chia sẻ của các diễn giả về hành trình làm nghề, từ đó có thêm động lực và định hướng cho con đường sự nghiệp phía trước.
Tham dự tọa đàm có Thạc sĩ Trần Thị Phương Lan – giảng viên Viện Báo chí và Truyền thông, đại diện trang tin Sóng trẻ cùng 2 khách mời: nhà báo Trương Anh Ngọc (Thông tấn xã Việt Nam) và phóng viên Hoài Thương (Đài truyền hình Việt Nam), các đơn vị tài trợ, bảo trợ truyền thông, hỗ trợ truyền thông cùng các bạn trẻ có đam mê, theo đuổi nghề báo.
Tìm chất liệu bài viết qua những chuyến đi
Hai anh/chị đều được biết đến là những nhà báo, phóng viên luôn sẵn sàng đi xa, đi nhiều, đến tận nơi để tìm kiếm những câu chuyện chân thực và sống động nhất cho độc giả. Chuyến đi tác nghiệp xa đầu tiên không chỉ là bước khởi đầu mà còn là cột mốc đầy ý nghĩa trong sự nghiệp. Chuyến đi ấy có ý nghĩa như thế nào đối với niềm đam mê nghề báo của anh/chị? (Độc giả Đức Anh - Hà Nội)
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Tôi đã bắt đầu hành trình “đi” của mình từ khi rất trẻ và chuyến đi nào cũng ý nghĩa. Chuyến đi xa đầu tiên của tôi là làm Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Ý. Chuyến đi đó đã định hình nên phong cách, con người tôi.
Nhiệm vụ của tôi là bao quát thông tin của cả đất nước Ý từ chính trị, tôn giáo cho tới văn hóa. Vì vậy, tôi luôn phải nghiên cứu kỹ càng tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội nóng hổi đang diễn ra. Để sẵn sàng cho hành trình 3 năm ở Ý, tôi đã chuẩn bị trong vòng 2 năm. Tôi cần học tiếng Ý một cách chuẩn chỉ để có thể dễ dàng công tác.
Để có một sản phẩm thông tin chỉn chu cần rất nhiều công đoạn. Yêu cầu cơ bản dành cho một phóng viên thường trú là phải biết làm tất cả mọi thứ từ tự nấu ăn, tác nghiệp, tự quay phim, viết lời thoại,... Tất cả mọi thứ phải tranh thủ thời gian, cơ hội. Đó là chuyến đi xa mở đầu cho mọi thứ. Nguồn cảm hứng để viết cuốn sách đầu tiên của tôi cũng từ chuyến đi này - một chuyến đi xa nhất, ý nghĩa nhất với tôi.
Phóng viên Hoài Thương: Tôi là phóng viên chiến trường, có phần hơi khác với anh Ngọc. Chuyến đi đầu tiên cũng đã giúp tôi có bài báo đầu tiên. Khi chưa theo truyền hình, tôi chỉ là một cô sinh viên tỉnh lẻ. Tôi từng bị say xe và nghĩ rằng: “Phóng viên mà say xe thì thật khó khăn”.
Chuyến đi xa đầu tiên của tôi là về Lương Sơn (Hòa Bình) làm đề tài về xóm không điện ở Thủ đô. Khi ấy, tôi mới bước vào năm 2 đại học. Mọi thứ lúc đó thật sự khó khăn, trở ngại đầu tiên chính là không biết cách liên hệ với chính quyền và người dân. Sau đó, khi về tòa soạn, tôi được chỉnh sửa và chỉ ra rất nhiều thiếu sót. Tôi bắt đầu hiểu ra, khai thác đề tài này không nên chỉ tập trung vào người dân trong khu dân cư, còn phải quan sát người dân sản xuất nông nghiệp và cả chính quyền, mình phải có cái nhìn tổng thể. Vì vậy, phải đi mới biết mình đang thiếu sót những gì.
Trong những chuyến đi sau này, có chuyến đi nào hoặc những yếu tố nào (con người, sự vật, sự việc,...) khiến anh/chị thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận về cuộc sống hoặc công việc không? Anh/chị hãy chia sẻ về điều đó? (Độc giả Hồng Nhi - Hải Phòng)
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Chuyến đi nào của tôi cũng có những câu chuyện đáng để kể. Năm 2010, tôi đến Nam Phi để tác nghiệp cho World Cup. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về an ninh ở Châu Phi. Càng tìm hiểu, tôi càng giật mình về tình an ninh ở đó. Điều này lại càng khiến tôi mong muốn được đặt chân đến Châu Phi để có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn. Đồng thời, tôi đã được cảnh báo rất kỹ về tình hình trộm cắp rất phức tạp ở đây, nhưng không ngờ nó lại xảy ra với chính mình. Tôi đã bị cướp và chứng kiến những cảnh “rợn người” ngay trước mắt.
Sau sự việc ấy, tôi đã có nhiều thay đổi trong cách viết bài và hướng tìm đề tài của mình. Từ khi đó, tôi hiểu ra bóng đá không chỉ là bóng đá, những gì tôi viết còn là đất nước, con người tại Châu Phi. Tôi còn quan sát xem họ sinh sống thế nào trong suốt quá trình diễn ra World Cup.
Còn nhiều câu chuyện khác suốt hành trình tác nghiệp của tôi, không biết bao nhiêu lần tôi đã suýt mất mạng, nguy hiểm luôn gần kề. Đã có rất nhiều câu chuyện được tôi hồi tưởng lại và viết lại trên các cuốn sách của mình.
Phóng viên Hoài Thương: Tôi là một phóng viên chiến trường và thường xuyên đi đến những vùng bão lũ, khó khăn. Bản thân tôi bắt đầu đi đến các điểm bão lũ như ở Hương Khê (Hà Tĩnh) từ năm 2010. Thực ra, tôi có thể đảm bảo an toàn cho bản thân bằng cách từ chối thực hiện các đề tài này. Nhưng một khi đã chọn nghề báo, tôi nghĩ bản thân nên có độ liều, độ dấn thân nhất định để ghi lại những hình ảnh ấn tượng nhất. Tôi nghĩ các bạn sinh viên Báo chí nên trải nghiệm một lần tác nghiệp tại vùng bão lũ.
Năm 2010, tôi vừa ra trường, dù kinh nghiệm còn non kém nhưng tôi vẫn đi vì sức trẻ, vì nhiệt huyết. Tôi đã rút ra được nhiều điều. Ví dụ, đàn ông, con trai sẽ đủ dũng cảm để đi những nơi như vậy, nhưng phận nữ nhi sẽ có phần khó khăn hơn, thách thức hơn. Năm 2010, tôi bị mắc kẹt ở rốn lũ Hương Khê (Hà Tĩnh) để làm cầu truyền hình trực tiếp. Khi ấy không tìm được khách sạn, phải lội nước ngang người đi để tìm chỗ tá túc. Ngoài tìm chỗ tá túc, tôi phải tìm nơi để gửi tư liệu. Tư liệu sẽ quyết định 80% sự thành công của phóng sự, nếu để chậm trễ sẽ không thể phát sóng được. Yếu tố tiếp theo là phải đảm bảo an toàn cho bản thân khi dấn thân vào những vùng bão lũ hay vùng chiến sự. Khi đi vào những vùng đó, mình không nên liều mà cần kết nối với chính quyền và những người sở tại. Từ đó, ta mới dễ dàng xoay chuyển và ứng biến trước mọi tình huống.
Nhà báo Trương Anh Ngọc đã từng có khoảng thời gian dài làm việc tại Châu Âu, đặt chân đến rất nhiều nơi trên thế giới và trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau. Vậy anh đến với nghề vì vốn đã đam mê khám phá những vùng đất mới, hay chính công việc này đã mở ra cơ hội để anh nhận ra niềm yêu thích với việc di chuyển? Anh có thể chia sẻ về mối quan hệ giữa việc đi và viết trong quá trình làm nghề của mình? (Độc giả Anh Khoa - Du học sinh Đài Loan chuyên ngành Báo chí)
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Luôn luôn tồn tại mối quan hệ hữu cơ giữa đi và viết. Ta không thể ngồi một chỗ để viết tin ở nơi khác được. Người phóng viên cần phải tinh tế trong việc xác định nên viết về điều gì, phản ứng của độc giả sau khi tiếp nhận bài viết đó ra sao…
Đam mê “đi” của tôi được nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ và được truyền cảm hứng từ bố. Không chỉ vậy, những cuốn sách phiêu lưu tôi đọc khi ấy cũng tạo niềm động lực to lớn để tôi theo đuổi đam mê làm nhà báo của mình.
Tôi khá tự tin vì kiến thức địa lý của bản thân, vì tôi đã đọc rất nhiều sách và vẽ bản đồ từ khi còn rất bé. Mỗi lần tìm hiểu được về một địa điểm nào mới, tôi đều mong ước một lần được đặt chân đến vùng đất ấy.
Khi chính thức trở thành phóng viên và được đi, tôi thấy thế giới rộng lớn hơn trong tưởng tượng của mình rất nhiều. Mỗi lần đi, tôi lại được trau dồi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm. Càng đi làm, càng ham đi. Mà càng ham đi, tôi càng ham lưu giữ lại những chuyến đi ấy. Nếu không nuôi dưỡng niềm đam mê khám phá, chúng ta sẽ rất khó để tiến đến “viết”.
Trong một bài phỏng vấn, chị Hoài Thương đã chia sẻ: “Tôi vẫn sẽ đi vì tôi không muốn mình là người ngoài cuộc”. Chị có thể chia sẻ góc nhìn của mình về sự khác biệt trong việc truyền tải câu chuyện khi trực tiếp tham gia và khi chỉ tiếp cận từ xa? (Độc giả Thùy Dương - Bắc Ninh)
Phóng viên Hoài Thương: Với bất cứ một phóng viên truyền hình nào, nếu muốn đi đường dài, người phóng viên bắt buộc phải đi và tiếp cận với hiện trường. Chỉ khi đi, chúng ta mới có tư liệu. Mỗi đề tài đều phải tìm được góc nhìn mới lạ, góc quay tốt để khai thác được thông điệp cần truyền tải.
Đặc biệt với báo chí điều tra. Gần đây, tôi có làm đề tài về bữa ăn bán trú ở Sơn La. Đây thực sự là một vấn đề vô cùng nhức nhối. Làm sao để người ta thừa nhận những chuyện họ làm? Làm thế nào để thu thập được thông tin? Những điều này cực kỳ quan trọng.
Trước hết, phóng viên cần có thông tin nguồn, đồng thời, cần kiểm tra thông tin nguồn đó từ nhiều phía và các thông tin xung quanh bổ trợ cho nó. Đôi khi, luôn tồn tại những thông tin sai lệch, gây nhiễu, cần phải chọn lọc.
Ở đề tài bữa ăn bán trú ở Sơn La, tôi phải điều tra trong 2 tháng, ghi lại từng bữa ăn của từng ngày trong tháng. Thậm chí, với đề tài đó, tôi còn bị cả trường “quây” và tra hỏi, phải gọi công an vào cuộc.
Bên cạnh đó, tất cả những lần đi phản ánh, điều tra tiêu cực, phóng viên cũng cần chuẩn bị công văn, giấy tờ của cơ quan để bảo vệ bản thân trước mọi tình huống xấu nhất.
Hơn nữa, dù mình biết 10 cũng chỉ nên nói 5, bởi sẽ có những câu chuyện, những mặt trái không thể nói hết. Vì vậy, phóng viên phải cẩn thận hơn mọi người gấp 10, gấp 20 lần để bảo vệ bản thân.
Theo Nhà báo Trương Anh Ngọc làm thế nào để mỗi câu chuyện mình kể thông qua các bài báo không chỉ là việc ghi chép lại sự kiện hay miêu tả cảnh vật, mà thực sự truyền tải được cảm xúc và sự thấu hiểu về con người, văn hóa của nơi mình đã đến? (Độc giả Hải Linh - Nam Định)
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Điều này sẽ tùy thuộc vào thể loại báo chí. Với tôi - một người hay viết về du ký, tòa soạn nơi tôi đang công tác (Tờ Thể thao & Văn hóa) đồng ý với việc để tôi thể hiện những gì bản thân cảm nhận được, thoải mái thể hiện cái tôi của mình.
Tôi đã viết về rất nhiều lĩnh vực, khía cạnh của cuộc sống. Sẽ quá dễ nếu bạn chỉ mô tả những gì bạn nhìn thấy, cái khán giả quan tâm hơn là những gì diễn ra đằng sau đó.
Đã có nhiều lần, cơ quan chi tiền và đặt KPI (yêu cầu về hiệu suất công việc) để chúng tôi phải đi. Nếu chỉ đi và viết văn miêu tả sẽ không đạt yêu cầu. Bí quyết của tôi là cần chuẩn bị cho mỗi chuyến đi ít nhất trước một năm, cả về kiến thức, thể chất và tâm lý.
Cái mình cần “moi móc” là những gì liên quan đến văn hóa, lịch sử, sự kiện nóng trong xã hội ở những nơi độc giả chưa từng đặt chân đến. Tuy thông tin trên mạng rất nhiều nhưng không phải thông tin nào cũng chính thống và khách quan. Vì vậy, tôi luôn ưu tiên đọc sách hơn là tìm kiếm thông tin qua mạng.
Khi viết, các bạn phải lồng ghép “cái tôi” của mình vào. Bạn có sợ hãi không? Có cô đơn không? Hãy viết vào. Đôi khi, độc giả cũng mong muốn được trải nghiệm chung những cung bậc cảm xúc mà nhà báo đã trải qua.
Chị Hoài Thương có thể chia sẻ về hành trình từ khi mới ra trường cho đến khi bén duyên với nghề truyền hình? (Độc giả Lệ Linh - Đặt câu hỏi tại buổi giao lưu trực tuyến)
Phóng viên Hoài Thương: Báo truyền hình khác so với báo giấy, sức mạnh của truyền hình nằm ở hình ảnh, từ hình ảnh mới viết lời. Tôi bén duyên với truyền hình vào cuối năm 3 Đại học. Các bạn muốn làm truyền hình cần phải chuẩn bị từ năm thứ 2 - 3. Khi đi thực tập, kiến tập, hãy tập trung học hỏi từ các anh chị đi trước.
Ngày xưa, tôi cũng rất chật vật nhưng 3 tháng thực tập ở Ban thời sự - Đài truyền hình Việt Nam đã thôi thúc tôi rất nhiều.
Nếu làm truyền hình, phóng viên phải biết tư duy về mặt hình ảnh, góc máy. Nếu có mong muốn đứng dẫn trên sóng, việc luyện tập đứng trước ống kính, nói làm sao để không vấp là những điều phải học đầu tiên. Đồng thời, tư duy đề tài là yếu tố quan trọng nhất để quyết định một phóng viên truyền hình giỏi.
Hành trang vào nghề cho sinh viên báo chí
Việc đi xa, đến tận nơi giúp chị Hoài Thương có cái nhìn sâu sắc hơn về câu chuyện mình đang viết. Tuy nhiên, khi ở hiện trường, không phải lúc nào mọi thứ cũng suôn sẻ. Chị có thể chia sẻ một tình huống khó khăn mà mình từng gặp phải khi tác nghiệp ở những địa điểm xa xôi? Có bài học hay kinh nghiệm nào mà chị nghĩ các bạn sinh viên báo chí nên biết để chuẩn bị tốt hơn cho những tình huống tương tự? (Độc giả Thái An - Quảng Ninh)
Phóng viên Hoài Thương: Nguyên tắc đầu tiên của phóng viên trước khi tới hiện trường là không nên mặc định bất cứ điều gì trong đầu. Thực tế có thể không giống như những gì mình nghĩ, bắt buộc mình phải xoay chuyển, linh động bằng những hình ảnh khác, phải biết chọn thời điểm phù hợp.
Khi mới ra trường, nhiều lần tác nghiệp hiện trường không được như những gì tôi mong đợi. Tuy nhiên, tôi không thể ra về tay trắng mà cần xoay sở, phải tìm kiếm thêm những nhân vật liên quan xung quanh.
Ví dụ với đề tài cháy nổ. Nếu ra hiện trường nhưng không thấy như những gì mình suy nghĩ, phải xoay chuyển, tìm góc độ khác như: thiệt hại của người dân, những góc nhìn từ chính quyền, dùng camera giấu kín, nhờ người dân báo cho mình...
Ở vụ điều tra bữa ăn bán trú tại Sơn La, khi giáo viên, hiệu trưởng chưa kịp định hình, tôi xông thẳng vào quay mọi thứ và đã thấy được những sai phạm về bữa ăn bán trú. Ngày hôm sau, tôi báo với trường rằng tôi sẽ đến quay, ghi hình để có thể thấy được sự thay đổi, so sánh bữa ăn của 2 ngày.
Theo anh/chị, các nhà báo trẻ nên rèn luyện những kỹ năng nào để đáp ứng yêu cầu của nghề trong thời đại hiện nay? Những kỹ năng đó có thể học được qua trường lớp hay cần trải nghiệm thực tế? (Độc giả Đoàn Nam - Đặt câu hỏi tại buổi giao lưu trực tuyến)
Phóng viên Hoài Thương: Thế mạnh của các bạn sinh viên là sức trẻ, được học rất nhiều thứ làm hành trang cho sau này. Bản thân tôi cũng phải học để theo kịp lớp trẻ, làm sao để thu hút, để bắt trend là những thứ mà các bạn trẻ làm rất dễ dàng.
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Nếu chúng ta thực sự đam mê, khát khao, khi làm bất cứ nghề gì, hãy để cho người ta chú ý đến mình, chú ý đến sản phẩm của mình. Các cơ quan báo chí sẽ đánh giá cao người có thể hút tương tác cho tòa soạn.
Giờ đây, các tòa soạn tuyển dụng dễ hơn nhiều khi có các trang mạng xã hội. Các bạn bây giờ có nhiều cơ hội để độc giả biết đến và công nhận kỹ năng của mình.
Báo chí là ngành mà xã hội đang cần, không chỉ làm cho các cơ quan báo chí mà cả các công ty tư nhân, công ty truyền thông đều cần nhân lực từ báo chí. Hãy cứ trau dồi thật tốt kỹ năng, nuôi dưỡng đam mê, kết hợp với những điều kiện sẵn có từ thời đại, chắc chắn các bạn sẽ đạt được những thành tựu mình mong muốn.
Có nhiều ý kiến cho rằng: GenZ ngày nay đang rất thiếu tập trung trong công việc. Đồng thời, gần đây, các tòa soạn đang có phương án sát nhập với nhau, vậy đâu là tiêu chí để các bạn genZ có thể cạnh tranh công việc với những người đã có thâm niên trong công việc? (Phóng viên Hoàng Tùng - Tạp chí Tự động hóa Ngày nay)
Phóng viên Hoài Thương: Bạn đã bao giờ tự đặt câu hỏi: Tại sao nhiều người lại đưa Gen Z vào một hệ quy chiếu không mấy thiện cảm? Tôi từng làm rất nhiều câu chuyện về Gen Z. Có một chìa khoá quan trọng “Thái độ làm việc sẽ quyết định chúng ta là con người như thế nào?”.
Chưa bàn đến kết quả công việc có tốt hay không. Khi chúng ta làm một công việc với thái độ tập trung, nghiêm túc chắc chắn sẽ hơn hẳn cách làm việc “cho có”. Nhìn chung, các bạn cần có thái độ làm việc cầu thị. Thái độ tốt sẽ giúp chúng ta có những người thầy tốt.
Có thể coi 2 anh chị là người của công chúng, việc xây dựng hình ảnh cá nhân rất quan trọng. Em muốn biết cách anh chị xây dựng hình ảnh cá nhân và tạo dựng sự uy tín như thế nào để công chúng biết đến nhiều hơn? (Phóng viên Hoàng Tùng - Tạp chí Tự động hóa Ngày nay)
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Nếu chúng ta chỉ quanh quẩn ở nhà nhưng viết chuyện ở Bắc Cực hay Nam Cực, chắc chắn sẽ không ai tin. Sự thiếu thực tế cũng thể hiện ngay trên tác phẩm của mình.
Các bạn Gen Z hiện nay có nhiều điều kiện, sức khỏe và yếu tố hơn những nhà báo kỳ cựu. Đó đều là các yếu tố quan trọng và cần thiết để một nhà báo dám đi và được đi.
Tuy nhiên, yêu cầu dành cho những người làm báo trẻ cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Bạn đi đủ nhiều chưa? Học được nhiều chưa? Đọc được nhiều chưa? Thật ra, những người làm báo có thâm niên như chúng tôi cũng từng trải qua rất nhiều thất bại, nhiều cô đơn. Trước mỗi chuyến đi cũng có nhiều lo sợ. Nhưng chúng tôi lại tự tin hơn về cách truyền tải và lăng kính nhìn cuộc sống. Thương hiệu cá nhân không chỉ là bề ngoài mà còn là những yếu tố nội hàm, truyền cảm hứng và năng lượng. Mỗi người chứng kiến một sự kiện lại có những suy nghĩ khác nhau. Hãy mạnh dạn chia sẻ những điều mà bạn nghĩ, đi con đường mà bạn muốn đi. Chắc chắn sẽ có những người ủng hộ và nhận được những cảm hứng tích cực từ mình.
Anh/chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang theo đuổi nghề báo nhưng cảm thấy thiếu tự tin hoặc động lực thực hiện những chuyến đi xa để lấy tư liệu viết bài? (Độc giả Thu Huyền - Đặt câu hỏi trên sóng livestream)
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Càng thiếu tự tin thì càng phải đi. Nếu bạn không mạnh dạn, không cơ quan nào tin tưởng để cho bạn đi. Nếu bạn không đi, không có bề dày về vốn sống, bạn sẽ càng tự ti.
Một lưu ý cho các bạn trẻ ngày nay là vấn đề sức khỏe. Khi các bạn có nền tảng đó, các bạn có thể làm bất cứ điều gì, dù lên rừng hay xuống biển. Vì sao tôi vẫn trụ được lại với nghề sau nhiều lần thoát chết và phải làm mọi thứ “trong một” như vậy? Tất cả là nhờ sức khỏe.
Nếu có ai hỏi tôi sau này còn đi nữa không? Tôi sẽ tự tin trả lời: Tôi vẫn sẽ đi. Có đi, tôi mới trở thành một con người mới mỗi ngày.
Phóng viên Hoài Thương: Khi ra trường, các bạn gặp một thử thách lớn là bối cảnh cắt giảm nhân sự báo chí. Vì vậy, sự tự ti là một trở ngại rất lớn mà chỉ có thời gian và sự kiên trì, nỗ lực mới thay đổi được điều đó.
“Tự ti không thể làm nghề tốt được”, bởi phía trước là rất nhiều khó khăn. Nhưng, khó khăn ấy sẽ chỉ là nhất thời khi mình nỗ lực rèn giũa vì “thành công sẽ đến với người kiên trì”.
Cảm ơn nhà báo Trương Anh Ngọc và phóng viên Hoài Thương đã tham gia buổi Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"!