Tọa đàm trực tuyến “Đậm bản sắc”: Văn hoá truyền thống và bài toán kế thừa và phát huy
(Sóng trẻ) - “Bản sắc thì đọng lại nhưng bản thân văn hoá thì luôn luôn động, cởi mở và tiếp thu chắt lọc những điều tốt đẹp từ bên ngoài”.
Đây chính là ý kiến của TS. Trần Đình Hằng – Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế tại Tọa đàm trực tuyến “Đậm bản sắc” do Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào ngày 30/11/2021. Toạ đàm thu hút hơn 1,9 nghìn lượt xem trên Fanpage Vietnam Design Week và nền tảng Microsoft Teams.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 với mục đích chia sẻ về tầm quan trọng của việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Từ đó thúc đẩy, thu hút cá nhân, tổ chức và cộng đồng sáng tạo sẽ ứng dụng giá trị văn hóa truyền thống vào cuộc sống đương đại tại Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đề cập đến vấn đề cần làm gì để phát huy nền văn hóa trong bối cảnh ngày nay, ông Nguyên Phong – Nhà phục chế cổ vật, phục dựng trang phục truyền thống nói đến việc lồng ghép những giá trị văn hoá vào sản phẩm văn hoá như chiếc nón bài thơ của Huế, cổ phục Việt Nam,...
Ông còn nhấn mạnh văn hoá muốn đi vào đời sống trước hết phải đi vào giới trẻ. Muốn làm được điều này, trước hết ta phải cho người trẻ cảm nhận, được thử, sờ tận tay vào sản phẩm văn hoá chứ không đơn thuần chỉ là qua lớp kính của bảo tàng, điện ảnh mà thôi.
Xu hướng 5 năm gần đây, nguồn tư liệu làm sáng tạo của thế giới đang chuyển dần về châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Đây là cơ hội để văn hoá Việt phát triển và vươn mình ra xa, ông Hoàng Đại – Nghệ sĩ tự do bày tỏ quan điểm. Và điều mà Huế đang thiếu nhất lúc này là thị trường, đối tượng và môi trường cởi mở để các nhà văn hoá tụ họp. Bởi không ở đâu, những giá trị văn hoá truyền thông, bản sắc Việt lại đậm đà và rõ nét như ở Huế.
Đối với việc đưa áo dài ngũ thân vào đời sống, NTK Quang Hòa cho rằng trước hết ta cần thay đổi áo dài làm sao cho thuận tiện, có tính ứng dụng cao vào đời sống hiện nay. Đó có thể là sự thay đổi về chất liệu, kiểu dáng, chi tiết,... miễn sao vẫn giữ được nét độc đáo của áo dài ngũ thân.
Trong khi đó, NTK Giang Thanh nhận định muốn để áo dài sống lại, lan tỏa rộng hơn thì phải hướng tới giới trẻ. Một khi chúng ta làm được câu chuyện phát huy giá trị văn hoá, đưa giá trị văn hoá về lại gần hơn với giới trẻ, với công chúng thì niềm tự hào dân tộc, mong muốn đóng góp cho đất nước của các bạn trẻ cũng tăng lên.
Kết thúc tọa đàm, ông Hoàng Đại – Nghệ sĩ tự do khẳng định “Huế phù hợp để trở thành “mở bài” cho hành trình du lịch cho bất cứ ai đến Việt Nam”. Ta cần mở rộng hành lang, chủ trương phù hợp để biến Huế trở thành “thủ đô của văn hoá”, nơi gặp gỡ và giao lưu của những con người có chung mục đích - Để văn hoá truyền thống luôn tồn tại cùng dòng chảy thời đại.
Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (Vietnam Design Week / VNDW) là chương trình tôn vinh các sản phẩm và nhà thiết kế xuất sắc của Việt Nam thuộc các lĩnh vực: Thiết kế Đồ nội thất, Thiết kế Trang phục, Thiết kế công cộng, Thiết kế Vật dụng trang trí và Thiết kế Truyền thông. Chương trình gồm chuỗi các hoạt động như hội thảo, workshop, trình diễn, triển lãm nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế nói riêng tại Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam nói chung và gia tăng giá trị sản phẩm sáng tạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. |