"Tôi không cần các em trả ơn, các em còn cả cuộc đời phía trước"

(Sóng trẻ) - Đó là chia sẻ của TS.BS Lã Thanh Hà, Giảng viên Bộ môn da liễu - Trưởng khoa Da liễu, Nguyên Trưởng Bộ môn Da liễu (Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam). Với quan điểm mụn không đơn thuần là một vấn đề về mặt thẩm mỹ mà còn là vết thương tinh thần rất khó chữa lành, những năm qua bác sĩ Lã Hà đã giúp đỡ điều trị cho nhiều học sinh, sinh viên bị mụn có hoàn cảnh khó khăn, cho các em được sống thêm một lần nữa. 


Ngồi cạnh bên chiếc bàn được bài trí gọn gàng, ngăn nắp, vị bác sĩ với dáng người nhỏ nhắn đang khám cho một thanh niên. Chàng trai này lập tức thu hút tôi bởi chiều cao ấn tượng  khi nhìn từ phía sau lưng. “Nhìn chiều cao ấn tượng vậy chứ thực ra cậu bé mới 18 tuổi. Kiên trì hỏi chuyện, em dần dần chịu mở lòng tâm sự, chia sẻ nhiều hơn. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều bệnh nhân bị mụn, nhất là các bạn trẻ. Có những em mắc kẹt trong nỗi tự ti, ám ảnh và tuyệt vọng”, bác sĩ Lã Hà nói.


Hãy đáp đền tiếp nối!

Ngày quyết định bắt đầu “Hành trình lột xác” - dự án điều trị mụn đón nhận những bạn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực vươn lên, người bác sĩ ấy vững tin: “Tôi không cần bệnh nhân trả ơn. Khi mình giáo dục các bạn lòng biết ơn là biết quý trọng sự giúp đỡ của người khác từ những điều nhỏ nhất thì chính các bạn sẽ biết giúp đỡ thêm nhiều người khác nữa. Đó là mơ ước của tôi để xã hội tốt đẹp hơn. Hãy đáp đền tiếp nối!”


Có những sinh viên biết đến bác sĩ Lã Hà từ người quen giới thiệu, dù ở tận vùng xa cũng tìm đến khám. Thậm chí có em bật khóc nức nở, bế tắc vì không có tiền chữa trị. Người cần giúp thì nhiều, cũng có lúc “sắp hết tiền quỹ hay đã đạt giới hạn từng đợt” bác sĩ lại trăn trở: “Tuổi thanh xuân là tuổi đẹp nhất thế nhưng chỉ vì mụn mà cánh cửa tương lai đóng sập lại với các em, thương vô cùng! Mụn càng để lâu càng có nguy cơ bị để lại sẹo đi theo cả cuộc đời, đợi đến lúc có đủ tiền điều trị thì đã muộn. Tôi cố gắng chữa sớm giúp các em vì các em còn cả cuộc đời phía trước.”

anh-1-bac-si-la-ha-cung-hai-em-hoc-sinh-da-duoc-dieu-tri-khoi.jpg
Bác sĩ Lã Hà cùng hai em học sinh đã được điều trị khỏi

Những lời tâm sự giản dị mà đong đầy yêu thương chợt khiến tôi khựng lại vài giây. Bác sĩ nhìn tôi mỉm cười: “Tiền không mua được hạnh phúc. Khi vết thương trên da các em đã lành, còn có một nơi khác khó chữa hơn là vết thương lòng. Hạnh phúc của tôi là được nhìn thấy các em biết biến yêu thương thành sức mạnh để tự vượt qua những tổn thương tinh thần vì mụn, bắt đầu một cuộc sống mới.”


Từ bác sĩ dành cả tuổi thanh xuân để tự chữa lành tổn thương cho chính mình đến hành trình biến yêu thương thành sức mạnh

Bác sĩ Lã Hà sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, là một “thiếu nữ” thủ đô sở hữu làn da trắng, có bố làm bác sĩ. Trong tưởng tượng của tôi, một “thiếu nữ” thủ đô với hoàn cảnh tốt như thế hẳn sẽ có thời thanh xuân tươi đẹp.


Thế nhưng kể từ khi phát hiện tàn nhang trên mặt, cô gái mới lớn ấy bắt đầu bị khủng hoảng: “Trong suốt quá trình cấp ba, tôi gần như ít giao tiếp với mọi người vì bạn bè hay trêu đùa khuyết điểm đó làm mình rất tự ti và đau lòng. Cứ đến mùa hè là da mặt sạm đen lại. Thậm chí tôi đã quen với cảnh có nhiều bạn nam nhìn thấy bóng dáng tôi từ phía sau chạy lại đuổi theo muốn làm quen nhưng nhìn thấy mặt thì giật mình rồi hỏi: Bạn bị sao thế? Bị lang beng hay bị gì mà sợ vậy?”


Vì trải qua cảm giác thiệt thòi, tự ti nên từ khi đó “cô gái bị sao thế” đã âm thầm mong nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ học thật giỏi để trở thành bác sĩ, chữa mặt cho chính mình. Quyết định tưởng chừng còn non nớt thời trẻ dần trở thành quyết tâm lúc nào không hay. Sau này, chị trở thành thủ khoa đầu vào và đầu ra của Học viện Quân y. Hơn 15 năm cống hiến cho nghề, chị được tin tưởng cử đi công tác và học tập tại các nước trên thế giới, nhận nhiều chức danh khác nhau, trở thành một bác sĩ giỏi đúng nghĩa. Còn làn da tàn nhang trên mặt cũng đã được chữa khỏi.


Chữa lành những tổn thương cho chính mình xong, bác sĩ Lã Hà chọn cách khám miễn phí, dành tiền lương của mình và kêu gọi quỹ từ phòng khám nơi bác sĩ làm việc để giúp đỡ các em học sinh, sinh viên bị mụn có hoàn cảnh khó khăn. 


Nhờ sự giúp đỡ ấy, có em học sinh mái tóc lúc nào cũng xõa xuống che hết mặt vì mụn chi chít đã tự tin buộc mái tóc lên, cảm nhận cuộc sống xung quanh mình; có cô sinh viên với bao ước mơ tưởng chừng ngay trước mắt nhưng không thể với tới vì mụn, sẹo thì sau tám năm đau khổ đã được tái sinh làn da, tự tin bắt đầu chặng đường mới. Trước buổi điều trị đầu tiên, có em còn hồi hộp đến mức không ngủ được, thức cả đêm vẽ một bức tranh tặng “ân nhân” của mình với lời nhắn “mẹ sinh con ra lần thứ nhất còn cô sinh ra con lần thứ hai.”

anh-2-buc-tranh-chan-dung-bac-si-do-benh-nhan-ve-tang.jpg
Bức tranh chân dung bác sĩ do bệnh nhân vẽ tặng

Lần đầu đến khám, có người còn e dè, nghi ngờ lòng tốt của bác sĩ. Người bác sĩ ấy vẫn nhẹ nhàng trò chuyện với tất cả bệnh nhân của mình, lặng lẽ ghi nhớ cả tên tuổi, câu chuyện và hoàn cảnh của từng em một. Ngày đã được chữa khỏi, nhiều em khóc vì hạnh phúc, chạy đến ôm bác sĩ. Có những niềm vui chẳng thể diễn tả thành lời. 

anh-3-nu-cuoi-hanh-phuc-khi-cac-em-da-khoi-mun.png
Nụ cười hạnh phúc khi các em đã khỏi mụn

 


“Tình yêu thương là món quà lớn nhất, là sứ mệnh của nghề tôi đã theo đuổi”

Chiếc túi nhỏ nhắn đựng tiền lì xì được may cẩn thận, chai nước mắm đậm đà hương vị quê hương, trái cây đặc trưng vùng quê, chiếc kẹp nhỏ xinh cài tóc, tấm thiệp, lá thư cảm ơn viết bằng tay với dòng chữ nắn nót, … những món quà giản dị mà đáng yêu được cô đưa cho tôi xem. Bác sĩ Lã Hà vẫn nhớ như in khi gần đến Tết, có em còn đem hẳn bánh Tét tự tay mình gói đến tặng. Người ta mong chờ háo hức đến Tết nhưng với em “Tết là nỗi sợ vì phải gặp gỡ nhiều người, tự ti không dám đối diện”. Mong ước “một cái Tết bình thường” của em cuối cùng đã thành hiện thực. Chia sẻ cảm xúc về tình cảm bệnh nhân dành cho mình, bác sĩ nở nụ cười trên môi: “Đọc tin nhắn cảm ơn, nhìn thấy những món quà ấy, tôi lại cười một mình. Món quà nhỏ bé nhưng ý nghĩa lớn, là niềm hạnh phúc của tôi.”

anh-4-nhung-tam-thiep-la-thu-cam-on-gui-den-bac-si.png
Những tấm thiệp, lá thư cảm ơn gửi đến bác sĩ

 

Một ngày bác sĩ vừa làm việc tại cơ quan, vừa khám cho nhiều bệnh nhân; tối đến, tranh thủ đọc sách và nghiên cứu khoa học, có khi còn đến đêm. Niềm hạnh phúc khác của bác sĩ là đi dạy sinh viên. Với mong muốn truyền dạy kiến thức chuyên môn và y đức nghề nghiệp cho sinh viên, hàng ngày chị vẫn miệt mài, đều đặn lên giảng đường. Chị chia sẻ: “Nhiều khi một giấc ngủ trưa là điều xa xỉ. Những lần tôi sang nước ngoài thì đều là đi học chứ không có thời gian đi du lịch, thăm thú đó đây. Tôi thích xem phim Bao Thanh Thiên lắm, rồi xem đá bóng nhưng cũng đành tạm gác lại thời gian cho sở thích cá nhân, giao lưu bạn bè.”


Vất vả là thế, mà bác sĩ vẫn vui vẻ và tràn đầy năng lượng, thậm chí còn tranh thủ dành thời gian hoạt động trên Facebook, Tiktok để truyền tải thông điêp tích cực đến các bạn đang khủng hoảng vì mụn. Mạng xã hội là nơi tồn tại cả những mặt tích cực và tiêu cực. Tôi hỏi bác sĩ có sợ bị người khác hiểu lầm về ý nghĩa của “Hành trình lột xác”, coi đây chỉ là một chiêu trò quảng cáo trá hình. Bác sĩ Lã Hà bình thản nói: “Cũng có vài người tôi giúp đỡ, sau này nhận ra đã đặt niềm tin sai chỗ nhưng tôi vẫn quyết định không vì thế mà dừng lại. Tình yêu thương mọi người dành cho là niềm vui và sức mạnh của tôi. Một lần nữa, tôi làm không phải vì cần bệnh nhân trả ơn mà mong mỏi các em biết quý trọng sự giúp đỡ rồi giúp đỡ tiếp những hoàn cảnh khác. Có nhiều em đã làm được như vậy. Suốt những năm tháng qua, đó là món quà lớn nhất, là sứ mệnh của nghề tôi đã theo đuổi.”

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN