“Tôi quyết tâm làm những gì mà người dân quê tôi chưa làm được”
(Sóng trẻ)-Chưa đầy 30 tuổi, chị Nguyễn Thị Lê Na đã thành lập Công ty cổ phần trang trại nông sản Phủ Quỳ tại quê nhà Minh Thành (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An). Để đi đến thành công, chị đã cố gắng nỗ lực không ngừng của với quyết tâm gìn giữ, nâng tầm thương hiệu cam Vinh. Chúng tôi đã có buổi trao đổi với nữ doanh nhân trẻ tiêu biểu tỉnh Nghệ An về hành trình khởi nghiệp và sáng tạo của chị.
Phóng viên phỏng vấn doanh nhân Nguyễn Thị Lê Na
Phóng viên: Tôi được biết trước khi trở thành doanh nhân chị công tác trên lĩnh vực truyền thông và có mức lương khá ổn định. Vậy điều gì khiến chị từ bỏ công việc đó để dấn thân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đầy vất vả khó khăn?
Doanh nhân Nguyễn Thị Lê Na: Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và tuyên truyền, tôi tìm cho mình một cơ hội lập nghiệp tại thủ đô. Tuy nhiên ngã rẽ trên con đường sự nghiệp của tôi được bắt đầu từ một vụ cam thất thu. Khi ấy vào năm 2013, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ cam. Sản phẩm thu hoạch được nhưng phải đổ bỏ đi hàng chục tấn. Trong khi đang “khủng hoảng” đầu ra thì một đơn vị ở Hà Nội đặt mua 1,5 tấn cam tươi. Bố tôi đã cất công thuê xe vận chuyển cam giao cho khách hàng. Khi gia đình tôi hàng giao song nhưng đối tác lại không trả tiền khi ấy gia đình tôi mới biết đã bị lừa. Thời điểm đó, tôi đã phải nhờ các mối quan hệ để tìm ra cơ sở đã đặt mua cam và thu hồi lại được 900 kg. Với số hàng đó, tôi đã kêu gọi bạn bè người thân thông qua mạng facebook mua hết số hàng trong vòng 3 ngày. Mặc dù bán hết hàng nhưng tôi cảm thấy vô cùng xót xa khi bố mẹ vất vả làm ra sản phẩm mà giá trị thu lại chẳng được bao nhiêu, thậm chí còn bị lừa, chịu thiệt đơn, thiệt kép.
Sau sự cố ấy, tôi quyết định nghỉ làm ở công ty trở về giúp đỡ gia đình. Đây là một quyết định đầy khó khăn khi tôi bước vào con đường mới. Ở quê trước đây, việc sản xuất cam không được tổ chức chặt chẽ, tất cả các khâu đều do người nông dân tự tiến hành. Cách làm đó chứa đựng nhiều rủi ro. Tình trạng trồng cam rồi lại chặt bỏ để trồng chè, cao su hay hoa màu đã từng xảy ra. Trước thực trạng trên, tôi quyết định tìm con đường đi mới với quan điểm: Về quê không phải làm lại những gì mà người nông dân đã làm. Như vậy thì sẽ lặp lại điệp khúc trồng cây, chặt bỏ hoặc có trồng cam nhưng lại không tiêu thụ được. Tôi quyết tâm làm những gì mà người dân chưa làm được.
Phóng viên: Trước những khó khăn thách thách như vậy, chị đã làm thế nào để thực hiện những việc mà người dân địa phương chưa từng làm?
Doanh nhân Nguyễn Thị Lê Na: Bắt tay vào công việc tôi phải làm lại từ đầu. Bên cạnh những gốc cam của gia đình, tôi thuê diện tích đất khoảng 2 hecta để trồng giống cam xã Đoài. Đây là giống cam có mùi vị thơm nn, ngọt mát. Lựa chọn giống kỹ lưỡng, tôi chú ý đến phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng hóa chất, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Muốn tiêu thụ ổn định lâu dài, sản phẩm phải có thương hiệu, đảm bảo chất lượng trước khi đưa vào siêu thị và quảng cáo các kênh phân phối lớn. Điều này những người nông dân quê tôi cũng chưa từng làm. Vậy là tôi đã bắt đầu từ đó. Để có tư cách pháp nhân, tôi đã đứng ra thành lập Công ty cổ phần trang trại nông sản Phủ Quỳ, xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến, đăng ký sở hữu trí tuệ…Tiếp sau đó, Công ty đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nghệ An hỗ trợ xây dựng dự án thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap.
Doanh nhân Nguyễn Thị Lê Na giới thiệu quá trình chăm sóc cam
Phóng viên: Chị có thể cho biết yếu tố nào quyết định đến chất lượng sản phẩm cam Vinh Kỳ Yến có giá trị kinh tế cao hơn các loại cam khác nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn?
Doanh nhân Nguyễn Thị Lê Na: Không chỉ làm tốt khâu sản xuất kiểm định chất lượng, tôi còn chú trọng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Lần đầu tiên tôi tìm đến hội chợ triển lãm quốc tế các sản phẩm nông nghiệp. Tại đây, tôi xin đăng ký một gian hàng để trưng bày sản phẩm cam Vinh. Khi ra mắt, sản phẩm cam Vinh đã tạo ra được dấu ấn nhất định. Từ đó, tôi quyết tâm phát triển thành kênh hệ thống. Cùng với đó, nhờ quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, tôi đã tạo ra sự gắn kết với nhiều khách hàng. Có khách hàng đã đăng ký mua sản phẩm từ những ngày đầu. Thậm chí có người cùng tham gia đầu tư tiêu thụ sản phẩm. Tôi cho rằng phải tạo được lòng tin ở khách hàng. Trước hết muốn họ tin thì họ phải hiểu sản phẩm của mình. Bởi đã có rất nhiều sản phẩm cũng quảng cáo là thực phẩm sạch nhưng sạch ở đây là như thế nào? Do vậy tôi đã làm tốt khâu truyền thông công khai quy trình sản xuất cam sạch bằng những chỉ số, kết quả xét nghiệm kiểm định cụ thể. Khi khách hàng đã hiểu thì họ sẵn sàng trả giá cao để nhận được sản phẩm có chất lượng. Hiện tại, tôi đã đưa cam Vinh Kỳ Yến vào hệ thống siêu thị Vinmart và khoảng hơn 20 các điểm bán lẻ. Mục tiêu của công ty là tiếp tục phát triển thương hiệu cam Vinh trở thành một chuỗi hệ thống cung ứng cho thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.
Phóng viên: Khi quyết định khởi nghiệp vào lĩnh vực mới, chị đã làm gì để hiện thực hóa ước mơ nâng tầm thương hiệu nông sản của quê hương?
Doanh nhân Nguyễn Thị Lê Na: Trên mảnh đất Minh Thành, người nông dân vẫn sản xuất theo mô hình cá thể hộ gia đình. Sản phẩm cam quả tươi làm ra nhiều nhưng giá trị rất thấp. Chính vì vậy, tôi đã suy nghĩ làm sao vừa phát triển được thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến vừa có thể hỗ trợ giúp đỡ người nông dân. Thế nên tôi đã quyết định trồng cam theo mô hình sinh thái, với mong muốn liên kết các hộ nông dân lại để trồng cam theo một quy trình mới. Đây là phương pháp sản xuất thuận theo tự nhiên, không sử dụng hóa chất tác động vào cây trồng. Việc làm này tuy mất nhiều thời gian, công sức nhưng bù lại tạo ra sự phát triển bền vững cho cây trồng, môi trường, đặc biệt tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn tuyệt đối. Đầu năm 2018, lứa cam sinh thái đầu tiên đã cho ra sản phẩm. Tôi cung ứng ra thị trường sản phẩm cam Vinh sinh thái làm quà Tết với giá trị 50 nghìn đồng 1 quả được khách hàng tiêu thụ hết số lượng hơn 1000 quả.
Không chỉ tìm hướng ra cho sản phẩm cam quả tươi, tôi còn tìm cách nâng cao giá trị sử dụng từ quả cam quê hương bằng các sản phẩm tinh chế như vỏ cam sấy khô, múi cam xấy dẻo, mứt nước cam, xà phòng cam, tinh dầu cam. Các sản phẩm được kiểm định bảo đảm 5 không: Không chất bảo quản, không chất tạo màu, không hương liệu tổng hợp, không chất ổn định và không biến đổi gen. Các sản phẩm tinh chế được trưng bày tại các hội chợ siêu thị trong nước, từng bước hướng ra thị trường quốc tế.
Phóng viên: Là một doanh nghiệp xã hội, chị đã có biện pháp gì giúp đỡ người nông dân trong quá trình phát triển kinh tế hộ gia đình?
Doanh nhân Nguyễn Thị Lê Na: Từ kết quả ban đầu, tôi tiếp tục mở rộng thêm 3 hecta cam sinh thái tại Minh Thành và 14 ha ở xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) theo mô hình vườn rừng kết hợp du lịch sinh thái. Trang trại của tôi đã tạo việc làm cho hàng chục lao động trên chính mảnh đất quê hương. Không chỉ có vậy, doanh nghiệp của tôi còn hướng dẫn quy trình sản xuất, liên kết các hộ gia đình và nhận bao tiêu sản phâm cho người nông dân, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, bảo tồn giống, giúp tăng thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường. Những công việc đó trước đây người nông dân không làm được hoặc gặp nhiều khó khăn thì nay tôi từng bước tháo gỡ, giúp họ yên tâm sản xuất. Với quan điểm biến hoạt động kinh doanh trở thành hoạt động xã hội, tôi luôn nỗ lực hết mình để tạo ra nhiều giá trị hữu ích phục vụ xã hội. Năm 2017, nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Thriive (Hoa Kỳ) hỗ trợ hệ thống kho mát, máy sấy phục vụ sản xuất, công ty của tôi đã cam kết hướng dẫn 29 hộ nông dân trồng cam sinh thái sau đó trở lại bao tiêu sản phẩm cho họ. Tôi luôn tâm niệm: Không được cạnh tranh với nông dân. Hãy giúp nông dân đó chính là giúp chính mình. Nông dân có bền thì công ty mới bền được.
Doanh nhân Nguyễn Thị Lê giới thiệu sản phẩm cam Vinh
Phóng viên: Chị có nhận định thế nào về tiềm năng phát triển thương hiệu cam Vinh?
Doanh nhân Nguyễn Thị Lê Na: Tất cả đối tác khi thu mua cam vinh đều đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm bởi được sự tin dùng của người dân. Cam Vinh có mùi thơm, ngọt thanh khác hẳn với các loại cam khác trên thị trường nên được đánh giá rất cao tạo nên tiềm năng thị trường rất lớn. Gần 90% số hộ nông dân và trang trại ở địa phương mong muốn và sãn sàng mở rộng diện tích trồng cam. Ở địa phương tôi diện tích đất nông nghiệp rất lớn do đó người dân có thể mở rộng diện tích áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển cam Vinh. Cùng với đó, là sự hỗ trợ đầu tư vốn của các công ty doanh nghiệp bảo bảm đầu ra là một trong yếu tố quan trọng để người nông dân yên tâm phát triển kinh tế.
Phóng viên: Chúng tôi được biết, cơ sở hạ tầng trong việc bảo quản sản xuất các sản phẩm từ cam còn nhiều khó khăn. Chị chị đã làm thế nào khắc phục tình trạng trên?
Doanh nhân Nguyễn Thị Lê Na: Thông qua các trang mạng xã hôi, các mối quan hệ bạn bè, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vốn ký kết mở rộng khu sản xuất và khu chế biến. Trong đó việc bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề là yếu tố vô cùng quan trọng. Trước khó khăn về thời gian bảo quản sản phẩm cam ngắn thì họ chính là những người nhanh nhạy thực hiện đúng quy trình nhập kho và xuất kho hợp lý nếu không cam sẽ bị hỏng không sử dụng được.
Xin trân trọng cảm ơn chị!
TRẦN QUANG ĐÔNG
Lớp K37B. BQP
Cùng chuyên mục
Bình luận