Trách nhiệm và mâu thuẫn của truyền thông các nước đang phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa




(Sóng Trẻ) - Trong Hội thảo quốc tế: “Truyền thông đại chúng - Đào tạo, bồi dưỡng thời kỳ hội nhập” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức trong hai ngày 16 và 17/6/2008, nhiều đại biểu nài nước đã có những ý kiến, tham luận rất đáng chú ý. Những tham luận này sau đó đã được giới thiệu trên website http://bctt.edu.vn của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sóng trẻ giới thiệu lại một số tham luận trong số đó để bạn đọc cùng tham khảo.


1. Vấn đề chung mà truyền thông của các nước đang phát triển phải đương đầu trong bối cảnh toàn cầu hóa

Từ sau những năm 90 của thế kỷ 20, tình hình kinh tế quốc tế đã có những thay đổi to lớn, đã lộ rõ nhiều xu thế phát triển, bao gồm: toàn cầu hóa kinh tế, cuộc cách mạng kỹ thuật mới với công nghệ thông tin là chủ đạo, thị trường hoá kinh tế toàn cầu cũng như nhất thể hóa kinh tế khu vực v.v. Trong đó, toàn cầu hóa kinh tế đã trở thành một sự thật hiển nhiên và có xu thế không gì ngăn cản nổi. Cho dù toàn cầu hóa kinh tế đã tạo cơ hội và mang lại lợi ích chưa từng có cho các nước đang phát triển tham gia vào kinh tế thế giới, thu hút vốn kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển, phát huy đầy đủ ưu thế hậu phát triển, cuối cùng đuổi kịp và vượt các nước phát triển, nhưng toàn cầu hóa còn có một mặt khác, đó là nó đã tác động tương đối lớn đến nguồn vốn dân tộc và nền công nghiệp dân tộc của các nước đang phát triển, khiến cho sự chuyển đổi kinh tế của họ gặp phải nhiều biến động và trắc trở, đồng thời cũng khiến cho mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển bền vững của họ ngày càng gay gắt. Vì vậy, có thể nói toàn cầu hóa kinh tế đã càng làm gia tăng sự mất cân bằng trong phát triển kinh tế giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển, khiến cho các nước đang phát triển mãi mãi ở vào địa vị yếu kém, thậm chí hễ lơ là một chút là có thể mang lại rủi ro thậm chí là cả tai hoạ cho mình.

oly - Upanh.com

(Ảnh minh họa)

Cùng với sự xuất hiện của toàn cầu hóa kinh tế là sự toàn cầu hóa về thông tin. Nó được đánh dấu bởi sự hình thành bước đầu và phổ cập nhanh chóng của ba mạng lưới mang tính toàn cầu, đó là mạng lưới phát thanh truyền hình, mạng lưới điện thoại viễn thông toàn cầu và việc nối mạng quốc tế. Sự xuất hiện của toàn cầu hóa thông tin cũng chưa thể làm cho xu thế mất cân bằng nghiêm trọng của truyền thông toàn cầu mà các nước đang phát triển cảnh giác vào những năm 70 của thế kỷ trước có sự thay đổi về căn bản. Theo thống kê công bố mới nhất của Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (số liệu đến năm 1997), trong thời gian từ năm 1970 đến năm 1997, vẫn còn hơn 100 nước đang phát triển không hề có sự thay đổi cơ bản gì về xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông, sự mất cân bằng nghiêm trọng về lưu thông thông tin quốc tế và sự thiếu chính xác nghiêm trọng về nội dung đưa tin quốc tế vẫn tồn tại. Trong cục diện truyền thông toàn cầu hiện nay, cho dù các nước lớn như Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản v.v. nhờ vào ưu thế ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống lịch sử v.v. của mình, đều có thể gây ảnh hưởng nhất định đến dư luận quốc tế, nhưng Mỹ vẫn "là một cực siêu cường duy nhất mà các nước khác tạm thời không thể theo kịp", do nhiều nguyên nhân như nhân lực, tài chính, kỹ thuật, ngôn ngữ v.v., cho nên các nước đang phát triển vẫn ở vào địa vị tiếp thu bị động trong truyền thông quốc tế và cũng có tiếng nói yếu ớt trong dư luận quốc tế. Xu thế này sẽ không thể có sự cải thiện trong một khoảng thời gian ngắn.

Các nước đang phát triển ở vào địa vị suy yếu kép trong kinh tế và các loại truyền thông thế giới, đang phải đương đầu với rất nhiều thách thức. Ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế đối với họ đã vượt ra nài lĩnh vực kinh tế, vươn sang cả những lĩnh vực khác như chính trị, tư tưởng, chủ quyền và văn hóa v.v. Chủ quyền của một quốc gia không chỉ tuỳ thuộc vào mặt kinh tế, mà còn tuỳ thuộc vào nhiều mặt khác như văn hóa, tư tưởng, chủ quyền và chế độ chính trị v.v.

Như vậy, có thể nói, đối với các nước đang phát triển thì phát triển là con đường duy nhất, phát triển là cái gốc để giải quyết mọi vấn đề. Chỉ có phát triển mới có thể chủ động đối phó được với thách thức.

Về phát triển xã hội, phương Tây đã trải qua ba giai đoạn từ tăng trưởng kinh tế đến phát triển xã hội, sau đó đến phát triển con người. Những năm gần đây, để thích nghi với hiện trạng phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của toàn cầu hóa kinh tế, kinh tế tri thức và kỹ thuật, người ta lại nhấn mạnh tính toàn cầu, tính tri thức, tính chủ thể, tính tham dự v.v. của phát triển. Đã từ lâu phát triển không chỉ là sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần, mà là như "mục tiêu cuối cùng của phát triển là cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn dân", "phát triển xã hội không thể tách rời với môi trường văn hóa, sinh thái, kinh tế, chính trị và tinh thần của nó" thể hiện trong “Tuyên ngôn” và “Cương lĩnh hành động” được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh về phát triển thế giới họp tại Copenhagen tháng 3 năm 1995. Như vậy cũng có nghĩa là, vừa cần tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng vừa cần dân chủ về chính trị và bình đẳng về xã hội, quan tâm đến công bằng xã hội, cần hết sức thực hiện tính nhân đạo của phát triển xã hội, đồng thời quan tâm đến sự phát triển hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

Cần phải đặc biệt chỉ ra rằng, quan niệm phát triển chủ yếu hiện nay vẫn theo quan niệm của phương Tây. Xuất phát điểm, mục đích và vấn đề quan tâm của nó đều có sự khác nhau so với các nước đang phát triển. Đối với các nước đang phát triển,  phát triển kinh tế vẫn là nhiệm vụ hàng đầu. Nhất là đối với những nước vẫn chưa hoàn toàn giải quyết được vấn đề ăn no mặc ấm, mà luôn kêu gọi về "phát triển bền vững" và "lấy con người làm trung tâm" trừu tượng trong điều kiện chưa có tăng trưởng kinh tế thì khó tạo ra sự thuyết phục. Sau khi "cất cánh" vào lúc đầu hiện đại hóa, lĩnh vực kinh tế chiếm vị trí quan trọng hàng đầu về mặt phát triển và hiện đại hóa, sự giải quyết của vấn đề kinh tế, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội hiện đại và thể chế chính trị của họ, đối với sự kéo dài và tăng trưởng liên tục sự đảm bảo hiện đại hóa cũng như sự phát triển bền vững của bất kỳ lĩnh vực chế độ nào (cho dù là lĩnh vực chính trị, kinh tế hay lĩnh vực tổ chức xã hội). Đồng thời, trong quá trình tìm kiếm sự phát triển của mình, một số nước đang phát triển đã từng bước đi từ theo đuổi tăng trưởng kinh tế đơn thuần đến chú trọng phát triển tổng thể xã hội, đã đi lên con đường phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội.

Vì vậy, các nước đang phát triển cần phải căn cứ vào tình hình thực tế của mình, xây dựng mô hình phát triển phù hợp với tình hình của đất nước mình. Về mặt này, quan niệm phát triển bền vững "lấy dân làm gốc, toàn diện và hài hòa" mà chính phủ Trung Quốc đưa ra tháng 10 năm 2003 là sự tìm kiếm tích cực cho con đường phát triển của mình.

2. Đối với ngành Báo chí Tuyên truyền của các nước  đang phát triển, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu chính là phục vụ nhu cầu phát triển tổng thể của đất nước.

Nhìn về tổng thể lịch sử phát triển của sự nghiệp báo chí thế giới, cho dù là các nước phát triển hay các nước đang phát triển, sự nghiệp báo chí xưa nay đã không còn là một ngành đứng độc lập nài chính trị và văn hóa, trái lại, nó không chỉ là người ghi chép sự thực của xã hội, là trạm gác tiền tiêu của những thay đổi xã hội, mà còn chủ động tham gia và chi phối quá trình phát triển của xã hội, nó vừa là một bộ phận của hình thái ý thức của một nước, đồng thời cũng vừa là một bộ phận của kinh tế quốc dân của nước đó. Thành quả nghiên cứu "tuyên truyền học phát triển" của các học giả Mỹ là Dannisi Lena, Weierbo Shilamu và Aifoli Luojie đã đưa ra vào những năm 50 của thế kỷ 20 cho thấy, tuyên truyền đều có thể phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng văn minh vật chất, văn minh tinh thần và văn minh chính trị ở một quốc gia. Thực tiễn "quan niệm báo chí châu Á" của Singapore và một số nước khác cũng cho thấy, báo chí tuyên truyền có thể phát huy vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt và động viên quần chúng nhân dân trong xã hội tham gia có trật tự vào đời sống chính trị kinh tế của đất nước, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng hiện đại hóa của cả nước. Báo chí tuyên truyền cho dù là ở lĩnh vực chính trị hay kinh tế đều có liên quan mật thiết đến sự phát triển của đất nước. Đối với báo chí tuyên truyền ở các nước đang phát triển, dẫn dắt xã hội tiến bộ, thúc đẩy đất nước phát triển là sứ mệnh mà thời đại giao phó cho họ.

3. Trong quá trình thực hiện sứ mệnh này, truyền thông của các nước đang phát triển nhìn chung đều phải đứng trước vấn đề là làm thế nào để xử lý tốt hai mối quan hệ: một là làm thế nào để xử lý tốt mối quan hệ giữa quan niệm giá trị toàn cầu hóa trong truyền thông (chủ yếu là quan niệm giá trị của phương Tây, thậm chí là quan niệm giá trị của Mỹ) và quan niệm giá trị của dân tộc; hai là làm thế nào để xử lý tốt mối quan hệ giữa chính phủ và truyền thông.

Một là, vấn đề quan hệ giữa quan niệm giá trị toàn cầu hóa trong truyền thông (chủ yếu là quan niệm giá trị của phương Tây, thậm chí là quan niệm giá trị của Mỹ) đã xuất hiện từ lâu, nay tỏ ra ngày càng lộ rõ cùng với toàn cầu hóa về thông tin.

Như trên đã nói, các nước đang phát triển ở vào địa vị yếu kém trong cục diện chung. Các nước đang phát triển khi xây dựng ngành tuyên truyền của mình, đã áp dụng kỹ thuật của phương Tây với mức độ khác nhau, đã nhập khẩu thiết bị của phương Tây để xây dựng nên phương tiện thông tin hiện đại. Về mặt sản xuất nội dung chương trình truyền thông cũng đã tham khảo phương Tây, hoặc là bệ nguyên xi thủ pháp và kỹ xảo của họ, hoặc là trực tiếp nhập khẩu chương trình phim ảnh của họ, để khắc phục vấn đề thiếu chương trình của mình. Một khối lượng lớn thông tin và sản phẩm truyền thông của phương Tây tràn vào đã mang theo cả phương thức sống và giá trị quan của phương Tây. Cái thứ giá trị quan này dựa vào ưu thế kỹ thuật và thực lực kinh tế hùng hậu ở phía sau để không ngừng tác động và xâm thực hệ thống giá trị quan truyền thống của các nước đang phát triển. Chúng tôi cho rằng, toàn cầu hóa về văn hóa thật sự quyết không phải là làm tiêu tan "Tây phương hóa" của văn hóa phương Đông, mà là giao lưu và bổ sung cho nhau một cách bình đẳng, tiến sát tới mục tiêu hình thành và phát triển của văn hóa thế giới ở trình độ cao hơn. Mục tiêu đó đòi hỏi phương Đông và phương Tây đều phải thực hiện chính sách mở cửa bình đẳng, cũng giống như chính sách mở cửa về kinh tế vậy, để thúc đẩy sự cộng hưởng về văn hóa tiến tiến của nhân loại. Vì vậy, một số giá trị quan phương Tây cố nhiên có mặt hợp lý thậm chí tiên tiến của nó, nhưng do ưu thế tuyệt đối về số lượng, thời gian thậm chí cả về chất lượng của thứ tuyên truyền này đã tạo nên tình thế chủ đạo của tuyên truyền là "chủ nghĩa mang lại" một chiều phương Tây, càng dễ dàng thể hiện quyền lực ngôn ngữ và bá quyền văn hóa phương Tây trên thế mạnh, đã hình thành mối đe doạ của văn hóa phương Tây đối với văn hóa phương Đông. Quan hệ bất bình đẳng của lưu thông thông tin, đã làm tăng thêm với mức độ tương đối thế lực toàn cầu của những nước sản xuất thông tin lớn và giàu có, đồng thời cũng đã cản trở sự công nhận nhà nước và hình ảnh bản thân một cách hợp lý. Năm 1990, liên tiếp trong các tác phẩm "Sự thay đổi quyền lực thế giới", "quyền lực mềm" và "Nhất thiết phải lãnh đạo-đang làm thay đổi tính chất quyền lực của Mỹ"v.v.,Yuesefu Nai đã đưa ra quan điểm "quyền lực mềm" này, đã nhấn mạnh tính chất quyền lực của tiêu chuẩn giá trị (tự do, dân chủ và nhân quyền), kinh tế thị trường (cơ chế kinh tế thị trường tự do và cơ chế vận hành của nó) và văn minh phương Tây (văn hóa, tôn giáo) trong các công việc quốc tế và trong quan hệ quốc tế. Ông cũng tuyên bố một cách không úp mở rằng: "Mỹ có nguồn quyền lực cứng truyền thống nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đồng thời cũng có nguồn quyền lực mềm về hình thái ý thức và chế độ, nhờ đó duy trì địa vị lãnh đạo của họ trong lĩnh vực mới tồn tại dựa vào nhau giữa các nước". Như thế, trong giá trị quan tư bản chủ nghĩa vẫn còn một mặt tiêu cực của nó.

Mặt khác, từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay, mặt trái của toàn cầu hóa đã dấy lên sự thức tỉnh của ý thức dân tộc, khiến cho chủ nghĩa dân tộc phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới. Do quán tính của văn hóa dân tộc bản địa và sự bảo hộ đối với chủ quyền văn hóa dân tộc của các nước đang phát triển dưới chủ nghĩa dân tộc, mà hiện nay ngành xuất bản báo chí của các nước đang phát triển với sự khuyến khích và ủng hộ của chính phủ đã tích cực tuyên truyền báo chí và sản phẩm văn hóa thể hiện giá trị quan ưu việt của dân tộc mình và văn hóa của nước mình. Ví dụ Nam Phi đề ra "tăng thêm một chút kịch địa phương, giảm đi một chút kịch nước nài", đồng thời mở kênh truyền hình địa phương, ra sức duy trì văn hóa bản địa. Dự kiến từng bước hạ thấp tỷ lệ phát sóng chương trình của nước nài, "tranh thủ làm cho chương trình nội địa hóa đạt tới 1/3 tổng lượng phát sóng".

Cho dù mọi người đều biết chỉ có quy mô phát triển truyền thông hợp lý và năng lực sản xuất tự chủ sản phẩm truyền thông tương ứng, mới có thể bảo vệ quyền tự chủ báo chí tuyên truyền, từ đó bảo vệ quyền phát triển của đất nước và dân tộc mình, nhưng do những nguyên nhân như lạc hậu về kinh tế, nhân lực và ngôn ngữ v.v., nên thực tế hiện nay là báo chí tuyên truyền của các nước đang phát triển vẫn buộc phải tiếp tục tuyên truyền một khối lượng lớn các sản phẩm truyền thông và các loại thông tin của phương Tây. Đồng thời, bản thân báo chí tuyên truyền của các nước đang phát triển cũng chịu ảnh hưởng bởi mặt trái của cái thứ giá trị quan này, đã xuất hiện hiện tượng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận mà không ngừng hạ thấp giá trị đạo đức, làm cho trong nền văn hóa xã hội của các nước đang phát triển xuất hiện nhiều gam màu trái ngược, mâu thuẫn với nhau và đan xen phức tạp. Làm thế nào để vẽ lên sắc màu chủ đạo của mình, phát ra tiếng nói của chính mình trên diễn đàn quốc tế là nhiệm vụ nặng nề mà chính phủ và ngành truyền thông của các nước đang phát triển đang phải đương đầu.

Hai là, quan hệ giữa chính phủ và truyền thông trong các nước đang phát triển xưa nay là một vấn đền mấu chốt nhạy cảm nhưng lại luôn luôn tồn tại và không thể tránh khỏi.

Do bản thân ở vào địa vị bị động trong nhất thể hóa kinh tế toàn cầu, các nước đang phát triển rất cần sự phối hợp của các ngành, các hệ thống xã hội ở trong nước, để phát triển kinh tế, tăng sức cạnh tranh, đối phó với sự xâm nhập và thách thức về nhiều mặt của các nước phát triển. Vì vậy, đối với truyền thông, chính phủ càng hy vọng truyền thông sẽ phục tùng và phản ánh được tiếng nói của mình, cũng giống như "quan niệm báo chí châu Á" mà một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore và Indonesia v.v. đưa ra, báo chí tuyên truyền cần phải hợp tác với chính phủ, nhấn mạnh sự cân bằng giữa tự do báo chí với trách nhiệm xã hội, cũng như sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Họ chủ trương tuyên truyền cần hết sức tránh những ngôn từ và thông tin kích động, tự giác bảo vệ sự thống nhất quốc gia và đoàn kết dân tộc, không nên quá cường điệu xung đột xã hội. Báo chí tuyên truyền đã đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của kinh tế ở những nước này. Nhưng đây đồng thời cũng ẩn chứa một vấn đề khác, đó là trong quá trình phát triển của đất nước, một số vấn đề tồn tại trong xã hội rất có thể sẽ không được phát hiện, từ đó cản trở sự phát triển đất nước. Bởi vì sự phát triển của đất nước, sự tiến bộ của xã hội, không chỉ là sự phát triển của kinh tế, mà còn bao gồm cả sự thực hiện quyền văn hóa và dân chủ hóa nghĩa vụ văn hóa, cung cấp thông tin rộng rãi bằng nhiều hình thức để đáp ứng quyền được biết thông tin và các nhu cầu khác của công dân, bù đắp sự chênh lệch về tưởng tượng của xã hội bằng sự điều giải của sản phẩm văn hóa tuyên truyền. Trong báo cáo 10 năm phát triển (lần thứ hai) của Liên Hợp Quốc (1970 - 1980) chỉ rõ: "Mục đích cuối cùng của phát triển là làm cho phúc lợi cá nhân được cải thiện bền vững, và làm cho tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Nếu hiện tượng đặc quyền, chênh lệch giàu nghèo và bất công xã hội vẫn tiếp tục tồn tại, thì xét về mục đích cơ bản của nó là phát triển đã thất bại". Nài ra, ngày nay công nghệ thông tin nhất là công nghệ mạng Internet đang phát triển nhanh chóng, thì sự phong toả thông tin dường như chỉ là chuyên hoang đường, nhiều khi lại thu được hậu quả trái ngược, càng làm gay gắt thêm sự bất mãn của dân chúng đối với chính phủ, từ đó cản trở sự phát triển của xã hội.

Điều đáng để chúng ta yên tâm là những năm gần đây, một số nước đang phát triển đã dần dần thoát khỏi khó khăn, từng bước xây dựng được mối quan hệ kiểu mới giữa chính phủ với truyền thông.

Trong quá trình phát triển, Đảng Quốc dân Nam Phi đã từng kiểm soát dư luận, lợi dựng các loại chính sách pháp quy hạn chế thông tin báo chí. Thập kỷ 70 của thế kỷ 20 đã từng thông qua luật nghị viện, quy định về tuyên truyền, hãng tin Liên minh Nam Phi phải phục vụ chính phủ, và "từng bước buộc công ty dân doanh phát thanh Nam Phi trên thực tế trở thành tổ chức quốc doanh do chính phủ trực tiếp quản lý". Bắt đầu từ năm 1986, các nhà lãnh đạo Nam Phi đã ba năm liền áp dụng luật về tình trạng khẩn cấp, tiến hành kiểm duyệt báo chí. Thời kỳ này, quan hệ giữa truyền thông với chính phủ vô cùng căng thẳng. Nhưng cuối những năm 90 của thế kỷ 20, truyền hình Nam Phi " từ công cụ tuyên truyền phản động" "diễn biến thành công cụ thúc đẩy sự hoà hợp và tranh luận dân chủ giữa các vùng miền trong cả nước". Quan hệ giữa truyền thông và chính phủ được khái quát thành "quá độ từ tiến hành phê bình rộng rãi đối với chính phủ sang tiến hành giám sát và phê bình báo chí một cách nghiêm túc và đúng lúc đối với một số hành vi của chính phủ". Bắt đầu từ năm 1995, để có được cơ hội tiếp xúc báo chí bình đẳng và giám sát các đoàn thể xã hội và các chính đảng trong thời kỳ bầu cử, người ta đã thành lập một Uỷ ban truyền thông độc lập do xã hội quan lý, khiến cho sự giám sát của truyền thông đối với chính phủ ngày càng hoàn thiện.

Chính phủ Singapore và Malaysia cũng đã mở ra một con đường cho các nước đang phát triển từ nhấn mạnh chính sách "quan niệm báo chí châu Á" trách nhiệm, thận trọng tránh xung đột và thiếu tính phê phán đến cho phép truyền thông đưa ra tiếng nói phản đối, khuyến khích nhân dân tham gia đối thoại với chính phủ và tự do báo chí. Trong đó, chính sách truyền thông của những quốc gia này gắn bó mật thiết với các giai đoạn khác nhau của phát triển kinh tế trong nước và  "quan niệm báo chí châu Á" về mặt tư tưởng ý thức.

Tại Achentina, chính nhờ các phóng viên báo chí nhiều lần vạch trần những tệ nạn của chế độ luật pháp cũ trước công chúng, qua đó đã dấy lên một phong trào xã hội, đẩy mạnh cải cách lập pháp và tư pháp. Mặt khác, trong quá trình đẩy mạnh hoàn thiện pháp chế nhà nước, họ cũng đã dành được nhiều điều kiện hoạt động tốt hơn cho báo giới, thực sự thúc đẩy đất nước phát triển.

Trong phần đưa tin về thiệt hại do động đất gây ra năm nay ở Tứ Xuyên, sự nhanh nhạy, trung thực và công khai minh bạch về thông tin đối với tình hình thiên tai, số người thương vong và tình hình khắc phục hậu quả, không những không làm cho xã hội phát sinh những nhân tố bất ổn định, gây ảnh hưởng xấu, mà trái lại đã làm cho mọi người thấy rõ được sự quan tâm sâu sát của chính phủ đối với đồng bào vùng bị thiên tai, đã dẫn dắt một cách thành công tình cảm mãnh liệt dấy lên từ thiên tai đến với sự đoàn kết và hợp tác của thế giới người Hoa ở khắp nơi. Điều đó không chỉ chấn chỉnh lại hình ảnh trái chiều của thế giới phương Tây đối với đảng cầm quyền của Trung Quốc trước đây, mà còn tăng cường hiệu quả lãnh đạo của đảng cầm quyền và năng lực tự sửa đổi mình của chính phủ. Trong đó công lao của truyền thông là rất lớn. Biểu hiện của truyền thông trong trận động đất ở Tứ Xuyên đã tạo ra được một bài học về quan hệ giữa truyền thông và chính phủ ở các nước đang phát triển.

Trong quá trình phát triển tự thân, truyền thông ở các nước đang phát triển cần tăng cường ý thức trách nhiệm, ý thức độc lập và ý thức học tập. Điều mà ý thức trách nhiệm muốn nói đến là sứ mệnh nghề nghiệp phục vụ sự phát triển của đất nước; ý thức độc lập là cần có ý thức quốc gia dân tộc vững vàng, bồi dưỡng giá trị quan báo chí phù hợp với lịch sử và thực tế của nước mình cũng như bồi dưỡng ý thức và năng lực độc lập sáng tạo sản phẩm báo chí; còn ý thức học tập là không chỉ học tập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển, mà giữa các nước đang phát triển cũng cần phải học tập lẫn nhau, cuối cùng thúc đẩy sự phát triển của đất nước và tiến bộ của xã hội.    
                                  
PGS Dịch Văn

Đại học Quảng Tây, Trung Quốc

Nguyễn Văn Đổng(dịch)

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN