Nhà báo Hồ Trí: Đến với nghề bằng duyên, tiếp nối nghề bằng sẻ chia

 

Nhà báo Hồ Trí, tên đầy đủ là Nguyễn Hồ Trí, sinh năm 1985 tại Quảng Nam. Hơn 10 năm công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, nhà báo Hồ Trí đã để lại ấn tượng với công chúng qua loạt tác phẩm báo chí điều tra chất lượng như: “Rừng kêu cứu”, “Bò bệnh “vượt rào” tới tay hộ nghèo”, “Hộ cận nghèo là hộ ở cận…nhà nghèo", “Xâm hại tình dục trẻ em: Hãy lên tiếng!”, “Tour du lịch 0 đồng”, “Cuộc chiến ong nội, ong ngoại ở Hà Giang”, “Biến tướng huy động vốn giăng bẫy nhà đầu tư", … và gần đây nhất là phim tài liệu “Bẫy”.

 

Trước khi trở thành một sinh viên chuyên ngành báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Tp.HCM, anh Hồ Trí đã là sinh viên khoa Ngữ văn tại Trường Đại học Đà Lạt. 

Cơ duyên đặc biệt nào khiến anh vẫn quyết định theo đuổi ngành báo chí dù đã là sinh viên sư phạm? 

Hồi còn học tiểu học, từ những mẩu báo gói quà được chị gái đi học ở thành phố gửi về, mình cứ đọc ngấu nghiến. Có những câu chuyện còn không đầy đủ vì vài mảnh báo nham nhở. Ở cái tuổi lên 10, ở vùng quê trung du, hai từ "báo chí" mình còn chưa hiểu là gì. Quê không điện lưới quốc gia, tivi đen trắng cả xã được vài ba cái, chỉ dùng để xem phim và không ai có khái niệm về tin tức hay thời sự. Và cứ thế, những câu chuyện từ mẩu báo cũ cứ lớn dần. Những mẩu báo ngày một nhiều, chúng được thu nhặt và để dành đọc đi đọc lại. Nghĩ có lúc nào đó mình sẽ viết ra được những câu chuyện hấp dẫn như vậy hoặc hay hơn thế!

Thời gian cứ đuổi theo những ước mơ, 3 năm cuối phổ thông phải trọ học xa nhà, cơm áo gạo tiền cũng đẩy lệch mong ước. Một là sẽ trở thành anh kỹ sư điện, hai là trở thành một thầy giáo. Bởi đơn giản muốn mang điện về làng cùng với con chữ cho những đứa trẻ thiệt thòi như mình. Đặc biệt, thời đấy học sư phạm là được miễn giảm học phí nên nghĩ gia đình sẽ bớt được gánh lo toan. Nhưng khi học sư phạm được một học kỳ, cái máu học báo lại trỗi dậy,...Và gieo quyết tâm sẽ thi lại đại học báo chí vào một ngày không xa. Và đến năm 3 sư phạm, mình đã giấu gia đình để thi lại đại học vào ngành báo chí, và “xui" là đỗ. Để không làm phật lòng gia đình, mình vẫn học 2 trường cùng một lúc mà không bỏ bên nào, vừa học năm 4 bên này và năm nhất bên kia. Đồng nghĩa mình đã phải học đại học hết 7 năm thay vì 4 năm như “con nhà người ta".

Trên hành trình theo đuổi đam mê báo chí, anh đã trải qua những khó khăn gì? 

Nhiều người hay nói hành trình của mình là đi từ số 0 đến hiện tại nhưng chắc có lẽ nó phải là số âm. (Cười). Xuất phát điểm của mình khác rất nhiều so với các bạn, mình từ nông thôn lên thành phố học nên còn ngơ ngác lắm. Hồi đó, mới vào học đã phải làm tin, học dàn trang và phải thực hiện trên máy tính nhưng mình chưa được tiếp xúc với máy tính bao giờ nên không biết thao tác thế nào. Có những môn học chiếu powerpoint, thấy các bạn cầm USB lên mà mình tò mò “Sao một thiết bị nhỏ bằng ngón tay mà lưu trữ nhiều dữ liệu hay ho thế?”. Có cảm giác mình như “người ngoài hành tinh” vậy, không tránh khỏi cảm giác bị choáng ngợp, thua thiệt.

Học báo chí nhưng hồi đó không hề có bất cứ “công cụ hành nghề” gì hết, tựu chung là nhiều không: không máy tính, không điện thoại, không máy ảnh, không xe máy,... thậm chí nhiều lúc còn không có tiền đủ một bữa ăn. Mình vẫn nhớ hồi năm nhất học báo chí, mình may mắn được nhận vào làm tờ báo in của Thông tấn xã Việt Nam nhưng chưa làm được bao lâu mình đành phải bỏ việc. Vấn đề lúc đó là phải cân bằng giữa vừa đi học vừa cộng tác với một cơ quan báo chí, lại không có thiết bị hỗ trợ nào trong tay. Cộng tác báo chí cũng không phải công việc có thu nhập ngay được, đôi khi định mức nhận được còn không đủ chi trả một bữa ăn thì mình phải nghĩ phương án làm sao cho cái bụng no trước đã thì lúc đó tinh thần làm việc mới tốt được. Mình chuyển sang làm phục vụ nhà hàng. 

Anh đã cố gắng thế nào để vượt thoát những khó khăn ở thời điểm đó?

Một điều may mắn hơn cả là, khi học năm 2 báo chí, nhờ sự “quảng bá" của bạn cùng phòng ký túc xá, mình đã được một mạnh thường quân giúp đỡ với 1 chiếc điện thoại, 1 chiếc laptop với tổng số tiền 15.900.000 đồng. Ở thời điểm năm 2017, đây là số tiền quá lớn đối với mình. Một món quà đến bất ngờ, mình đã quá vui sướng bởi nằm mơ vẫn không nghĩ đó là sự thật. Về sau khi nghĩ lại mình vẫn nghĩ nó là một vận may, là duyên lành mà cuộc đời mang đến cho mình. 

Học ở 2 trường cùng lúc nên xem như được học gấp đôi người ta nhưng cũng bận vô cùng. Được học với các bạn giỏi hơn, có điều kiện hơn, họ vừa tạo áp lực vừa tạo động lực để mình cố gắng mỗi ngày. Mình cứ liên tục thắc mắc và tự động viên: “Vì sao họ lại làm được? Ít nhất mình không làm được như họ thì cũng phải làm được một nửa họ”. Mình xuất phát sau họ nhưng mình nghĩ: “Họ xuất phát trước thì họ đi, mình xuất phát sau thì mình phải chạy nhưng phải chạy đúng đường”. Thế nên trên hành trình đó mình vừa chạy, vừa quan sát, vừa dò tìm. 

Với những bài tập trên lớp, lúc nào mình cũng xông xáo nhận việc để bản thân được làm. Lúc nào cũng sẵn sàng viết kịch bản, quay, dựng. Hồi đó, có một số đơn vị cho phép khán giả quay những thước phim ngắn rồi gửi về cho chương trình, mình cũng mượn máy ảnh tự đi quay, dựng và tận dụng cả những sản phẩm từ bài tập để đem nộp. Dù khó khăn nhưng luôn học cách cân bằng mọi thứ nên may mắn mình vẫn hoàn thành việc học cả 2 trường mà không bị muộn cái gì cả.

Điều gì ở mảng báo chí điều tra khiến anh say mê đến thế? 

Say mê? cũng không hẳn là vậy, nó đến một cách tự nhiên và tình cờ. Bởi những ngày đầu làm nghề mình cũng chọn những đề tài phản ánh xã hội nhẹ nhàng, dễ thở chứ chưa nghĩ đến việc làm những đề tài hóc búa. Vì lúc đó năng lực chưa đạt đến một ngưỡng nhất định và mình biết nếu làm không đến nơi đến chốn thì sản phẩm đó sẽ thất bại trước công chúng. Nhưng càng làm càng thấy, mỗi đề tài cần có sự đầu tư hơn, cần đào sâu hơn. Cuộc sống này không đơn thuần như những gì ta thấy trên bề mặt mà còn ẩn chứa nhiều câu chuyện khác chưa được lý giải đằng sau như vì sao hộ nghèo lại nhận hỗ trợ không đúng, vì sao ở vùng này đang được đầu tư với công trình hàng tỷ đồng nhưng nhìn công trình không xứng đáng với số tiền bỏ ra,... Liên tục có những thắc mắc, tò mò thôi thúc mình đi lý giải. Lý giải không dừng lại ở việc mô tả những thứ bên ngoài mà đôi khi còn phải đập đi những “bức tường” để xem được bên trong nó đang diễn ra những gì. Làm báo điều tra giống như bước trên những nấc thang, bước lên được một nấc rồi sẽ có khao khát bước lên nhiều nấc nữa. Đó không phải là nấc thang của danh vọng mà là nấc thang của sự hiểu biết và sự lật mở các vấn đề. 

Cái khó đối với người làm báo chí điều tra? 

Khó thì nhiều vô kể. Mới vào nghề gặp khó giờ làm cũng kha khá năm vẫn không hết khó. (Cười). Cái khó sẽ đeo bám bạn suốt đời, thậm chí sau khi bạn trở thành một lão thành trong làng báo vẫn cảm thấy khó. Với mình, khi cái khó còn thì lúc đó mới có sự trưởng thành và nếu mình chinh phục một thứ gì đó quá dễ thì niềm vui có lẽ sẽ không đạt đến đỉnh. 

Khi bạn thực hiện một tác phẩm báo chí có chiều sâu và đi đến tận cùng của vấn đề thì bạn cần có thời gian để “sống chết” với nó, phải va đập và lăn lộn cùng nó. Nhiều lúc nó quật bạn đứng lên ngã xuống không biết bao nhiêu lần, khiến bạn kiệt quệ tinh thần và sức khỏe. Nhưng làm điều tra khiến mình trở nên điềm tĩnh hơn, khiêm tốn hơn để có đủ sự tỉnh táo nhìn nhận vấn đề. Không hiếm những lần muốn bỏ cuộc nhưng lại nhận được một nguồn năng lượng từ nhân vật, từ câu chuyện thôi thúc mình bước tiếp. Mình cứ suy nghĩ về những bất công mà nhân vật đã trải qua, những sai phạm, những câu chuyện cần được đưa ra ánh sáng rồi quyết định vẫn tiếp tục làm. Khi bạn đã dành thời gian đủ nhiều để tìm hiểu điều gì đó, nó dường như đã ngấm vào máu của bạn, trở thành hơi thở của bạn và bạn làm nó một cách rất tự nhiên. 

Có những lúc làm xong một phóng sự điều tra, mình và ekip muốn ngã quỵ vì kiệt sức nhưng cảm giác chinh phục và làm thỏa mãn người xem khiến chúng mình lại vui trở lại. Nếu đó là một sản phẩm tốt và đóng góp một giá trị cho xã hội, nó tự nhiên trở thành một một liều thuốc bổ tiếp thêm năng lượng, cho mình khí thế để bước tiếp. 

Khi đã thực hiện khá nhiều phóng sự điều tra, có lúc nào anh cảm thấy bị ảnh hưởng tiêu cực từ những câu chuyện đó? 

Làm báo chí điều tra cho mình “cơ hội” va chạm với nhiều điều tiêu cực hơn, thế nên có lúc khó tránh khỏi cảm giác về một cuộc sống ngột ngạt, xấu xí. Trong lòng đôi lúc mất niềm tin và tự hỏi: Sao xã hội nhiều lừa đảo thế, lừa từ người lạ đến người quen, vì một động cơ cá nhân nào đó họ bất chấp làm tất cả mọi thứ? Cũng có những chuyện buồn đến từ hành trình làm nghề khi chúng mình lên tiếng bảo vệ nhân vật nhưng họ thậm chí không tán dương, khen thưởng mà còn quay lưng với mình. Nhiều khi mình làm vì mục đích tích cực nhưng những đơn kiện “ngây ngô” cứ từ trên trời rơi xuống.

Làm báo là một công việc vô cùng khó khăn, có lúc nào anh nghĩ mình sẽ từ bỏ không?

Bản thân mình cũng có kha khá cơ hội làm những nghề nghiệp khác tuy nhiên, báo chí vẫn còn khiến mình say mê lắm nên chưa nghĩ đến chuyện từ bỏ đâu. (Cười). Có những vấn đề còn khuất lấp, cần sự đầu tư thời gian, công sức rất lớn, đôi khi nó như một “cuộc chiến” mà mình cần bày binh bố trận, lên kế hoạch rất cẩn thận. Có những đề tài đã hoàn thành 50%, 70% nhưng đi vào bế tắc vì có những móc xích chưa lý giải được, mình chỉ tạm gác lại chứ không hề từ bỏ. Cũng có những đề tài một thời gian sau không còn phù hợp với thời cuộc nữa thì cũng chấp nhận từ bỏ. Thế nên, mình luôn có cảm giác “đeo rất nhiều tảng đá trên người” bởi những vấn đề ấy không chỉ được lưu giữ lại bằng tư liệu mà còn lưu giữ lại trong trí óc.

Công việc hiện tại của anh có gì liên quan đến thế hệ sinh viên trẻ, đặc biệt là sinh viên báo chí? 

Hiện tại, ngoài làm việc ở Đài truyền hình Việt Nam, mình cũng thường “ăn cắp" thời gian để được đến với các bạn sinh viên như tham gia giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí điều tra tại Trường Cao đẳng truyền hình, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)… Bên cạnh đó, một số trường học cũng tổ chức những buổi nói chuyện, trao đổi về câu chuyện làm truyền hình với các bạn sinh viên.  

Điều gì khiến anh muốn gắn bó với công việc giảng dạy, truyền kinh nghiệm cho sinh viên?

Nhiều người cũng thắc mắc sao “rảnh", bởi vừa tốn thời gian, đôi khi phải di chuyển xa, có khi vào đến miền trung, miền nam để có được vài tiếng đồng hồ giao lưu với sinh viên. Nhưng mình nghĩ, mình cũng từng có thời sinh viên học báo và cũng giống các bạn trẻ hiện tại, mình đã từng rất khao khát được gặp gỡ các anh/chị đi trước để lắng nghe những kinh nghiệm của họ. Sự xuất hiện của họ có thể không giúp mình quá nhiều nhưng đủ để bớt đi sự chông chênh, sự vô định trong nghề nghiệp tương lai. Thế nên, mình tình nguyện đi, đôi khi là chủ động “xin" được gặp sinh viên.

Một điều nữa khiến mình thích thú với công việc giảng dạy các bạn sinh viên chính là những cái lợi rất hời. Mỗi một lần trao đổi về các sản phẩm mình đã làm cũng là một cơ hội để bản thân tự kiểm chứng, đánh giá những điều hay, chưa hay. Đặc biệt, sự trao đổi của các bạn sinh viên còn cho mình những góc nhìn mới, truyền đi tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ; đôi khi còn cung cấp cho mình những đề tài thú vị, mới lạ. 

Ngày nay, thế hệ trẻ có xu hướng thể hiện cá tính, màu sắc riêng của bản thân trong từng công việc. Vậy đối với lĩnh vực báo chí, nét tính cách này của người trẻ cần lưu ý những điều gì? 

Thể hiện màu sắc riêng, cá tính là điều đáng khích lệ tuy nhiên cần phải thể hiện đúng chỗ. Không nên nhầm lẫn cá tính và tính cá nhân. Nếu bạn đem ý kiến cá nhân, góc nhìn chủ quan để nhìn nhận một sự việc thì sai phương pháp trong báo chí vì thiếu đi tính khách quan. Báo chí giữ vai trò phản ánh, phản biện nên khi bạn để yếu tố cá nhân vào thì nó đang chuyển sang phán xét. Bạn phải làm sao để người xem thấy được tính khách quan của sự việc, thấy được hơi thở của cuộc sống và người xem thấy mình như đang sống trong câu chuyện đó thì đó mới là thành công. 

Bên cạnh việc thể hiện cá tính, mình cho rằng các bạn trẻ còn cần rèn luyện đức tính kiên trì, nhẫn nại. Các bạn như một mảnh đất khá tơi xốp nhưng cũng dễ bị xói mòn, bạc màu. Khí thế hừng hực nhưng chỉ kéo dài một thời gian ngắn, nếu có điều gì khó khăn cản trở, các bạn lại dễ dàng bỏ cuộc. Chính vì thế, thiết nghĩ, các bạn trẻ cần chủ động tạo ra nhiều môi trường rèn luyện tính dẻo dai, kiên trì trong cả suy nghĩ và hành động. 

Nhiều bạn trẻ cho rằng làm báo điều tra là sự liều lĩnh không khác gì “chọc vào tổ ong” và ngại dấn thân, anh suy nghĩ như thế nào về điều này? Để trở thành một nhà báo điều tra đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt gì?

(Cười) Vậy những người chuyên đi rừng lấy mật ong ắt sẽ làm điều tra báo chí cực tốt! Hàng trăm con ong vây quanh, người thợ lấy mật cũng phải trang bị những vật dụng cần thiết. Lần 1, lần 2 cũng sẽ bỡ ngỡ, va vấp, đôi khi còn bị cắn một vài lần nhưng những lần sau họ sẽ gan hơn vì họ đã rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân. Làm báo điều tra cũng tương tự vậy. Mỗi người phải tự trang bị cho mình kiến thức và kĩ năng vững vàng. Sau vài lần “lạ” chắc chắn sẽ có những lần “quen”. 

Dấn thân thì nghề nào cũng cần và có, nhưng với báo chí điều tra thì càng rõ hơn. Đôi khi còn phải đánh đổi thời gian, công sức, chưa kể đến vấn đề nguy hiểm tính mạng. Để bảo vệ bản thân và hoàn thành vai trò của một nhà báo điều tra, mỗi người phải tự xây dựng những kỹ năng riêng và bổ sung qua thời gian. Không có một công thức cố định nào vì mỗi ngữ cảnh lại càng khác hơn. Nhưng điều cần nhất mình cho rằng đó là sự khiêm tốn bởi khiêm tốn giúp tỉnh táo nhìn nhận vấn đề, để tránh phạm phải những sai lầm. 

Anh có muốn gửi gắm điều gì đến các bạn trẻ đang nuôi đam mê trở thành nhà báo?  

Bạn phải biết tiếp thu, đừng bao giờ nghĩ mình là số 1 hay tai hại hơn là luôn tâm đắc với những thứ mình làm ra. Đỉnh này cao thì vẫn có đỉnh khác cao hơn. Chăm xem, chăm đọc và nghiêm khắc rèn luyện đạo đức, kỹ năng. Đặc biệt, bạn phải thường xuyên xem lại sản phẩm do mình làm ra để tự đánh giá và điều chỉnh điểm chưa tốt. Không có người thầy nào giỏi nhất bằng chính bản thân của mình cả. 

Xin cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN