Trang Nguyễn và hành trình bảo vệ động vật hoang dã

(Sóng trẻ) - “Nhiệm vụ của người làm bảo tồn là phải làm thế nào để thay đổi thái độ, hành vi của người tiêu thụ, làm thế nào để duy trì và phát triển cuộc sống của những người dân nghèo gắn với những khu bảo tồn mà vẫn giữ được thiên nhiên. Bảo tồn động vật hoang dã chính là bảo vệ sinh mạng của con người” – Trang Nguyễn – Người sáng lập và điều hành tổ chức WildAct chia sẻ. Vượt qua tất cả, cô coi đó là cam kết của bản thân với đam mê và công việc, giúp cô kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

jjnk.png
Trang Nguyễn - Top 30 gương mặt dưới 30 tuổi ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2018 do tạp chí Forbes bình chọn

“Nhất định, tôi sẽ làm bảo tồn động vật hoang dã”

Khi còn là học sinh tiểu học, mỗi chiều đi học về qua nhà một người hàng xóm, Trang và người bạn của mình lúc nào cũng tò mò cùng nhau đoán xem trong chiếc chuồng sắt hẹp và cao được dựng ở sân nhà kia đang nhốt con gì. Những âm thanh lạ, lúc thì gầm gừ, lúc thì rên rỉ càng thôi thúc sự hiếu kỳ của cô gái 8 tuổi.

Cho đến một lần tình cờ khám phá ra được con vật bị nhốt trong lồng là một chú gấu, Trang không ngờ đây chính là cột mốc quan trọng đã thay đổi cuộc đời cô mãi mãi. Chưa bao giờ Trang nhìn thấy chú gấu ở một cự ly gần đến vậy. Cô thấy chú gấu nằm ngửa ra sân, bốn chân bị trói chặt và đánh thuốc mê. Hai người đàn ông lúi húi gần đó, một người đeo găng tay cao su, người còn lại đang dò dẫm trên ngực chú gấu. Lúc ấy, Trang vẫn chưa thực sự hiểu những hành động họ làm với chú gấu đó là gì.

Mùi hôi trộn lẫn với mùi phân và nước tiểu, tiếng rên rỉ và gào thét trong đau đớn, hình ảnh chú gấu bị hành hạ, bị đánh đập để lấy mật ngày hôm đó cho đến tận bây giờ vẫn luôn hiện lên trong tâm trí cô. Mùi hôi đó ám ảnh Trang đến mức, cô đã sử dụng nó để phát hiện ra những vụ nuôi giữ động vật hoang dã trái phép trong nhiều năm về sau. Việc phải chứng kiến cảnh buôn bán và tiêu thụ sản phẩm hoang dã xảy ra khắp nơi, ngay cả khi đi đường, đi chợ đã khiến cô gái bé nhỏ quyết tâm phải làm được một điều gì đó để giúp đỡ, bảo vệ những loài động vật này. 

Tưởng rằng, đó chỉ là những ước mơ viển vông nhất thời của một đứa trẻ nhưng Trang đã ôm ấp ngọn lửa ấy suốt những năm tháng tuổi thơ, và từng bước hành động để có thể thực hiện được ước mơ ấy. Cô xem tất cả chương trình về động vật hoang dã, cố gắng học thật giỏi tiếng Anh để có thể đọc được tài liệu bằng tiếng nước ngoài. Trang cũng rất chăm chỉ luyện tập mỗi ngày để có cơ thể khỏe mạnh, và kiên trì nộp đơn xin làm tình nguyện viên cho các tổ chức bảo tồn động vật quốc tế. Dù trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại nhưng chưa bao giờ Trang nản lòng. 

15 tuổi, Trang viết e-mail gửi cho các tổ chức bảo tồn động vật và được nhận vào làm tình nguyện viên tại tổ chức TRAFFIC - mạng lưới kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã trong suốt hơn một năm rưỡi. Nhờ quãng thời gian làm tình nguyện viên đó, cô gái trẻ đã học hỏi được rất nhiều kiến thức, gặp gỡ nhiều bạn bè cùng lý tưởng, và hơn hết là được chăm sóc những con vật bị thương, bị bắt trộm được giải cứu đưa về đây.

Trang tiếp tục thi và đỗ vào chuyên Sinh của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam với hy vọng học chuyên Sinh sẽ giúp cô có thêm hiểu biết về hệ sinh thái, môi trường và về tập tính của các loài động vật. Trong khi bạn bè tập trung vào học di truyền để ôn thi các kì thi học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế thì Trang lại tận dụng khoảng thời gian ít ỏi của một học sinh chuyên để tự mày mò, đọc sách, nghiên cứu các tổ chức và xem các bộ phim tài liệu về thiên nhiên hoang dã.

Đứng giữa sự lựa chọn thi vào trường nào, học chuyên ngành gì khi kết thúc lớp 12, Trang vẫn giữ quyết tâm học và nghiên cứu về bảo tồn động vật hoang dã. Cô gái 18 tuổi khi ấy lục tung tài liệu hướng dẫn thi đại học trên internet nhưng không thấy một chuyên ngành nào đào tạo để giúp cô thực hiện mong muốn này ở Việt Nam. 

Với sự nỗ lực và quyết tâm thực hiện ước mơ cuộc đời mình, Trang đã nhận được học bổng toàn phần, bao gồm toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt tại Anh. Trang lên đường sang Anh du học với trái tim nhiệt huyết của cô gái tuổi 18 nhiều trăn trở với ngành bảo tồn động vật hoang dã.

Dành trọn thanh xuân nhiệt huyết để theo đuổi ước mơ

Con người chúng ta luôn muốn bảo vệ thứ mà ta yêu, và chỉ có thể yêu thứ mà ta hiểu. Để theo đuổi công việc này, Trang chưa bao giờ ngừng đọc sách, xem phim tài liệu về môi trường hoang dã. Càng đọc Trang lại càng hiểu nhiều hơn, và càng hiểu thì lại càng yêu, càng muốn bảo vệ thiên nhiên nhiều hơn. Khi gặp khó khăn, cô có thể buồn, có thể bỏ ăn, có thể để cho mình mệt mỏi và xuống tinh thần, nhưng chỉ trong một ngày thôi, rồi cô lại bắt tay trở lại với công việc, cố gắng nhiều hơn nữa.

jhjmlkhugu.png
Trang Nguyễn - Cô gái bé nhỏ mang trong mình tình yêu khổng lồ với động vật hoang dã

Trang không đơn giản chỉ nghĩ ra ý tưởng rồi để đó mà cô luôn nắm bắt các cơ hội thực hiện ngay khi có thể để bắt tay vào thực hiện. Cô chia sẻ: “Tất cả những trải nghiệm, dù lớn dù nhỏ trong suốt những năm tháng sống xa nhà và những ngày tháng đi thực địa trong rừng đã khiến tôi trở thành tôi của ngày hôm nay. Khi bạn sống đủ đầy ở thành phố, bạn sẽ không biết được cuộc sống thiếu thốn, không đèn điện, không internet, không chăn màn là như thế nào. Khi bạn tiếp xúc với những người dân nghèo, sống phụ thuộc hoàn toàn vào tài nguyên rừng, bạn sẽ hiểu làm công tác bảo tồn động vật hoang dã không đơn giản là đi bảo vệ một hay vài loài động vật nào đó, mà nó còn trực tiếp bảo vệ chính đồng loại của mình”. Và cứ thế, Trang thường xuyên có mặt tại các điểm nóng về săn bắt động vật hoang dã trái phép tại châu Phi.

Năm 2016, Trang từng hướng dẫn Đoàn nghiên cứu và bảo tồn voi Campuchia khi đoàn đến châu Phi. Đến tháng 5 cùng năm, cô lọt vào top 5 mục Cống hiến xã hội của giải thưởng "The Women of Future" khu vực Đông Nam Á của The Women of The Future Programme (Anh).

Năm 23 tuổi, Trang nhận học bổng toàn phần của trường Đại học Cambridge (Anh), chuyên ngành bảo tồn động vật hoang dã. Suốt thời gian đó, Trang vừa học ở trường, vừa tham gia các dự án nghiên cứu bảo tồn động vật ở Madagascar, Boneo, Việt Nam, Campuchia, Nam Phi và Kenya.

Năm 2018, Trang nhận giải thưởng Future for Nature – một giải thưởng danh giá dành riêng cho các nhà bảo tồn trên toàn thế giới. Cùng năm này Trang cũng nhận giải Chiến Binh Xanh do Elles Vietnam bình chọn.

klllmmmm.png
Tháng 4 năm 2018, Trang Nguyễn đã nhận giải thưởng Future For Nature dành cho các nhà bảo tồn động vật hoang dã quốc tế nhờ các đóng góp tích cực của mình cho lĩnh vực này

Tháng 5/2018, cô cho ra mắt cuốn sách “Trở về nơi hoang dã” với mục đích đóng góp 100% lợi nhuận cho các hoạt động bảo tồn tại Việt Nam. Trong cuốn sách của mình, Trang nói về những điều bình dị nhất như không dùng ống hút nhựa, chai nhựa, dùng sữa hạt thay vì sữa động vật, không dùng cốc giấy, khăn ướt một lần, không xem xiếc thú, hạn chế mua đồ mang đi (take-away) và thực phẩm chế biến bọc màng nhựa...

Cô từng lọt vào danh sách "30 Under 30" năm 2018 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn và hoàn thành xuất sắc Luận án Tiến sĩ ngành Bảo tồn Động vật hoang dã tại Anh.

jnkkmlml.png
Trang Nguyễn phát biểu bài diễn thuyết “Last of the wild” trong sự kiện TED tổ chức tại Hà Nội

Năm 2019, Trang Nguyễn là một trong 100 nhân vật nữ tiêu biểu thế giới do BBC bình chọn. 

Với Trang, trong cuộc sống ít có cảnh tượng nào buồn thảm hơn hình ảnh còn lại sau hành động buôn lậu động vật hoang dã: Một con tê giác chết nằm nghiêng sõng sượt với một lỗ thủng ở trán, nơi trước kia là chiếc sừng; một con hổ máu me đầm đìa mà lớp da lông vằn rực rỡ của nó đã bị lấy trộm; một con voi bị xẻ phanh phần mặt và chiếc vòi hùng dũng một thời của nó đã bị lấy mất. Để góp phần bảo tồn, phục hồi nền đa dạng sinh học, sự tham gia và chung tay của cộng đồng, sự chia sẻ và lan tỏa thông điệp kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã đến nhiều người khác của Trang Nguyễn đã và đang tạo nên một trào lưu và chuẩn mực xã hội tốt đẹp. Chính điều đó đã thôi thúc mỗi người dân Việt Nam cùng thay đổi, có lối tiêu dùng văn minh và hành vi thân thiện hơn với môi trường thiên nhiên cùng động vật hoang dã, bằng cách không ăn, không sử dụng và không tiếp tay cho buôn bán động vật hoang dã trái phép. Tiếng nói chung của những người ủng hộ sẽ góp phần lên án, tẩy chay nhằm thay đổi hành vi ăn thịt động vật hoang dã của một nhóm thiểu số người ở Việt Nam .

“Bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ sự sinh tồn của loài người”

Nhìn vào hình dáng nhỏ nhắn của Trang, ít ai biết được rằng cô gái ấy lại là một người vô cùng kiên cường mạnh mẽ. Cô từng phát hiện mình bị ung thư và phải phẫu thuật, song điều đó chẳng thể làm cô chùn bước. Ngay sau khi hoàn thành đợt điều trị, cô tiếp tục với luận án tiến sĩ của mình và dành nhiều thời gian nghiên cứu để cho ra đời cuốn sách “Trở về nơi hoang dã”.

Nghe thì đơn giản nhưng công việc của một nhà bảo tồn động vật lại không hề dễ dàng chút nào. Đại đa số những người làm nghiên cứu về bảo tồn thiên nhiên hoang dã, đặc biệt là lĩnh vực đi thực địa đều là đàn ông. Nhưng Trang lại tìm được nhiều cảm hứng và có thêm động lực từ những người phụ nữ làm trong ngành này. Cô kể về những gian nan, khó khăn mà mình phải trải qua như ngủ trong rừng hàng tháng trời, lạc giữa rừng hay từng phải nơm nớp lo sợ vì ngồi trên xe của những kẻ buôn bán ngà voi toàn súng ống. Không chỉ vậy, không ít lần người ta cười nhạo vì Trang là phụ nữ, họ chẳng tin nổi người con gái nhỏ bé như cô có thể làm được điều gì to tát ở nơi này. “Cho tới bây giờ, bố mẹ tôi vẫn muốn tôi đổi ngành. Những chuyến công tác dài ngày trong rừng với nhiều khó khăn, nhất là với nữ giới. Tuy nhiên, vì tôi chọn theo hướng nghiên cứu nên mới hay phải đi vào rừng, hay phải đi xa, đi lâu và cũng có những yếu tố nguy hiểm chứ thực ra ngành bảo tồn động vật hoang dã còn nhiều hướng đi khác như làm giáo dục bảo tồn, làm dự án tuyên truyền tới cộng đồng hay bác sĩ thú y” - Trang Nguyễn chia sẻ.

Dù công việc khó khăn nhưng Trang Nguyễn luôn tự tin rằng nữ giới có lợi thế riêng, đôi khi sẽ được các bạn nam nhường nhịn, giúp đỡ. Đặc biệt, khi cần cải trang để tiếp cận tội phạm buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã, nữ giới thường ít bị nghi ngờ và lấy được nhiều thông tin hơn. Việc thiếu đi những vật dụng cần thiết, đôi khi là những điều cơ bản trong cuộc sống hiện đại như nhà vệ sinh, nhà tắm, giường chiếu, vô tuyến, internet… cũng là điều khó khăn nếu phải sống lâu trong rừng vài tháng. Nhưng cũng nhờ những thiếu thốn đó mà cô nhận thấy hạnh phúc thường đến từ những điều giản dị, và con người chúng ta vẫn có thể sống mà không cần quá nhiều tiện nghi.

Sau tất cả, những chuyến đi thực địa xuyên rừng từ châu Á tới châu Phi làm dự án bảo tồn về voi, gấu, tê giác, vượn, khỉ… đã trở thành những trải nghiệm tuyệt vời của cô gái 9X. Đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người và lắng nghe những câu chuyện về động vật hoang dã, Trang Nguyễn hiểu rằng bảo tồn động vật hoang dã không đơn thuần là bảo vệ một khu rừng hay một loài động vật nào đó mà chính là bảo vệ sự sống của chúng ta.

Hành trình bảo tồn động vật hoang dã của Trang Nguyễn đôi khi phải đánh đổi bằng máu và nước mắt nhưng những sự hy sinh thầm lặng ấy đã phần nào bảo vệ được môi trường sống của chính chúng ta. Đó chính là hành trình truyền cảm hứng cho những người đứng trong vùng an toàn rằng hãy trân trọng những gì mà thiên nhiên đã trao tặng tới chúng ta.

Cô cũng mong muốn đem những câu chuyện có thật, những con người thật đang đứng ra bảo vệ thiên nhiên và môi trường hoang dã đến với mọi người nhiều hơn với hy vọng họ sẽ thay đổi suy nghĩ trong việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Khi bạn nhìn thấy các sản phẩm về động vật như là ngà voi, sừng tê giác được bày bán, đó không chỉ là mạng sống của những con vật mất đi mà đôi khi đó còn là mạng sống của những nhà bảo tồn động vật hoang dã.

Chia sẻ với chúng tôi về những mong muốn của mình đối với thế hệ trẻ ở Việt Nam ,về những việc làm nhỏ bé có thể đóng góp cho công tác bảo tồn động vật hoang dã nói riêng và bảo vệ môi trường sống nói chung, Trang cho biết: “Việc bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống là việc làm của mọi người, không phải là việc của riêng ai. Những hành động tưởng như rất nhỏ bé, như từ chối sử dụng đồ nhựa dùng một lần, ăn chay một bữa trong một tuần, hay tắt đi bóng điện mà mình không cần dùng... cũng đem lại tác động vô cùng to lớn với thiên nhiên. Vì vậy, rất hy vọng các bạn cũng hãy có những hành động thiết thực hơn để bảo vệ môi trường sống của chính bản thân mình”.

Tháng 3 năm 2020, Trang ra mắt dự án sách tranh “Chang hoang dã - Gấu”. Đây là một câu chuyện đẹp đẽ, cảm động và đầy sự kiên trì, dũng cảm của cô gái tên Chang trong hành trình đưa bé gấu Sorya trở về nhà. “Chang hoang dã – Gấu” có nhân vật chính là Sorya, một kỷ niệm sâu sắc mà Trang Nguyễn có được trong thực tế. Sorya là một cô bé gấu rất tội nghiệp khi mới chỉ khoảng 2 tuần tuổi đã bị thợ săn bắt, mẹ bị giết và bán để làm thú cảnh. May mắn là Sorya đã được cứu hộ, nhưng ngay cả như vậy thì cô bé Sorya vẫn phải đối mặt với những chấn thương về thể chất và tinh thần, vì thế mà Sorya còi hơn các bạn đồng trang lứa khác trong khu “nhà trẻ” dành cho gấu mồ côi, cô bé bị các bạn bắt nạt nhưng vẫn chịu trận chứ không dám đứng lên tự bảo vệ mình. Nhân vật Chang hay chính là Trang Nguyễn, cô gái đam mê bảo tồn động vật hoang dã, đặt quyết tâm đưa Sorya trở về với thiên nhiên. 

Từ câu chuyện có thật về hành trình dũng cảm và đầy táo bạo của bản thân mình, Trang đã cùng họa sĩ Jeet Zdung làm nên cuốn sách tranh “Chang hoang dã - Gấu” với thông điệp mạnh mẽ về giá trị của thiên nhiên, sự sống của Trái Đất và muôn loài. Câu chuyện lay động, thức tỉnh người đọc về tình yêu và sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Trang Nguyễn cho biết, cô quyết định quyên góp 100% lợi nhuận từ nhuận bút của cuốn sách cho việc bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam bởi cô gái nhỏ bé làm những điều phi thường này cho rằng, tất cả những kiến thức, kinh nghiệm và thậm chí là quan điểm sống mà cô có được hiện nay đều nhờ vào công việc tuyệt vời này. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật5 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN