Truyền hình thực tế phiên bản nhí: Sân chơi hay đấu trường?
(Sóng trẻ) - Đã qua rồi cái thời trẻ em chỉ “biết ăn ngủ, biết học hành là nan”. Trẻ em giờ đây có thể đứng trên sân khấu hát, nhảy, diễn không thua người lớn. Nhưng việc để những đứa trẻ “trưởng thành sớm” thông qua các chương trình truyền hình thực tế phiên bản nhí đã nhận được không ít ý kiến trái chiều từ các khán giả truyền hình.
Trào lưu “nhí hóa” các chương trình truyền hình thực tế của người lớn đã thổi một “làn gió mới” vào thị trường truyền hình thực tế đang ngày càng bão hòa của làng giải trí Việt Nam. Mở đầu trào lưu này là chương trình Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids) được mua bản quyền từ Hà Lan, chính thức phát sóng tại Việt Nam từ ngày 1/6/2013. Theo sau đó là sự xuất hiện của Bước nhảy hoàn vũ nhí (Kids Dancing) vào giữa tháng 7/2014 và sắp tới là Gương mặt thân quen nhí.
Các chương trình truyền hình thực tế phiên bản nhí luôn thu hút một lượng lớn khán giả xem truyền hình, dù là mùa thứ 2 như Giọng hát Việt nhí hoặc thậm chí là mùa thứ nhất như Bước nhảy hoàn vũ nhí. Những thần đồng tài năng nhỏ tuổi, những hoàn cảnh éo le, sự ngây thơ, hồn nhiên của trẻ nhỏ… chính là những yếu tố hàng đầu thu hút khán giả thuộc mọi lứa tuổi đến với các chương trình này.
Thế nhưng, trước sự nở rộ của những chương trình truyền hình thực tế phiên bản nhí, nhiều khán giả đã đưa ra những ý kiến trái chiều.
Không ít khán giả của chương trình tỏ ra phản đối việc ép trẻ em vào với guồng quay khắc nghiệt của thế giới giải trí, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các em, thậm chí có thể để lại những tổn thương lâu dài.
Để vượt qua các vòng loại trừ và lôi kéo sự ủng hộ của khán giả, đôi khi các bé buộc phải hát những bài hát không phù hợp với lứa tuổi, phải diện lên mình những bộ trang phục như người lớn, thậm chí phải thay đổi cách cư xử, phải “diễn” để được khán giả yêu quý và bình chọn. Việc một đứa trẻ cất lên giọng ca đầy nội lực với “I Will Always Love You” hay “Whataya Want from Me”, “Just Give Me A Reason” chắc chắn sẽ thu hút hơn việc các bé nhí nhảnh với các ca khúc về con bò, con gà, con vịt.
Lê Danh Nam - thí sinh Giọng hát Việt nhí 2014 thể hiện ca khúc "What Do You Want From Me". Là một bài hát về tình yêu nam nữ, nhưng cách xưng hô trong phần lời dịch trên màn hình đã được chuyển thành "bạn" và "tôi".
Nhà báo Viết Thịnh (báo Pháp luật TP.HCM) trong bài “Bước nhảy hoàn vũ nhí của ngưới lớn” đã viết: "Phải luôn tin vào những giọt nước mắt, nhất là khi đó là nước mắt con trẻ. Nhưng cứ nhìn những thí sinh nhí đứng dúm dó trên sân khấu, căng thẳng chờ đợi những lời đưa đẩy của thầy cô, giám khảo… làm tăng phần kịch tính của chương trình thì thấy tội các em vô cùng.”
Tuy nhiên, lại có người cho rằng đây thực sự là những sân chơi cho trẻ, vừa mang tính giải trí nhưng cũng không kém phần chuyên nghiệp, giúp trẻ em phát triển tài năng từ khi còn nhỏ một cách bài bản với các huấn luyện viên là những ngôi sao tài năng của làng giải trí. Đây cũng là nơi để các em kết thân với những ngưòi bạn có cùng sở thích và giúp các em bước đầu làm quen với những áp lực của cuộc sống.
Không chỉ vậy, đối với các khán giả nhí, việc được ngắm nhìn những người bạn cùng trang lứa thể hiện tài năng, bản lĩnh trên sân khấu cũng sẽ giúp các bé rất nhiều trong việc cố gắng rèn luyện bản thân mình.
Các thí sinh nhỏ tuổi thể hiện tài năng trên sân khấu Bước nhảy hoàn vũ nhí. (Ảnh: Vnexpress)
Đứng trước ý kiến phản đối việc chọn ca khúc "Làng lúa, làng hoa" cho các học trò của mình tại vòng đối đầu của Giọng hát Việt nhí, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh chia sẻ: “Để hiểu hết một bài hát như kiểu Làng lúa, làng hoa ngay cả người lớn như tôi nhiều khi cũng chẳng hiểu được. Tôi chỉ quan niệm rằng, âm nhạc là cảm xúc và không nhất thiết phải ở trong một khuôn khổ gì cả. Nhiều ca sĩ Việt Nam hát tiếng Anh mà đôi khi chính họ cũng chẳng hiểu bài hát ấy nói gì. Nhưng họ vẫn hát và công chúng vẫn tán thưởng.” Tức là, việc để cho các bé hát những ca khúc người lớn không có ảnh hưởng gì lớn, ngược lại, còn tạo điều kiện để các bé phô diễn tài năng.
Vậy, việc ngày càng có nhiều chương trình truyền hình thực tế người lớn được “nhí hóa” có phải là một cơ hội tốt để những đứa trẻ được bộc lộ và nuôi dưỡng tài năng của mình, hay đó chỉ là những “chiêu trò” của người lớn, là người lớn buộc trẻ em phải khoác lên mình chiếc áo quá rộng, đẩy các em vào guồng quay showbiz khắc nghiệt để kiếm lợi cho mình?
Xin mời độc giả gửi các bình luận về vấn đề này bằng cách bình luận phía dưới bài viết hoặc gửi ý kiến về hòm thư: [email protected].
Quản Minh Hạnh
Lớp Báo mạng điện tử K31
Cùng chuyên mục
Bình luận