Truyền hình tương tác - Một hình thức của truyền hình hiện đại
(Sóng trẻ)- Với hình ảnh và âm thanh sinh động cùng với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, truyền hình ngày càng khẳng định vị thế cũng như sức mạnh to lớn của mình trong đời sống xã hội. Nhưng để phát huy hơn nữa thế mạnh đó và có thể cạnh tranh với sự phát triển không ngừng của các loại hình truyền thông khác trong xã hội hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng, truyền hình cần có nhiều sự đổi mới về cả nội dung, hình thức lẫn cách thức truyền tải thông tin.
Một trong những “chiêu” góp phần thu hút, hấp dẫn khán giả đó là tăng cường sự tham gia, sự tương tác của người xem với các chương trình truyền hình.
Các bạn thích ca khúc và cách biểu diễn của ca sĩ nào trong “show” diễn đêm nay hãy soạn tin nhắn theo mẫu…và gửi đến số…. ý kiến của bạn sẽ hiện ngay phía dưới màn hình tivi đồng thời đó cũng là một đóng góp quan trọng trong việc xếp thứ hạng của các ca sĩ trong cuộc thi này. Hay, quý vị đồng ý với phương án nào trong bộ phim vừa rồi hãy bình chọn tìm ra phương án xử lý, ngay trong tập phim sau phương án được nhiều khán giả bình chọn nhất sẽ được thể hiện. Hãy suy nghĩ sau đó gọi điện thoại hoặc nhắn tin ngay cho chúng tôi…
Hình thức này không chỉ xuất hiện như nấm sau mưa trên kênh truyền hình của những nước có ngành truyền hình phát triển mà hiện nay đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Có thể dễ dàng nhận thấy hình thức này ở một số chương trình truyền như: chương trình Vietnam Idol, Sao Mai điểm hẹn, Nhật ký Vàng Anh, Như chưa hề có cuộc chia ly hay những chương trình trò chơi giải trí, chương trình thể thao…đang phát trên sóng truyền hình Quốc gia và một số đài truyền hình địa phương. Hình thức này đã trở thành “cơn sốt” trong khán giả, đặc biệt là giới trẻ - những người năng động, thích thể hiện chính kiến của mình. Với hình thức này họ có thể dễ dàng gửi lời yêu thương tới người mình yêu quý hay bình chọn, góp ý, tham gia thảo luận về một vấn đề với bạn bè hoặc với những người làm truyền hình.
Truyền hình tương tác- truyền hình hai chiều
Cách thức xem truyền hình kể trên được các nhà nghiên cứu, những người làm truyền hình gọi là truyền hình tương tác hay truyền hình hai chiều, truyền hình mở. Trong tiếng Anh, truyền hình tương tác được dùng với thuật ngữ “Interactive television” với tên viết tắt là ITV. Truyền hình tương tác có thể hiểu là hình thức tiếp nhận và trao đổi thông tin tích cực, đa chiều ở đó người xem và nguồn phát có thể trao đổi thông tin với nhau thường xuyên trong quá trình chương trình thực hiện. Thông tin không chỉ được chuyển đi từ nguồn phát tới người xem mà còn được thực hiện với chiều ngược lại từ người xem tới nguồn phát. Với truyền hình truyền thống, người xem thoả sức để cho chương trình, những người làm chương trình dẫn dắt đi đến nơi nào nhà Đài muốn và sự suy ngẫm gần như bị phong toả tuyệt đối thì với truyền hình tương tác một thói quen đã bị tác động và làm đảo lộn. Thói quen xem bị động, xem cho vui mắt, vui tai dần bị thay thế bởi một cách xem truyền hình mới - xem chủ động. Ở đây người xem hoàn toàn được quyền chủ động lựa chọn và tham gia vào chương trình truyền hình.
Sự tham gia của khán giả ở nhiều cung bậc nhưng đơn giản nhất có thể kể tới như viết thư tay bày tỏ thái độ, tình cảm, mong muốn, ý tưởng của mình về chương trình và gửi tới “nhà Đài”. Hoặc hiện đại hơn, khi có sự tích hợp, hội tụ công nghệ trong lĩnh vực truyền thông người xem truyền hình có thể gửi thư điện tử (email), tin nhắn, tự chọn hoặc yêu cầu được xem chương trình mình quan tâm thậm chí biên tập, sắp xếp một chương trình theo cách mình muốn. Nài ra, khả năng tương tác của truyền hình đã tạo điều kiện cho khán giả trong việc chủ động thời gian, thể loại chương trình cần xem và tham gia vào những diễn đàn lớn, trao đổi thông tin để làm sâu thêm những chương trình đã phát sóng.
Một sự kiện, một chương trình truyền hình thực sự có giá trị và ý nghĩa khi nó kết nối được với khán giả. Thực tế truyền hình tương tác đã góp phần tạo nên chất xúc tác rút ngắn khoảng cách giữa chương trình, giữa đài truyền hình với công chúng hơn. Quá trình tương tác – trao đổi giúp nhà đài hiểu hơn tình cảm, nhu cầu của khán giả; xác định rõ hơn hiệu qủa của thông tin. Tương tác tạo khả năng đa dạng hoá nguồn thông tin. Với nguồn thông tin ngược từ khán giả, đài truyền hình cùng các phóng viên đã có thêm mạng lưới thông tin rộng rãi với những nguồn tin nóng hổi, sinh động. Không ít ý kiến phản hồi, những thông tin cập nhật bằng hình ảnh và âm thanh của công chúng gửi tới đài là dữ liệu quan trọng, sát thực tiễn, gợi mở để các phóng viên triển khai những chương trình mới chất lượng, thiết thực. Tương tác giúp cho chương trình bớt khô khan bởi thông tin được nhìn nhận trao đổi hai chiều, khách quan. Tương tác tạo ra hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Xét cho cùng tương tác góp phần thu hút ngày càng nhiều khán giả, tăng tính cạnh tranh cho một chương trình truyền hình, một kênh truyền hình, một đài truyền hình.
Truyền hình tương tác xuất hiện trên thế giới cũng đã lâu, để thúc đẩy tiến trình này phát triển nhanh, mạnh phải kể tới sự hỗ trợ vô cùng lớn của công nghệ, với sự bắt tay, hợp lực không ngừng của 3 lĩnh vực cơ bản đó là viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông. Công nghệ tạo ra các cơ hội để các phương tiện truyền thông đại chúng tận dụng các ưu việt của nó để phát triển. Đồng thời, công nghệ cũng tạo ra cơ hội cho cá nhân tìm kiếm và cung cấp thông tin. Công nghệ không chỉ có ý nghĩa đối với nhà đài và phóng viên trong việc sản xuất chương trình nó còn có ý nghĩa rất lớn với công chúng, cho phép công chúng có thể tham gia tương tác nhiều hơn với cơ quan truyền thông.
Các kiểu tương tác giữa khán giả với truyền hình
Sự tương tác, tham gia của khán giả với truyền hình hiện nay là không phủ nhận và dự báo trong tương lai càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chỉ với một chiếc tivi cùng một chiếc điều khiển truyền thống khó có thể phát huy được hết ưu thế của truyền hình tương tác mà điều này cần có sự hỗ trợ của công nghệ. Có ba kiểu tương tác cơ bản để khán giả và nhà đài có thể trao đổi với nhau.
Thứ nhất, tương tác một màn hình. Kiểu này được dựa trên nền tảng của công nghệ truyền hình truyền thống nhưng để tương tác được, cần có tivi, bộ giải mã, thiết bị điều khiển từ xa có sự tích hợp nhiều chức năng và sự hỗ trợ của Internet. Và khi đó với chiếc điều khiển thông minh với đa chức năng người xem có thể dễ dàng lựa chọn, yêu cầu được xem bất cứ chương trình nào mình thích.
Thứ hai, tương tác hai màn hình. Chỉ cần một tivi và một điện thoại di động hoặc một máy vi tính nối mạng khán giả có thể dễ dàng tiến hành trao đổi thông tin hai chiều. Phổ biến cho kiểu tương tác này là loại dịch vụ nhắn tin SMS đến chương trình truyền hình hoặc lướt web để tìm thêm thông tin hoặc gửi thư điện tử (email) phản hồi đến chương trình.
Thứ ba, truyền hình internet. Thông qua chiếc máy vi tính nối mạng khán giả có thể dễ dàng xem được các chương trình truyền hình mà mình yêu thích. Hình thức này đem lại khả năng tương tác tuyệt vời nhất. Khán giả có thể chủ động thời gian xem, chủ động lựa chọn nội dung, thể loại và dễ dàng xem lại những chương trình đã phát sóng hay tải những tác phẩm, những bộ phim mình quan tâm. Đồng thời trong quá trình xem khán giả có thể viết thư phản hồi (mail), chat, tìm kiếm, mở rộng thông tin…
Như vậy có thể thấy có rất nhiều cách thức để có thể thực hiện quá trình tương tác. Tương tác đang là một hướng phát triển của truyền hình hiện đại trong cuộc cách mạng của công nghệ cũng như trong thời đại bùng nổ thông tin. Tương tác tăng tính cạnh tranh, sức hấp dẫn của chương trình, đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho đài thông qua các dịch vụ nhưng điều không thể phủ nhận là tương tác góp phần tạo nên một cơn gió mới trong tiếp nhận và trao đổi thông tin, ở đó khán giả xem truyền hình được hoàn toàn chủ động trong tiếp nhận thông tin./. (còn nữa)
ThS. Xuân Hoà
Khoa Phát thanh và Truyên hình