Thi THPT 2017: Môn Tiếng Anh có nhiều thay đổi
Trước thềm kỳ thi THPT 2017, để đưa ra những đánh giá chính xác về đề thi và tư vấn phương pháp ôn thi môn Tiếng Anh hiệu quả nhất, Songtre đã có cuộc phỏng vấn với Cô Mai Phương ( CEO Trung tâm Nại ngữ 24h)
Thưa cô, năm nay trong kỳ thi THPT Quốc gia, môn Tiếng Anh sẽ có những thay đổi như thế nào so với các năm trước? Tác động của những thay đổi đó?
Đề thi tiếng Anh của kì thi Trung học phổ thông Quốc gia có một số thay đổi đáng kể.
Thời gian thi giảm từ 90 phút xuống còn 60 phút.
Đề thi: bỏ phần tự luận 2 điểm, từ 60 câu trắc nghiệm giảm xuống còn 50 câu.
Việc thay đổi cấu trúc đề thi dẫn đến những tác động không nhỏ cho thí sinh. Học sinh sẽ cảm giác đề dễ đạt điểm 10 hơn, vì đề chỉ toàn có trắc nghiệm. Điểm của các em cũng sẽ chính xác hơn vì không bị lệ thuộc vào người chấm nếu có phần tự luận. Tuy nhiên, bất lợi cho các em đó là một số bạn không quen làm bài trong thời gian ngắn, yêu cầu mức độ tập trung cao.
Dựa vào đề thi minh họa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, cô có những nhận định gì với đề thi năm nay? (độ khó, sự phân hóa, những đánh giá tổng quan…)
Về độ khó:
So với nhiều năm trước, đặc biệt là khi kì thi tuyển sinh đại học vẫn còn tổ chức theo hình thức thi theo khối riêng, đề thi năm nay rõ ràng là dễ hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do các năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học trong một kì thi Trung học phổ thông quốc gia chung. Và để đáp ứng yêu cầu đánh giá tốt nghiệp, số lượng câu hỏi dễ và cơ bản trong đề thi xuất hiện nhiều hơn.
Về sự phân hóa:
Mặc dù đề vẫn có khả năng phân hóa trình độ học sinh, nhưng sự phân hóa này chưa cao, chưa sát. Đề có thể phân loại rất rõ rệt giữa học sinh yếu kém, trung bình và học sinh khá. Tuy nhiên, khó mà có thể phân loại được học sinh khá với học sinh giỏi. Trên thực tế, có rất nhiều học sinh ở mức độ khá nhưng đi thi lại được điểm cao, ngang tầm với nhóm học sinh giỏi. Điều này chứng tỏ đề thi thiếu những câu hỏi tầm cao để phân loại hai nhóm học sinh này.
Đối với các trường đại học khối chuyên ngữ, nhiều khả năng trường sẽ tổ chức bài thi thêm để phân loại học sinh khá và học sinh giỏi, chọn lọc nguồn đầu vào cho những lớp chất lượng cao.
Trong các đề thi Tiếng Anh, bài thi đọc hiểu vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn của các bạn thí sinh, theo cô, phương pháp để làm tốt dạng bài thi này là gì?
Đọc hiểu là dạng bài khó nhất trong đề thi do có nhiều từ mới và tốn nhiều thời gian để hoàn thành. Nếu phân bổ thời gian không hợp lí, dành quá nhiều thời gian vào bài này, học sinh sẽ thiếu thời gian để làm các phần còn lại.
Để có thể làm tốt được dạng bài đọc hiểu, học sinh cần trang bị đa dạng vốn từ theo chủ điểm và nắm vững kĩ năng đọc lướt, thâu tóm nội dung, cũng như kĩ năng đọc chi tiết, tìm nội dung cụ thể. Nài ra, việc dựa theo ngữ cảnh để đoán nghĩa của từ cũng rất quan trọng trong bài đọc hiểu vì không thể nào chúng ta có thể biết hết được nghĩa của các từ trong bài đọc đó.
Trên thực tế, học sinh chỉ cần hiểu đc 60% nghĩa của bài đọc và nắm vững các kĩ năng là đã có thể trả lời đúng hết các câu hỏi trong bài thi. Tuy nhiên, trong việc học tiếng Anh ở nhiều trường, học sinh chỉ chú trọng học ngữ pháp mà không chú trọng học từ vựng, nên khi làm bài đọc hiểu thường phải suy đoán quá nhiều, dẫn đến giảm mức độ chính xác của các câu trả lời.
Một số học sinh không nắm được kĩ năng làm bài, sẽ dễ mắc sai lầm khi cố gắng dịch nghĩa toàn bộ bài từ đầu đến cuối, việc này là không cần thiết và cũng mất rất nhiều thời gian. Học sinh cần áp dụng nhuần nhuyễn các kĩ năng làm bài dựa trên sự thông hiểu 60% nghĩa trở lên. Học sinh cần luyện tập thật nhiều với dạng bài đọc hiểu để nắm vững các kĩ năng, cách tư duy, tìm đáp án và cách phân bổ thời gian.
Trong giai đoạn nước rút này, cô có thể đưa ra những cách thức để ôn luyện Tiếng Anh hiệu quả (về trọng tâm kiến thức, rèn luyện kĩ năng…)
Lời khuyên trong thời gian này đó là các em nên luyện giải đề nhiều hơn, thay vì việc ngồi học lại từng chủ điểm ngữ pháp. Học sinh nên chọn các đề thi thử của các trường có tiếng trên cả nước như chuyên Đại học Vinh, chuyên Sư phạm, chuyên Khoa học Tự nhiên…)
Khi luyện giải đề, các em có thể rèn luyện được kĩ năng phân bổ thời gian, cũng như nhìn bao quát được kiến thức của mình, để từ đó thấy được mình đã nắm chắc phần nào và đang yếu phần nào, rồi sẽ có kế hoạch riêng cho bản thân, tập trung vào phần mà các em thấy khó khăn nhất. Sau khi làm xong đề thi, chúng ta nên rút ra các từ vựng mà mình không biết, ghi vào sổ học từ mới để ôn tập, tránh bỏ lỡ một nguồn học liệu quý giá như vậy.
Không nên đầu tư quá nhiều thời gian vào những kiến thức khó, ít có khả năng thi, lượng câu hỏi ít chẳng hạn thành ngữ, cụm động từ. Việc các em ôn tập thật chắc kiến thức cơ bản để không sai những câu dễ, sẽ hiệu quả hơn việc học thật nhiều kiến thức mới, khó, ít có khả năng vào. Nhiều bạn chủ quan nghĩ mình đã chắc phần cơ bản nên mất điểm phần dễ, phần khó thì không làm được, vì “trong mấy trăm cụm em học không có cụm này”.
Với những học sinh không cần điểm quá cao trong bài thi tiếng Anh, các em chỉ nên rà soát lại các phạm vi kiến thức cơ bản, các chủ điểm ngữ pháp và chủ điểm từ vựng trong phạm vi sách giáo khoa, học những phần chắc chắn thi thay vì học lan man và không hiệu quả. Học sinh tuyệt đối không để mất điểm ở những câu hỏi dễ và trọng tâm như vậy.
Cô có lời khuyên gì về chiến lược để trong khi làm bài thi, các bạn học sinh có thể tận dụng tối đa kiến thức và kĩ năng?
Trong khi làm bài thi, các em nên làm cẩn thận, câu nào chắc câu ấy, để về sau không mất thời gian xem lại và phân vân không biết nên chọn câu nào trong khi thời gian không có nhiều.
Việc phân bổ thời gian cũng rất quan trọng, không cần thiết phải làm theo trình tự trong đề thi, cứ làm câu dễ trước, câu khó sau. Mỗi bạn sẽ có một thế mạnh riêng, nhưng hãy cứ làm phần mình tự tin nhất. Theo cô thì có thể làm dạng điền từ vào câu trước, vì phần đó ngắn, dễ, tốn ít thời gian. Sau khi làm phần dễ, các em sẽ tự tin hơn để hoàn thiện các phần tiếp theo, tránh để tình trạng làm bài khó, mất tự tin, lo lắng và tâm lí, việc này không tốt cho thời gian còn lại trong lúc thi.
Nếu gặp câu khiến các em phân vân, đừng tốn quá nhiều thời gian vào nó, tiếng Anh không như các môn tự nhiên khác, việc đầu tư nhiều thời gian không có nghĩa là các em sẽ tính toán và tìm ra đáp án đúng. Do đó, một là chọn luôn, hai là đánh dấu vào đó, chuyển sang câu tiếp theo, lát làm xong hết rồi thì quay lại, không để mất nhiều thời gian vào một câu hỏi.
Nguyên tắc của thi trắc nghiệm là không bỏ bất kì câu hỏi nào, nếu không biết, hãy loại trừ và chọn đáp án các em thấy dễ đúng nhất, thuận tai nhất.
Trân trọng cảm ơn cô !
Cùng chuyên mục
Bình luận