TS. Trần Ngọc Hiếu: “Phụ nữ từ chối là nạn nhân, nhận mình là nguyên nhân vấn đề”
(Sóng trẻ) - Sáng ngày 10/12, Công ty Cổ phần Sách và Truyền thông San Hô (San Hô Books) tổ chức tọa đàm “Bạo lực của cái hàng ngày: Nhìn từ văn học nữ”, đồng thời ra mắt hai tập truyện ngắn “Hôm nay một người đàn bà hóa điên trong siêu thị” và “Người tình ác quỷ”.
Buổi tọa đàm được diễn ra dưới sự điều phối của ThS. Phụ nữ học Võ Quỳnh Lan với sự tham gia của ba diễn giả: TS. Trần Ngọc Hiếu, nhà văn Hiền Trang, dịch giả Đinh Thảo. Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã bàn luận về những vấn đề xã hội được hình thành trên cơ sở bị phớt lờ, cắt nghĩa về những thứ “bạo lực” dành cho phụ nữ đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.
Đến với buổi tọa đàm, dịch giả Đinh Thảo chia sẻ về góc nhìn cá nhân của mình khi chuyển ngữ tác phẩm “Người tình ác quỷ”. Cô đã “thấm thía một cách đau đớn việc sinh ra và mang một cơ thể nữ giới” và nhận ra rằng xã hội đang gây một áp lực vô hình lên người phụ nữ về việc sinh sản.
Nhìn từ bối cảnh của làn sóng nữ quyền thứ hai, nhà văn Hiền Trang đưa ra những nhận xét sắc sảo, tinh tế về “cơn giận dữ của phong trào nữ quyền trong các thập niên 50 - 60 - 70” được thể hiện trong cuốn sách “Hôm nay một người đàn bà hóa điên trong siêu thị”.
Cùng bàn về những “bạo lực của cái hàng ngày”, TS. Trần Ngọc Hiếu đưa ra nhiều quan điểm mới mẻ. Ông so sánh hai tác phẩm mới ra mắt của San Hô Books với một số sáng tác của các nữ nhà văn Việt Nam đương đại, từ đó làm rõ những suy tư, trăn trở về vấn đề “nữ quyền” trong văn chương. Bên cạnh đó, anh nhấn mạnh ý nghĩa của hai tập truyện ngắn này trong tình huống xã hội Việt Nam thời điểm hiện tại.
TS. Trần Ngọc Hiếu lí giải về tâm lý của những “người yếu thế” trong xã hội - những người phụ nữ nghèo khổ, không được tôn trọng: “Cái khổ nhất của đối tượng yếu thế trong đời sống xã hội là họ rất cô đơn. Chẳng hạn như người đàn bà trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” - người đàn bà ấy biết mình khổ nhưng không biết cầu cứu ai, đành phải tự xoay xở trong bất lực và tuyệt vọng. Người phụ nữ ấy đành giải quyết bằng cách không coi mình là nạn nhân, mà là nguyên nhân của vấn đề”.
Xuyên suốt chương trình, các khán giả đã được lắng nghe những chia sẻ sâu sắc và đặt câu hỏi, tương tác với diễn giả. Dù thời tiết mưa song buổi tọa đàm vẫn thu hút hơn 100 khán giả tham gia, chủ yếu là những độc giả yêu sách và sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Bạn Cẩm Ly (sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nêu cảm nhận: “Tôi đến với chương trình bởi tiêu đề “Bạo lực trong cái hàng ngày”. Tôi muốn hiểu hơn về chữ “hàng ngày”, muốn được biết những “bạo lực” ấy hiện diện trong cuộc sống như thế nào. Tôi ấn tượng nhất với phần chia sẻ của thầy Trần Ngọc Hiếu, vì là diễn giả nam duy nhất nên những góc nhìn của thầy rất mới mẻ, thú vị”.
Bà Thái Phương (phụ trách phòng Biên tập của San Hô Books) chia sẻ: “Rất may là dù thời tiết không ủng hộ nhưng khán giả vẫn rất ủng hộ, chúng tôi phải bố trí thêm chỗ ngồi vì số lượng khán giả đông hơn dự kiến. Thông qua tọa đàm, chúng tôi mong muốn lan tỏa chủ đề “bạo lực của cái hàng ngày” với người phụ nữ đến nhiều người hơn nữa”.
Đây cũng là dịp San Hô Books phát hành hai cuốn sách “Hôm nay một người đàn bà hóa điên trong siêu thị” và cuốn “Người tình ác quỷ”. Bà Thái Phương cho biết thêm: “Chúng tôi gộp hai cuốn sách này trong cùng một lần xuất bản là bởi chúng được sáng tác ở cùng một giai đoạn của phong trào nữ quyền ở Mỹ. Mặc dù đó là câu chuyện diễn ra vào nửa thế kỷ trước, song chúng tôi nhận thấy rằng vấn đề này vẫn chưa được quan tâm một cách triệt để”.
Hai cuốn sách “Hôm nay một người đàn bà hóa điên trong siêu thị” của tác giả Shirley Jackson và “Người tình ác quỷ” do Hilma Wolitzer chắp bút là hai cuốn sách nối tiếp trong Tủ sách Giới của công ty Cổ phần Sách và Truyền thông San Hô. Thông qua hai tác phẩm trên, nhà phát hành mong muốn đưa các tác phẩm kinh điển lẫn về giới về Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức của công chúng Việt Nam về bình đẳng giới.
Tọa đàm “Bạo lực của cái hàng ngày: Nhìn từ văn học nữ” diễn ra trong không khí sôi nổi.