Tư tưởng Hồ Chí Minh và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.


(Sóng trẻ) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân loại và dân tộc ta một di sản vô giá, đó là tư tưởng của Người, trong đó có tư tưởng về đạo đức. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người có giá trị toàn diện cả về lý luận và thực tiễn, được thể hiện với phong cách độc đáo, cô đúc, giản dị, dễ hiểu qua rất nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết chuyên đề về đạo đức. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu  tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

 Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao tầm quan trọng của báo chí, luôn coi báo chí là một vũ khí sắc bén, một bộ phận của công tác cách mạng và có sức “ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh”. Người nói: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương.”­(1)

 Vì vậy, Người coi viết báo là để hoạt động cách mạng và vì hoạt động cách mạng mà viết báo. Đối với Người, mọi bài viết, việc làm đều vì một mục đích là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh…”(2)
005328a3b_ho_chi_minh_voi_thieu_nhi.jpg

 Ngay từ những năm bôn ba ở nước nài tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức sâu sắc về vai trò to lớn của báo chí tiến bộ trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước chân chính và truyền bá học thuyết Mác – Lênin vào nước ta. Người coi đây là một phương tiện nhạy bén và đầy hiệu quả trong cuộc đấu tranh sống còn để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tại Diễn đàn Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản (7-1924) Người đã chỉ rõ: “Báo chí chủ nghĩa cộng sản có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng lao động của các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản.”(3)  
Vì vậy, ngày 21-6-1925, Người đã sáng lập ra tờ Thanh Niên. Người trực tiếp chỉ đạo, viết bài và tham gia vào các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí. Hơn ai hết, chính Người đã trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí của giai cấp vô sản Việt Nam. Kể từ bài báo đầu tiên của Người đăng trên tờ Nhân đạo (L’Humanité) của Đảng cộng sản Pháp vào ngày 2/8/1919 (Bài “Vấn đề người bản xứ”) đến bài báo cuối cùng (Bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”) đăng trên báo Nhân Dân ngày 1/6/1969, Người đã để lại cho lịch sử báo chí Việt Nam khoảng 2.000 bào báo với đủ các thể loại tạo nên một phong cách độc đáo-phong cách báo chí Hồ Chí Minh.

Cũng xuất phát từ vai trò và tác động to lớn của báo chí, Người cho rằng, nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) Và họ cũng là những chiến sĩ cách mạng, nhưng vũ khí sắc bén của họ không phải là gươm, súng mà là cây bút và trang giấy. Dùng cây bút và trang giấy để đấu tranh cho sự nghiệp “phò chính trừ tà”, đấu tranh cho sự nghiệp của nhân dân, “phục vụ phong trào thi đua yêu nước và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa” chính là sứ mệnh của những người làm báo.
0053ea0c6_image0015.jpg

Vì báo chí có “một địa vị quan trọng trong dư luận” nên những người làm báo không những phải luôn chú ý đến hình thức, nội dung và cách viết, phải làm việc hết sức cẩn thận mà còn phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng. Đối với Người “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa.”(4) Vì vậy, gặp dịp là Người nhắc nhở các nhà báo phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.

 Lúc sinh thời, Người đã hai lần đến dự và nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội lần thứ hai và lần thứ ba của Hội Nhà báo Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ hai của Hội nhà báo Việt Nam ( 17/4/1959) Người dạy: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình.”(5)

Đến Đại hội lần thứ ba của Hội nhà báo Việt Nam, Người lại nhấn mạnh: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng.”(6) Rồi trong Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, Người nhắc lại: “Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn.”(7)
 Theo Người, người làm tuyên truyền phải có một tấm lòng, phải biết yêu thương và có xuất phát từ “tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc” thì mới làm tốt được, mới “tìm ra cái đúng, cái hay mà làm.” Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì vẫn chưa đủ, mà bản thân người làm tuyên truyền còn phải là một tấm gương giữa nói và làm, giữa lý thuyết và thực hành, “tốt nhất là miệng nói, tay làm”. “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích.”(8) “Hành vi đạo đức chỉ có thể hình thành và phát triển trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Không có thứ đạo đức bên nài cuộc sống, càng không có thứ đạo đức “suông”(9)

  Tự nhận mình “là một người có nhiều duyên nợ với báo chí” lại “ít nhiều có kinh nghiệm về báo chí” nên Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên có những ý kiến đóng góp cho hoạt động báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng. Những tư tưởng của Người về đạo đức người làm báo thường có trong các mẩu chuyện, các bức thư hay các bài nói chuyện. Nó được tập trung ở những điểm chính sau:

 Thứ nhất là trung thành với lý tưởng của Đảng, của nhân dân. Người nói: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực sự thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Chính vì thế, cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì cái khác mới đúng được.”(10)

Trong đó người làm báo “phải chú ý giữ bí mật.” Người nhấn mạnh: “Những văn kiện bí mật của nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mạng của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ.”(11) Người từng phê bình “các báo chí của ta rất kém giữ bí mật.”
Thứ hai là phải khách quan, chân thực. Trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng (tháng 5 năm 1949), Người đã chỉ ra một trong những khuyết điểm của báo chí là “đôi khi đăng tin vịt”. Người cho rằng, vì quần chúng luôn “mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú” nên người làm báo phải luôn viết rõ sự thật: việc đó ai làm, ở đâu, ngày tháng nào…, nếu chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ thì “chớ nói, chớ viết.” Thậm chí, sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần. Chính xác, cụ thể, trung thực, cẩn trọng là những tố chất Người đòi hỏi phải có trong từng bài viết, bài nói, ở mỗi vấn đề cần nêu.

 Theo Người, báo chí phải có khen, có chê, có nêu cái tốt cũng có viết về cái xấu, không nên chỉ viết cái tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng viết về cái hay, cái tốt cũng phải có “chừng mực, chớ phóng đại, có thế nào nói thế ấy”. Viết phê bình thì phải chân thành, đúng mức, chính xác, “phải đứng trên lập trường hữu nghị.” Nếu khen quá lời thì người được khen cũng cảm thấy xấu hổ mà chê quá đáng thì người bị chê cũng vừa khó tiếp thu lại vừa sinh tâm lý bực tức, thù oán. Người làm báo đừng nên vì việc gì mà lại “thêu dệt thêm vào, dùng những lời vô phép” làm tổn hại đến người khác.

Thứ ba là phải gần dân. Đối với người làm báo, Người quan niệm, gần dân trước hết là phải đi sâu, đi sát vào thực tiễn cuộc sống của nhân dân. Phải “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”, chứ cứ đóng cửa lại, “ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết” thì không thể viết thiết thực, “không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả”.

 Tiếp đến, người làm báo phải viết những bài báo hợp lòng dân, phản ánh những vấn đề thiết thực với quần chúng nhân dân như: họ cần cái gì, muốn nghe, muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì… Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết đều phải tỏ rõ tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng.

 Muốn thế, người làm báo phải học cách tìm tài liệu, tìm tài liệu trong dân. Năm cách để tìm được tài liệu phục vụ cho bài viết đã được Người đưa ra, đó là: Nghe, Hỏi, Thấy, Xem và Ghi. Năm cách này gắn bó chặt chẽ với nhau theo một hệ thống có tính logích. Người làm báo phải biết cách lắng nghe: nghe xa, nghe gần, nghe nhiều người, nghe từ nhiều phía; phải biết cách hỏi: hỏi người bên cạnh, hỏi người xung quanh, hỏi nhân dân, hỏi cán bộ, hỏi nhiều chiều…; phải đến tận nơi để tận mắt trông thấy “trăm nghe không bằng một thấy”; rồi phải đọc báo, xem sách trong và nài nước; chưa hết còn phải tích cực ghi chép, ghi tất cả những gì mình nghe và thấy. Như thế, người làm báo mới có thể viết nên được những bài báo gần dân, sát với cuộc sống của nhân dân.
Khi viết thì “cần phải viết một cách phổ thông, dễ hiểu, giản đơn mà rõ ràng,” hợp với trình độ nhân dân. Bởi vì, đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, nếu một tờ báo nào đó mà không được đại đa số dân ưa chuộng, coi đó là tờ báo của mình “thì không xứng đáng là một tờ báo”.

 Theo Người, người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Trong “Sửa đổi lề lối làm việc” Người đã phê phán thói “cầu kỳ” của người viết như thế này: “Tục ngữ nói: “gẩy đàn tai trâu” là có ý chế người nghe không hiểu. Song, những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu, thì chính người đó là “trâu”.”(12)

 

Vậy, muốn viết ngắn gọn, dễ hiểu thì người làm báo phải làm gì? Người cũng chỉ rõ: Đó là phải học cách nói của quần chúng, thì khi nói, khi viết mới lọt tai quần chúng. Viết xong một bài thì phải tự mình đọc kỹ, xem đi xem lại nhiều lần để sửa chữa những từ ngữ khó hiểu, mập mờ. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào mà họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu, cho phù hợp với trình độ của đại chúng nhân dân.

Người nói: “Nói tóm lại: để làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm của các báo chí phải cải thiện hơn nữa.”(13)

 Ngay từ những bài báo đầu tiên đến những bài báo cuối cùng của Người luôn ngắn gọn, rõ ràng, khúc triết, nhất quán với những yêu cầu Người đưa ra. Dù dưới nhiều bài báo Người không ký tên hoặc ký các bút danh khác nhau những chúng ta vẫn có thể nhận ra văn phong của Người bởi những chuẩn mực ít ai đạt được: Nội dung sâu sắc, phong phú; hành văn cụ thể, thiết thực; chấm phá đôi nét dí dỏm, hài hước và vấn đề nêu ra mang tính giáo dục cao. Đó là tấm gương cụ thể nhất, sống động nhất đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam. 

 Thứ tư là “phải học nữa, học mãi.”  Người làm báo phải lấy đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp làm gốc, là điều trước tiên khi đặt bút. Song bản lĩnh chính trị, tri thức mọi mặt…sẽ là những nhân tố quan trọng giúp cho nhà báo giữ được cái “tâm” trong sáng ấy. Vì vậy, người làm báo phải luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ…thi đua học và hành cho xứng đáng là “người tiên phong trên mặt trận báo chí.” Nếu không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định sẽ học được. Học để trở thành tài, bởi “có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cùng khó.”

Đồng thời, Người cũng chỉ cho những người làm báo biết rằng phải học ở mọi nơi, học ở mọi lúc “Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng.” Thế vẫn chưa đủ, còn phải học kinh nghiệm của nước nài, xem báo nước nài, mà muốn như thế thì phải biết ít nhất một thứ tiếng nước nài.
Học không bao giờ cùng

 Học mãi để tiến bộ mãi

 Càng tiến bộ, càng thấy cần phải cần phải học thêm

Theo Người, để thực hiện được hai chữ “chính tâm không phải dễ dàng”, vì vậy mỗi người làm báo phải trải qua một cuộc đấu tranh gay , gian khổ và liên tục trong bản thân mình thì “chính tâm nhất định thành công.” Đối với “người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn.” Và mỗi lần vượt qua khó khăn là mỗi lần lại lớn lên, trưởng thành. “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.”(14)

Nhà báo là nhà hoạt động cách mạng. Vì thế hơn ai hết nhà báo phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp của mình thì mới đáp ứng được yêu cầu của Đảng, của nhân dân, của xã hội. Đặc biệt trong cơ chế thị trường đầy phức tạp hiện nay, báo chí nói chung, nhà báo nói riêng luôn phải chịu sự tác động theo hai chiều hướng: tích cực và tiêu cực, nó vừa là nơi đặt ra nhiều cám dỗ nhưng cũng là nơi để “lửa thử vàng”. Những bài học và lời dạy về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn có ý nghĩa đối với các thế hệ người làm báo Việt Nam.

 Thấm thoắt đã hơn 80 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra tờ báo cách mạng đầu tiên, báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về chất lượng và số lượng. Đội ngũ hơn 13.000 nhà báo cũng đã trưởng thành và được Đảng, nhân dân ghi nhận. Nhưng những người làm báo Việt Nam  luôn phải ghi nhớ rằng: Người làm báo mà biết sử dụng ngòi bút chính nghĩa của mình phục vụ cuộc đấu tranh cho tự do, cho chân lý, cho tương lai tươi sáng của loài người, “là một nhiệm vụ cực kỳ vẻ vang.”

Trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang triển khai đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đây là thời điểm tốt nhất để những người làm báo Việt Nam đọc lại, học lại và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người làm báo nói riêng. Cụ thể là bằng việc triển khai thực hiện sâu rộng 9 điều “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”./.  

                                                
Ths.Trường Giang
Khoa Phát thanh - Truyền hình.
Tài liệu tham khảo:

 (1), (8), (12)  Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 , NXB Sự thật, Hà Nội, 1984,

(2), (4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NXB Sự thật, Hà Nội, 1989, tr97

(3) Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1995, tr169

 (5) (10) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, NXB Sự thật, Hà Nội, 1989, tr391-401

 (6) (7)   Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, NXB Sự thật, Hà Nội, 1989, tr412-416 

(9) (14) Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 2, NXB Sự thật, Hà Nội, 1980,

(11) (13) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB Sự thật, Hà Nội, 1987, tr389-390

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN