Và thế là họ coi Pep như kẻ ăn hôi thế kỉ
(Sóng trẻ) – Người ta ghét Sir Alex Ferguson vì phòng truyền thống của MU đầy ắp các danh hiệu. Người ta ghét Arsene Wenger vì Pháo thủ là đội duy nhất có cúp vàng Premier League. Và đương nhiên, người ta ghét Pep Guardiola bởi họ ghen tị với những thành công của ông.
Kẻ ăn hôi thế kỉ
Cụm từ “kẻ ăn hôi thế kỉ” xuất phát từ những cổ động viên Real Madrid trong thời kì La Liga đang là tâm điểm của cuộc chiến giữa hai thái cực - José Mourinho và Pep Guardiola. Sir Alex Ferguson khi còn dẫn dắt Man Utd đã phải thốt lên: “Đội hình Barcelona vô địch C1 năm 2009 là đội hình mạnh nhất mà MU đã từng đối đầu”. Barca lúc đó đang chơi thăng hoa và làm mưa làm gió ở châu Âu với lối chơi tiki-taka của Pep. Họ đè bẹp mọi đối thủ cản đường, đem về hàng loạt những danh hiệu lớn nhỏ nhưng không một ai chịu công nhận công lao của HLV người Tây Ban Nha, tại vì sao?
Barcelona của Pep Guardiola là Barcelona mạnh nhất – (Ảnh: Internet)
José Mourinho tới Real Madrid với hành trang là chức vô địch C1 cùng Porto và Inter. Ông có quyền cao ngạo, có quyền nhìn mọi người bằng nửa con mắt như cách ông đã từng gọi mình là “người đặc biệt” ở Chelsea. Bắt cặp với ông, không ai khác chính là người đã bị Pep Guardiola “đào thải” do thể hiện thái độ không hài lòng khi đá lùi sâu trong đội hình của Barca – Zlatan Ibrahimovic. José “ngông” thế nào thì khỏi nói, còn Ibra nổi loạn ra sao cũng chẳng phải bàn. Những năm trở lại đây và có thể là mãi sau này, 2 con người ấy luôn luôn mang trong mình một mối thâm thù sâu sắc với người đàn ông được đánh giá là một trong những HLV tấn công hay nhất bóng đá hiện đại. Người hâm mộ thường thích những cái đặc biệt, những cái phá cách, José và Zlatan có thừa điều đó, nhưng Pep thì không.
Pep là mẫu người trầm tính, nói ít làm nhiều. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Ông là một người may mắn. Tại sao người ta có thể dễ dàng công nhận tài năng của Mourinho còn Guardiola thì không? Bởi lẽ José đã vô địch C1 với những đội bóng hạng trung như Porto và Inter. Còn Pep Guardiola, ông khởi nghiệp tại Barcelona B, và trong một ngày hè năm 2008, chủ tịch Joan Laporta thông báo Pep là người được chọn để thay thế Frank Rijkaard trên cương vị HLV trưởng của đội 1 Barcelona. Thừa hưởng một dàn hảo thủ tài năng bậc nhất châu Âu bấy giờ: Messi, Busquest, Valdes, Puyol, Pique,… bản thân Pep luôn bị dìm bởi chính cái bóng của những học trò. Người ta không muốn công nhận tài năng của Pep, phần vì họ thích Mourinho, phần vì ông quá giỏi, phần vì ông luôn có trong tay những “nguyên liệu” hảo hạng ở mỗi “căn bếp” của mình (Barcelona, Bayern Munich, giờ là Manchester City), và thế là cụm từ “kẻ ăn hôi thế kỉ” ra đời.
Nói ít, làm nhiều
Thành công ở Barcelona của Pep nhiều không đếm xuể: Tạo ra con “quái vật” Messi, định hình lối chơi cho đội bóng xứ Catalan, mang về cho phòng truyền thống 2 chiếc cúp vô địch Châu Âu và hàng loạt các danh hiệu quốc nội khác. Sang Đức, một mình Guardiola chèo lái con thuyền Bayern Munich sau khi HLV Jupp Heynckes nghỉ hưu: mang về Vidal, Kingsley Coman, Lewandowski, Douglas Costa,… - những bản hợp đồng đang trở thành trụ cột của Hùm xám, phát hiện và đào tạo Joshua Kimmich – tương lai của tuyển Đức, người kì vọng sẽ thay thế Philipp Lahm trong tương lai. Dù vậy, là người luôn đi tìm thử thách mới, Pep đến Man City ngay sau khi đội bóng này sa thải Manuel Pellegrini, đối đầu trực tiếp với José Mourinho và Zlatan Ibrahimovic ở đội bóng cùng thành phố.
Guendogan và De Bruyne đang “nguồn sống” của Man City – (Ảnh: Internet)
Pep Guardiola là người có công lớn nhất trong việc đưa Man City lên dẫn đầu trên BXH Premier League với 23 điểm sau 10 trận. Không màu mè, phô trương trong phòng họp báo, không có những phát ngôn gây sốc, Pep biết mình là ai và vị trí của mình ở đâu, công việc của mình là gì. Ông định hình nhân sự cho Man City: chiêu mộ John Stones, Leroy Sane, Nolito đặc biệt là Guendogan – mẫu cầu thủ có nhãn quan và khả năng điều tiết trận đấu (giống trò cưng Thia Alcantara), “trảm” Yaya Toure, biến Silva, De Bruyne thành bộ đôi Xavi – Iniesta “mới”, nhào nặn Sterling trở thành “Messi của Man City”,… Mọi người có thể không công nhận tài năng của Pep Guardiola, coi ông là “kẻ ăn hôi thế kỉ” luôn dẫn dắt những đội bóng có bộ khung vốn hoàn hảo và nguồn tài chính dồi dào, nhưng Pep biết mình có tài và ban lãnh đạo đội bóng cần ông hơn ông cần họ. Liệu một HLV gà mờ có khả năng động đến một công thần như Yaya Toure? Hay yêu cầu BLĐ sống chết phải mang về tới 3 tiền vệ trong bối cảnh hàng công đang khủng hoảng thừa?
Pep vừa trải qua chuỗi 6 trận không thắng trong đó có thất bại 1-0 trước MU tại League Cup. Giới túc cầu đồn nhau rằng HLV người Tây Ban Nha đã “hết bài” và thật sự thất bại ở môi trường bóng đá Anh khắc nghiệt. Đáp lại những lời rèm pha, Pep trở lại với chiến thắng 4-0 trước West Bromwich cuối tuần vừa rồi và trận thắng 3-1 trước đội bóng cũ Barcelona trong khuôn khổ Champions League. Trước những áp lực tới từ truyền thông Anh và những kẻ ganh ghét với tài năng của mình, Pep Guardiola trình lành một Man City “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” sau những thử nghiệm ở 6 trận đấu trước. Nửa xanh thành Manchester trở lại với vị thế của nhà vô địch, của lối đá tấn công tổng lực hoa mĩ với sự tỏa sáng của “tàu tốc hành” De Bruyne và “passing machine” (máy chuyền bóng) Ilkay Guendogan.
Highlights trận đấu giữa Man City và Barcelona – (Nguồn: Youtube)
Pep có may mắn không? Có. Nhưng Pep có giỏi không? Hãy nhìn vào những con số. Ông đã từng nói: “Chúng tôi vẫn phải chuyền dài nhiều, chưa thể kiểm soát bóng tốt. Còn Barca đã chơi như vậy suốt 25 năm rồi”. Để Man City trở thành một Barcelona 2.0 còn là một quãng thời gian rất dài phía trước nhưng với Pep Guardiola, điều đó hoàn toàn có thể. Và chúng ta phải thừa nhận rằng, khen Pep vốn đã khó, chê ông còn khó gấp bội lần. Nếu còn gì chưa thỏa đáng thì xin hãy cứ chờ xem những gì “kẻ ăn hôi” ấy thể hiện ở Manchester City.
THẾ ANH
Cùng chuyên mục
Bình luận