Văn hoá thần tượng “lệch chuẩn” trong giới trẻ
(Sóng trẻ) - Gần đây, khi hàng loạt bê bối của người nổi tiếng trong và ngoài nước bung ra, một câu hỏi lớn đặt ra rằng: Phải chăng đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận lại cách hâm mộ thần tượngcủa giới trẻ ngày nay?
Từ mù quáng...
Mới đây, bê bối đời tư của ca sĩ, diễn viên Trung Quốc - Ngô Diệc Phàm đã gây “rúng động” giới giải trí Châu Á. Anh vướng loạt cáo buộc hiếp dâm với trẻ vị thành niên, cưỡng dâm tập thể, sử dụng ma tuý, môi giới mại dâm, lừa đảo các cô gái trẻ và có lối sống thác loạn. Ngô Diệc Phàm đã bị tạm giam pháp lý để điều tra và các chuyên gia pháp lý nhận định nam diễn viên phải đối diện án hình sự với mức phạt tù từ 10 năm đến chung thân. Những kênh truyền thông hàng đầu tại Trung Quốc như Nhân dân nhật báo, Hoàn Cầu thời báo… đồng loạt lên bài chỉ trích và bày tỏ quan điểm: “trước khi làm một người nổi tiếng, xin hãy làm người”.
Tuy nhiên, một bộ phận fan cuồng mù quáng ra sức bảo vệ thần tượng. Họ thành lập lên “Hội bảo vệ Ngô Diệc Phàm”, yêu cầu những nhà chức trách trả tự do cho thần tượng của mình, cũng như đòi đổi quốc tịch, chuyển từ hâm mộ Ngô Diệc Phàm qua Lý Gia Hằng (tên thật của Ngô Diệc Phàm). Những fan cuồng này còn liên tục vào Weibo (nền tảng mạng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc) của nạn nhân để công kích, phỉ báng và đe doạ.
Tại Việt Nam, ca sĩ Trịnh Trần Phương Tuấn, nghệ danh Jack vướng scandal bê bối đời tư tình cảm, đã có con với người yêu và bỏ rơi hai mẹ con, cùng lúc có mối quan hệ với nhiều cô gái.
Không thừa nhận những lỗi lầm của thần tượng, nhiều người hâm mộ vẫn tìm cách để ủng hộ đến mức mù quáng. Họ lợi dụng sự phát triển của các nền tảng mạng xã hộiđể “lên tiếng” thay cho thần tượng của mình. Trên TikTok, xuất hiện hàng loạt những clip kèm những phát ngôn động viên: “Nếu Jack có sai, chúng em sẽ sai cùng anh”, “một ngày là thần tượng mãi mãi là thần tượng” hay biến thể và xuyên tạc “5 điều Bác Hồ dạy” thành “Điều 1: Jack luôn đúng. Điều 2: Jack là số một. Điều ba: Jack đứng nhất, mọi thứ khác đều đứng sau...”.
Một điều đáng lo ngại đó là phần lớn những người hâm mộ này chỉ mới ở lứa tuổi cấp 1, cấp 2; việc theo đuổi và bảo vệ thần tượng bất chấp sai trái như vậy có thể ảnh hưởng lớn đến nhận thức, hành vi của lớp thế hệ trẻ. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng việc có con với thần tượng là “điều vinh hạnh”, và Jack thì không có lỗi trong chuyện này.
.... đến thiếu hiểu biết!
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội nổ ra những tranh cãi xung quanh việc nhiều phim Trung Quốc lồng ghép đường lưỡi bò hay xuyên tạc lịch sử như: Em là niềm kiêu hãnh của anh, Nhất sinh nhất thế, Quân đội vương bài... Đáng nói nhất là trong bộ phim vừa được tung trailer “Quân đội vương bài”. Bộ phim lấy bối cảnh những năm 1980, xuyên tạc việc lực lượng quân sự của Việt Nam mạnh lên không ngừng, có ý đồ xấu đối với lãnh thổ của Trung Quốc và phát động một loạt cuộc xâm phạm biên giới của Trung Quốc.
Phản ứng của đại đa số khán giả Việt là phản đối, thậm chí đòi tẩy chay những bộ phim Trung Quốc cố ý lồng ghép và đi ngược lại sự thật. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người xem bày tỏ quan điểm rằng đừng nên quan tâm đến chính trị, xem phim chỉ vì muốn giải trí. Một số fan cuồng củacác diễn viên trong phim thậm chí còn lên tiếng ủng hộ thần tượng và đòi đổi cả quốc tịch để theo đuổi thần tượng.
"Đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" là khái niệm mà Bắc Kinh dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Và chính người dân Việt Nam có quyền khẳng định và tự hào rằng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.
Việc thần tượng nghệ sĩ là không sai, nhưng thần tượng đến mức thiếu kiến kiến thức cơ bản, quên đi niềm tự tôn và truyền thống dân tộc là mù quáng.
Xây dựng văn hoá thần tượng lành mạnh
Thực chất, thần tượng một ai đó là một nhu cầu cơ bản trong cuộc sống và là một nét đẹp văn hoá thúc đẩy người trẻ có suy nghĩ và hành động tích cực hơn, có tinh thần vươn lên trong cuộc sống.
Tuy nhiên khi nhìn vào thực tế, không phải người hâm mộ nào cũng đủ tỉnh táo để kiểm soát và điều chỉnh sự ngưỡng mộ thần tượng một cách tích cực để bản thân vươn lên, tiến bộ không ngừng. Văn hoá thần tượng vẫn còn nhiều “gợn sóng” khi còn những tranh cãivề hiện tượng sùng bái điên cuồng, bắt chước, hùa theo những thói hư tật xấu của thần tượngvà nghiêm trọng hơn là “fan cuồng” “fan quá khích” ngày càng “trẻ hoá” với lứa tuổi cấp 1, cấp 2.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia tâm lí Dương Thị Thu Hà - Trung tâm Tâm lí trị liệu NHC Việt Nam nêu quan điểm: “Thần tượng có 3 mức và mức tôn thờ, cuồng thần tượng là mức cao nhất, đôi khi còn được xem như một hình thức bệnh tâm lý. Những người này có xu hướng bị quá ám ảnh với những thành công, thất bại của thần tượng, trở nên gắn bó một cách cưỡng bức với cuộc sống của thần tượng.”
Lí giải hiện tượng văn hoá thần tượng “lệch chuẩn”, bà Hà cho rằng: “Có nhiều cơ chế tâm lý dẫn đến thần tượng một người ở mức độ này. Xu hướng lãng mạn hóa, tức là người trẻ phỏng chiếu những khát vọng hoặc mơ ước phi thực tế của cá nhân họ vào những người nổi tiếng và thành công để thông qua thần tượng cảm thấy mình có cảm giác chạm tay vào những ước mơ mà cá nhân không thể với tới...”
Lúc này, các fan sẽ dần trở nên phụ thuộc vào thần tượng, có thể là thay đổi ngoại hình theo thần tượng, thay đổi các mối quan hệ xã hội, thay đổi cảm xúc cá nhân với những người thích hoặc không thích thần tượng của mình. Thậm chí thay đổi cả các giá trị, quan điểm niềm tin theo những phát ngôn, hành xử của thần tượng, có thể còn ảnh hưởng tới cả các kế hoạch tương lai của bạn trẻ. Thế nên, nếu thần tượng đem lại các hiệu ứng tích cực thì đó là việc tốt, đáng khuyến khích. Nhưng nếu thần tượng càng có hành vi ứng xử hay phát ngôn lệch chuẩn thì các fan sẽ càng có xu hướng bắt chước phong cách lệch chuẩn theo.
Trang cá nhân của những nghệ sĩ nổi tiếng có đến hàng triệu hay chục triệu người theo dõi, chính vì vậy mà tầm ảnh hưởng của họ lên người hâm mộ là rất lớn. Do đó, để góp phần xây dựng văn hoá thần tượng lành mạnh, cần đặt vấn đề quản lý về tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm xã hội của các nghệ sĩ cũng như có những chế tài xử phạt nghiêm đối với những nghệ sĩ sai phạm.
Việc người hâm mộ ngày càng “trẻ hoá” ở lứa tuổi cấp 1, cấp 2 đã đặt ra. Yêu cầu đối với nhà trường và phụ huynh trong việc tuyên truyền và quản lí con em của mình, trong đó phải đặc biệt hạn chế sự tiếp xúc của trẻ đối với thiết bị di động và các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Instagram… khi còn nhỏ tuổi. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến tâm sinh lí của trẻ bởi đây là lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng tâm lí nhất.
Và đối với bản thân người hâm mộ dù có ở lứa tuổi nào cũng cần sự lí trí và hiểu biết. Chúng ta có thể thần tượng một ai đó nhưng chúng ta không thể bao che hay mù quáng trước những sai lầm của họ. Hãy nhớ rằng những thần tượng, nghệ sĩ chân chính luôn “bán” cho công chúng những sản phẩm lao động nghệ thuật hàm chứa đầy giá trị nhân văn, và vì thế họ sẽ sống mãi cùng những tác phẩm trong ký ức của cộng đồng. Còn những nghệ sĩ với hành vi không chuẩn mực, "buôn bán" thị phi, vi phạm pháp luật, sớm muộn cũng sẽ bị pháp luật xử lý và công chúng quay lưng.
Bạn nghĩ thế nào về việc văn hoá thần tượng ngày càng lệch chuẩn? Quý độc giả có thể tham gia bình luận, đóng góp ý kiến ý kiến của mình qua địa chỉ: [email protected].