Hệ thống cây xanh Hà Nội: Hy sinh hay gìn giữ?
( Sóng Trẻ ) - Sau những gốc Xà cừ ở đường Láng, lần này đến lượt hàng cổ thụ gần 70 năm tuổi dọc Kim Mã bị đem ra “trảm” cho kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt nội đô trên cao. Người Hà Nội lại càng thêm xót xa khi lá phổi xanh của thành phố đang dần dần bị bóp nghẹt.
Theo đề án của ban quản lý đường sắt đô thị, để phục vụ cho tuyến đường sắt số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) thì hàng cây Xà cừ cổ thụ từ đền Voi Phục đến Khách sạn Daewoo sẽ bị chặt bỏ. Ước tính sẽ có đến 30 cây Xà cừ với tuổi đời khoảng 50-60 năm sẽ biến mất thời gian tới. Thông tin này quả đúng là một sự tiếc nuối với rất nhiều người dân Hà Nội. Bởi lẽ tiềm thức của người dân, những hàng cây cổ thụ trên các con phố như một phần hồn cốt của Thủ đô. Thế nên, khi có thông tin hàng cây cổ thụ ven hồ Thủ Lệ sẽ phải đốn hạ, người dân Hà Nội vô cùng bức xúc, đớn đau rất nhiều lần.
Đã có một chuyên gia từng nhận định “Không nơi nào người dân lại yêu cây xanh như Hà Nội”. Thậm chí vấn đề này còn trở thành một điều kiện tiên quyết để các nhà quy hoạch quyết định cho sự quy hoạch của thành phố. Chắc hẳn sẽ không phải ngẫu nhiên nếu trước đây người Pháp lại quy hoạch một thành phố với hệ thống cây xanh tuyệt vời như vậy. Việc đốn hạ những hàng cây chẳng khác nào chúng ta đang tự tay bóp nghẹt lá phổi xanh của thành phố, tự tay phá đi những thiết kế vốn dĩ từ lâu đã trở thành một phần tuổi thơ của biết bao nhiêu người? Liệu có phải lúc nào chấp nhận hy sinh để phát triển cũng là tốt? Người Hà Nội sẽ được và mất điều gì hay lại thêm một lần xót xa khi thấy những hàng cây tỏa bóng mát nay chỉ còn những cái gốc vô hồn?
Hàng xà cừ đường Láng giờ đây chỉ còn lại những gốc cây bị chặt đốn nham nhở, nằm chờ dự án
Nhiều ý kiến cho rằng đường Hà Nội thời Pháp thuộc, quy hoạch cây xanh rõ ràng tốt hơn bây giờ. Họ trồng cây Nhội, cây Sấu, cây cơm nguội, cây Me tán lá dày, rễ cọc cắm sâu vào lòng đất. Đường hẹp thì trồng cây sao thân thẳng đứng cho đỡ chật chội (như ở đường Lò Đức) mỗi loại cây có một đặc trưng làm cho màu xanh cũng trở nên phong phú. Còn đường phố mới của ta bây giờ thiếu quy hoạch, nhiều phố không có quy hoạch cây xanh. Giống như những phố mới, người ta đánh số ngược xuôi linh tinh tùy thích thì cây xanh bên đường cũng vậy, cây trồng lộn xộn, nhận ra ngay tình trạng thiếu tầm nhìn đô thị về cây xanh.
Cây đô thị che bóng mát, điều hòa khí hậu, ai cũng biết. Nhưng cây đô thị không phải là rừng tự nhiên, mà phải có quy hoạch chặt chẽ tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của thành phố, ai dám chắc những hàng cây cổ thụ ven Kim Mã kia sẽ không nguy hiểm khi mưa bão đến. Hà Nội đang hướng tới đến việc văn minh phát triển việc đốn hạ tuy có đau đớn, xót xa nhưng đó là một việc làm tất yếu cho con đường thay đổi bộ mặt của thủ đô. Cái giá của văn minh sẽ chỉ đắt nếu sau này con cái chúng ta nhận được cái không xứng đáng với những điều chúng ta đã đánh đổi.
Trong thời gian tới hàng cây dọc Kim Mã sẽ chỉ còn là kỉ niệm
“Thành phố như một cô gái đẹp, không thể cứ mặc mãi một cái áo mà phải thay đổi cho hợp thời trang”.Vấn đề về hệ thống cây vẫn sẽ còn tranh luận mãi, kế hoạch thì cứ chặt, người dân thì cứ nói, còn những ai yêu Hà Nội thì càng thêm buồn vì họ sắp phải chia tay vĩnh viễn những kí ước xa xôi của mình. Vậy ý kiến của bạn thì sao? Chấp nhận hy sinh cho sự văn minh đô thị hay bảo tồn và giữ lại những giá trị của quá khứ?
Xin mời độc giả gửi các bình luận về vấn đề này bằng cách bình luận phía dưới bài viết hoặc gửi ý kiến về hòm thư: [email protected]
Duy Nghĩa
Nhóm 2 - Lớp Báo Mạng Điện Tử K31
Cùng chuyên mục
Bình luận