“Vàng” Mười của sông: Kỳ 1- Yên Bái, sông Chảy bị “mổ bụng”

(Sóng Trẻ)- Sau nhiều tháng trời rong ruổi và theo dấu các đối tượng khai thác cát (trái phép lẫn được cấp phép) nhóm PV đã có đầy đủ những bằng chứng, hình ảnh về tình trạng móc ruột sông của các đối tượng cát tặc, cát thổ phí. Hành trình đã đi qua Yên Bái, Phú Thọ, Ba Vì ( Hà Nội), Hòa Bình, đến nơi đâu PV cũng chứng kiện những cảnh tượng đau lòng, những dòng sông bị mổ bụng, những bãi bồi nứt toác, những ngôi nhà chênh vênh chỉ chờ đổ. Ở nơi đó cát tặc không đãi cái tìm vàng mà đãi cát để…nhặt tiền (và cả dollar).

Bãi Tơ Hồng - cái tên đẹp như cổ tích - là một bãi bồi của đoạn sông Chảy qua địa phận thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Hàng trăm năm qua, người dân thôn Khả Lĩnh đã sinh sống và canh tác nhờ những nguồn lợi từ bãi bồi này đem lại. Thế nhưng, vài năm trở lại đây với hiện trạng khai thác cát tràn lan đáng sợ, thì, dự kiến, với tốc độ thế này, chỉ khoảng vài năm nữa, bãi Tơ Hồng sẽ bị dòng sông Chảy nuốt chửng.

Những ngôi mộ chờ trôi sông

Trưởng thôn Khả Lĩnh - ông Trần Quang Khải - ngửa cổ lên trời, nói ầm ỹ: “Với tốc độ khai thác cát như hiện nay thì chẳng mấy chốc, toàn bộ bãi canh tác của người dân, khu nghĩa địa của thôn cũng như Đền Cửa Ngòi sẽ lao xuống sông hết!”. Khúc sông Chảy từ đoạn Thác Bà đến thôn Khả Lĩnh ước chừng 20km là “lãnh địa” của các tàu hút cát, tàu cuốc, máy xúc, ôtô tải… hoạt động không ngơi nghỉ cả ngày lẫn đêm. Thời gian các tàu hút cát làm việc từ 4 giờ sáng đến 8 giờ tối mỗi ngày cũng là chừng ấy thời gian người dân thôn Khả Lĩnh đau đáu nhìn từng thửa ruộng, cây trồng... sắp bị khai tử trọn vẹn.

Khúc sông Chảy thơ mộng này, trong ký ức của người dân thôn Khả Lĩnh vốn rất nông, thậm chí trâu bò có thể nhảy qua, con người có thể bơi lội ở đó. Tuy nhiên từ khi đội quân khai thác cát kéo về đục khoét hai bên bờ sông, đoạn sông trở nên sâu và rộng một cách đáng sợ như hiện nay. Theo tính toán của người dân, đoạn sông ít nhất phải sâu chừng 10-15 mét. Việc khai thác cát đã khiến cho lòng sông rỗng ruễnh ra. Không chỉ có vậy, bãi Tơ Hồng, bãi canh tác chính của bà con còn chịu ảnh hưởng nặng nề. Chỉ trong vòng 4 năm, “bãi soi” này đã mất đi khoảng 50 mét. Nhiều diện tích hoa màu, đất canh tác của bà con trôi xuống sông.

93c17d502_anh2_3.jpg
i khai thác khổng lồ ngày đêm móc ruột sông Chảy

Bà Trần Thị Mùi, một trong những người bị thiệt hại nhiều nhất, hơn 2 sào đất ruộng bị sạt lở xuống sông, cho biết: “Nhà tôi mất khoảng hai sào rưỡi đất canh tác. Hàng mấy trăm năm nay bãi bồi này vẫn thế, nhưng từ ngày có đội khai thác cát thì nó sạt lở kinh khủng. Chỉ mấy năm mà cái bãi bị sông “ăn” mất khoảng 40 mét bề rộng. Trước tàu khai thác cát nó xông vào nạm, thì chúng tôi ra đuổi. Đuổi nó chạy, nhưng mình về thì đâu lại vào đấy. Mà đây toàn đất canh tác, đất đấu thầu nhà tôi có giấy tờ hẳn hoi, nhưng cuối cùng chịu cảnh mất trắng”.

Thôn Khả Lĩnh có đến hơn 20 gia đình như bà Mùi được công nhận là mất đất “hợp pháp”, tức là đã ký vào biên bản trong các cuộc họp với đơn vị khai thác cát. Số còn lại là những người chưa ký với đại diện Cty Trường Phát (đơn vị được tỉnh Yên Bái cấp phép cho khai thác cát). Tuy nhiên theo bà Mùi, đến nay gia đình bà cũng như các hộ dân còn lại chưa hề nhận được một đồng tiền đền bù nào. Ông Khải nhấn mạnh: “Đành rằng cứ cho là Công ty Trường Phát hút cát đã được cấp phép nhưng tại sao đất của người dân có giấy tờ hẳn hoi họ làm sạt lở thì không ai lên tiếng đền bù. Cứ mấy chốc như thế này thì chúng tôi sẽ mất cả đất bãi soi, đất ở, mất nghĩa địa, mất cả ngôi miếu thiêng”.

93c17d502_anh1_2.jpg
Khai thác cát tiến sát vào vườn bưởi quý lâu năm của bà con, nhiều vườn bưởi đã trôi sông cùng đồng bãi, bà con đòi đền bù thì bị phớt lờ

Ai là kẻ “ngồi mát ăn bát vàng”?

Ông Dương Văn Bổng - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thôn Khả Lĩnh - đã không quản ngại đường sá đưa chúng tôi đi mục thị rất nhiều những “gốc bưởi trôi sông”. Người Khả Lĩnh có 2 điều tự hào: Bãi Tơ Hồng và bưởi Khả Lĩnh. Giống bưởi này có gốc gác từ Đoan Hùng và đang xây dựng thương hiệu bưởi Đại Minh. Mỗi cây bưởi như thế đem lại thu nhập khoảng 60 triệu đồng/vụ.

Bà Trần Thị Liên cho biết: “Nhà tôi mới mất nguyên một hàng bưởi, 8 cây sạt xuống sông mà giờ vẫn còn thấy gốc ở đằng kia. Một cây lâu niên như vậy 1 năm cho khoảng 500 quả, 8 cây là 4.000 quả. Ngày xưa đất ruộng nhà tôi phải ra giữa sông nhưng giờ bị sạt vào đây khoảng 20 mét. Cứ ngày nào mình ra đuổi thì tàu hút cát nó dạt sang bờ bên kia. Mình không có đấy thì nó lại quay vào hút. Không thể đuổi được. Mắng chửi vài câu rồi đâu lại vào đấy”.

Anh Đoàn mời chúng tôi: “Anh phải ra nhìn cái gốc bưởi của em nó vẫn còn ở dưới sông”. Anh Đoàn giới thiệu: “Đây là đất nhà em trước đây nó còn ăn ra cả rặng tre ở trước tính vào đây cũng phải 20 mét. Kia là gốc bưởi nhà em mới bị sạt xuống sông vẫn còn đấy. Nói chung là tiếc lắm, anh ạ. Một cây như thế này đáng giá bao nhiêu tiền mà chịu cảnh mất trắng”.

93c17d502_anh3_2.jpg
Máy xúc hoạt động hết công suất, mỗi ngày trung bình có khoảng 2000m3 cát được khai thác và chở đi

Cứ mỗi năm vài lần người dân xã Đại Minh lại làm đơn kiến nghị lên các cấp. Dân gửi đơn lên xã, xã gửi lên huyện, huyện lại gửi lên tỉnh. Năm 2016, Sở TNMT tỉnh Yên Bái đã có văn bản trả lời người dân thôn Khả Lĩnh: Việc sạt lở đất là do nhân dân canh tác trên nền đất mềm chứ không phải do việc khai thác cát. Ông Nguyễn Văn Hòe - Bí thư thôn Khả Lĩnh - tâm sự: “Sở trả lời như thế người dân vô cùng bức xúc, vì trước đây cả trăm năm cái bãi soi này vẫn là nơi người dân Khả Lĩnh sinh sống và canh tác. Từ ngày có tàu cuốc, tàu cát về, chỉ trong vài năm bãi soi đã bị sạt lở mất khoảng 40-50 mét. Vậy mà Sở lại trả lời cho chúng tôi là việc sạt lở do người dân canh tác trên nền đất mềm”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Quang - nguyên Chủ tịch UBND xã Đại Minh - nghỉ hưu tháng 2 năm 2017, nên ông nắm rõ vụ việc với cả quá trình dài xâu chuỗi nhiều năm qua. “Đơn vị khai thác cát này họ có giấy phép khai thác có thời gian 17 năm. Thế nhưng cái trăn trở ở đây là cái độ sâu của các hố mà họ đang đào bới dưới lòng sông Chảy quê tôi thì là sâu bao nhiêu, cái đó có đúng trong giấy phép không. Cái này kể cả huyện cũng không kiểm tra được. Cái lượng khai thác có khi gấp 20-30 lần. Và điều này đã gây ra sạt lở. Đấy là năm nay thôi chứ vài năm nữa thì sạt hết chẳng còn gì mà nói”.

93c17d502_i20170626180351.jpg
Tình trạng sạt lở xảy ra vô cùng nghiêm trọng

Ông Hùng, một chủ thuyền làm thuê cho đơn vị khai thác cát ở Đại Minh, tiết lộ: “Thực ra công ty được cấp phép khai thác cát ở đây họ không phải bỏ ra bất cứ một cái gì. Sau khi được cái giấy phép khai thác, họ thuê chúng tôi và những đơn vị ở tỉnh Phú Thọ lên khai thác. Máy móc, nhân công là của chúng tôi hết. Mỗi một khối cát lên bờ có giá 170.000 VND thì họ trả chúng tôi 60.000 VND. Họ cho một người làm thuê ngồi ghi biển số xe để tính tiền trả cho chúng tôi. Nếu không làm cho họ thì mình lại là thằng đi khai thác cát lậu vì toàn bộ khúc sông này là nơi họ được cấp phép khai thác. Nhưng làm cho họ thì giá quá thấp. Thực tế họ chỉ là người ngồi mát ăn bát vàng mà thôi”.

Theo Trưởng thôn Khải, bao năm qua, đại diện Công ty Trường Phát (đơn vị được cấp phép khai thác cát) chỉ chính thức gặp gỡ bà con có một lần. Nguyên do là người dân quá bức xúc nên đã đề nghị được làm việc. Con đường mà xe ôtô vận chuyển cát là con đường do dân và Nhà nước cùng làm nhưng họ sử dụng tự do. Sau lần gặp đấy họ hỗ trợ cho thôn 20 triệu đồng/1 năm để ủng hộ con đường của thôn. Tính đến nay chúng tôi đã nhận được 2 năm rưỡi tính ra thì hơn 1 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên việc hỗ trợ các gia đình bị mất đất, mất hoa màu, mất bưởi là không có hợp lý, có thể nói là bỏ bẵng.

Ninh Vũ

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN