Vì ai cũng đều đặc biệt
(Sóng trẻ) – Sáng 27/01 tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân (207 Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) diễn ra sự kiện "Vì ai cũng đều đặc biệt". Sự kiện mang tới góc nhìn toàn diện xung quanh những vấn đề liên quan đến người khuyết tật.
Sự kiện "Vì ai cũng đều đặc biệt" là sự kiện nhằm cung cấp những kiến thức, chia sẻ liên quan đến người khuyết tật và chống kì thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật được tổ chức bởi dự án Equally Different - Bình đẳng trong sự khác biệt thuộc Đội Enactus - Đại học Kinh tế Quốc dân.
Toàn cảnh sự kiện "Vì ai cũng đều đặc biệt" tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Tham dự sự kiện có Tiến sĩ Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, ông Trịnh Công Thanh – Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam và sự có mặt của các bạn sinh viên quan tâm đến người khuyết tật nói riêng và vấn đề xã hội nói chung.
Hai diễn giả của sự kiên với những chia sẻ xoay quanh những vấn đề về người khuyết tật
Tại sự kiện, các diễn giả đã chia sẻ những câu chuyện, trải nghiệm liên quan đến công ước của người khuyết tật, những nghiên cứu về chống kì thị người khuyết tật và bình đẳng giới với người khuyết tật. Thông qua những chia sẻ của các diễn giả khách mời giúp các bạn trẻ có cái nhìn thấu đáo hơn về cách ứng xử đối với người khuyết tật. Từ đó đẩy mạnh sự gắn kết người khuyết tật với cộng đồng trong một xã hội tốt đẹp.
Ông Trịnh Công Khanh với những chia sẻ về công ước người khuyết tật
Trong phần trình bày về các điều luật được quy định trong công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, ông Trịnh Công Khanh nêu quan điểm: “Từ năm 2014 đến nay, chúng ta có thể thấy dưới ánh sáng của công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật cũng như luật người khuyết tật thì có nhiều chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như là các hoạt động, chương trình hỗ trợ người khuyết tật. Và thể hiện rõ nhất là chúng ta có thể nhìn thấy người khuyết tật đi ra nài đường nhiều hơn, họ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội. Thế nhưng mà chúng ta vẫn còn những cái định kiến, những cái quan điểm hết sức là lạc hậu về vấn đề người khuyết tật thì người khuyết tật không được thể hiện cái quyền của mình và không được tham gia, không được lên tiếng, không được hòa nhập...”
TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ về bình đẳng giới đối với người khuyết tật
Nói về cuộc sống của người khuyết tật qua lăng kính giới, TS Khuất Thu Hồng đã có những chia sẻ đầy tâm huyết với những dự án nghiên cứu của mình. TS Khuất Thu Hồng bày tỏ: “Câu chuyện giới và giới tính của người khuyết tật thường được bỏ qua, rất nhiều phụ nữ và nam giới khuyết tật, nhất là những người khuyết tật bẩm sinh và những người khuyết tật nặng thường bị đối xử như không có giới tính, không cần biết đến giới tính của họ, luôn luôn bị coi như là trẻ con nên khi họ đã nhiều tuổi rồi có thể là 45 tuổi, 50 tuổi, 60 tuổi vẫn được gọi là thằng què hay con mù. Ở các địa phương họ hay gọi như vậy thậm chí là trong gia đình cũng gọi những từ như vậy. Và tôi cảm thấy cực kì là rất xúc phạm với cách gọi như vậy, với cách đối xử như vậy...”
Các bạn trẻ tham gia sự kiện đặt câu hỏi cho các diễn giả
Trong phần hỏi – đáp cuối sự kiện nhiều câu hỏi đã được đặt ra xoay quanh các vấn đề hôn nhân – gia đình của người khuyết tật, quyền và tư cách pháp lí của người khuyết tật, bạo lực người khuyết tật và những cách thức giúp người khuyết tật tự tin hơn trong cộng đồng.
Qua thông điệp “Lắng nghe và trải nghiệm để thấu hiểu” sự kiện đã đem tới những kiến thức cơ bản về người khuyết tật cũng như những câu chuyện xúc động, những trải nghiệm đáng nhớ của các chuyên gia khi nghiên cứu những vấn đề xã hội về người khuyết tật.
Thái Gia Khánh
Cùng chuyên mục
Bình luận