Viễn cảnh "hậu nhân loại" và dấu chấm lửng
(Sóng trẻ) - Số phận con người tinh khôn sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ trở thành những siêu nhân với nhiều quyền năng vô tiền khoáng hậu hay hoàn toàn diệt vong để lại một hành tinh chết, nhường chỗ cho những thực thể tối ưu hơn, thông minh hơn? Quá khứ? Hiện tại? Tương lai? Đâu mới là khởi nguồn của những căn nguyên về lời cảnh tỉnh?
Trên bình diện văn học, đi tìm mẫu số chung cho câu trả lời, sáng 26/10, tại khu nhà B, Đại học Sư phạm Hà Nội (Xuân Thủy - Cầu Giấy) diễn ra buổi hội thảo chuyên đề với nội dung: "Hậu nhân loại trong tác phẩm của Franz Kafka và Karel Capek". Đây là hoạt động tiếp nối chuỗi sự kiện vinh danh đại văn hóa Karel Capek do Đại sứ quán Séc phối hợp cùng Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức.
Buổi hội thảo có sự tham gia đặc biệt của PGS.TS Văn học người Thái Lan Verita Sriratana (giảng viên tại Đại học Chulalongkurn) và TS Văn học Trần Ngọc Hiếu (giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội). Với vốn tri thức chuyên sâu, cả hai đã làm sáng tỏ những tương đồng giữa hai nhà văn tưởng chừng ít liên can khi nói về "tầm nhìn xuyên thế kỷ".
Đông đảo người yêu văn chương đến tham gia từ rất sớm
"Hậu nhân loại" trong văn học Séc
Khác với quan điểm thông thường cho rằng con người là một giống loài phi thường, luôn nắm bắt quyền tự trị và là bá chủ của thế giới tự nhiên, thuyết "hậu nhân loại" lại cho rằng: "Con người không phải là giống loài ưu thế hay đứa con cưng của tạo hóa, luôn được Thượng Đế bao bọc, chở che. Con người có lẽ chưa bao giờ hoàn toàn tách biệt khỏi động vật, máy móc và những dạng thức tồn tại khác nhau.
Qua những tác phẩm của mình, Franz Kafka và Karel Capek, hai nhà văn vĩ đại nhất Séc, đều chia sẻ những quan kiến này theo những cách thức và mức độ khác nhau. Họ đã đưa ra những phỏng đoán mang tính tiên tri về "hậu nhân" (post human - một thực thể nào đó thấy thế con người với những khả năng mắc chúng ta chưa từng sở hữu hay một dạng người khác trong tương lai). Cả hai đều có những tác phẩm xóa nhòa đi những giới hạn, những quy ước truyền thống, gạt bỏ nhân loại và việc coi con người làm trung tâm sang một bên. Đồng thời cũng đưa ra những câu hỏi không thể giải đáp về số phận loài người.
Trong nhiều tác phẩm của Franz Kafka, ông để con vật biết tư duy như con người và thể hiện những nhân vật là con người có tư duy chẳng khác nào con vật. Trong tác phẩm "Hóa thân", nhân vật chính, ngay từ câu mở đầu, khi thức giấc đã thấy mình biến thành côn trùng. Trong truyện ngắn "Báo cáo gửi học viện", nhân vật chính lại là một con khỉ với tên gọi Red Peter, biết cách hành xử như con người thậm chí có thể trình bày gãy gọn trước học viện câu chuyện về sự biến đổi của nó.
Viễn cảnh "hậu nhân loại" lại một lần nữa được thể hiện rõ nét hơn, trực tiếp hơn trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng của Karel Capek. Nhiều giả tưởng đã được ông sử dụng trong tác phẩm của mình, ông thực sự bị ám ảnh bởi những phát minh công nghiệp, ông thường mường tượng "hậu nhân loại" trong mối quan hệ của con người với công nghệ, thôi thúc độc giả suy nghĩ về khía cạnh đạo đức của tiến bộ xã hội và trách nhiệm với hậu thế.
Một số tác phẩm của Franz Kafka và Karel Capek được trưng bày tại buổi hội thảo chuyên đề
Nguy cơ tiềm ẩn hay phát kiến vĩ đại
Sự phát triển đột phá của các thiết bị thông minh, công nghệ hiện đại và cả Robot giống như nguyên tác trong văn học Séc dù góp phần làm cho cuộc sống con người trở nên thoải mái hơn nhưng cũng khiến cho nhiều người rơi vào trầm cảm, cô đơn, lười lao động và cả lười yêu. Một câu chuyện đáng buồn hơn đáng chê trách.
Trong bộ phim "Truth the man-2016", một lần nữa viễn cảnh "hậu nhân" đã vẽ lên bi kịch thế giới khi loài người mất đi khả năng "tạo sinh". Khi ấy liệu chúng ta có thể chuyển được "tính người" sang máy móc, Robot không?
Tranh luận về vấn đề này, bạn Lâm Quỳnh Trang (Khoa Ngữ văn, Đại học Sư Hà Nội) bày tỏ: "Con người thường có xu hướng sợ những gì mà mình không biết, không hiểu. Cho nên vấn đề không nằm ở chỗ con người có chuyển được "tính người" qua Robot mà sự hiện diện của nó khiến chúng ta phải do dự và thậm chí là bất khả quyết với chúng ta".
Tiếp nối vấn đề, Tiến sĩ Văn học Trần Ngọc Hiếu khẳng định: "Nếu văn học làm chúng ta lo âu thì đó là cái văn học mang đến cho chúng ta giá trị nhất". Tiến sĩ không ngần ngại chia sẻ: "Người học văn luôn do dự rất nhiều. Đi dạy văn cuối cùng cũng chỉ để cho cá nhân biết đó dự nhiều hơn. Càng do dự càng tốt".
Sinh viên Đại học Sư phạm cùng tham gia bàn luận, tự tin nêu lên ý kiến cá nhân
Lời cuối
Buổi hội thảo sau hơn 4 tiếng khép lại, trước khi tiếp tục hành trình, Tiến sĩ Văn học Verita Sriratana không quên gửi những lời nhắn nhủ: "Công nghệ tiến tiến sẽ giúp con người kéo dài tuổi thọ và trường tồn mãi mãi nếu có thể. Nhưng đừng vì thế mà vô tư thải ra môi trường những thứ gây ô nhiễm. Đừng quên chúng ta vẫn đang với những cái gọi là bệnh tật".
Đại diện trường ĐH Sư phạm Hà Nội trao tặng những bó hoa tươi thắm tới Ngài đại diện tổ chức và Tiến sĩ thay lời cảm ơn sâu sắc
"Tôi hơi áy náy khi nói nhiều về chủ nghĩa bi quan. Nhưng chính ở trong ngữ cảnh này, chúng ta mới có lòng tin vào công việc nghiên cứu văn chương. Người nghiên cứu văn chương thực chất là những người đi đầu trong việc đặt ra những câu hỏi lớn về mặt tri thức. Và trên thực tế ngành Robot hiện nay không phải bắt nguồn đầu tiên từ những phát kiến khoa học mà từ những sáng tạo văn học của Franz Kafka và Karel Capek". Bà tiếp tục khẳng định.
Có lẽ khi viết nên những tác phẩm của mình, họ cũng không nghĩ đến một ngày thế giới sẽ có sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo. Hóa ra văn chương luôn tiềm ẩn trong mình những tầm nhìn vượt trội.
Những "tiếng sấm" từ văn học Séc, có lẽ nên để thời gian trả lời mọi thứ.
Hồng Nhung
Cùng chuyên mục
Bình luận