Vũ Văn Ninh: “Làm phóng sự điều tra giống như nuôi con bạc"
(Sóng trẻ) – Đó là trải lòng của bạn Vũ Văn Ninh, sinh viên năm cuối lớp Báo chí Đa phương tiện K34A2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Mặc dù là sinh viên nhưng Ninh đã “lăn xả” với mảng báo chí điều tra đầy thử thách từ rất sớm. Chính điều này đã giúp anh có được những tác phẩm giá trị và kinh nghiệm trong nghề.
Phóng viên Trang tin Sóng trẻ đã có cuộc gặp gỡ trò chuyện với Vũ Văn Ninh về những trải nghiệm của anh trong suốt quá trình vừa học vừa làm các đề tài phóng sự điều tra.
Chào anh, cảm ơn anh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Trang tin điện tử Sóng trẻ!
PV: Thưa anh, trong báo chí có rất nhiều mảng, vậy lí do nào khiến anh lại chọn phóng sự điều tra làm hướng đi cho riêng mình?
Văn Ninh: Đối với mình mà nói, mảng phóng sự điều tra này là một mảng rất hấp dẫn, nó giống như chúng ta nuôi một con bạc vậy, biết đánh là thua nhưng vẫn cứ dấn thân vào. Và thể loại phóng sự điều tra rất được tôn trọng, mình không đánh giá thể loại này hơn thể loại kia mà ngay trong tòa soạn cũng có sự tôn trọng đối với người viết thể loại này. Nài ra, mình theo mảng này còn vì niềm đam mê, muốn trải nghiệm, theo đuổi sự thật và tìm đến được với sự thật.
PV: Vâng, phóng sự điều tra là một mảng yêu cầu phải có sự dấn thân, mạo hiểm. Điều gì thôi thúc anh chạy theo những đề tài hết sức nguy hiểm như vậy?
Văn Ninh: Có một nhà báo đi làm phóng sự điều tra và ông ấy suốt ngày bị đe dọa, họ không chỉ đe dọa ông mà còn cả gia đình ông. Có người hỏi ông sẽ làm gì trước những tình huống như vậy và ông nói chính bản thân mình cũng không biết phải làm gì. Bởi ông biết báo chí là một cái gì đó mà mình không thể hình dung trước được sự việc tiếp theo nó sẽ ra sao nên ông chỉ biết động viên mình và gia đình mình rằng: “Nó đã dọa nó sẽ không giết, mà nó đã giết nó sẽ không dọa mình làm gì cho tốn thời gian cả.”
Còn đối với bản thân mình, cái gì mình đã làm thì mình sẽ không sợ, mà đã sợ thì sẽ không làm. Bởi nếu vừa làm vừa sợ thì chắc chắn sẽ không làm được gì, đặc biệt trong quá trình tác nghiệp phải xác định được đối tượng mình phải tiếp cận là ai và tạo cho mình một tâm thế thật tốt. Mình làm một người phóng viên đi tìm sự thật, không làm điều gì xấu. Để bảo vệ tốt bản thân thì mình phải có sự chuẩn bị thật tốt, phải có kế hoạch cụ thể, báo cáo xin phép tòa soạn, cơ quan chức năng có thẩm quyền để bảo vệ chính mình, để pháp luật luôn đứng về phía mình.
Vũ Văn Ninh đến với phóng sự điều tra bằng niềm đam mê, theo đuổi sự thật và tìm đến được với sự thật.
PV: Vậy với cương vị là một sinh viên đi tác nghiệp thì anh phải gặp phải những khó khăn gì?
Văn Ninh: Nhìn từ góc độ của mình và các bạn thì khó khăn thứ nhất là đề tài. Đề tài hay mà triển khai không hay thì nó cũng hỏng, nói như vậy để hiểu đề tài chiếm đến 50% giá trị của tác phẩm báo chí. Nhưng việc tìm kiếm đề tài hay và mới bây giờ rất khó, nó được ví như chúng ta “Đãi cát tìm vàng”. Đề tài hay lại gặp quá nhiều khó khăn vướng mắc, đề tài xã hội bình thường thì có quá nhiều người khai thác.
Thứ hai, đó là kỹ năng, có rất nhiều bạn lầm tưởng rằng kỹ năng là những thứ chúng ta học được trên sách vở, lý thuyết, theo mình nó không được giảng dạy theo kiểu hàn lâm lý thuyết mà nó còn phải dựa vào quá trình. Còn cụ thể nó là gì, trong quá trình đi làm nghề thì các bạn sẽ tự tích lũy được từ những va chạm, trải nghiệm của chính bản thân.
Điều quan trọng thứ ba là tính pháp lý, khi đi làm, lúc này bạn không còn là sinh viên nhưng cũng chưa phải là một người phóng viên thực sự. Đôi khi tìm kiếm được những đề tài hay nhưng lại không thể thực hiện được vì bạn không có thẻ nhà báo, không được công nhận hay ủy quyền gì từ tòa soạn và các cơ quan có thẩm quyền.
Một khó khăn khác ít được nhắc đến nhưng lại là yếu tố quan trọng đó là kinh phí. Thông thường các tòa soạn sẽ có cơ chế, công tác phí, nhuận bút và lương nhưng đặt trên cương vị của sinh viên chúng ta thì tất cả điều đó thì lại rất khó khăn vì chưa phải là phóng viên nên sẽ không được hưởng các chế độ hỗ trợ nên việc thiếu kinh phí gây khó khăn rất lớn cho sinh viên.
Hình ảnh tác nghiệp của Vũ Văn Ninh trong tuyến bài điều tra “cát tặc” từ Yên Bái về tới Hà Nội.
PV: Bản chất của phóng sự điều tra là những tuyến bài dài, phải bỏ ra rất nhiều thời gian vậy anh đã phân bổ thời gian như thế nào cho hợp lý giữa việc học ở trường và đi làm?
Văn Ninh: Bản thân mình rất nể những bạn nào có thể cân đối được hai chuyện đó vì thật sự thì đấy là một điều mình làm chưa tốt. Nếu mình cân đối được thì kết quả học tập của mình sẽ còn tốt hơn. Tuy nhiên, báo chí là một ngành đặc thù, nó gắn liền với hoạt động xã hội nhiều cho nên việc đi làm và đi thực tế sẽ bổ trợ rất nhiều cho việc học trên trường của mình. Đối với chúng ta, việc học là một việc rất quan trọng, tuy nhiên đi làm thực tế sẽ bổ trợ rất nhiều cho việc học, chỉ có sự va chạm tiếp xúc bên nài mới mang đến cho chúng ta những kinh nghiệm. Thực trạng hiện nay các nhà tuyển dụng có sự ưu tiên các sinh viên trường khác vào công việc báo chí.
Vậy việc chúng ta học trường nào có còn quan trọng trong nghề báo hay không? từ đó các bạn cần cân đối việc học với việc làm của chính bản thân mình. Nhưng cũng xin cảm ơn các thầy cô trong trường rất nhiều, đã hiểu và tạo điều kiện cho sinh viên như mình khi đi làm, đấy cũng là một trong những lý do mà mình có thể đi làm và sản xuất ra được tác phẩm.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ ngày hôm nay.
Hà Chuyên – Tô Bình – Thu Hà
Cùng chuyên mục
Bình luận