6 năm ròng, người thương binh nhọc nhằn đi tìm sự tồn tại… trên giấy tờ

(Sóng trẻ) - 6 năm kể từ ngày nhận quyết định nghỉ hưu cũng là 6 năm ròng rã ông Cù Tất Hoa, thương binh hạng 3/4 , nguyên là cán bộ kỹ thuật Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Thọ khốn khổ với thủ tục nhập khẩu. Rất nhiều thủ tục, giấy tờ ông Hoa đã làm và gửi cho cơ quan có thẩm quyền nhưng rồi cũng chìm trong câm lặng và họ không giải quyết cho trường hợp của ông.

6 năm ngược xuôi làm thủ tục chứng minh nguồn gốc

Sáng nay, ông Cù Tất Hoa lại lật đật đi ra đồn công an phường Trường Thịnh để làm thủ tục nhập khẩu. Ngồi đợi cả buổi nhưng cuối cùng thứ ông nhận được vẫn là thái độ cũ, câu trả lời cũ: “Ông không có gốc nên không nhập khẩu được… không có gốc thì mọi giấy tờ có ích gì? Không phải từ trên giời rơi xuống mà nhập khẩu vào đây được”. Rồi ông Hoa lại lầm lũi đi về. 

Ông Cù Tất Hoa quê gốc trước đây ở  xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam Ninh cũ (nay thuộc tỉnh Nam Định). Năm 1945, gia đình ông chạy đói sang Thái Lan, ông sinh ra ở Thà - Bò, Thái Lan vào ngày 10-10-1949 (theo giấy khai sinh nhưng thực chất ông sinh năm 1946). Sau khi trở về nước, gia đình ông  chuyển lên định cư và nhập khẩu tại xã Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ  (nay là phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ). Tháng 3-1970, theo tiếng gọi cứu quốc thiêng liêng, ông nhập ngũ đi bộ đội vào Nam chiến đấu đến tháng 7-1978 được phục viên và chuyển ngành về Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Thọ làm việc. Là thương binh hạng ¾, cho nên ông được cơ quan xếp làm nhân viên kỹ thuật xây dựng. Ngày 19-8-2008, ông Hoa nhận quyết định về hưu theo nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 8-8-2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, quyết định số 1608 ngày 16-9-1997 của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thành lập bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Thọ và hồ sơ giải quyết chế độ hưu chí đối với ông Cù Tất Hoa.

Để thuận tiện cho việc sinh hoạt gia đình, hưởng các chế độ lương hưu, làm các thủ tục hành chính ông Hoa xin chuyển khẩu từ Khu tập thể Bệnh viện thị xã Phú Thọ về với vợ con tại Khu 2, phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú thọ. Sáu năm ròng rã trôi qua, ông Hoa vẫn cứ khổ sở đi đi, lại lại để cố làm tròn nghĩa vụ công dân của mình mà không được.

0a3a29e29_1.jpg
Ông Hoa gian nan chứng minh sự tồn tại trên giấy tờ

Đi tìm lời giải cho câu hỏi vì sao ông Hoa lại “không có gốc”? Tôi tìm gặp ông Hà Hữu Thịnh là cán bộ quản lí nhân khẩu và giải quyết chế độ của Bệnh viện thị xã Phú Thọ thời ông Hoa còn làm việc thì ông Thịnh khẳng định chính tay ông đã viết tên ông Cù Tất Hoa trong sổ bìa đá đang lưu trữ tại cơ quan công an phường Trường Thịnh. “Nếu không có khẩu thì làm sao ông Hoa có chế độ lương thực theo tem phiếu mà  nhận gạo, thịt hàng tháng khi còn chế độ bao cấp? Còn những vấn đề liên quan đến tách, chuyển khẩu của các hộ trong khu tập thể bệnh viện trước khi tôi lên đảm nhiệm thì tôi không biết”, ông Thịnh nói thêm. 

Ra công an phường Trường Thịnh tìm trong những bộ hồ sơ gốc thì chỉ có tên của vợ, con mà không hề có tên của ông Cù Tất Hoa, trong hồ sơ của khu tập thể bệnh viện cũng không có. Giờ cuốn sổ có tên ông Hoa bị thất lạc ở đâu hay tên ông chưa bao giờ tồn tại trong đống giấy tờ kia thì không ai biết.

Năm tháng trôi qua, người đi người ở, rồi không biết bao lần luân chuyển cán bộ ở bệnh viên cũng như ở cơ quan công an nên giờ muốn lục tìm được cuốn sổ có tên ông Hoa thật không dễ. Chỉ biết rằng bây giờ mỗi lần ra làm thủ tục nhập khẩu lại là một người khác yêu cầu những thủ tục giấy tờ khác. Và thế là ông Hoa cứ luẩn quẩn, cứ bị mắc kẹt giữa mớ bòng bong thủ tục giấy tờ mà không thoát ra được.

Quá trình chứng minh gốc gác một con người thật lắm gian nan. Ông Hoa đã nhờ từ trưởng công an phường Trường Thịnh trước kia, giám đốc Bệnh viện thị xã Phú Thọ… phải xuất trình nhiều loại giấy tờ theo yêu cầu của công an thị xã Phú Thọ như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận kết hôn, giấy giới thiệu của giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Thọ, các quyết định cho về hưu, quyết định đi bộ đội của chủ tịch nước Viêt Nam dân chủ cộng hòa (cũ), phiếu thay đổi hộ khẩu, bản khai nhân khẩu rồi rất nhiều đơn từ, giấy tờ khác nhưng đều không được chấp nhận.

0a3a29e29_2.jpg
 Đây chỉ là một trong số những bộ hồ sơ giấy tờ ông Hoa đã làm để chứng minh nguồn gốc của mình theo yêu cầu của cán bộ công an thị xã Phú Thọ.

Tập hồ sơ giấy tờ phải làm 6 năm qua của ông Hoa cứ thế dày lên theo năm tháng, nhưng xem ra vẫn là chưa đủ căn cứ để chứng minh nguồn gốc  của ông. Nó còn thiếu nhiều những giấy, những tờ mà cán bộ công an thị xã Phú Thọ cho là quan trọng mà ông Hoa lại không biết và họ cũng không muốn nói ra!

Không có hộ khẩu ông cũng không muốn tham gia Hội cựu chiến binh của phường Trường Thịnh vì sợ những rắc rối khi làm giấy tờ có liên quan khi nhập hội. Và đương nhiên những chế độ hàng năm của Nhà nước cho hội viên Hội cựu chiến binh ông cũng không được hưởng.  

Giờ mỗi lần cần đến giấy tờ để giải quyết công việc là ông Hoa không thể làm được vì mọi giấy tờ hiện có của ông đều đã cũ nát và hết hạn sử dụng. Chứng minh thư từ năm 1973 đã cũ mèm chẳng còn giá trị nhưng ông làm lại sao được khi không có sổ hộ khẩu? “Chứng minh thư không còn giá trị sử dụng, giờ ông nhà tôi có dám đi đâu ra khỏi cái thị xã này đâu. Muốn vào thăm con cháu trong Nam thì không đi được rồi,  hay mỗi lần ra bưu điện nhận bưu phẩm con cháu gửi ra cũng phải có chứng minh thư họ mới cho nhận. Nhưng may mắn là nhân viên bưu điện ở đó biết ông ấy lâu rồi nên họ chiếu cố cho”, bà Ma Thị Phương Dung ( vợ ông Hoa)  tâm sự.

Sự bất lực của người thương binh 64 tuổi 

Ông Hoa giờ tuổi đã cao lại thêm những thương tật một thời chinh chiến mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức khó chịu. Nhìn cái vóc dáng gầy gò, nhỏ yếu của ông mà xót xa, có lẽ ông không còn nhiều sức lực để có thể lo chạy thủ tục nhập khẩu nữa.

Thôi thì cứ đành để cái sự trớ trêu rằng trong giấy khai sinh của các con ông có đầy đủ cả cha cả mẹ nhưng trong sổ hộ khẩu (đứng tên vợ) lại là người vợ không chồng, những đứa con không cha… cứ tiếp tục. Thôi cứ đành tiếp tục sống bằng sự may mắn, sự chiếu cố mỗi khi đụng đến thủ tục hành chính.

“Tôi chán lắm, xưa chiến tranh bắt tôi đi bộ đội  nay đến kỳ bầu cử thì bắt tôi đi bầu cử tôi vẫn chấp hành ấy vậy mà không nhập khẩu cho tôi, bảo tôi là không có gốc. Ra đồn công an nhiều quá tôi cũng mặc cảm, mình tội tình gì đâu mà phải tới lui đồn công an suốt. Tôi hết cách rồi”, ông Hoa buồn bã.

Mặc cho một con người đã không tiếc tuổi xuân và xương máu của mình hiến dâng cho Tổ quốc như ông Hoa đã bao lần chạy tới, chạy lui đồn công an suốt ngần ấy năm trời chỉ để lo cái thủ tục nhập khẩu , mặc cho giám đốc bệnh viện đa khoa khu vực Phú Thọ đã có lời nhờ giúp đỡ nhưng xem ra đều vô nghĩa.

Giá như những cán bộ nghĩ cho sự đáng thương của một thương binh ở cái tuổi gần đất xa trời suốt khoảng thời gian quá dài không làm gì được mỗi khi đụng đến thủ tục hành chính, phải chạy vạy ngược xuôi để lo cho đủ giấy tờ. Nếu họ nghĩ được rằng ông Hoa đã phải đánh đổi những gì mà giờ phải chịu cái sự “hành” vô lí khi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình thì có lẽ ông Hoa đã không phải kêu lên đáng thương như thế này.

Đặt giả thiết nếu sau này ông Hoa không còn nữa, theo  giấy tờ không ai đủ tư cách pháp lí để thực hiện khai tử và làm các thủ tục để cắt giảm đối tượng lương hưu theo quy định cho ông,  thì  liệu vợ con ông Hoa khi tiếp tục hưởng  số tiền lương hơn 5 triệu đồng hàng tháng ông vẫn nhận như khi còn sống có hoàn toàn là lỗi từ phía người thân của ông Hoa không?. Bởi khi ông Hoa chủ động đi làm thủ tục nhập khẩu thì công an không giải quyết cho như vậy là ông Hoa không có hộ khẩu đồng nghĩa với việc ông Hoa sẽ không được công nhận  là công dân, hoàn toàn là người vô danh. 

Vấn đề ở đây không phải là đổ lỗi tại ai?, ai là người phải có trách nhiệm trong câu chuyện của ông Hoa? Mà điều quan trọng hiện giờ là sẽ phải giải quyết vấn đề đó như thế nào?. Có cần chăng phía công an, phía bệnh viện thị xã Phú Thọ và chính quyền phường Trường Thịnh ngồi lại với nhau để tìm ra một tiếng nói chung nhằm đi đến một cách giải quyết tốt nhất cho câu chuyện bi hài đã diễn ra quá lâu mà nhân vật trong câu chuyện thì đã quá chán nản và không đủ sức để kể tiếp nữa này? 

Không biết bao giờ trường hợp của ông Hoa mới được giải quyết? Tôi nghĩ chắc cũng chẳng nhanh. Ông Hoa có thể đợi được đến lúc được nhập khẩu về với vợ con âu cũng là chuyện đáng mừng.

 
Bài và ảnh: Như Quỳnh
Báo mạng điện tử K32


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN