Du lịch giá rẻ dịp nghỉ lễ: cẩn thận “tiền mất, tật mang”
(Sóng trẻ) - Nhu cầu du lịch tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 là một “miếng mồi béo bở” cho nhiều đối tượng phạm tội bằng cách rao bán tour du lịch giá rẻ trên các hội, nhóm mạng xã hội.
Đa dạng hình thức lừa đảo
Nhân dịp nghỉ lễ, chị Lâm Chi (Hà Nội) có kế hoạch thuê homestay nghỉ dưỡng cho nhóm 7 người qua 1 tài khoản facebook có tên viết tắt N.H. Tuy nhiên, khi đã chuyển 50% tiền cọc và mong muốn được xác nhận chắc chắn thì chị mới phát hiện bản thân đã bị lừa.
“Trước khi chuyển 1,6 triệu tiền đặt cọc, mình đã cẩn thận kiểm tra trang cá nhân của bạn tư vấn. Nhưng sau khi gọi vào số điện thoại chủ hộ trên giấy phép kinh doanh, mình lại được báo phòng của họ đã kín hết. Mình nhắn tin lại cho bạn N.H thì nhận được lời giải thích hết sức vô lý là ‘giấy phép này không phải là chủ hộ mà là quản gia’. Bạn N.H vòng vo cãi cố và chặn luôn số của mình”, chị Lâm Chi chia sẻ.
Một nạn nhân khác là chị Nguyễn Mỹ Thể (Hà Nội) vì nhẹ dạ cả tin vào những bài đăng quảng cáo du lịch giá rẻ trên fanpage có tên Happy Travel nên cũng bị lừa một số tiền lớn.
“Mình đặt dịch vụ trọn gói du lịch Hà Nội - Phú Quốc dài 4 ngày 3 đêm cho cả gia đình với giá 11,5 triệu đồng. Họ có cung cấp CCCD và giấy phép kinh doanh đầy đủ. Nhưng đó là căn cước giả, do tài khoản ngân hàng trùng với số căn cước nên mình không suy nghĩ nhiều mà chuyển khoản luôn. Khi mình yêu cầu code vé máy bay, họ lấy lý do xuất code lẻ mất nhiều thời gian. Vì mãi không thấy đưa code, mình gọi lại nhiều lần và đều không trả lời”, chị Thể cho biết.
Theo quan sát của phóng viên trên một số hội nhóm về review du lịch, các gói dịch vụ được chào mời thường có giá rẻ hơn rất nhiều so thực tế trên thị trường hiện nay. Mức chi phí để tận hưởng một kỳ nghỉ kéo dài 3 ngày 2 đêm tại 1 số địa điểm nổi tiếng trong nước như: Phú Quý, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hội An… dao động từ 1,9 triệu - 4 triệu. Lời quảng cáo thường kèm theo nhiều tiện ích hấp dẫn bao gồm vé máy bay khứ hồi, resort 5 sao, homestay cao cấp, vé vào các địa điểm vui chơi…
Khi tư vấn tour, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng phải chuyển khoản 100% chi phí, không đặt cọc trước và không cần hợp đồng. Nạn nhân chỉ phát hiện bị lừa khi không nhận được các thông tin về vé máy bay, phòng khách sạn và cuối cùng là bị chặn liên lạc.
Trước thực tế trên, chị Nguyễn Thanh Loan, làm việc tại công ty du lịch Viet Global Tour, cho biết: “Trong các dịp lễ lớn và mùa hè, khi nhu cầu du lịch tăng cao thì mức giá siêu rẻ là hoàn toàn không có. Trường hợp khác là khách hàng sẽ không được đảm bảo chất lượng như bài đăng giới thiệu”.
Ngoài ra, thủ đoạn lừa đảo hiện nay ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng có thể thành lập những fanpage, website giả mạo các công ty, cá nhân cung cấp dịch vụ uy tín, chạy quảng cáo, tạo tương tác để xây dựng niềm tin với nạn nhân. Những trang web lừa đảo có tên miền khá giống với trang web chính thống, chỉ khác một số ký tự nhỏ mà người dùng khó nhận ra.
Đặc biệt, Bộ Công an cảnh báo người dân cần cẩn trọng với thủ đoạn sử dụng công nghệ DeepFake chiếm đoạt tài sản. Tội phạm có thể kiểm soát tài khoản cá nhân người thân của nạn nhân, lấy cắp thông tin lịch trình, thực hiện cuộc gọi mạo danh có nội dung đi du lịch bị kẹt ở nước ngoài và cần một khoản tiền lớn để về nước khiến nhiều người nhanh chóng bị “sập bẫy”.
Làm thế nào để phòng tránh?
Theo chị Nguyễn Thanh Loan, để tránh sa vào “bẫy” của các đôi tượng du lừa đảo về du lịch, khách hàng nên đặt tour thông qua sự giới thiệu của những người quen biết. Hơn nữa, trong thời đại phát triển của các trang mạng xã hội, mọi người có thể tham gia vào các fanpage, hội nhóm để xem bình luận, kiểm tra độ uy tín của công ty. Một biện pháp chắc chắn hơn là đến trực tiếp đại lý để được tư vấn và mua gói du lịch dưới sự cam kết, đảm bảo rõ ràng bằng các hợp đồng hay hóa đơn.
Tuy nhiên, hình thức lừa đảo bằng bán dịch vụ du lịch vẫn còn phổ biến một phần do tâm lý “ham rẻ” của một bộ phận người dân. Sau khi bị lừa 11,5 triệu đồng, chị Thể chia sẻ bản thân sau này sẽ không bao giờ tin vào những lời quảng cáo hoa mỹ về một trải nghiệm du lịch sang trọng nhưng giá lại rẻ bất ngờ.
“Dịp nghỉ lễ ai cũng muốn được thư giãn bên gia đình. Nhưng vì chủ quan mà mình vừa mất tiền vừa ấm ức. Quảng cáo cũng có hai mặt của nó và sau này nếu cần đi du lịch mình sẽ trực tiếp đến thẳng công ty uy tín để đặt tour, có thể giá đắt hơn nhưng bản thân mình sẽ được cam kết rõ ràng”, chị Thể nói.
Bên cạnh đó, ngày 26/4, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, tố cáo vi phạm trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ. Khi phát hiện các hành vi vi phạm, các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin kịp thời, qua đường dây nóng: 024.39437610, 0904.342.536 trong giờ hành chính. Địa chỉ hộp thư điện tử là: [email protected].
Đồng thời, khi nhận thấy những hành vi lừa đảo liên quan đến du lịch, người dân cần trình báo ngay cơ quan công an và lưu lại những bằng chứng như đoạn tin nhắn, video, hóa đơn, hợp đồng… để phục vụ cho quá trình điều tra sau này.