8 hoạt động nổi bật trong lễ hội "Vui xuân Giáp Ngọ 2014"
(Sóng Trẻ) - Trong hai ngày 8 và 9/2, lễ hội "Vui xuân Giáp Ngọ 2014" đã diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc Học. Lễ hội năm nay một lần nữa đã thu hút được rất nhiều khán giả trong và nài nước thông qua những hoạt động đa dạng, phong phú và chất lượng.
Viết thư pháp
Như mọi năm, hoạt động viết thư pháp, tặng chũ và xin chữ được diễn ra tại địa điểm sau khu nhà trưng bày. Hoạt động truyền thống này được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là các vị phụ huynh đến xin chữ cho con của mình.
Tô vẽ tranh 12 con giáp
Các bé đến Bảo tàng Dân tộc học năm nay được hòa mình vào rất nhiều hoạt động vui chơi bổ ích, trong đó có hoạt động tô vẽ tranh 12 con giáp. Những bức tranh sinh động đủ 12 con giáp và mang không khí của xuân Giáp Ngọ đã khiến nhiều bé thích thú.
Nặn, bán tò he
Tò he là một món đồ chơi truyền thống in đậm dấu ấn Thủ đô Hà Nội. Năm nay, làng nghề tò he Xuân La tiếp tục mang tới không gian tò he. Bên cạnh việc bày bán các loại tò he, du khách tham quan có cơ hội được trải nghiệm việc nặn tò he từ những cục bột nếp sắc màu.
Làm nón Ba Giang
Nón Ba Giang là một nét đặc trưng của văn hóa Hà Tĩnh - địa phương có nhiều hoạt động xuất hiện tại Hội xuân Giáp Ngọ 2014 lần này. Nón Ba Giang là thứ quà từ xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, trở nên nổi tiếng trên thị trường nón Việt từ hơn 70 năm trước. Trong Hội xuân lần này, nón Ba Giang cùng với quy trình được giới thiệu đến đông đảo công chúng và hấp dẫn nhiều em nhỏ.
Dệt chiếu Nghèn
Cùng với nón Ba Giang, chiếu Nghèn, một nét văn hóa khác đậm chất Hà Tĩnh cũng được giới thiệu tại Hội xuân Giáp Ngọ lần này. Diễn ra ngay trên khuôn viên sau nhà trưng bày, du khách tham quan có cơ hội được tìm hiểu quy trình dệt chiếu Nghèn qua những nghệ nhân đến từ chính làng chiếu Trào Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, qua đó hiểu được sự kỳ công để dệt nên những tấm chiếu cói của người làng Trào Nha.
Múa rối nước
Đã trở thành hoạt động thường kỳ của Bảo tàng Dân tộc Học, song múa rối nước vẫn thu hút được rất đông khán giả đến xem, trong đó có nhiều du khách nước nài. Các phần trình diễn mang nét truyền thống kết hợp với tính địa phương của phường rối Nhân Mục, xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Phòng đã mang lại một không gian xưa vô cùng sống động cho những khán giả tại sân Thủy đình trong Hội xuân Giáp Ngọ 2014.
Hát ca trù
Diễn ra trong không gian nhà người Việt, ngay gần sân Thủy đình, hoạt động hát ca trù đã lôi kéo được nhiều du khách cả trong và nài nước. Các phần trình diễn ca trù đầy mê hoặc đến từ các ca nương của vùng quê Hà Tĩnh đã khiến người nghe phải nín lặng. Không chỉ được thưởng thức các tiết mục ca trù, du khách còn có cơ hội được giao lưu, trò chuyện với các ca nương và những người chơi đàn, chơi trống.
Đốt pháo bông kết hợp với múa tứ linh
Cây pháo bông của người làng Bảo Hà ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng được mang đến Hội xuân Giáp Ngọ lần này đã không làm du khách thất vọng. Cây pháo bông có 9 tầng, với 700 quả pháo, gồm 4 loại: pháo phụt, pháo quay, pháo ống và pháo thăng thiên; bốn giàn pháo thăng thiên ở 4 góc tượng trưng cho 4 hướng và 4 mùa trong năm. Hiệu ứng mà màn trình diễn pháo bông mang lại, kết hợp với màn múa tứ linh đã khiến những người đứng xem cực kỳ phấn khích.
Hữu Đức
Lớp Báo mạng Điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận