AI trong viết và dịch sách: Công cụ hỗ trợ hay đối thủ cạnh tranh?
(Sóng trẻ) - Trong bối cảnh công nghệ tiến bộ không ngừng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần len lỏi vào nhiều lĩnh vực, bao gồm cả viết và dịch sách. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của những cuốn sách do AI tạo ra lại làm dấy lên không ít tranh luận và lo ngại về giá trị thực sự của các tác phẩm này.
Một số người hoài nghi cho rằng AI chỉ đơn giản là một công cụ tổng hợp thông tin từ Internet. Họ lập luận rằng những cuốn sách do AI tạo ra thực chất chỉ là tập hợp kiến thức rời rạc, thiếu đi tính thực tiễn và không mang lại giá trị thực sự cho người đọc. Quan điểm này cho rằng các tác phẩm từ AI sẽ không có giá trị thương mại, bởi chúng thiếu sự sáng tạo và chiều sâu cảm xúc của con người.
Nhận định này có lý, bởi nếu AI chỉ dừng ở mức tổng hợp thông tin mà không bổ sung tính sáng tạo, kết quả sẽ dễ trở nên nhàm chán và không có giá trị nghệ thuật. Các tác phẩm thiếu đi sự sáng tạo cá nhân, cảm xúc chân thật và trải nghiệm sống – những yếu tố cốt lõi tạo nên sức hút của một tác phẩm văn học.
Theo Hội đồng Nhà văn Châu Âu, có khoảng 65% nhà văn tiểu thuyết và hơn 75% dịch giả lo ngại rằng AI có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập tương lai của họ.
Trợ lý đắc lực nếu sử dụng đúng cách
Chị Giang Linh, biên tập viên một nhà xuất bản ở Hà Nội, chia sẻ: “Công việc sáng tác có những đặc thù riêng mà tôi khó có thể nhận định, nhưng về dịch sách, nếu không dùng A.I sẽ bị lạc hậu, bỏ lại phía sau rất nhiều. Hiện tại, các công cụ A.I tiến bộ từng ngày, tự cạnh tranh lẫn nhau. Ví dụ, dịch tiếng Trung hiện nay trên chat GPT hoặc Gemini rất tốt, cho thấy tính học hỏi của A.I rất mạnh, có khả năng điều chỉnh văn phong, ngữ điệu,... rất tiện cho công việc dịch & biên tập đẹp hơn, chuẩn hơn. Rõ ràng các biên tập viên phải cập nhật và phát triển bản thân từng ngày.”
Ngoài ra, AI còn có thể là công cụ hỗ trợ hiệu quả khi được sử dụng một cách hợp lý. Kết hợp AI với hiểu biết, kỹ năng viết và trải nghiệm cá nhân của tác giả có thể giúp tối ưu thời gian, nâng cao hiệu quả, và tạo ra những cách tiếp cận sáng tạo trong quá trình làm nội dung.
Anh Đức Nhân, tác giả cuốn sách “Kỷ luật tự thân” vừa ra mắt tại Việt Nam, chia sẻ: “Bản thân mình cũng đã thử dùng A.I vào việc viết, và mình thấy A.I hỗ trợ rất nhiều, đặc biệt trong việc đưa ra ý tưởng. Nhưng nội dung A.I đưa ra chỉ là phổ quát thôi. Một người viết cần có tư duy & kinh nghiệm nhất định để có thể biến đổi nội dung đó, thêm các từ ngữ để mềm mại, bay bổng & đi vào lòng người”.
Cạnh tranh để không bị bỏ lại phía sau
Thạc sĩ Giáo dục Lương Dũng Nhân, tác giả của 6 cuốn sách với tổng số gần 100.000 bản in từ năm 2011 đến nay và cũng là một chuyên gia giảng dạy về AI đã chia sẻ các bước cơ bản để sử dụng AI trong việc viết sách. Các bước bao gồm: xác định mục tiêu và nhóm đối tượng độc giả; thu thập và chọn lọc thông tin; bổ sung kiến thức và trải nghiệm cá nhân; sáng tạo và phát triển nội dung; biên tập và hoàn thiện. Mỗi bước đều có thể ứng dụng AI để hỗ trợ, giúp tối ưu hóa quá trình viết sách.
“Một cuốn sách thực sự có giá trị không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, mà còn phải mang lại cảm xúc và sự kết nối với người đọc. Trong quá trình viết, tôi nhận ra rằng AI có thể giúp chúng ta xử lý một lượng lớn dữ liệu và đưa ra những gợi ý, nhưng chỉ có con người mới có thể tạo ra những câu chuyện và cảm xúc chân thật. Ví dụ, khi viết về những thách thức mà học sinh phải đối mặt trong thời đại số, tôi đã kết hợp dữ liệu từ AI với những câu chuyện thực tế từ học sinh của mình. Điều này giúp nội dung trở nên sinh động và có sức thuyết phục hơn.” - Thạc sĩ Lương Dũng Nhân cho biết.
Sự tiến bộ của AI mang lại những lợi ích không thể bỏ qua cho hầu hết các ngành nghề, và mỗi người trong đó cũng cần thích ứng để phát triển cùng với sự thay đổi này. Để tạo ra một cuốn sách chất lượng với sự hỗ trợ của AI, tác giả cần chuẩn bị kỹ càng và biết cách khai thác tối đa tiềm năng của các công cụ AI.
Việc ứng dụng AI vào viết và dịch sách đã mang lại cả cơ hội lẫn thách thức cho các tác giả và dịch giả trong thời đại hiện nay. AI có khả năng giảm bớt các công việc lặp lại và đưa ra những gợi ý hữu ích, nhưng chính những cảm xúc và trải nghiệm riêng của con người mới tạo nên giá trị độc đáo cho mỗi tác phẩm. Rất có thể, chúng ta sẽ chứng kiến một thế hệ mới của các nhà văn và dịch giả ra đời trong tương lai gần.