Bài toán chọn ngành học phù hợp của học sinh 2006
(Sóng trẻ) - Chỉ khoảng 3 tháng nữa, kì thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia sẽ diễn ra. Trong thời gian này, các sĩ tử 2006 đã và đang có những sự lựa chọn riêng về trường hoặc ngành học mình mong muốn.
Hiện nay, các tiêu chí lựa chọn ngành học đang được quan tâm, chú trọng và phần đa các bạn học sinh cuối cấp luôn lựa chọn ưu tiên sở thích và năng lực của mình. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi cá nhân, các bạn học sinh sẽ có những định hướng, lựa chọn riêng.
Chọn theo sở thích, năng lực bản thân “lên ngôi”
Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn học sinh cuối cấp hiện nay có xu hướng chọn ngành theo sở thích cá nhân. Bạn Khánh Vy - hiện là học sinh lớp 12, trường THPT Cầu Giấy là một trong số đó Vy chia sẻ: “Khi chọn ngành theo đam mê, sở trường, mình sẽ có hứng thú hơn trong việc học tập, nghiên cứu. Bên cạnh đó, ngành nghề ấy sẽ gắn bó với bản thân mình được lâu dài hơn”. Khánh Vy cho biết, bản thân là người yêu thích những công việc liên quan đến viết lách. Vì vậy, Vy nghĩ rằng bạn sẽ phù hợp với các ngành liên quan đến xã hội như báo chí - truyền thông.
Lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp luôn là một “bài toán” khó đối với học sinh cuối cấp. Nhằm tìm ra “đáp số”, bạn Tống Phương Anh (trường THPT Phan Huy Chú) cho biết: “Mình luôn đặt việc lựa chọn ngành theo sở thích và năng lực lên hàng đầu. Bản thân mình đã có sự tìm hiểu kỹ càng và quyết định đặt mục tiêu chinh phục nhóm ngành công nghệ”.
Có nên chọn ngành theo xu thế của xã hội?
Ngày nay, khi các nền tảng truyền thông đại chúng phát triển, học sinh có nhiều hình thức phương tiện để tra cứu, tìm hiểu thông tin cũng như được lắng nghe tư vấn về các ngành nghề đang có xu hướng phát triển. Điều đó có thể dẫn đến hiện tượng nhiều học sinh “đổ xô” vào lựa chọn những ngành được xếp vào nhóm “sẽ phát triển”, khiến cho số lượng đăng ký vượt quá mức so với chỉ tiêu ban đầu khiến cho điểm chuẩn của ngành cao “chạm nóc”.
Đứng trước vấn đề này, bạn Diệu Linh (17 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Mình cũng lo lắng trước tình trạng đó, nhưng mình nghĩ ai cũng muốn lựa chọn an toàn, học một ngành nghề đang là xu thế sẽ giúp các bạn có tỷ lệ việc làm cao hơn khi ra trường”. Với cá nhân Diệu Linh, bạn cũng ưu tiên chọn những ngành nghề đang nổi trong xã hội với mong muốn sẽ có một công việc tốt trong tương lai.
Bên cạnh sự phát triển của truyền thông đại chúng, xu thế hội nhập cũng tăng mạnh. Nhiều học sinh cho rằng, bản thân cần phải học những ngành “hot” hiện nay để có cơ hội hội nhập và tiếp cận được với nhiều quốc gia tiên tiến khác. Bạn Yến Chi là một trong số học sinh có suy nghĩ như vậy: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, vì vậy mình muốn học những ngành vừa có thể phát triển trong nước, vừa có thể phát triển ở quốc tế”.
Cân nhắc từ lời gợi ý của phụ huynh
Nhiều học sinh cho rằng khoảng cách thế hệ giữa phụ huynh và bản thân là trở ngại lớn trong việc lựa chọn ngành nghề do thường xuyên bất đồng quan điểm. Bạn Diệu Linh - học sinh trường THPT Đông Mỹ cho hay: “Mình thấy phụ huynh với học sinh đôi khi sẽ có những suy nghĩ khác nhau, vì vậy bên cạnh việc tham khảo ý kiến của cha mẹ, chúng ta vẫn nên có chính kiến riêng của bản thân”.
Tuy nhiên, cha mẹ hiện nay đã luôn cố gắng quan tâm, “tiến gần” hơn đến tâm lý con trẻ để lắng nghe và thấu hiểu suy nghĩ của các em học sinh. Là một phụ huynh muốn con được tiếp cận sớm hơn với việc lựa chọn ngành học, chị Hoa (Hai Bà trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi định hướng mang tính gợi ý để con có cơ hội được hiểu thêm về nhiều ngành nghề; lĩnh vực để con có nhiều sự lựa chọn hơn”. Với chị, mỗi ngành đều có những điểm hay riêng và các kiến thức ở đa lĩnh vực đều có thể hỗ trợ được cho nhau: “Tôi thấy mỗi thứ hiểu biết một chút sẽ giúp con dần hoàn thiện, trưởng thành hơn”.
Việc lựa chọn ngành học phù hợp lâu nay luôn là vấn đề quan trọng đối với học sinh cuối cấp. Học sinh cần cân nhắc, lựa chọn kỹ càng để được học trong môi trường phù hợp, có thể phát triển toàn diện và tìm được cơ hội tốt nhất trong tương lai.