Bản sắc văn hóa Mường: "Đẻ đất, Đẻ nước"
(Sóng trẻ) - Từ sử thi "Đẻ đất, Đẻ nước" huyền thoại đến những phong tục tập quán, người Mường đang nỗ lực gìn giữ kho tàng văn hóa đồ sộ. Đây là hành trình đầy ý nghĩa, khẳng định sức sống bền bỉ của một di sản quý giá.
Trong nền văn hóa chung của đất nước, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, được hun đúc từ cuộc sống, lao động, tình cảm cộng đồng của con người. Người Mường mang trong mình một sức sống mạnh mẽ, lâu bền với bản sắc văn hóa vô cùng mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần đặc sắc và ấn tượng, góp phần làm nên truyền thống văn hóa đa dạng cho đất nước Việt Nam.

Dân tộc Mường còn có tên gọi là Mol, Mual, Moi. Dân tộc Mường nói tiếng Mường, ngôn ngữ thuộc nhóm Việt - Mường trong ngữ chi Việt thuộc ngữ tộc Môn-Khmer của ngữ hệ Nam Á. Người Mường ở Việt Nam cư trú trên một địa bàn khá rộng: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Sơn La. Hiện nay người Mường đã đến sinh sống ở các tỉnh phía Nam.
Đặc biệt, tuy không có chữ viết riêng, xong người Mường Phú Thọ có kho tàng văn nghệ dân gian rất đặc sắc, với truyện dân gian, tục ngữ, thơ ca dân gian, các bản tình ca ngọt ngào mà nhiều người đã biết đến. Trong đó phải nhắc đến sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” (Té tấc, té đạc) - bản hùng ca huyền thoại của người Mường thể hiện sức mạnh hào hùng, anh dũng của dân tộc Mường, cho đến các thể loại thơ ca tục ngữ, truyện dân gian như Nàng Nga - Hai Mối; Út Lót - Hồi Liêu; hát ru em, hát đố, đồng dao, hát xường, hát đúm, bộ mẹng, sáo ôi, lạc thổ, múa tung còn, chèo ma, phường bùa, cồng chiêng, pôồn pôông…

Sống giữa bản Mường Luỹ Ải bình yên, nếp nhà của nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Khẩn, xã Mường Bi tỉnh Phú Thọ mang đặc điểm kiến trúc cổ xưa của vùng Mường Bi. Ngôi nhà sàn 1 gian, 2 chái, làm từ gỗ, nứa, tre. Tầng dưới cùng (gầm nhà sàn) vẫn giữ nền đất, là nơi để dụng cụ sản xuất như khung cửi, dao, cung, nỏ.
Tầng quan trọng nhất của ngôi nhà là tầng giữa làm nơi thờ tự và sinh hoạt, nghỉ ngơi của các thành viên trong gia đình. Về tầng gác tuy đã giản tiện nhiều so với trước kia nhưng già Khẩn vẫn giữ lại một phần nhỏ để cất giữ kỷ vật truyền thống của gia đình, gồm 1 xanh đúc bằng đồng, 3 cặp trò ổ (dụng cụ đựng chăn, màn, áo, gối, trang sức… của cô dâu khi về nhà chồng) đã được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Già Khẩn cho biết: "Xưa kia, người Mường Bi lập bản, lập Mường, xây dựng cuộc sống được sáng tạo trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn. Tất cả những điều này được ghi rõ trong sử thi "Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường và được lưu giữ đến ngày nay. Nhà sàn của người Mường cổ có hình dáng kiến trúc 4 mái dốc theo hình con rùa. Làm nhà, người Mường coi trọng cầu thang, cửa chính, máng nước sinh hoạt, cối đuống… Vì thế, dù nhà to hay nhà nhỏ, những bộ phận này luôn được đặt đúng vị trí. Không chỉ giữ nét đặc sắc nhà sàn Mường, già Khẩn còn là một trong những nghệ nhân nắm giữ mo Mường, luôn đau đáu với việc bảo tồn phong tục, tập quán của người Mường Bi".

Cùng với đó, người Mường còn có những lễ hội đặc sắc gắn với tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng, đánh thức núi rừng. Tiếng cồng, tiếng chiêng có mặt trong mọi mặt của đời sống, vang lên khi một đứa trẻ người Mường sinh ra, khi có người Mường mất... Văn hóa cồng chiêng đã được sáng tạo, lưu truyền trong đời sống cộng đồng người Mường hàng nghìn năm, góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Mường.