Báo chí địa phương trong xu thế hội tụ truyền thông
Trong thời gian gần đây, “hội tụ truyền thông” (nguyên văn tiếng Anh: media convergence) là một khái niệm thường được nhắc tới không chỉ trong giới nghiên cứu lý luận báo chí mà cả trong ngành viễn thông. Nhiều ý kiến cho rằng: hội tụ truyền thông là một xu thế khởi phát từ những phát minh công nghệ mới.
1.Vài nét về xu thế hội tụ truyền thông
Trong thời gian gần đây, “hội tụ truyền thông” (nguyên văn tiếng Anh: media convergence) là một khái niệm thường được nhắc tới không chỉ trong giới nghiên cứu lý luận báo chí mà cả trong ngành viễn thông. Nhiều ý kiến cho rằng: hội tụ truyền thông là một xu thế khởi phát từ những phát minh công nghệ mới.
Theo nhà báo Phan Văn Tú, trong xu thế hội tụ truyền thông, ngày nay “chỉ cần một chiếc điện thoại di động giá không cao lắm, bạn cũng có thể là thành viên bình đẳng trong làng truyền thông toàn cầu... Điện thoại di động hiện nay thường được thiết kế đa chức năng: quay phim, ghi âm, nghe phát thanh, chụp ảnh, lưu trữ, lướt web, định vị vệ tinh, soạn thảo văn bản, check email… Cái thiết bị tưởng như rất đơn giản này đã là một bằng chứng, “minh chứng khá tiêu biểu cho kỷ nguyên hội tụ công nghệ” (http://phanvantu.wordpress.com).
Tác giả Trần Mạnh Đạt trong một bài viết do Công ty Viễn thông Quốc tế VTI tài trợ cho biết: theo một công bố mới đây của Hiệp hội GSM, trên toàn thế giới hiện có 245 nhà cung cấp đang sử dụng công nghệ HSPA, và 65 nhà mạng khác đang trong giai đoạn thử nghiệm, hoặc đang được triển khai. “Trung bình một tháng có thêm khoảng bốn triệu kết nối dịch vụ và hơn 1.380 thiết bị đầu cuối lựa chọn công nghệ này từ 134 nhà cung cấp khác nhau”.
Một nghiên cứu của Juniper Research đã khẳng định HSPA sẽ là công nghệ băng rộng di động “chiếm lĩnh" thị trường này trong 5 năm tới và sẽ chiếm gần 70% tổng số thuê bao băng rộng di động”. Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Informa Telecoms & Media dự đoán rằng “HSDPA sẽ chiếm 65% của các thuê bao băng rộng di động 3,5G trên khắp thế giới với 2,8 tỉ thuê bao vào năm 2014. Pringle cũng đưa ra nhận định rằng HSPA sẽ là công nghệ băng rộng di động chiếm lĩnh trong ít nhất là 5 năm tới, sau đó nó có thể bị bắt kịp bởi các công nghệ 4G như LTE”.
Trong bài viết “Xu thế hội tụ trong lĩnh vực truyền thông, tác giả Nguyễn Trung Kiên (Học viện Bưu chính – viễn thông) cho rằng: “Truyền thông bao gồm Viễn thông, Internet, Phát thanh, truyền hình. Mặc dù hiện tại các giải pháp kỹ thuật thực hiện các mảng này vẫn phát triển theo sự độc lập tương đối với nhau nhưng nét chủ đạo đang được kỳ vọng và cũng đang diễn ra trong thực tế là sự hình thành của một môi trường tích hợp chung, môi trường này làm nền tảng cho các dịch vụ truyền thông hợp nhất (UC- Unify Commnication). Sự chuyển đổi theo xu hướng này diễn ra trong các khía cạnh khác nhau: từ phía thiết bị người dùng cuối, phương thức truy nhập, mạng chuyển tải và giải pháp cung cấp dịch vụ”...
Xuất phát từ góc độ kỹ thuật, trong bài viết này, trên cơ sở trình bày về “môi trường truyền thông đa dạng” và “sự hợp nhất của các môi trường truyền thông”, tác giả đã trình bày một số “giải pháp kỹ thuật” nhằm đạt tới một “môi trường truyền thông hợp nhất”. Tuy chỉ có mục đích khá khiêm tốn là nhằm “giới thiệu một số thông tin về sở cứ cũng như các ý tưởng và giải pháp cho sự chuyển đổi hướng đến môi trường truyền thông hợp nhất”, ở một mức độ nào đó, bài báo này đã dự báo về một xu hướng phát triển với những biến đổi cơ bản, có tầm quan trọng sống còn mà hệ thống báo chí – truyền thông nói chung, trong đó có hệ thống báo chí địa phương nói riêng không thể không quan tâm nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển.
Cũng theo nhà báo Phan Văn Tú, “thời đại Internet cho phép thông tin được truyền tải trên một môi trường khác “vật liệu mang thông tin” theo kiểu cũ (như giấy in chẳng hạn)”. Có thể thấy trước rằng sự phân biệt đặc trưng, đặc điểm của các loại hình báo chí truyền thống trong kỷ nguyên internet sẽ là rất mờ nhạt. Trong cơ quan báo chí hội tụ, “thông tin sẽ được chủ động phân phối theo cách mà công chúng cần tiếp nhận nó nhanh nhất, chất lượng nhất, đầy đủ nhất”. Như vậy, một cơ quan báo chí khi đã hội tụ truyền thông “phải cấu trúc lại để trở thành một guồng máy sản xuất, chế biến, phân phối thông tin nhằm cho ra nhiều “món” mà công chúng tự chọn lựa theo cách của họ, vào thời điểm họ muốn và theo nhu cầu của họ”.
Tác giả bài viết này còn cho rằng: “Áp lực của xu thế hội tụ truyền thông thực chất là áp lực từ công chúng báo chí khi nhu cầu được tương tác thông tin, quyền được thông tin ngày càng mở rộng (chứ không chỉ có nhu cầu hưởng thụ thông tin một chiều). Cùng với vai trò cá nhân trong đời sống truyền thông, hội tụ công nghệ, tích hợp đa phương tiện trong truyền thông đại chúng đang là một xu thế tất yếu. Xu thế này ngày càng phát triển mạnh và đặt ra nhiều vấn đề cho người làm báo “chính thống” hôm nay” (http://phanvantu.wordpress.com)
Theo kỳ vọng của Chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước về CNTT và Truyền thông giai đoạn 2006 – 2010, “tại mỗi gia đình, toàn bộ các dịch vụ truyền thông giải trí, liên lạc, tự động hoá ngôi nhà,… được kiểm soát thông qua màn hình TV với một cổng truyền thông gia đình (Home Gateway)”. Một phần của Chương trình này là Đề tài KC.01.14/06-10 do Mekong Media và Công ty VDC phối hợp thực hiện với mục tiêu đề xuất một mô hình khung tham chiếu chung (Reference Framework) về Open IPTV và hạ tầng kỹ thuật tích hợp đa dịch vụ truyền thông trên nền IP (Multiplay) cho các nhà cung cấp hạ tầng và dịch vụ viễn thông - truyền hình tại Việt Nam.
Như vậy, công nghệ phát triển đã tạo ra cơ sở kỹ thuật cho xu hướng “hội tụ truyền thông”. Tuy nhiên, cũng cần phải nói ngay rằng: thuật ngữ “hội tụ truyền thông” (hoặc “truyền thông hội tụ”) mặc dù đã được nhiều người nhắc đến nhưng đó mới chỉ là sự thống nhất về mặt thuật ngữ chứ chưa phải sự thống nhất về nội hàm. Hiện đang có tình trạng mỗi người hiểu một cách khác nhau về những khái niệm này. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng hội tụ truyền thông chính là sự hợp nhất của các loại hình báo chí truyền thống trong cùng một cơ quan báo chí.
Hiện nay ở Việt Nam, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của số lượng thuê bao Internet băng rộng, sự phát triển của công nghệ mới đã và thực sự trở thành một xu thế mở ra những thuận lợi và kể cả những thách thức mới. Xu thế này đã và đang thực sự có những tác động mạnh mẽ vào hoạt động báo chí nước ta. Tất nhiên, sự tác động này sẽ thể hiện với những tính chất, mức độ khác nhau đối với từng loại hình báo chí và từng cơ quan báo chí. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là không cơ quan báo chí, truyền thông nào có thể đứng nài sự tác động có tính quy luật này. Do đó, điều quan trọng là những người làm báo chí - truyền thông phải nhanh chóng nhận thức được xu hướng và đón bắt, tận dụng nó như một cơ hội để tồn tại và phát triển.
Trong xu thế hội tụ truyền thông, có nhiều câu hỏi được đặt ra như: tương lai báo in sẽ ra sao? Phát thanh, truyền hình qua mạng, qua i-phone liệu có giành thị phần của các kênh truyền thống không? Như thế nào là một tòa soạn hội tụ? Quá trình hội tụ có dẫn đến việc hình thành những tập đoàn báo chí không? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời nhưng rõ ràng là không ai có thể né tránh. Và trong số rất nhiều những câu hỏi được nêu ra, có một câu hỏi rất quan trọng là: hệ thống báo chí ở các địa phương nước ta sẽ phải vận động, phát triển như thế nào để thích ứng với xu thế này để tồn tại và tiếp tục phát triển?
2.Vai trò của báo chí địa phương
Trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, bên cạnh các cơ quan báo, đài của Trung ương Đảng còn có hệ thống báo chí của các địa phương. Báo chí địa phương là một bộ phận quan trọng cấu thành nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Ở các địa phương, báo đảng do Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo, quản lý, còn các Đài phát thanh, Đài Phát thanh và Truyền hình do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Nài ra, ở các địa phương còn có các văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí Trung ương và một số nơi còn có báo cấp sở, ngành của tỉnh. Là bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí địa phương không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là cơ quan tuyên truyền, giải thích vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách mà còn định hướng chính trị, tư tưởng cho nhân dân trước các sự kiện, vấn đề trong tỉnh, thành, khu vực, trong nước cũng như quốc tế.
Trong công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, những năm qua, hệ thống báo chí địa phương nước ta đã không ngừng đổi mới, cải tiến các chuyên trang, chuyên mục, chương trình… phù hợp với nhu cầu của công chúng; góp phần to lớn trong việc động viên tinh thần thi đua lao động, làm việc, học tập trong các tầng lớp nhân dân; cổ vũ những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương; đem đến cho công chúng địa phương những thông tin bổ ích, thiết thực, gắn với cuộc sống hàng ngày của họ. Báo, đài cũng đã phát hiện, vạch trần nhiều vụ việc, góp phần ngăn chặn thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân, gióng lên những tiếng chuông cảnh tỉnh, giáo dục cần thiết trước những tiêu cực cản trở sự tiến bộ xã hội.
So với các đài, báo Trung ương và của ngành, báo đài địa phương có lợi thế là nắm chắc hoàn cảnh cụ thể, phong tục tập quán địa phương, đi sâu vào từng đối tượng riêng biệt, từ đó thông tin gần gũi, góp phần tác động vào tư tưởng, tình cảm của người dân địa phương một cách trực tiếp.
Mỗi địa phương đều có những truyền thống và đặc điểm riêng về đời sống kinh tế - xã hội, có sắc thái riêng trong tâm lý của công chúng báo chí. Công chúng địa phương thích đọc báo, nghe đài địa phương trước hết vì họ luôn luôn muốn biết được những thông tin của địa phương mình, những thông tin đã và đang diễn ra xung quanh mình. Đó chính là lợi thế của hệ thống báo chí này.
Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân, báo chí địa phương giữ vai trò quan trọng trong việc giữ vững sự ổn định chính trị, thúc đẩy công cuộc đổi mới về mọi phương diện, nhất là phát triển kinh tế, góp phần nâng cao dân trí và dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội ở địa phương.
Thời gian vừa qua, trước những tác động của cuộc cách mạng về công nghệ thông tin; sự thay đổi về nhu cầu, tâm lý của công chúng; sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet và sự bùng nổ các phương tiện truyền thông, nhiều cơ quan báo chí địa phương đã linh hoạt tìm cách thích ứng và bước đấu đã thu được những thành công nhất định. Giải pháp phổ biến nhất hiện nay là xuất bản các phiên bản điện tử của báo in và đưa các chương trình phát thanh, truyền hình lên mạng Internet.
3.Những bước đi đầu tiên của báo chí Bắc Ninh trong quá trình hội tụ truyền thông
Có thể minh chứng cho những vấn đề nêu trên bằng hoạt động báo chí tại bất cứ địa phương nào ở nước ta hiện nay. Trong phạm vi của bài viết này, xin được lấy ví dụ từ hoạt động của báo chí trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là địa phương mà chúng tôi đang công tác. Ở đây hiện có ba cơ quan báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép xuất bản thường xuyên là Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp chí Người Kinh Bắc. Nài ra, còn có một số ấn phẩm có tính báo chí do các sở, ban, ngành đoàn thể xuất bản định kỳ hàng tháng, hàng quý và một số trang web.
Báo Bắc Ninh hiện có hai ấn phẩm là tờ báo 8 trang (5 kỳ một tuần, khổ 29 cm x 42 cm, số lượng ổn định 7000 bản) và một tờ nguyệt san 36 trang (khổ 19 x 27 cm, số lượng phát hành 7000 bản). Báo Bắc Ninh điện tử được khai trương từ tháng 1/2004, thường xuyên đưa thông tin về Bắc Ninh lên mạng Internet, góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Ninh và những tin tức thời sự của địa phương đến với độc giả trong nước và quốc tế.
Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Ninh đang phát sóng 03 chương trình phát thanh với tổng thời lượng 2h30 phút/ngày trên sóng FM, trong đó có một chương trình phát thanh trực tiếp. Trang web của Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Ninh (có địa chỉ truy cập là http://www.btv.v.vn ) đăng tải thông tin về các chương trình phát thanh và truyền hình hàng ngày và cập nhật, quảng bá hình ảnh Bắc Ninh qua chương trình truyền hình trực tuyến tới đông đảo khán, thính giả trong và nài nước.
Tạp chí Người Kinh Bắc là cơ quan ngôn luận của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. Mỗi năm Tạp chí xuất bản 04 số, mỗi số 450 cuốn, đảm bảo chất lượng, nội dung và có nhiều đổi mới về hình thức.
Cùng với các cơ quan báo chí kể trên, ở Bắc Ninh hiện còn có bản tin Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh). Bản tin này xuất bản hàng quý với dung lượng 30 trang, khổ 19 x 27cm, số lượng phát hành 1000 bản. Trang thông tin điện tử Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh (http://www.vanhoattdlbacninh.v.vn (ra mắt từ tháng 1/2008) và cổng thông tin điện tử Bắc Ninh (được khai trương từ tháng 1/2004) cũng là những kênh thông tin quan trọng về mọi mặt hoạt động của địa phương Bắc Ninh trên mạng Internet.
Với cơ cấu và số lượng các cơ quan báo chí như trên, có thể thấy những người làm báo Bắc Ninh đã có nhiều cố gắng để thích ứng với sự phát triển của công nghệ mới. Tuy nhiên, những cố gắng đó xem ra vẫn là chưa đủ, nhất là trong bối cảnh có sự bùng phát mạnh mẽ của các thiết bị đầu cuối và của mạng Internet ở Bắc Ninh hiện nay.
Theo thống kê của Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Bắc Ninh, tính đến hết quý 1 năm 2011, toàn tỉnh này đã có tổng số thuê bao điện thoại hiện có trên mạng đạt 1.247.822 thuê bao, trong đó thuê bao cố định (cố định có dây và không dây) đạt: 258.579 thuê bao; thuê bao di động đạt: 990.242 thuê bao; mật độ điện thoại đạt 115 máy/100 dân. Internet băng rộng tiếp tục phát triển mạnh với tổng số thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh đạt 50.298 thuê bao (đạt mật độ 4,7 thuê bao/100 dân, quy đổi là 22,2 thuê bao/100 dân). Tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông ở Bắc Ninh ước đạt 654 tỷ đồng .
Những số liệu trên cũng khá phù hợp xu hướng trên thế giới là số lượng các thuê bao điện thoại di động tăng hơn hẳn so với thuê bao cố định. Rõ ràng là chiếc máy điện thoại di động đang chiếm ưu thế và đang dần trở thành một thiết bị đầu cuối có vai trò đặc biệt quan trọng của truyền thông hội tụ.
Chúng ta biết rằng quá trình hội tụ truyền thông hiện nay đang tạo ra những hệ quả đòi hỏi báo chí phải thích ứng. Trước hết, đó là việc các cơ quan báo chí không còn độc quyền trong việc cung cấp thông tin do sự xuất hiện các trang mạng xã hội và hàng triệu blog cá nhân. Bên cạnh đó là sự thay đổi vị thế của công chúng - từ chỗ chỉ là người tiếp nhận thông tin một cách bị động, nay họ đã trở thành người chủ động tham gia sản xuất, cùng cấp thông tin; Sự kết hợp giữa viến thông và truyền hình trên giao thức Internet nài khả năng hội tụ còn có đặc tính tương tác và cá thể hóa. Việc tích hợp các loại hình viễn thông, báo chí khác nhau trên cùng một thiết bị còn có thể tạo ra những thay đổi quan trọng, tạo cơ sở cho sự ra đời của những dịch vụ mới ngày càng tiện ích hơn ...
Nói tóm lại, xu hướng hội tụ truyền thông đang tạo ra những áp lực mạnh mẽ đối với hoạt động báo chí địa phương trong cả nước nói chung và báo chí Bắc Ninh nói riêng, đòi hỏi các cơ quan lãnh đạo, quản lý và những người làm báo phải có những bước đi nhanh chóng, nhạy bén và đúng hướng.. Trong bối cảnh hội nhập, phát triển hiện nay, các cơ quan báo chí Bắc Ninh cần phải có những thay đổi – trước hết là thay đổi trong nhận thức và tư duy về xu hướng có tính quy luật này, từ đó xây dựng những giải pháp cụ thể để thích ứng, tận dụng và phát triển.
ThS. Nguyễn Tiến Vụ
Văn phòng UBND tinh Bắc Ninh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nghị quyết số 16-NQ/TW “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”, Hà Nội.
- Ban Tuyên giáo Trung ương (2007), Tăng cường lãnh đạo, quản lý tạo điều kiện để báo chí nước ta phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong thời gian tới, NXB Lý Luận - Chính trị, Hà Nội.
- Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương - Bộ Văn hoá Thông tin - Hội Nhà báo Việt Nam (2002), Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- TS Đinh Thị Thúy Hằng (2008), Báo chí thế giới - Xu hướng phát triển, Nxb Thông tấn, Hà Nội.
- Một số website chuyên ngành Viễn thông và Báo chí